Trốn thuế, “ông thánh” chủ tịch Bayern vào tù

Chủ nhật, ngày 23/03/2014 10:11 AM (GMT+7)
Án đã tuyên, chủ tịch CLB Bayern Munich sẽ phải ngồi tù nhưng người ta đã phải học Hoeness - ở cách sống, chứ không chỉ ở cách quản lý và điều hành đội bóng.
Bình luận 0
Một trong những tượng đài lớn nhất của bóng đá Đức đang chuẩn bị vào tù. Đó là Uli Hoeness - nhà vô địch World Cup 1974, sau này trở thành nhà quản lý vào loại thành công nhất trong lịch sử bóng đá đỉnh cao, với nhiều thập niên giữ ghế giám đốc điều hành và nhiều năm làm chủ tịch CLB Bayern Munich.

Bất chấp việc toà án phán quyết buộc ông Uli vào tù, cổ động viên Bayern Munich vẫn gửi lời cám ơn đến tượng đài bóng đá Đức vì những gì ông đã làm được. Ảnh được Reuter chụp ngay trước  trận đấu với Leverkusen.
Bất chấp việc toà án phán quyết buộc ông Uli vào tù, cổ động viên Bayern Munich vẫn gửi lời cám ơn đến tượng đài bóng đá Đức vì những gì ông đã làm được. Ảnh được Reuter chụp ngay trước trận đấu với Leverkusen.

Án đã được tuyên (ba năm rưỡi tù ngồi). Hoeness không chỉ nhận tội trước toà, mà trước cả bàng dân thiên hạ (“đây là sai lầm lớn nhất đời tôi”). Và, cũng vì không còn gì để nói, Hoeness tuyên bố việc kháng án là thừa thãi.

Sẽ không có gì ầm ĩ nếu Hoeness hoặc Bayern chỉ là những tên tuổi lớn... bình thường. Đằng này. Cả hai đều đáng gọi là vĩ đại, là tấm gương đáng học hỏi trong thế giới bóng đá. Bayern là một trong bốn câu lạc bộ hiếm hoi có đủ ba cúp châu Âu trong bộ sưu tập danh hiệu - điều mà ngay cả Real Madrid khổng lồ cũng không có được. Đấy chính là câu lạc bộ số một thế giới hiện thời, với chiến thắng tuyệt đối ở Bundesliga, cúp quốc gia Đức, Champions League và FIFA Club World Cup trong năm 2013.

Điều đáng nói là, Bayern thành công như vậy, nhưng họ lại chẳng bao giờ “rải tiền” như cách làm thường thấy ở Chelsea, Manchester City hoặc Paris SG.

Dù chiếm hết các danh hiệu quan trọng và có đến năm cầu thủ lọt vào danh sách đề cử “Quả bóng vàng FIFA 2013”, nhưng cầu thủ Bayern có vị thứ cao nhất trong cuộc bầu chọn danh giá này chỉ đứng thứ ba, còn cầu thủ kế tiếp đứng thứ 14. Hơn ba thập niên đã trôi qua kể từ khi Bayern có một cầu thủ được trao “Quả bóng vàng châu Âu”. Tóm lại, Bayern không phải là mẫu đội bóng thành công nhờ mua sắm ngôi sao.

Đấy chính là thành quả tuyệt vời của Hoeness trong hàng chục năm điều hành Bayern. Ông tạo ra một Bayern luôn thành công rực rỡ trên thương trường, với tầm ảnh hưởng từ lâu đã vượt khỏi những giới hạn thông thường của môn bóng đá. Còn trong bóng đá, đấy lại là một Bayern khắc khổ, tằn tiện, cũng giống như bản thân Hoeness vậy.

Người ta đã phải học Hoeness - ở cách sống, chứ không chỉ ở cách quản lý và điều hành đội bóng. Là con trai một ông hàng thịt, Hoeness đã giỏi kinh doanh từ bé (xúc xích Hoeness hiện vẫn là một thương hiệu có uy tín ở Đức). Ông làm báo tường miễn phí và... dễ dàng vượt qua mọi kỳ kiểm tra khi còn ngồi ghế học đường. Ông nghỉ chơi bóng rất sớm để trở thành giám đốc điều hành. Và một trong những cầu thủ đầu tiên ông mua về cho Bayern chính là... anh ruột mình, một Dieter Hoeness ít tên tuổi hơn nhưng rất thành công khi đến Bayern. Có vẻ như, Hoeness làm gì cũng đúng, cũng thành công.

Tuy tằn tiện, chi li, nhưng Hoeness nói riêng cũng như Bayern nói chung lại luôn là lá cờ đầu ở Đức, trên trận địa... từ thiện. Không một câu lạc bộ nào trên thế giới chi tiền làm từ thiện nhiều như Bayern. Bản thân các ngôi sao Bayern khi gặp rắc rối trong cuộc sống đều dễ dàng tìm thấy nơi Hoeness một chỗ dựa tuyệt vời. Suốt hàng chục năm như thế.

Vậy thì, làm sao mà tin nổi, rằng Hoeness bây giờ lại phải ngồi tù vì tội trốn thuế? Ông trốn thuế vài triệu euro để làm gì, khi bản thân ông có thể tạo ra đến hàng trăm triệu? Thi thoảng, chúng ta vẫn thấy những những hành vi bất chợt trên sân cỏ, nói chung là không ai hiểu nổi. Hoeness cũng vậy. Chính ông không hiểu vì sao mình lại làm thế. Hoeness chỉ nói chậm rãi: “Đây là sai lầm lớn nhất đời tôi”. Người ta thậm chí không phải giám sát chặt chẽ sau khi có án, bởi Hoeness suốt nhiều năm nay chỉ sống đạm bạc trong một căn nhà cũ, như một ông lão nhà quê, còn có nơi nào để mà đi.

Năm 1981, Hoeness là người sống sót duy nhất trong một vụ rớt máy bay trực thăng. Ba người cùng bay đều là bạn thân của ông. Mọi sự hỉ, nộ, ái, ố coi như đã tan biến trong con người Hoeness từ thời điểm ấy.

Ông đã trở thành một kiểu “tu tại gia”, thậm chí là một “thánh nhân trong đời thường”, trong vài chục năm “vinh cũng là không, nhục cũng là không”. Vậy mà...
Quỳnh Nga (Thế giới Tiếp thị) (Quỳnh Nga (Thế giới Tiếp thị))
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem