Lễ tôn vinh và trao danh hiệu 63 nông dân Việt Nam xuất sắc 2020

Thứ ba, ngày 13/10/2020 19:33 PM (GMT+7)
Nhân kỉ niệm 90 năm ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14/10/1930 -14/10/2020), Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương tổ chức Lễ Tôn vinh và trao danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2020; trao Danh hiệu Doanh nghiệp đồng hành cùng nông dân.
Bình luận 0

Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam với chuỗi các hoạt động, sự kiện do Trung ương Hội Nông dân chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Công Thương và giao Báo Nông thôn Ngày nay, Công ty CP Phân bón Bình Điền tổ chức bắt đầu diễn ra vào năm 2013.

 "Năm 2020, tình hình thế giới và Việt Nam có nhiều biến động, phức tạp do tác động của đại dịch COVID-19 gây nên. Tuy nhiên, các hội viên nông dân và bà con nông dân cả nước vẫn hăng say lao động, tham gia các phong trào thi đua của Hội Nông dân Việt Nam, cùng các cấp Hội; qua đó đã xuất hiện nhiều gương nông dân điển hình tiên tiến. Trong bối cảnh đó, việc tôn vinh các nông dân xuất sắc càng có ý nghĩa quan trọng, góp phần cổ vũ, động viên và khuyến khích nông dân tiếp tục nỗ lực sản xuất, kinh doanh để làm giàu cho bản thân, đóng góp cho kinh tế đất nước".-  đồng chí Thào Xuân Sùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho biết.

19.30

TRỰC TIẾP: Lễ tôn vinh và trao danh hiệu 63 nông dân Việt Nam xuất sắc 2020 - Ảnh 1.

Các nông dân Việt Nam đến rất sớm và háo hức trò chuyện với các đại biểu tại buổi lễ. Ảnh: Phạm Hưng.

19.35

Theo Ban Tổ chức, thông qua nhiều vòng bình chọn khách quan, công tâm, nhiều gương nông dân điển hình tiên tiến trong 3 phong trào thi đua lớn của Hội Nông dân được các địa phương đề cử để Hội đồng Chung khảo bình chọn danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2020". 

TRỰC TIẾP: Lễ tôn vinh và trao danh hiệu 63 nông dân Việt Nam xuất sắc 2020 - Ảnh 2.

Các doanh nghiệp luôn đồng hành cùng nông dân đã có mặt đầy đủ. Ảnh: Phạm Hưng.

TRỰC TIẾP: Lễ tôn vinh và trao danh hiệu 63 nông dân Việt Nam xuất sắc 2020 - Ảnh 3.

Ảnh: Phạm Hưng.

Lễ tôn vinh và trao danh hiệu 63 nông dân Việt Nam xuất sắc 2020 - Ảnh 4.

Trước khi buổi Lễ bắt đầu, nông dân Việt Nam xuất sắc đã có cơ hội giao lưu, học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau. Ảnh: Phạm Hưng.

19.40

Lễ tôn vinh nhằm vinh danh những nông dân Việt Nam xuất sắc, đóng góp công sức, tài năng, sáng tạo của người nông dân đã dấn thân vì sự nghiệp phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam vững mạnh trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam. Đồng thời, cũng tạo nên sức lan tỏa manh mẽ về "Mẫu hình người nông dân mới" trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước".

TRỰC TIẾP: Lễ tôn vinh và trao danh hiệu 63 nông dân Việt Nam xuất sắc 2020 - Ảnh 4.

Các nông dân tới tham dự buổi Lễ tôn vinh đều rất hồ hởi, phấn khởi. Ảnh: Phạm Hưng.

Lễ tôn vinh và trao danh hiệu 63 nông dân Việt Nam xuất sắc 2020 - Ảnh 6.

Toàn cảnh Hội trường Bộ Quốc phòng - nơi diễn ra Lễ tôn vinh Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2020. Ảnh: Trọng Hiếu.

19.50

Lễ tôn vinh và trao danh hiệu 63 nông dân Việt Nam xuất sắc 2020 - Ảnh 7.

Đồng chí Thào Xuân Sùng, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam tới dự buổi Lễ. Ảnh: Phạm Hưng.

Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam nhận được sự quan tâm chỉ đạo, ghi nhận, đánh giá cao về mục đích, ý nghĩa của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương.

Lễ tôn vinh và trao danh hiệu 63 nông dân Việt Nam xuất sắc 2020 - Ảnh 8.

Đồng chí Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng đã tới từ rất sớm. Ảnh: Phạm Hưng.

Lễ tôn vinh và trao danh hiệu 63 nông dân Việt Nam xuất sắc 2020 - Ảnh 9.

Ảnh: Phạm Hưng.

Đặc biệt, Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam đã trở thành sự kiện nổi bật nằm trong các chuỗi hoạt động kỷ niệm Ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14/10) hàng năm và nhận được sự ủng hộ, đón nhận, cổ vũ nhiệt tình của cán bộ, hội viên, nông dân cả nước.

20.00: Chương trình được tường thuật trực tiếp trên kênh VTV2 - Đài Truyền hình Việt Nam

20.05: 

Lễ tôn vinh và trao danh hiệu 63 nông dân Việt Nam xuất sắc 2020 - Ảnh 9.

Tiết mục sử thi dàn dựng "90 Năm - Một con đường, một niềm tin". Ảnh: Trọng Hiếu.

Mở đầu Lễ tôn vinh và trao tặng danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2020 là tiết mục sử thi dàn dựng "90 Năm - Một con đường, một niềm tin" – là dòng chảy lịch sử sống động về Đảng, Bác và người Nông dân Việt Nam. Tác phẩm sử thi là một nét vàng son trong tiến trình lịch sử nước ta, để qua đó cán bộ, hội viên, nông dân cùng nhân dân cả nước ôn lại truyền thống cách mạng vẻ vang của tổ chức Hội Nông dân và giai cấp nông dân Việt Nam; cổ vũ, động viên cán bộ, hội viên nông dân ra sức thi đua, phát huy vai trò, trách nhiệm của giai cấp nông dân và Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại góp phần hoàn thiện mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, xây dựng một nước Việt Nam phồn vinh, hòa bình, thịnh vượng.

Tiết mục sử thi là câu chuyện gồm 4 chương:

Chương 1- Thuở hồng hoang

Chương 2- Xiềng xích

Chương 3- Dấu mốc vàng son

Chương 4- 90 năm - Rực rỡ cờ hoa

Vai trò của người Nông dân trong suốt chiều dài lịch sử, nói về hoàn cảnh ra đời của hội nông dân, tôn vinh 90 năm thành lập và phát triển rực rỡ, từ đó tự hào thêm về những thành tựu của người nông dân trong thời chiến và thời bình, giới thiệu về chuỗi sự kiện "Tự hào Nông dân Việt Nam" và Lễ tôn vinh và trao tặng danh hiệu: "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2020".

Cả 1 thời kì lầm than nhưng oanh liệt, bao mất mát đau thương nhưng cũng tràn đầy quả cảm, quật cường. Thông qua đó, chúng ta thêm yêu Bác Hồ - vị cha già của dân tộc, hơn nữa, tác phẩm còn khắc hoạ nên chân dung những người nông dân – chiến sĩ đang ngày đêm chiến đấu trên mặt trận giữ nước và xây dựng đất nước.  Mặc dù phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, vất vả, nhưng với sự quả cảm, quyết tâm, bằng tình yêu quê hương, đất nước, những người nông dân Việt Nam đã tạo dựng được những thành tựu lớn lao, góp phần vào sự đổi thay của đất nước nói chung và nền nông nghiệp Việt Nam nói riêng. Và ngày hôm nay, trong không khí hân hoan chào mừng 90 năm ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam, chúng ta có mặt ở đây để gặp gỡ, tôn vinh và trao tặng danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2020.

Tự hào Nông dân Việt Nam là chuỗi sự kiện uy tín, thường niên được tổ chức đến nay đã qua 8 mùa giải với quy mô toàn quốc. Qua chương trình, chúng ta cùng tôn vinh những tấm gương tiêu biểu trong thi đua, nỗ lực cố gắng vượt qua mọi khó khăn, lập thành tích xuất sắc, góp phần làm giàu gia đình, địa phương và đất nước.

Chuỗi sự kiện không chỉ đơn thuần là hoạt động bình chọn, vinh danh mà còn là diễn đàn để người nông dân có thể kết nối, trao đổi, trang bị kiến thức, khoa học và thực tiễn thông qua các toạ đàm, gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm. Số lượng 63 nông dân được tôn vinh trong chương trình chỉ là con số rất ít trong tổng số hàng chục triệu nông dân trên cả nước, song đó là những nhân tố điển hình, đại diện và cổ vũ cho giai cấp nông dân cả nước thi đua và phát triển.

20.15:

Tới tham dự buổi Lễ tôn vinh và trao danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc 2020 ngày hôm nay có:

1. Đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương

2. Đồng chí Đào Ngọc Dung, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

3. Trung tướng Vũ Hải Sản- Ủy viên BCH Trung ương Đảng,  Ủy viên Quân ủy Trung Ương, Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng

4. Đồng chí Thào Xuân Sùng, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam

5. Đồng chí Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn

6. Đồng chí Lương Quốc Đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội Nông dân Việt Nam

7. Đồng chí Đinh Khắc Đính, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam

8. Đồng chí Nguyễn Xuân Định, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam

9. Đồng chí Bùi Thị Thơm, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam

10. Đồng chí Phạm Tiến Nam, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam

Bên cạnh đó, tham dự Lễ Tôn vinh, còn có các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ; lãnh đạo các Ban của Đảng, lãnh đạo các Ủy ban, cơ quan của Quốc hội, các đồng chí Bộ trưởng, lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo các địa phương; Hội Nông dân các tỉnh/thành cả nước, các chuyên gia, nhà khoa học, các cơ quan thông tấn báo chí. Đặc biệt là sự có mặt của 63 Nông dân Việt Nam xuất sắc đại diện cho các tỉnh/thành đã về dự Lễ Tôn vinh.

Lễ tôn vinh và trao danh hiệu 63 nông dân Việt Nam xuất sắc 2020 - Ảnh 10.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ; lãnh đạo các Ban của Đảng, lãnh đạo các Ủy ban, cơ quan của Quốc hội, các đồng chí Bộ trưởng, lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương tại buổi Lễ tôn vinh. Ảnh: Trọng Hiếu.

20.20: 

Phóng sự tổng quan về chương trình Tự hào nông dân Việt Nam và những hoạt động đã được tổ chức trong 1 năm vừa qua. (Thực hiện: Truyền hình Dân Việt)

20.30: 

Lễ tôn vinh và trao danh hiệu 63 nông dân Việt Nam xuất sắc 2020 - Ảnh 12.

Đ/c Thào Xuân Sùng - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch TW Hội Nông dân Việt Nam lên phát biểu khai mạc. Ảnh: Trọng Hiếu.

Phát biểu tại Lễ Tôn vinh Nông dân Việt Nam xuất sắc 2020, đồng chí Thào Xuân Sùng – Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho biết: Trong Lễ kỷ niệm 90 năm thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14/10/1930 - 14/10/2020), Đại hội thi đua yêu nước lần thứ V và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh, Ban Chấp hành Trung ương Hội đã tuyên dương 90 Chi Hội trưởng Nông dân xuất sắc. Hôm nay, tại Thủ đô Hà Nội, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức trọng thể Lễ tôn vinh và trao danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc” năm 2020. Đây là hoạt động thường niên của Hội Nông dân Việt Nam nhằm tôn vinh những tấm gương nông dân điển hình tiên tiến, có nhiều sáng tạo, cống hiến trong lao động sản xuất, xây dựng nông thôn mới và bảo vệ an ninh Tổ quốc, chủ quyền quốc gia.

“Vinh danh Nông dân Việt Nam xuất sắc, là vinh danh công đức, tài năng, sáng tạo của người hội viên nông dân đã dấn thân vì sự nghiệp phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam vững mạnh trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam. Đồng thời, tạo nên sức lan tỏa mạnh mẽ về “Mẫu hình người nông dân thế hệ mới” trong thời kỳ đẩy mạnh phát triển nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại theo lời dạy ân cần của Bác Hồ: “Nông dân giàu thì nước ta giàu, nông nghiệp thịnh thì nước ta thịnh” vì khát vọng “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” của dân tộc ta” - Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng khẳng định.

20.35: TRAO TẶNG BẰNG KHEN CHO NÔNG DÂN XUẤT SẮC NHÓM LĨNH VỰC CHĂN NUÔI 

Chăn nuôi là một ngành quan trọng của nông nghiệp hiện đại, ngành cung cấp thực phẩm, nguyên liệu da, lông và các sản phẩm từ sữa, trứng và sức lao động. Năm nay, bất chấp những khó khăn do tịch tả lợn châu Phi và dịch Covid 19 gây ra, chúng ta vô cùng tự hào khi chứng kiến những con số "biết nói" về ngành chăn nuôi, đóng góp không nhỏ vào sự tăng trưởng kinh tế.

Lễ tôn vinh và trao danh hiệu 63 nông dân Việt Nam xuất sắc 2020 - Ảnh 13.

Đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương và đồng chí Thào Xuân Sùng, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Nông dân Việt nam lên trao tặng bằng khen cho những nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2020 nhóm lĩnh vực chăn nuôi. Ảnh: Trọng Hiếu.

Danh sách 13 gương nông dân xuất sắc 2020 trong lĩnh vực chăn nuôi

1. Ông Tống Văn Hướng sinh năm 1970, Xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương. Ông có trang trại tổng hợp: Chăn nuôi gà thịt, công nghệ trại lạnh, trang trại trồng cây ăn quả có múi, dịch vụ khai thác khoáng sản. Tổng diện tích trang trại: 45 ha. Trong đó: 20 ha cao su; 25 ha bưởi, cam, quýt. Lợi nhuận: 3 tỷ/năm, giải quyết việc làm cho 30 lao động.

2. Bà Hoàng Thị Bướm 1968 Tổ dân phố 1, TT. Thông Nông, Hà Quảng, Cao Bằng

Hoạt động sản xuất kinh doanh: Khách sạn, nhà hàng kết hợp với trồng trọt, chăn nuôi. Tổng doanh thu từ trồng trọt, chăn nuôi và dịch vụ đạt hàng tỷ đồng mỗi năm, trong đó lợi nhuận đạt 700 triệu đồng. Bà cũng tích cực đóng góp cho các hoạt động xã hội của địa phương.

3. Bà Trần Thị Thanh Thoan, sinh năm 1986, ở Thôn Đô Quan, xã Mộc Quan, thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Bà có mô hình Chăn nuôi bò sữa và sản xuất các sản phẩm từ sữa tươi với tổng diện tích chăn nuôi bò sữa là 6ha và có hơn 100 con bò sữa, đạt tổng doanh thu: 15 tỷ đồng/năm; giải quyết việc làm cho 35 lao động.

4. Ông Trần Văn Mạnh, Sinh năm 1970, Ở Thôn Ngư Uyên, xã Long Xuyên, thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương. Ông làm nghề chăn nuôi gà đẻ trứng thương phẩm với quy mô 30.000 con, ông còn nuôi ba ba gai thương phẩm, nuôi cá truyền thống và vườn trồng cây ăn quả lâu năm. Năm 2020 dự kiến doanh thu đạt 12 tỷ đồng, trừ chi phí thu lãi trên 2 tỷ đồng.

5. Ông Phạm Văn Lượng, sinh năm 1965, làm việc tại Công ty cổ phần giống gia cầm Lượng Huệ, ở Hồng Phong, An Dương, Hải Phòng. Ông liên kết chăn nuôi với nhiều hộ nông dân trên địa bàn thành phố xây dựng nhiều mô hình ứng dụng những tiến bộ kỹ thuật mới trong lĩnh vực chăn nuôi gia cầm an toàn sinh học đạt hiệu quả cao, đạt doanh thu: 110 tỷ đồng/năm, sử dụng 90 lao động thường xuyên.

6. Ông Nguyễn Ngọc Thạch sinh 1987, tại Thôn Mạn đường B, xã Mai Sao, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn. Ông có mô hình Chăn nuôi thỏ trên diện tích 1ha đạt lợi nhuận: 720 triệu đồng/năm.

7. Ông Trần Văn Quyên sinh 1972, Xóm Nội, xã Mỹ Hà, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định. Có trang trại tổng hợp diện tích: 21.000m2. Năm 2019, ông cùng các thành viên của Tổ hợp tác mạnh dạn đầu tư nuôi thêm cá Koi và tôm thẻ chân trắng đã mang lại nguồn thu nhập ổn định. Tổng tiền lãi thu về sau khi trừ chi phí: 1,5 tỷ đồng.

8. Bà Nguyễn Thị Hương 1976, Xóm Trung Thịnh, Nghĩa Hiếu, Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An. Bà có mô hình trồng cam, bưởi, chanh và chăn nuôi dúi, lợn rừng, vịt trời trên diện tích 2,8ha. Mỗi năm bà thu được 30-40 tấn/ha cam, bưởi, chanh, đạt doanh thu: 1,7 tỷ đồng/năm

9. Ông Phùng Hồng Em sinh 1986, thôn Chánh Lộc, xã Xuân Lộc, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên. Ông làm nghề nuôi lợn thịt, lợn nái và kinh doanh thức ăn gia súc gia cầm, kinh doanh thức ăn chăn nuôi. Tổng doanh thu đạt hơn 21 tỷ đồng/năm, lợi nhuận: 5 tỷ đồng.

10. Ông Võ Doãn Thụ 1961, sống tại Khu phố 8, thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Ông Thụ đã bỏ ra 17 tỷ đồng để đầu tư nuôi lợn thịt công nghệ cao, mỗi tháng hiện xuất bản 200 con lợn thịt, lợi nhuận thu về hàng tỷ đồng mỗi năm. Ông thường xuyên giúp đỡ, hỗ trợ những gia đình khó khăn, cho mượn không tính lãi hàng trăm triệu đồng.

11. Ông Nguyễn Quốc Kiệt 1952 Phường 3, thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang, phụ trách HTX Chăn nuôi và Thuỷ sản Gò Công với hơn 50 thành viên, nuôi đàn gà thường xuyên hơn 100.000 con, doanh thu đạt 1,65 tỷ đồng/năm, lợi nhuận: 900 triệu đồng. Ông đã xây dựng thành công thương hiệu "Gà ta Gò Công"

12. Ông Hoàng Văn Chung 1964 Thôn Phú Nhiêu, xã Phú Lương, huyện Sơn Dương, Tuyên Quang. Ông chăn nuôi lợn với quy mô gần 2700 con, trong đó có 130 con lợn nái. Lợi nhuận năm 2020 ước đạt 11 tỷ đồng. Ông tham gia ủng hộ, đóng góp làm đường nông thôn, xây dựng nhà văn hóa ở địa phương, được trao tặng Huân chương Lao động Hạng Ba năm 2017.

13. Bà Nguyễn Thị Thanh Hải sinh năm 1967 xã Thiện Kế , huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc, có trang trại chăn nuôi gà thịt, gà trứng và gà giống trên diện tích 4ha, tạo việc làm cho 10 lao động, doanh đạt 2,5 tỷ đồng/năm, Bà được nhận bằng khen của Hội Nông dân Việt nam năm 2017.

20.40 

TRAO TẶNG BẰNG KHEN CHO NÔNG DÂN XUẤT SẮC NHÓM LĨNH VỰC TRỒNG TRỌT

Từ ngàn đời nay, trồng trọt có một vai trò quan trọng trong việc cung cấp lương thực, thực phẩm và là nguyên liệu cho các ngành công nghiệp chế biến. Ngày nay, ngoài việc tạo ra các sản phẩm trồng trọt cho năng suất cao, người dân còn nghiên cứu, tập trung sản xuất các mặt hàng nông sản có chất lượng tốt, sạch, an toàn, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Việt Nam hiện đứng trong tốp đầu thế giới về xuất khẩu gạo, cà phê, hồ tiêu…

Lễ tôn vinh và trao danh hiệu 63 nông dân Việt Nam xuất sắc 2020 - Ảnh 13.

Trung tướng Vũ Hải Sản, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng và đồng chí Đào Ngọc Dung, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội lên trao tặng bằng khen cho những nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2020 nhóm lĩnh vực trồng trọt. Ảnh: Phạm Hưng.

Danh sách 13 gương nông dân xuất sắc 2020 trong lĩnh vực trồng trọt

1.Ông Nguyễn Hữu Thanh sinh 1971, Ấp Long Thạnh, xã Long Hòa, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre. Ông trồng nhãn Ido trên diện tích sản xuất: 7,5ha đạt sản lượng160 tấn /năm, hiệu quả kinh tế: 2,7 tỷ đồng/năm. Giải quyết việc làm cho 8 lao động.

2. Ông Phạm Văn Dũng sinh 1978, ở Thôn Kép 1, xã Hồng Giang, huyện Lục Ngạn, Bắc Giang, làm trang trại tổng hợp, trồng vải, cam, bưởi thiều theo tiêu chuẩn quốc tế, sản phẩm đạt chứng nhận VietGAP với sản lượng đạt 40 tấn/năm; ngoài ra ông còn làm nghề ấp trứng gà, vịt; lợi nhuận đạt gần 2 tỷ đồng/năm, tạo việc làm ổn định cho 15-17 lao động. Ông vừa được Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang tặng danh hiệu Doanh nhân tiêu biểu Bắc Giang.

3. Ông Lầu Sy Nịp, sinh 1970 Thôn 5, xã Long Bình, Phú Riềng, Bình Phước. Ông có mô hình trồng bưởi da xanh trên diện tích 28ha bưởi da xanh, đạt lợi nhuận 6 tỷ đồng/năm. Ông cũng thường xuyên tham gia đóng góp các phong trào, giúp đỡ hỗ trợ người nghèo khó khăn và công tác xã hội với giá trị gần 500 triệu đồng.

4. Ông Lâm Văn Tính sinh năm 1957, Ấp 1, xã Thới Hưng,huyện Cờ Đỏ, Tp Cần Thơ, sở hữu mô hình trồng chuối cấy mô trên diện tích 87ha, sản lượng 2.500 tấn, doanh thu 22,5 tỷ đồng. Ngoài ra, ông còn trồng thanh nhãn với diện tích 5ha, doanh thu 10,5 tỷ đồng. Tổng doanh thu từ trồng trọt của ông hiện đạt 33 tỷ đồng/năm.

5. Ông Phạm Văn Khang sinh 1980, quê quán Thôn 8 – xã Đăk Buk So – Tuy Đức – Đăk Nông, trồng cây công nghiệp, cây lương thực trên diện tích 56ha, đạt sản lượng 100 tấn/năm, thu nhập bình quân 2 tỷ đồng/năm, tạo công ăn việc làm cho 50 lao động. Ông được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen do có mô hình sản xuất hiệu quả và ổn định, giúp đỡ nhiều hộ nông dân xóa đói giảm nghèo.

6. Ông Triệu Quang Trung sinh 1974, ở Thanh Sơn, Minh Phú, Sóc Sơn, Hà Nội. Với mô hình trồng nấm ăn, nấm dược liệu trên diện tích 5.000m2 đạt sản lượng 300 tấn, doanh thu 33 tỷ đồng. Ông tham gia đóng góp thuế và phúc lợi xã hội, từ 2-4 tỷ đồng/năm, hiến gần 200m2 đất tu sửa làm đường bê tông nông thôn.

7. Ông Sùng Diu Sì, sinh năm 1969, ở Thôn Vĩnh Sơn, xã Vĩnh Phúc, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang, trồng cam,nhãn lồng với tổng diện tích 6,6ha. Năm 2020 ước tính thu được khoảng 270 tấn quả, thu nhập 1 tỷ đồng, tạo công ăn việc làm cho 25 lao động.

8. Ông Trần Văn Bá sinh 1956, ở ấp Thạch Quới 1, xã Tân Tiến, thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang. Ông trồng khóm, bưởi da xanh, nuôi cá.. trên diện tích 10ha; ngoài ra ông còn kinh doanh, dịch vụ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón và xuồng, vỏ lãi bằng composite, tổng lợi nhuận thu về 4,7 tỷ đồng/năm. Ông được Chủ tịch Nước tặng Huân chương Kháng chiến Hạng Nhì trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

9. Ông Trần Ngọc Hòa sinh 1950, ở phường 7, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Ông có mô hình trồng hoa cúc công nghệ cao trong nhà kính với sản lượng 2,1 triệu cành, lợi nhuận 2 tỷ đồng/năm, sử dụng 5 lao động thường xuyên, ông được tặng nhiều bằng khen, giấy khen của tỉnh.

10. Ông Hùng Ky, sinh 1969, quê quán Thôn Tuấn Tú, xã An Hải, huyện Ninh Phước, Ninh Thuận. Ông chuyên trồng các loại hoa màu, củ quả (măng tây xanh, đậu phộng, cà chua, hành, cải đỏ, cải trắng,); nuôi bò sinh sản; sản xuất yến sào; tổng doanh thu đạt 4 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận 2 tỷ đồng/năm.

11. Ông Nguyễn Hành, sinh năm 1965, thôn Trường Giang, xã Trà Tân, huyện Trà Bồng, Quảng Ngãi. Ông làm nghề sản xuất rau- quả sạch theo phương pháp thủy canh công nghệ cao của Israel trên diện tích 1.200m2, năng suất 80kg rau/ngày, lợi nhuận thu về 15%.

12. Ông Hoàng Văn Chất sinh 1960, quê quán Bản Củ 2, xã Chiềng Ban, Mai Sơn, Sơn La, trồng cây ăn quả có múi (cam, bưởi), cây công nghiệp (cà phê); nuôi bò nhốt chuồng; cung cấp cây giống; giới thiệu phân bón. Diện tích sản xuất 5,9ha, thu nhập đạt 1,9 tỷ đồng, tạo việc làm cho hàng chục lao động địa phương.

13. Ông Dương Văn Tui, sinh 1957, Thôn Bản Tèng, TT Đồng Tâm, huyện Chợ Mới, Bắc Kạn, trồng lúa, ngô, trồng rừng. Tạo việc làm cho 12-15 lao động thường xuyên thu nhập bình quân từ 5-7 triệu đồng/tháng/người. Thu nhập của gia đình hàng năm trên 130 triệu đồng/khẩu. Lợi nhuận, trên 900 triệu đồng mỗi năm.

20.45: 

Lễ tôn vinh và trao danh hiệu 63 nông dân Việt Nam xuất sắc 2020 - Ảnh 15.

Ca khúc "Chàng trai nước Việt" do ca sĩ Tùng Dương và vũ đoàn PL trình bày. Ảnh: Trọng Hiếu.

20.50

TRAO TẶNG BẰNG KHEN CHO NÔNG DÂN XUẤT SẮC NHÓM LĨNH VỰC THỦY, HẢI SẢN

Ngành thuỷ hải sản luôn đi đầu, mạnh dạn ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp 4.0 vào các mô hình sản xuất. Những sản phẩm thuỷ, hải sản Việt Nam như tôm hùm, cá tra, cá ba sa… nổi tiếng khắp nơi và xuất khẩu đi khắp thế giới, đạt kim ngạch hàng tỉ USD.

Lễ tôn vinh và trao danh hiệu 63 nông dân Việt Nam xuất sắc 2020 - Ảnh 16.

Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và đồng chí Phạm Tiến Nam, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam lên trao tặng bằng khen cho 11 nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2020 nhóm lĩnh vực Thủy, hải sản. Ảnh: Phạm Hưng.

Danh sách 11 gương nông dân xuất sắc 2020 trong lĩnh thủy, hải sản

1. Ông Phan Khắc Nhật Tiến sinh 1976, quê quán khóm 8, phường 5, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu. Ông có mô hình nuôi tôm, cá trên diện tích 30ha đạt sản lượng: 300 tấn/năm, thu về lợi nhuận 10 tỷ đồng/năm.

2. Ông Nguyễn Hoàng Nam sinh 1977, quê quán Ấp Cây Sộp, xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thời Bình, tỉnh Cà Mau. Ông nuôi trồng thủy sản: tôm, cua trên diện tích 11ha, tổng sản lượng 7,7 tấn/ha/năm, lợi nhuận 2,3 tỷ đồng/năm.

3. Ông Nguyễn Trường Đại sinh 1963, quê quán Ấp Thống Nhất, xã Vĩnh Thanh, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai, nuôi tôm càng xanh công nghệ cao đạt lợi nhuận: 1,5 tỷ đồng/năm. Ông thường xuyên giúp đỡ 10 hộ nghèo, khó khăn, trẻ em mồ côi.

4.Ông Lưu Văn Dũng sinh 1976, quê quán Thôn Quang Xá, xã Quang Hưng, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên, sản xuất và kinh doanh cá giống và cá thương phẩm. Tổng thu nhập đạt trên 20 tỷ đồng, lợi nhuận trên 3 tỷ đồng/năm.

5. Ông Lê Minh Quyền sinh 1965, quê quán tổ 1 Tây Sơn, phường Vĩnh Nguyên, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Ông có mô hình nuôi trồng hải sản với 76 ô lồng đạt sản lượng: 8,5 tấn, ông còn tham gia kinh doanh hải sản, lợi nhuận hàng năm đạt 1,1 tỷ đồng.

6. Ông Nguyễn Hữu Tá sinh 1972, trú tại thị trấn Đăk Hà, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum, sản xuất kinh doanh Cá giống, cá thịt, thức ăn gia súc, gia cầm và thủy sản trên diện tích 1,3 ha. Ông còn làm kinh doanh dịch cá giống, cá thịt, thức ăn gia súc, gia cầm và thủy sản đạt; tổng thu nhập 35 tỷ đồng/năm. Năm 2017, Ông được Chủ tịch Nước trao tặng Huân chương Lao động Hạng Ba.

7. Ông Bàn Văn Long sinh 1966, quê quán thôn 5 Mai Đào xã Thượng Hà, huyện Bảo Yến, Lào Cai, nuôi cá thương phẩm trên diện tích 9.000m2, đạt sản lượng 20 tấn/năm, lợi nhuận 1 tỷ đồng.

8. Ông Lê Ngọc Quyết sinh 1964, quê quán thị trấn Bình Minh, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao, nuôi hàu giống trên diện tích: 70.000m2. Dự kiến doanh thu năm 2020 đạt 10 tỷ đồng.

9. Ông Ngô Văn Dương sinh 1976, quê quán Thôn Cừa Thôn, xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Ông Dương có 20 ao nuôi tôm thẻ chân trắng với tổng diện tích 5ha, cho sản lượng từ 130 đến 160 tấn tôm thẻ, lợi nhuận hơn 7 tỷ đồng/năm sau khi trù chi phí.

10. Ông Lê Mai Hiền sinh 1972, quê quán thôn Tiến Minh, xã Tân Nguyên, huyện Yên Bình, Yên Bái, làm nghề chế biến gỗ rừng trồng, chăn nuôi thủy sản, dịch vụ thức ăn chăn nuôi và cung ứng vật tư nông nghiệp, với diện tích 75ha; doanh thu: 10 tỷ đồng/năm, lợi nhuận 3 tỷ đồng.

11. Ông Trần Hữu Kiếm sinh 1974, quê quán phường Đông Hồ, TP. Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang, làm nghề đánh bắt hải sản. Ông có 16 chiếc ghe với tổng giá trị trên 27 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hơn 100 lao động.

21.00

Những năm qua, ngày càng xuất hiện nhiều những tấm gương cá nhân, hợp tác xã, doanh nghiệp tham gia vào mặt trận kinh doach các dịch vụ, vật tư nông nghiệp, đóng vai trò cầu nối giữa người nông dân với thị trường.  Từ đó, đã phát huy tính năng động, sáng tạo trong lao động, sản xuất của hội viên nông dân, góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả kinh tế cao. Từ đó, đã có nhiều hộ nông dân vươn lên làm giàu, thoát nghèo trên chính mảnh đất quê hương mình.

Lễ tôn vinh và trao danh hiệu 63 nông dân Việt Nam xuất sắc 2020 - Ảnh 18.

Đồng chí Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Uy ban Trung Ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đồng chí Bùi Thị Thơm, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam trao tặng bằng khen cho 13 nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2020 nhóm lĩnh vực kinh doanh dịch vụ nông nghiệp. Ảnh: Phạm Hưng.

Danh sách nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2020 nhóm lĩnh vực kinh doanh dịch vụ nông nghiệp

1. Ông Đinh Thành Nam sinh 1970, quê quán Ấp Bình Phú, xã Hòa An, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, sản xuất lúa trên diện tích 90ha, năng suất đạt 19 tấn/ha/năm, tổng sản lượng mỗi năm đạt trên 1.700 tấn, doanh thu: 8,5 tỷ đồng. Ngoài ra ông còn kinh doanh cung cấp dịch vụ máy nông nghiệp (máy gặt, máy sấy lúa) thu lợi hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Ông đã đóng góp cho xã hội tổng số tiền gần 1 tỷ đồng để làm từ thiện, xây dựng nông thôn mới.

2. Bà Trần Thị Như Hoa sinh 1953, quê quán thôn Thiện Chánh, xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn, Bình Định. Bà chuyên sản xuất nước mắm chất lượng cao, với năng suất 3.000 lít/tháng. Hàng năm, bà tặng hàngtrăm lít nước mắm cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo ở địa phương.

3. Ông Nguyễn Anh Đức sinh năm 1963, Thôn 3, xã Đức Bình, huyện Tánh Linh, Bình Thuận. Ông có mô hình gạo hữu cơ và bán gạo sạch hữu cơ , sản xuất lúa giống trên diện tích 20 ha/năm, đạt năng suất trung bình 13 tấn/ha/năm, lợi nhuận 1 tỷ đồng.

4. Ông Trương Văn An sinh 1985, ở thị trấn Mường Ẳng, H. Mường Ẳng, tỉnh Điện Biên. Ông sản xuất, chế biến cà phê trên diện tích 17ha đạt sản lượng: 20 tấn/năm, đem lại hiệu quả kinh tế 2,4 tỷ đồng. Ngoài ra ông còn kinh doanh văn phòng phẩm, đạt doanh thu 1 tỷ/năm.

5. Bà Nguyễn Thị Thanh Xuân sinh 1974, quê quán thị trấn Ialy, Chư Păh, tỉnh Gia Lai. Bà sản xuất Cà phê nguyên chất với Diện tích 5ha, đạt sản lượng 20 tấn/1 hecta, với doanh thu: 2 tỷ/năm. Ngoài ra bà còn kinh doanh cà phê bột, cà phê hạt nguyên chất và cà phê nhân xanh có tổng thu nhập 2 tỷ/năm.

6. Bà Đặng Thị Luận sinh 1972, quê quán thôn Tân Thắng, xã Kỳ Ninh, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, có mô hình biến nước mắm, chế biến sứa trong đó chế biến nước mắm đạt 65 triệu lít/năm. Ngoài ra, bà còn kinh doanh dịch vụ: Thu mua các loại thủy hải sản với sản lượng thu mua 750 tấn/năm. Tổng doanh thu năm 2019 đạt trên 11 tỷ đồng.

7. Ông Hồ Nhuận Đăng Sơn sinh 1963, quê quán phường 7, TP Tân An, tỉnh Long An, có mô hình Nuôi Cá cảnh trên diện tích 1,2ha. Năm 2019, có tổng doanh thu 6,2 tỷ đồng. Trong công tác thiện nguyện, ông đã giúp 20 hộ thoát nghèo. Tham gia đóng quỹ Hỗ trợ Nông dân, quỹ Khuyến học, quỹ Hội Cựu chiến binh... hàng năm trên 86 triệu đồng.

8. Ông Phạm Văn Lâm sinh 1966, quê quán thị trấn Than Uyên, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu. Ông làm nghề chăm sóc chè, thu mua chế biển sản phẩm chè búp tươi, mô hình trồng chanh leo tím với 10ha chè, 1ha chanh leo, đạt lợi nhuận trên 2,1 tỷ đồng/năm (kinh doanh+ cây chè+ chanh leo). Ông đã hiến 1.500m2 đất để làm đường nội đồng sản xuất vùng chè nguyên liệu. Góp 300m2 đất đất xây dựng nhà văn hóa....

9. Ông Lê Văn Nghiệp sinh 1968, quê quán Thôn Phú Cường, Minh Hòa, huyện Yên Lập, Phú Thọ. Ông làm nghề sản xuất, sơ chế gỗ xẻ thanh, gỗ ván bóc, băm răm; doanh thu trên 10 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 1,72 tỷ đồng.

10. Ông Trần Bá Báu sinh 1961, quê quán Thôn 4, xã Quảng Sơn, huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh. Ông Sản xuất kinh doanh giống cây trồng nông – lâm nghiệp, trồng rừng kinh doanh. Tổng thu nhập/năm: 2.5 tỷ đồng, lợi nhuận/năm: 1 tỷ đồng, tạo công ăn việc làm cho 12 lao động với thu nhập bình quân từ 5 – 8 triệu/người/tháng.

11. Bà Nguyễn Thị Hải sinh 1966, quê quán, Xóm Rừng Vần, La Bằng, Đại Từ, Thái Nguyên. Bà phụ trách HTX chè La Bằng, HTX. Sản xuất kinh doanh chè uống trên diện tích 10ha đạt sản lượng 100 tấn chè tươi/năm , doanh thu 4,3 tỷ đồng. Bà được Thủ tướng Chính phủ trao tặng bằng khen năm 2018.

12. Ông Lê Quang Cao sinh 1968, quê quán Tổ dân phố Vĩnh Hòa, thị trấn Sịa, huyện Quang Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Ông có mô hình trồng sen; nuôi cá trình giống và thương phẩm; cho thuê máy cày, máy cẩu. Diện tích: 4,5ha sen cao sản; 3,8ha ươm cá trình giống và thương phẩm. Tổng doanh thu 12 tỷ đồng/năm.

13. Ông Lê Đình Trúc, sinh 1985, quê quán Thôn Hùng Sơn, Xã Yên Thọ, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa. Ông trồng và chế biến nấm nông nghiệp công nghệ cao trên diện tích 30.000 m2. Sử dụng công nghệ hơi nước để tiệt trùng bịch phôi, bịch giá thể. Dây chuyền đóng bịch tự động công suất 2.000 bịch/giờ... Năm 2019 doanh thu đạt 3,2 tỷ đồng.

21.05

Tiết mục nghệ thuật vô cùng xúc động, với từng câu chữ trong "Gửi nông gia Việt Nam" của chủ tịch Hồ Chí Minh, phần chia sẻ cảm xúc của NSND Ánh Dương - Nghệ sĩ tại Nhà hát Tuồng Việt Nam và bài hát Đất nước – sáng tác: Phạm Minh Tuấn, thể hiện: ca sĩ Khánh Linh

21.10

Trong thơ ca Việt Nam, người nông dân luôn gắn với hình ảnh những chiến sĩ quật cường, tay cày tay súng. Thời nay, người nông dân lại là những chiến sĩ tuyến đầu trên mặt trận thi đua yêu nước, đề xuất nhiều phát minh hay, sáng kiến tốt, luôn đi đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới và luôn gương mẫu tham gia bảo đảm quốc phòng, an ninh. Mỗi hội viên nông dân là 1 tấm gương đi đầu trong công tác thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh của địa phương; tham gia xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh. Đó cũng là những nông dân sẽ được vinh danh trong phần tiếp theo của chương trình ngày hôm nay – nhóm giải Nông thôn Mới, bảo đảm an ninh quốc phòng và Phát minh sáng chế.

Lễ tôn vinh và trao danh hiệu 63 nông dân Việt Nam xuất sắc 2020 - Ảnh 22.

Đồng chí Nguyễn Xuân Định, Phó Chủ tịch Trung Ương Hội Nông dân Việt Nam và đồng chí Hoàng Thị Hạnh , Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc lên trao tặng bằng khen cho những nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2020 nhóm lĩnh vực Phát minh sang kiến, nông thôn mới và bảo vệ Tổ Quốc.

Danh sách những gương nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2020 nhóm lĩnh vực Phát minh sang kiến, nông thôn mới và bảo vệ Tổ Quốc

1. Ông Nguyễn Trính sinh 1963, quê quán Ấp Phước Hương, xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu; ông làm nghề sửa chữa tàu thuyền, ông phụ trách HTX dịch vụ khai thác thủy sản Quyết Thắng với tổng tài sản 18 chiếc tàu, trị giá 54 tỷ đồng; tổng thu nhập 25 tỷ đồng/năm. HTX đã vận động toàn thể xã viên đóng góp 5,6 tỷ đồng để đầu tư xây dựng 46 nhà lồng lựa cá, tạo công an việc làm cho trên 100 lao động. Năm 2015, ông được trao tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì "Đã có thành tích tiêu biểu trong phong trào thi đua sản xuất Kinh doanh giỏi và xây dựng NTM giai đoạn 2010-2015 góp phần xây dựng CNXH và bảo vệ tổ quốc".

2. Ông Nguyễn Kim Hùng sinh 1958, quê quán Thôn Cầu Đào - xã Nhân Thắng- huyện Gia Bình - tỉnh Bắc Ninh. Ông làm nghề sáng chế, sản xuất máy bơm điện phục vụ nông nghiệp, máy quạt nước cung cấp oxy cho tôm cá, giải pháp hữu ích máy hút bùn dọn đáy ao… đạt sản lượng 3.000 chiếc các loại/năm. Ông có sáng kiến, phát minh khoa học được ứng dụng và đem lại hiệu quả kinh tế xã hội trong sản xuất nông nghiệp.

3. Ông Nguyễn Văn Nhi sinh 1982, quê quán Thạch Nham Đông, Hoà Nhơn, Hoà Vang, Đà Nẵng. Ông có mô hình Nấm ăn, nấm dược liệu có diện tích 2.500m2, đạt sản lượng trên 2,3 tấn/năm. Ông có sáng kiến sản xuất dây chuyền đóng bịch phôi nấm bán tự động hoàn thiện tất cả các công đoạn đóng bịch phôi tạo ra 200 bịch phôi/giờ/2 lao động. Giảm gấp 3 lần so với thủ công và tạo ra sp đồng đều hơn.

4. Ông Phạm Văn Chử sinh 1975, quê quán buôn Briêng, xã Ea Nam, huyện Ea H'leo, tỉnh Đắk Lắk. Ông làm nghề chăn nuôi gà và chăn nuôi lợn với 5 trại chăn nuôi, diện tích là 5.000 m2. Tổng thu nhập 9,3 tỷ đồng; lợi nhuận 1,8 tỷ đồng/năm. Ông đã có nhiều sáng kiến và ứng dụng công nghệ trong chăn nuôi đem lại hiệu quả cao như: Xây hầm Biogas để xử lý chất thải, bảo vệ môi trường và lò sưởi ấm cho gà.

5. Ông Huỳnh Văn Bé sinh 1950, quê quán khóm Tân Đông B, Thị Trấn Thanh Bình, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp. Ông đạt nhiều Thành tích xuất sắc trong phong trào xây dựng Nông thôn mới. Cụ thể: Nhiều năm duy trì việc hỗ trợ định kỳ hàng tháng cho 556 người già, neo đơn gặp khó khăn trong tỉnh. Tổng kinh phí hỗ trợ mỗi năm là hơn 1,34 tỷ đồng. Trong 5 nămgần đây ông đã tài trợ cho công tác an sinh xã hội trong và ngoài huyện trên 5,4 tỷ đồng. Tạo việc làm cho hơn 60 lao động thường xuyên thu nhập ổn định.

6. Ông Nguyễn Xuân Sang sinh 1983, quê quán Xóm Nai, xã Thung Nai, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình, Với mô hình nuôi cá với quy mô trên 20 lồng. Năm 2019, lợi nhuận thu về 1 tỷ/năm. Giải quyết việc làm cho 25 Lao động thường xuyên và thời vụ.

Ông đã nghiên cứu, có nhiều sáng kiến, ứng dụng khoa học kĩ thuật trong sản xuất. Áp dụng nghiêm ngặt quy trình nuôi cá sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, ứng dụng quy trình phòng chống dịch bệnh cho cá, trong ươm cá giống, nuôi thí điểm các giống cá tầm, cá vược, cá chình để bổ sung giống cá có hiệu quả kinh tế cao, gắn với bảo vệ môi trường.

7. Ông Phạm Thành Lộc sinh 1981, quê quán, ấp 6Aa, xã Tân Thạch Đông, huyện Củ Chi TP. HCM. Ông có phát minh và sản xuất thiết bị trồng rau khí canh trụ đứng Ero-Farm dành cho trang trại và dân dụng trên diện tích 1.000m2, đạt sản lượng: 200 thiết bị/năm, lợi nhuận 1,5 tỷ đồng. Năm 2017 ông được nhận bằng khen của TT Chính phủ

8. Ông Nguyễn Thanh Tuấn sinh 1977, quê quán Thôn Phái Nhơn, xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành, Quảng Nam. Ông có sáng kiến phát minh: Quy trình chăm sóc và nuôi dưỡng nhông cát hiệu quả và xây dựng mô hình nuôi gà đông tảo tại huyện Núi Thành đạt hiệu quả cao được Trung ương Hội NDVN và Hội đồng khoa học và sáng kiến tỉnh Quảng Nam cấp chứng nhận.

9. Ông Lâm Văn Phấn sinh 1956, quê quán Ấp Tắc Gồng, xã Tham Đôn, huyện Mỹ Xuyên, Sóc Trăng. Ông có thành tích xuất sắc trong phong trào xây dựng nông thôn mới: Tích cực vận động người thân, nhà hảo tâm thực hiện tốt phong trào do địa phương phát động. Cụ thể: phát hoang cỏ dại, trồng hoa, xây dựng cột cờ, cổng rào và cải tạo nhà ở xanh, sạch, đẹp… Vận động người thân, dân đóng góp xây mới và sửa chữa 4 cây cầu giao thông nông thôn, hỗ trợ gạo cho bà con trong các dịp lễ tết với số tiền 2,2 tỷ đồng. Ông được trao Bằng khen của Thủ tướng CP vì thành tích tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách HCM giai đoạn từ 2016-2019.

10. Ông Phạm Văn Hùng sinh 1961, quê quán ấp Tân Xuân, xã Tân Phú, huyện Tân Châu, Tây Ninh. Ông có sáng kiến, phát minh thiết bị đào mương đặt ống tưới: Đạt sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp Khu vực phía Nam; nhận được giải 3 trong Hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật tỉnh Tây Ninh lần thứ 10 năm 2016- 2017. Ông được trao bằng khen của Hội NDVN năm 2018: Có thành tích trong nghiên cứu, phát minh sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, chuyển giao ứng dụng vào sản xuất

11. Ông Trần Đại Nghĩa sinh 1970, quê quán thôn Đông Hoàng, xã Đông Hoàng, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Ông có sáng kiến phát minh chế tạo: Thiết bị cấy lúa không dùng động cơ đã được Cục sở hữu trí tuệ cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích năm 2016 và được ứng dụng rộng rãi cho bà con nông dân trên mọi vùng miền trong cả nước. Ông cũng có nghiên cứu chế tạo máy cấy lúa sử dụng động cơ điện. Đã được Cục sở hữu trí tuệ cấp bằng độc quyền sáng năm 2017.

12. Ông Đỗ Văn Út sinh 1952, quê quán Ấp Đon, xã Nhị Long, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh. Ông có sáng kiến khoa học đã được ứng dụng và đem lại hiệu quả kinh tế xã hội cao trong sản xuất nông nghiệp, gồm có:

-Máy xay xát gạo sử dụng 2 động cơ (bóc vỏ lúa 2 động cơ).

-Máy xay thức ăn chăn nuôi hộ gia đình F35.

Năm 2015, ông đoạt giải Nhất Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Trà Vinh lần thứ 3 (2014-2015) với công trình Giải pháp "máy xay xát gạo sử dụng 02 động cơ".

13. Ông Đoàn Văn Tài sinh 1964, quê quán Ấp Kính, xã Trung Ngãi, huyện Vũng Liêm, Vĩnh Long. Ông có sáng kiến đưa quy trình sản xuất lúa theo hướng sử dụng phân hữu cơ vào thay thế phân hóa học, dùng các chế phẩm sinh học thay thế thuốc bảo vệ thực vật bằng hóa học, ứng dụng và đem lại hiệu quả kinh tế, xã hội cao trong hoạt động sản xuất nông nghiệp được UBND tỉnh Vĩnh Long chứng nhận.

21.20

 Trong khuôn khổ của buổi lễ trao giải ngày hôm nay, ngoài việc vinh danh những tấm gương Nông dân tiêu biểu, xuất sắc trong nhiều nhóm ngành, lĩnh vực, Ban Tổ chức cũng gửi lời cảm ơn, tri ân các doanh nghiệp đã đồng hành với các nhà nông trong thời gian vừa qua.

Để có được 1 sự kiện quy mô, chất lượng như ngày hôm nay, BTC xin được trân trọng cảm ơn nhà tài trợ chính duy nhất: Công ty CP Phân bón Bình Điền, Nhà tài trợ vàng: Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT, tập đoàn Vingroup – Nhà tài trợ bạc: Tập đoàn Thái Bình Seeds, Nhà tài trợ Truyền thông: Công ty TNHH Thương mại và Dịch Vụ Tân Hiệp Phát.

Lễ tôn vinh và trao danh hiệu 63 nông dân Việt Nam xuất sắc 2020 - Ảnh 24.

Đồng chí Thào Xuân Sùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch TW Hội Nông dân Việt Nam và đồng chí Nguyễn Thị Phương Hoa, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường lên trao danh hiệu đồng hành cùng nhà nông cho các doanh nghiệp. Ảnh: Phạm Hưng.

Lễ tôn vinh và trao danh hiệu 63 nông dân Việt Nam xuất sắc 2020 - Ảnh 21.

Ảnh: Trọng Hiếu.

21.25

Lễ tôn vinh và trao danh hiệu 63 nông dân Việt Nam xuất sắc 2020 - Ảnh 22.

Tiết mục nghệ thuật: Liên khúc: Hạt Gạo làng ta - Hát về cây lúa hôm nay - Hành khúc nông dân Việt Nam. Biểu diễn: Hợp xướng từ Học viện Âm nhạc Quốc gia - minh họa: Vũ đoàn PL


21.30

Đồng chí Thào Xuân Sùng nhấn mạnh: "Đây là năm thứ 8 liên tiếp Chương trình được thực hiện đã thu hút sự quan tâm của hàng triệu hội viên, nông dân trong cả nước hưởng ứng, tham gia. Tôi tin tưởng, từ niềm tự hào, vinh dự của mỗi nông dân được nhận danh hiệu "Nông dân xuất sắc" hôm nay sẽ tiếp tục lan tỏa tới đông đảo hội viên, nông dân cả nước; có sức cuốn hút, thúc đẩy, góp phần làm cho Phong trào Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững, Nông dân tham gia xây dựng nông thôn mới trong nông dân ngày càng phát triển mạnh mẽ".

Tự hào về giá trị truyền thống cống hiến và trưởng thành của Hội Nông dân Việt Nam, các thế hệ nông dân Việt Nam ngày nay sẽ viết tiếp trang sử hào hùng của cha anh, tiếp tục nỗ lực, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình trong sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, hội nhập quốc tế, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.

Thay mặt Ban Tổ chức, xin trân trọng cám ơn sự giúp đỡ của các cơ quan trung ương, địa phương, các nhà tài trợ, các cơ quan thông tấn báo chí đã đến tham dự và đưa tin chương trình này.

Một lần nữa xin được gửi tới các hội viên nông dân cả nước, lời chào sức khỏe, hạnh phúc và thành công.



Tường thuật
    Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày Xem