Trồng dâu tây lãi 800 triệu/vụ, chàng trai người Thái Sơn La mong vay vốn kịp thời, thuận lợi
Tâm tư, kiến nghị gửi Thủ tướng: Nông dân sản xuất, kinh doanh mong được vay vốn kịp thời, thuận lợi
Thiên Ngân
Chủ nhật, ngày 29/05/2022 08:23 AM (GMT+7)
Mặc dù mới làm quen với cây dâu tây từ năm 2019, xong hầu như vụ nào anh Vì Văn Tùng và các thành viên HTX Đông Sang (Mộc Châu - Sơn La) cũng thu lãi cao. Vào mùa thu hoạch, thương lái tíu tít đến tận vườn thu mua, vì vậy HTX rất mong muốn mở rộng diện tích sản xuất nhằm tăng thu nhập.
Chàng trai người Thái trồng dâu tây lãi 800 triệu/vụ mong được vay vốn kịp thời, thuận lợi
Những năm gần đây, nhiều hộ dân ở xã Đông Sang (Mộc Châu) đã thử nghiệm trồng cây dâu tây, tham gia sản xuất các loại rau ôn đới theo hướng hữu cơ. Quanh khu vực trung tâm huyện Mộc Châu, thật dễ dàng bắt gặp những vườn dâu tây rộng mênh mông, hay những vườn trồng cải bắp, su hào xanh mướt, thay thế những ruộng ngô, sắn trước đây.
Anh Vì Văn Tùng - Giám đốc HTX nông nghiệp hữu cơ Đông Sang (Mộc Châu) cho biết, gia đình anh đang trồng hơn 1ha dâu tây. Khi vào chính vụ thu hoạch (tháng 2-4), ngày cao điểm có thể hái được 5-6 tạ quả.
"Trung bình 1ha dâu tây cho năng suất 15-20 tấn quả, bán với giá bình quân 80.000 đồng/kg như vụ vừa rồi thì doanh thu sẽ đạt 1,5 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí đầu tư (khoảng 400 - 500 triệu đồng), 1ha dâu tây có thể cho lãi khoảng 800 triệu đồng" - chàng Giám đốc trẻ người Thái sinh năm 1985 cho biết.
Anh Tùng cho biết thêm, gia đình anh bắt đầu mày mò trồng dâu tây từ năm 2019. Qua tìm hiểu thị trường và tham khảo kỹ thuật trồng dâu tây, anh mạnh dạn thử nghiệm trồng giống dâu Hana của Nhật Bản. Giống dâu Hana chịu nhiệt tốt, quả tuy không to, nhưng có vị ngọt hơn một số giống khác nên phù hợp với người tiêu dùng Việt.
"Tôi cũng thử trồng một số giống khác của Hàn Quốc, nhưng hiệu quả kinh tế không như mong muốn. Dâu tây là giống cây ngoại nhập khó tính nên chăm sóc rất vất vả, đặc biệt là khâu thu hoạch, phải hết sức nhẹ nhàng. Trái dâu đúng là "nâng như nâng trứng", chỉ cần khẽ rơi là có thể bị dập nát, hư hỏng nhưng bù lại luôn bán được giá cao, dễ bán nên người trồng có thể thu lãi cao" - anh Tùng nói.
Được biết, HTX nông nghiệp hữu cơ Đông Sang hiện có 11 thành viên, trồng 7,5 ha các loại bắp cải, cà chua, su hào, cải thảo, dâu tây... 100% diện tích canh tác của HTX sử dụng công nghệ tưới phun mưa, nhỏ giọt cho các loại cây trồng theo tiêu chuẩn VietGAP.
Để duy trì hoạt động hiệu quả, Ban quản trị HTX xây dựng kế hoạch hằng tháng và theo từng khung thời vụ để hướng dẫn các thành viên gieo trồng. Đặc biệt là tuân thủ đúng quy trình sản xuất rau an toàn, áp dụng kỹ thuật để trồng các loại rau trái vụ, tập trung cao điểm từ tháng 4 đến tháng 10 để cung cấp các sản phẩm vào siêu thị, nhà hàng.
Anh Tùng cho biết, các thành viên HTX đã xác định hướng đi bền vững trong sản xuất là liên kết các hộ gia đình với nhau để hình thành vùng chuyên canh các loại cây nông nghiệp, cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao, trong đó tập trung trồng dâu tây.
Trao đổi với PV Dân Việt, anh Vì Văn Tùng - Giám đốc HTX Đông Sang, Mộc Châu (Sơn La) cho biết, dịch Covid vừa qua đã ảnh hưởng rất lớn đến giá vật tư sản xuất như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nhưng rất may sản phẩm dâu tây và các loại rau của HTX vẫn tiêu thụ tốt.
Xây dựng Hợp tác xã kiểu mới
Dâu tây Mộc Châu có chất lượng hơn hẳn dâu tây trồng nơi khác và bắt đầu có thương hiệu nên khách hàng rất ưa chuộng, có bao nhiêu cũng bán hết.
"Hiện bà con chủ yếu bán sỉ cho các thương lái, đầu mối, chứ bán lẻ tại vườn không bao giờ hết. Gần đây chúng tôi có kết hợp với các công ty du lịch tổ chức tour trải nghiệm hái dâu tây tại vườn, nhờ đó bà con có thêm thu nhập" - anh Tùng chia sẻ.
Trước thềm Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân năm 2022 diễn ra tại TP.Sơn La, anh Vì Văn Tùng bày tỏ tâm tư đến người đứng đầu Chính phủ: Chúng tôi rất mong muốn Đảng và Nhà nước quan tâm hơn nữa tới các chính sách hỗ trợ vay vốn cho nông dân. Hiện nay cũng đã ban hành nhiều chính sách, nhưng tiếp cận vẫn khó khăn.
"Phải làm sao khi bà con muốn mở rộng sản xuất, thì tiếp cận được đồng vốn dễ dàng hơn, cũng như được vay vốn nhiều hơn với lãi suất ưu đãi. Có như vậy, nông dân chúng tôi mới mạnh dạn đầu tư công nghệ, mua sắm máy móc thiết bị, thay thế sức lao động của bà con" - anh Tùng nhấn mạnh.
Theo anh Tùng, hiện nay với những hộ nông dân không có tài sản thế chấp thì gần như không thể vay được vốn ngân hàng. Còn nếu vay vốn qua các tổ chức khác thì lại cần rất nhiều giấy tờ thủ tục, điều kiện khó khăn.
"Theo yêu cầu, HTX muốn vay vốn thì phải có thời gian hoạt động từ 3-5 năm, có báo cáo sản xuất kinh doanh hàng năm. Nhưng vì HTX của chúng tôi mới thành lập nên rất khó tiếp cận vốn" - anh Tùng nói thêm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.