Lập gia đình năm 17 tuổi, 10 năm sống cùng chồng, tôi sinh được 5 người con, 4 trai, 1 gái. Ngày đứa con út ra đời cũng là lúc chồng tôi đột tử ở tuổi 33. Nỗi đau mất chồng chưa nguôi, thì con tôi, một đứa lên 4 và một lên 8 tuổi cũng mất vì bệnh.
|
Cụ Huệ trước căn nhà của mình. |
Tưởng rằng số phận nghiệt ngã với mình như thế đã quá đủ, không ngờ càng về già nỗi đau lại càng đọa đày, chồng chất. Các con yên bề gia thất, tôi về ở với vợ chồng người con trai thứ 2. Nhà nghèo, cô con dâu của tôi lại mắc phải căn bệnh tâm thần phân liệt nên chồng nó phải ngược xuôi gánh vác miếng cơm, manh áo cho 6 miệng ăn gồm mẹ, vợ và 3 đứa con nhỏ đều có dấu hiệu không bình thường.
Đầu năm Canh Dần 2010, con trai tôi đột tử. 6 ngày sau con dâu cũng “theo” chồng. Một tuần phải "đón" hai cái tang, chẳng riêng gì tôi mà cả cái làng Long Châu Miếu đều bàng hoàng, xót xa, mấy đứa nhỏ trở thành bơ vơ chỉ còn bà nội già yếu là điểm tựa duy nhất...
Giờ đây, tôi nuôi các cháu trong một căn nhà đã cũ nát, không có đồ đạc gì đáng giá ngoài cái bàn thờ 2 người con, 1 chiếc giường mục cũ, lối ra cũng chỉ có vài miếng ván che tạm. Cuộc sống hằng ngày của mấy bà cháu chỉ trông vào 250.000 đồng trợ cấp hàng tháng của Nhà nước và vài tạ thóc người ta trả từ 3 sào ruộng khoán mà tôi cho thuê vì không đủ sức làm.
Để các cháu có thể được đến trường, tôi cuốc đất trồng rau rồi sáng sáng dậy sớm hái đem đi bán. Nhiều tổ chức xã hội cũng đã tìm đến, không ít nhà hảo tâm đã dang tay giúp đỡ nhưng tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống. Tôi luôn tự nhủ mình phải tự lực là chính.
Ở tuổi gần đất xa trời, tôi vẫn cố gắng hết sức mình để nuôi dưỡng các cháu. Tôi vẫn luôn tin vào lời dạy của người xưa "khổ tận thì cam lai" và biết đâu một ngày không xa những đứa cháu tội nghiệp của tôi sẽ có một cuộc sống đỡ khó khăn hơn hiện tại. Phép màu luôn tồn tại trong cuộc sống này, tôi luôn tin vào điều ấy…
Cụ Hoàng Thị Huệ (xóm Miếu, thôn Long Châu, xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ, Hà Nội).
Vinh Hà (ghi)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.