Triết lý tình yêu của Quỳnh Dao bị "lỗi thời"?

Đinh Đang (Theo Sina) Thứ ba, ngày 10/12/2024 15:36 PM (GMT+7)
Từ 7 năm trước, nữ nhà văn Quỳnh Dao đã công khai mong muốn được ra đi trong sự thanh thản, từ chối mọi can thiệp y tế lớn nếu sức khỏe suy giảm.
Bình luận 0

Vào chiều 4/12, nhà văn Quỳnh Dao (tên thật là Trần Triết) được cho là đã tự quyết định kết thúc cuộc đời mình ở tuổi 86. Trong đoạn video cuối cùng được đăng tải trên Facebook cá nhân, bà xuất hiện với bộ trang phục đỏ rực rỡ, tuyên bố: “Ngày này cuối cùng đã đến... Cuộc sống không thể tuyệt vời hơn". Quyết định của bà mặc dù gây tiếc nuối, nhưng không quá bất ngờ với những ai hiểu rõ về bà. 7 năm trước, Quỳnh Dao đã công khai mong muốn được ra đi trong sự thanh thản, từ chối mọi can thiệp y tế lớn nếu sức khỏe suy giảm.

Quỳnh Dao không chỉ là một nhà văn mà còn là biểu tượng của những câu chuyện tình yêu say đắm. Các tiểu thuyết của bà như “Tân dòng sông ly biệt” và bộ ba “Hoàn Châu Cách Cách” đã làm say lòng hàng triệu độc giả từ Đài Loan, Hong Kong đến Trung Quốc đại lục. Trong những năm 1980, khi các tiểu thuyết của Quỳnh Dao trở nên phổ biến, không một hiệu sách nào ở Bắc Kinh vắng bóng các tác phẩm của bà. Năm 1986, bà nhận được vinh dự đặc biệt khi các tác phẩm trở thành chủ đề nghiên cứu trên tạp chí học thuật danh giá “Khám phá và Tranh luận".

img

Quỳnh Dao là nữ tác giả tiểu thuyết lãng mạn có sức ảnh hưởng lớn tới văn học Trung Quốc. Ảnh: Sina.

Không chỉ dừng lại ở văn học, các tác phẩm của Quỳnh Dao thường xuyên được chuyển thể thành phim truyền hình với sự giám sát kỹ lưỡng từ chính bà. Những bộ phim như “Hoàn Châu Cách Cách” không chỉ tạo nên cơn sốt trong suốt nhiều thập kỷ mà còn để lại dấu ấn sâu sắc trong văn hóa đại chúng. Tên tuổi của bà thậm chí trở thành biểu tượng của tình yêu mãnh liệt, đến mức người ta thường đùa rằng nếu ai quá si mê tình yêu thì chắc chắn đã bị ảnh hưởng bởi những bộ phim của Quỳnh Dao.

Biểu tượng tình yêu trước sự thay đổi của thời đại

Mặc dù từng là biểu tượng của tình yêu mãnh liệt, nhưng sự nghiệp của Quỳnh Dao dần chịu ảnh hưởng từ những thay đổi trong xã hội hiện đại. Các nhà phê bình bắt đầu chỉ trích bà vì các câu chuyện xoay quanh tình yêu vượt ngoài khuôn khổ đạo đức, đặc biệt là việc đề cao các mối quan hệ ngoài hôn nhân. Thậm chí, mối quan hệ cá nhân của bà với người chồng thứ hai là Bình Tân Đào cũng bị đem ra chỉ trích vì khi cả hai bắt đầu mối quan hệ thì người ông này vẫn đang trong một cuộc hôn nhân khác.

Quỳnh Dao luôn mang danh là "người thứ ba" chen chân vào gia đình của ông Bình Hâm Đào. Cả hai gặp nhau khi nhà văn tìm nhà xuất bản cho cuốn sách đầu tiên mang tên "Song Ngoại" của mình. Lúc này, Bình Hâm Đào là tổng biên tập của tạp chí Hoàng Quán, đã hết lòng giúp đỡ Quỳnh Dao có được thành công đầu tiên trên văn đàn.

Nữ sĩ biết ông Bình Hâm Đào đã có gia đình, nhưng trong suy nghĩ của nhà văn chuyện tình yêu là vấn đề cảm tình, không phụ thuộc vào đạo đức, quan niệm xã hội. Chính vì vậy, Quỳnh Dao chấp nhận sống bên Bình Hâm Đào suốt 8 năm, cho đến khi người vợ chính thức của ông quyết định buông bỏ để hai người đến với nhau. Cả hai kết hôn vào năm 1979 trong sự phản đối của các con ông Bình. Họ hận Quỳnh Dao vì đã khiến mẹ của họ đau khổ, gia đình họ tan nát.

Do đó, dù dưới sự hướng dẫn của Bình Hâm Đào, cả ba người con riêng đều làm trong công ty sản xuất, in ấn và phát hành các sản phẩm tiểu thuyết của Quỳnh Dao, nhưng mối quan hệ giữa họ luôn căng thẳng.

img

Quỳnh Dao luôn bị các con chồng trách móc. Ảnh: Sina.

Đặc biệt vào năm 2017, khi ông Bình Tân Đào lâm bệnh nặng và phải nằm liệt giường, gia đình xảy ra tranh cãi gay gắt về phương thức điều trị. Quỳnh Dao kiên quyết phản đối việc đặt ống dẫn thức ăn qua mũi để kéo dài sự sống cho chồng, với lý do bà muốn ông ra đi trong sự thanh thản. Tuy nhiên, ý kiến này vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ các con riêng của ông Bình Tân Đào. Họ cho rằng cha mình đã mất trí nhớ, Quỳnh Dao không có quyền tự ý quyết định sinh mệnh của ông. Đồng thời, họ chỉ trích bà là người đã phá hoại gia đình, khơi lại mâu thuẫn từ quá khứ.

Trước áp lực từ phía các con riêng, Quỳnh Dao quyết định trao quyền chăm sóc chồng lại cho họ. Nữ sĩ sau đó lên tiếng khẳng định rằng, sự giàu có và thành công của gia đình họ Bình phần lớn đến từ công lao của bà. Bà chia sẻ: “Không có tôi thì không có công ty. Nhưng tôi đã để ông ấy có tất cả hào quang, vì tôi yêu ông ấy. Giờ đây ngẫm lại, 50 năm qua là một giấc mơ, tôi chẳng còn gì cả".

Sau sự việc, Quỳnh Dao ngừng hợp tác với công ty Hoàng Quan và cho ra mắt cuốn sách "Trước khi bông tuyết rơi: Bài học cuối cùng trong đời" qua nhà xuất bản Thiên Hạ. Dù vậy, các con riêng của ông Bình Tân Đào tiếp tục chỉ trích bà gay gắt. Bình Vân - một người trong số họ đã phát biểu rằng: “Nếu một mối quan hệ dựa trên việc làm tổn thương người khác, chà đạp lên sự hy sinh của một người phụ nữ thì tình yêu như vậy dù có vĩ đại đến đâu cũng không đáng để khoe khoang và ca ngợi".

Vào năm 2013, Quỳnh Dao ra mắt bộ phim “Hoa trong sương", một tác phẩm kết hợp tình yêu, gay cấn và đạo đức gia đình. Dù vẫn giữ phong cách quen thuộc, bộ phim không còn nhận được sự đón nhận nồng nhiệt. Người xem bắt đầu cảm thấy rằng các câu chuyện của bà không còn phù hợp với xã hội hiện đại. Đặc biệt, trong bối cảnh thế hệ trẻ tại Trung Quốc dần coi tình yêu là thứ yếu, sự lãng mạn cuồng nhiệt của Quỳnh Dao trở nên lỗi thời và thậm chí bị chế giễu.

Tuy vậy, không thể phủ nhận rằng, Quỳnh Dao đại diện cho một thời đại dám sống, dám yêu không e ngại. Triết lý sống của bà, thể hiện rõ trong các tác phẩm và cả cách bà lựa chọn rời khỏi cuộc đời, luôn khẳng định rằng cuộc sống đẹp nhất khi con người được sống và yêu tự do.

Quỳnh Dao để lại một di sản văn học độc đáo, nơi tình yêu và cảm xúc mãnh liệt luôn được đặt lên hàng đầu. Dù thời đại có thay đổi, câu chuyện của bà vẫn mang giá trị lớn lao, là lời nhắc nhở rằng tình yêu không chỉ là cảm xúc mà còn là sức mạnh để con người vượt qua mọi giới hạn.

Trong bối cảnh xã hội hiện đại ngày càng thực dụng, khi tình yêu đôi khi bị coi là điều không cần thiết, câu chuyện của Quỳnh Dao là nguồn cảm hứng, khuyến khích con người sống trọn vẹn với cảm xúc và giá trị thật sự của mình. Như cách bà từng viết: “Vẻ đẹp của cuộc sống nằm ở khả năng yêu, ghét, cười, khóc và sống tự do". Câu chuyện của bà là minh chứng cho một thời kỳ mà tình yêu mãnh liệt và cuộc sống không ngại thử thách luôn là giá trị cốt lõi.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem