Trồng rừng gỗ lớn, rừng có chứng chỉ lãi cao gấp đôi, vì sao người dân vẫn kém mặn mà?

Ngọc Vũ Thứ tư, ngày 17/08/2022 15:31 PM (GMT+7)
Trồng rừng gỗ lớn cần nhiều năm, người trồng nên hướng đến đa dạng cây trồng, vật nuôi dưới tán rừng để tăng nguồn thu trên một đơn vị diện tích - lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông quốc gia (TTKNQG) khuyến cáo
Bình luận 0

Trồng rừng có chứng chỉ, hiệu quả kinh tế cao gấp đôi

Theo số liệu thống kê năm 2021, cả nước có 2,45 triệu ha rừng trồng sản xuất, trong đó diện tích trồng mới khoảng 800.000ha và trồng lại khoảng 1,65 triệu ha.

Số doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, chế biến gỗ và lâm sản là 5.580 đơn vị, trong đó doanh nghiệp trong nước 4.813 doanh nghiệp; 767 doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI); trực tiếp xuất khẩu khoảng 2.600 doanh nghiệp. 

Năm 2021 kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản của Việt Nam đạt 14,21 tỷ USD, xuất siêu trên 10 tỷ USD, xuất khẩu sang 160 quốc gia và vùng lãnh thổ...

Ông Hoàng Văn Hồng, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia nhấn mạnh, những dữ liệu trên cho thấy, Việt Nam là một quốc gia có thứ hạng trên thế giới trong ngành sản xuất, chế biến gỗ và lâm sản, và còn nhiều dư địa để phát triển.

Thêm chính sách, ưu đãi để trồng rừng gỗ lớn - Ảnh 1.

Chủ toạ và ban cố vấn trả lời người dân tại diễn đàn. Ảnh: NGỌC VŨ

Mục tiêu đến 2030, diện tích rừng trồng sản xuất của cả nước tăng lên 3 triệu ha, trong đó trồng mới khoảng 500.000ha, trồng lại khoảng 2 triệu ha, còn lại là diện tích gỗ lớn (450.000 ha).

Ông Nguyễn Phú Quốc - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Quảng Trị cho biết, hiện tỉnh có gần 18.000ha rừng gỗ lớn có chứng chỉ FSC, là một trong các tỉnh đi đầu cả nước về rừng trồng được cấp chứng chỉ FSC. 

Rừng gỗ lớn này đem lại hiệu quả kinh tế gấp 2 lần so với trồng rừng gỗ nhỏ không có chứng chỉ. Quảng Trị đang quyết liệt chỉ đạo nâng cao diện tích rừng có chứng chỉ FSC, phấn đấu đến năm 2030 có trên 30.000ha rừng trồng sản xuất được cấp chứng chỉ.

Ông Quốc cho biết: Thực tế phát triển trồng rừng sản xuất là hướng kinh tế ổn định, được nhiều hộ dân lựa chọn và đã đem lại đời sống khá giả, làm giàu nhờ trồng rừng. Tuy nhiên, phần lớn các doanh nghiệp và người dân vẫn đang trồng rừng gỗ nhỏ, mật độ dày, chu kỳ ngắn, hiệu quả kinh tế chưa cao. 

Lý do là người dân còn yếu về quy trình kỹ thuật; thiếu liên doanh liên kết đầu ra cho sản phẩm, khó tiếp cận nguồn vốn vay. Đặc biệt là ở khu vực miền Trung thường xuyên xảy ra thiên tai, trồng rừng chu kỳ dài năm có nguy cơ thiệt hại nặng.

Mở rộng trồng rừng gỗ lớn, rừng có chứng chỉ, cần triển khai giải pháp đồng bộ

Thêm chính sách, ưu đãi để trồng rừng gỗ lớn - Ảnh 3.

Ông Hoàng Văn Hồng cho biết, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 523/2021 về phê duyệt chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Nghị quyết số 84 phê duyệt chủ trương đầu tư chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021 - 2025. 

Bộ NNPTNT đã phê duyệt Đề án 1088 thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022 - 2025.

Cùng với các chính sách của Trung ương, các tỉnh thành trên cả nước cũng đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, hợp tác với các tổ chức quốc tế nhằm đẩy mạnh phát triển vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng, rừng thâm canh theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng…

Ông Nguyễn Hoàng Tiệp - Phó Giám đốc Văn phòng chứng chỉ quản lý rừng bền vững nhấn mạnh, muốn phát triển rừng gỗ lớn có chứng chỉ FSC, đầu tiên phải quy hoạch vùng nguyên liệu gắn với nhu cầu của doanh nghiệp; hỗ trợ kinh phí cung cấp chứng chỉ rừng; hỗ trợ vốn vay ưu đãi cho trồng rừng gỗ lớn và chứng chỉ rừng; bảo hiểm rừng trồng…

Đặc biệt là cần xây dựng cơ sở dữ liệu, thông tin và sàn giao dịch gỗ lớn và gỗ có chứng chỉ rừng.

"Đưa rừng gỗ lớn lên sàn thương mại sẽ tạo cơ hội cho người dân và doanh nghiệp liên doanh liên kết, đáp ứng cung-cầu, đôi bên cùng có lợi" - ông Tiệp nói.

Ông Hồ Xuân Hiếu - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần thương mại Quảng Trị nhấn mạnh, doanh nghiệp cần tăng cường tương tác, đồng hành cùng người dân về giống, kỹ thuật, đầu ra theo quan điểm lợi ích thì hài hoà, rủi ro thì chia sẻ.

Tổng kết các ý kiến, ông Hoàng Văn Hồng khẳng định, cần phải quy hoạch vùng nguyên liệu gỗ phục vụ ngành công nghiệp chế biến, xuất khẩu. Việc quy hoạch này phải đáp ứng yêu cầu về khí hậu, đất đai, giao thông, dân cư, xây dựng nhà máy, hệ thống cung-cầu… 

Quản lý và tổ chức tốt sản xuất tại các vùng nguyên liệu, trong đó chú trọng về chất lượng giống, trồng cây có rễ cọc, giảm mật độ trồng để cây gỗ phát triển.

Về cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển vùng nguyên liệu gỗ phục vụ công nghiệp chế biến, xuất khẩu, cần đặc biệt quan tâm chính sách về đất đai, chính sách đầu tư và tín dụng, hỗ trợ vốn vay ưu đãi để trồng rừng gỗ lớn.

Điều quan trọng nữa là ứng dụng giải pháp khoa học công nghệ phát triển vùng nguyên liệu gỗ, trong đó tập trung vào công nghệ ươm tạo, nhân giống cây lâm nghiệp đạt tiêu chuẩn và cải tiến, nâng cao chất lượng vườn ươm cây giống…



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem