Trịnh Văn Quyết bị bắt: Gồng gánh trả nợ, FLC vẫn đề xuất loạt dự án lớn, vì đâu?
Trịnh Văn Quyết bị bắt: Gồng gánh trả nợ, FLC vẫn đề xuất loạt dự án lớn, vì đâu?
Quang Dân
Thứ tư, ngày 30/03/2022 06:52 AM (GMT+7)
Năm 2021 áp lực tài chính của FLC phần nào vơi đi khi chi phí lãi vay của FLC hợp nhất đã sụt giảm mạnh xuống 375 tỷ đồng. Tuy nhiên, lưu chuyển tiền tệ cho thấy, FLC vẫn phải tiếp tục hoạt động vay đảo nợ, trữ tiền cạn.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2021 của CTCP Tập đoàn FLC (HOSE: FLC), kết thúc năm 2021 FLC ghi nhận doanh thu thuần đạt 6.771 tỷ đồng, giảm một nửa so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế đạt 84 tỷ đồng, sụt giảm 3,6 lần.
Tại ngày 31/12/2022, tổng tài sản FLC đạt 33.787 tỷ đồng, giảm 11% so với đầu năm. Nợ phải trả của doanh nghiệp ở mức 24.064 tỷ đồng, trong đó nợ vay tài chính hơn 6.200 tỷ đồng, đây chính là nguyên nhân chính khiến chi phí lãi vay của FLC neo cao ở mức 375 tỷ đồng trong năm 2021.
Áp lực tài chính của FLC trong năm 2021dường như vơi đi phần nào khi chi phí lãi vay FLC hợp nhất đã sụt giảm mạnh xuống 375 tỷ đồng. Tuy nhiên, lưu chuyển tiền tệ cho thấy, FLC vẫn tiếp tục hoạt động vay đảo nợ, trữ tiền cạn. Khi trong năm 2021 số tiền chi trả nợ gốc vay hơn 2.986 tỷ đồng, nhưng thu từ đi vay gần 4.888 tỷ đồng. Trữ tiền đến cuối năm 2021 bao gồm cả trái phiếu khoảng 260 tỷ đồng, sụt giảm mạnh.
Ngoài ra, FLC dù không phải là tổ chức tín dụng, nhưng báo cáo cho thấy, FLC đang cho nhiều "đối tượng" vay, số dư phải thu về cho vay lên đến 6.145 tỷ đồng, tăng thêm gần 600 tỷ đồng so với cuối năm 2020.
Đề xuất loạt dự án khủng
Tính trong năm 2021, cổ phiếu FLC xếp thứ 16 toàn thị trường về tỷ trọng giá trị khớp lệnh, Bình quân mỗi phiên, cổ phiếu FLC khớp lệnh gần 290 tỷ đồng (năm 2021 có khoảng 250 phiên giao dịch).
Trong khi đó, về lĩnh vực bất động sản, theo thông tin từ Tập đoàn FLC (mã: FLC), hiện doanh nghiệp đang xúc tiến pháp lý khoảng 300 dự án trên hơn 40 tỉnh thành cả nước và tiếp tục mở rộng quỹ đất từ Bắc vào Nam.
Trong năm nay, doanh nghiệp đặt mục tiêu xúc tiến pháp lý để chính thức triển khai gần 25 dự án mới tại nhiều tỉnh thành như Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Thanh Hoá, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Gia Lai, các tỉnh Tây Nguyên và Tây Nam Bộ,…
Trong số này, có các dự án hợp phần mới từ những đại dự án đã và đang được FLC triển khai như FLC Quảng Bình, FLC Quy Nhơn,…
Một trong những định hướng chiến lược chính vẫn được doanh nghiệp này theo đuổi trong mảng bất động sản là mô hình phát triển chuỗi dự án quần thể nghỉ dưỡng kết hợp sân golf và đô thị sinh thái hiện đại.
Với quỹ dự án đồ sộ này, FLC dự kiến cung cấp ra thị trường hàng nghìn sản phẩm chủ lực là bất động sản đô thị và bất động sản nghỉ dưỡng cao cấp như: căn hộ chung cư, biệt thự, liền kề, shophouse, shopvilla,… trong năm nay.
Mới đây, hồi đầu tháng 2/2022, FLC đề xuất và được giới thiệu với Chính phủ Lào để tham gia nghiên cứu đầu tư tuyến đường sắt kết nối Viêng Chăn - Vũng Áng - Quảng Bình.
Đây là một phần quan trọng trong toàn tuyến đường sắt Vientiane – Vũng Áng có tổng mức đầu tư trị giá khoảng 5 tỷ USD. Dự án này có tổng chiều dài khoảng 555 km, trong đó, 452 km thuộc Lào và 103 km tại Việt Nam.
Trong buổi làm việc vào ngày 8/2/2022 với lãnh đạo huyện Bình Chánh, tập đoàn FLC đã báo cáo chi tiết về kế hoạch đầu tư của doanh nghiệp trên địa bàn huyện. Đáng chú ý, trong kế hoạch, FLC đề xuất đầu tư Khu đô thị nghỉ dưỡng Smart Eco City tại xã Tân Nhựt và xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh với quy mô 1.154 ha, tổng mức đầu tư khoảng 80.000 tỷ đồng.
Mới đây nhất, tại Củ Chi, FLC đề xuất nghiên cứu đầu tư 2 dự án: Dự án Công viên Sài Gòn Safari (hơn 456ha) và dự án Khu đô thị nghỉ dưỡng ven sông Sài Gòn (hơn 910ha).
Theo đó, dự án Công viên Sài Gòn Safari tọa lạc tại 2 xã An Nhơn Tây và Phú Mỹ Hưng, thuộc khu vực Tây Bắc của TP. HCM, cách trung tâm khoảng 40km. Dự án bao gồm 5 phân khu: khu dịch vụ tổng hợp, khu resort nghỉ dưỡng và khách sạn đẳng cấp 5 sao, khu vườn thú mở, khu Safari, khu công viên vui chơi giải trí tổng hợp.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.