Trung Quốc chi hàng tỷ USD nâng cấp các cửa khẩu với Việt Nam: Giảm tắc biên, nhiều cơ hội mới

TS. Trần Thị Thủy (Viện Nghiên cứu Trung Quốc) Thứ hai, ngày 11/12/2023 18:32 PM (GMT+7)
Quảng Tây là một trong hai tỉnh của Trung Quốc có đường biên giới với Việt Nam, giao lưu hàng hóa và con người qua các cửa khẩu hai bên rất nhộn nhịp. Quảng Tây đã có định hướng phát triển hệ thống cửa khẩu của họ, tạo nên nhiều cơ hội mới cho các địa phương biên giới của Việt Nam.
Bình luận 0

Nằm ở phía Tây Nam của Trung Quốc, Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây được xem là cửa ngõ đường bộ quan trọng nhất nối liền Trung Quốc với Việt Nam và các quốc gia Đông Nam Á. Hiện nay giữa Việt Nam với Quảng Tây có khoảng hơn 20 cửa khẩu, gồm cả cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu song phương và  cửa khẩu phụ (lối nhỏ vận chuyển hàng hóa). 

Nhiều năm qua, quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) và các địa phương biên giới Việt Nam nói chung luôn được tăng cường, đem lại hiệu quả thiết thực trên nhiều lĩnh vực.

Hiện đại hóa cửa khẩu

 Đối với khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, cửa khẩu và kinh tế cửa khẩu tiếp tục là trọng tâm trong quy hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm lần thứ 14 (2021-2025). Quảng Tây hướng đến thúc đẩy khai thông tuyến đường nối khu vực phía Tây Trung Quốc ra biển, nhanh chóng xây dựng khu thí điểm mậu dịch tự do Quảng Tây.

Trung Quốc chi hàng tỷ USD nâng cấp các cửa khẩu với Việt Nam: Giảm tắc biên, nhiều cơ hội mới - Ảnh 1.

Bến xe cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, tỉnh Lạng Sơn. Ảnh Gia Tưởng.

Theo đó, địa phương này tiếp tục dành nguồn kinh phí lớn để hiện đại hoá khu vực cửa khẩu. Trong giai đoạn 2021-2023, nguồn vốn dành cho xây dựng cơ sở vật chất cửa khẩu biên giới của Quảng Tây sẽ đạt khoảng 2,08 tỷ NDT.

Đối với Sùng Tả -  thành phố cấp địa khu nơi trực tiếp có các cửa khẩu đối xứng với tỉnh Lạng Sơn, chính quyền địa khu đang đẩy mạnh xây dựng các mô hình thí điểm liên quan đến phát triển hệ thống cửa khẩu như: "Mô hình sáng tạo thông quan thông minh thông tin hoá toàn bộ và phê duyệt trước xuất nhập khẩu tại cửa khẩu đường bộ biên giới"; "Mô hình mới gia công tại chỗ 'khai báo tập trung, thông quan toàn bộ xe' cho thương mại qua biên giới"; "Đổi mới cải cách sử dụng Nhân dân tệ qua biên giới"; "Triển khai đổi mới hội nhập hợp tác lao động qua biên giới Việt Nam – Trung Quốc"…

Rõ ràng, với cách tiếp cận coi hệ thống cửa khẩu ở Quảng Tây là cửa ngõ quan trọng để Trung Quốc mở rộng hợp tác với các nước Đông Nam Á, chính quyền địa phương ở đây cho thấy quyết tâm hoàn thiện diện mạo hiện đại và chuyên nghiệp hệ thống cửa khẩu biên giới và các hạng mục liên quan.

Một số lĩnh vực ưu tiên liên quan kinh tế cửa khẩu được Quảng Tây đề xuất trong Quy hoạch phát triển cửa khẩu trong giai đoạn mới 2021-2025 gồm: (1) Triển khai các dự án cơ sở hạ tầng tại khu vực cửa khẩu biên giới để nâng cao hơn nữa năng lực dịch vụ thông quan cũng như tiếp tục cải thiện quy trình thông quan. (2) Đẩy nhanh xây dựng cửa khẩu thông minh; (3)Nâng cấp số lượng cửa khẩu quốc tế từ 2 cửa khẩu lên 3 cửa khẩu. (4) Thực hiện phân loại hàng hoá thông quan theo từng cửa khẩu. Trong đó, nông sản nhập khẩu sẽ thông quan qua các cửa khẩu Ái Điểm và Pò Chài (tương ứng với cửa khẩu Chi Ma và Tân Thanh phía Việt Nam); các loại xe ô tô, xe tải tiến hành xuất qua cửa khẩu hàng Thạc Long (tương ứng với cửa khẩu Lý Vạn, tỉnh Cao Bằng), thuỷ hải sản sẽ nhập khẩu qua cửa khẩu Ái Điểm. (4) Thực hiện vận tải đa phương thức để nâng cao năng lực logistics bằng cách kết nối đường sắt cao tốc với đường cao tốc, đồng thời thúc đẩy phía Việt Nam cũng đầu tư mở rộng cao tốc thành 6 làn tại các cửa khẩu quốc tế đối ứng. Đẩy nhanh thúc đẩy xây dựng kết nối giao thông, cơ sở hạ tầng, xây dựng hành lang mới đường bộ, đường biển trọng điểm, tăng cường kết nối xây dựng đường cao tốc khu vực biên giới và đường cao tốc kết nối cửa khẩu…

Trong giai đoạn 2021-2025, định hướng phát triển cửa khẩu của Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây sẽ tập trung vào hai nội dung chính: Về định tính, Quảng Tây hướng đến xây dựng mô hình cửa khẩu với năm tiêu chí gồm an toàn, hiệu quả cao, thông minh, pháp trị, xanh.

Về định lượng: Quảng Tây đưa ra một số mục tiêu cụ thể lượng hoá như: Đến năm 2025, sản lượng hàng hóa xuất nhập khẩu hàng năm của các cửa khẩu trong địa phương đạt 266 triệu tấn, trọng lượng container thông quan đạt 1 triệu TEU; số người xuất nhập cảnh hàng năm đạt 3,54 triệu; phương tiện vận tải xuất nhập cảnh hàng năm đạt 2,73 triệu lượt.

Những cơ hội mới

Số liệu thống kê Quảng Tây cho thấy quy mô thương mại hai chiều Quảng Tây - Việt Nam đã tăng từ khoảng 7,6 tỷ USD năm 2011 lên tới 31,1 tỷ USD vào năm 2021 (tăng 4 lần). Việt Nam giữ vị trí là đối tác thương mại lớn nhất của Quảng Tây trên thế giới trong 23 năm liên tục.

Dựa trên những định vị chiến lược của Trung Quốc đối với Quảng Tây trong thời gian tới, có thể thấy những động thái liên quan đến định hướng phát triển cửa khẩu của Quảng Tây giai đoạn 2021-2025 sẽ có những tác động và cơ hội mới cho các địa phương biên giới của Việt Nam.

Thứ nhất, Quảng Tây được chính phủ Trung Quốc ủng hộ là tuyến đầu trong hợp tác với Việt Nam. Với vị thế địa lý và những ưu thế đặc thù, Quảng Tây có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc triển khai hợp tác các địa phương của Trung Quốc với Việt Nam cả trong quá khứ và hiện tại, được Trung ương xác định và ủng hộ là tuyến đầu trong hợp tác với Việt Nam.

Thứ hai, trong giai đoạn phát triển mới, với các chiến lược phát triển quan trọng như Vòng tuần hoàn kép, Tuyến vận tải đường bộ - đường biển phía Tây mới, 03 định vị chiến lược được Chủ tịch Tập Cận Bình xác định cho Quảng Tây..., nhất là trong giai đoạn thi đua lập thành tích để quán triệt thực hiện tinh thần nghị quyết ĐH 20 Đảng Cộng sản Trung Quốc, Quảng Tây tiếp tục được xác định là cửa ngõ triển khai hợp tác toàn diện hướng tới ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng về cả kinh tế - thương mại, khoa học công nghệ, y tế, giáo dục, giao thông vận tải, dịch vụ...;

Thứ ba, lãnh đạo Đảng, Chính quyền, các ban ngành của Quảng Tây, trong đó có Ban Lãnh đạo mới sau Đại hội 20 và Lưỡng hội 2023 đều rất coi trọng hợp tác với Việt Nam, tiếp tục coi Việt Nam là đối tác truyền thống hàng đầu của Quảng Tây; đặc biệt sau chuyến thăm Việt Nam của Bí thư Khu ủy Lưu Ninh vào tháng 3 năm 2023.  

Từ trong quá khứ cho đến hiện tại, Quảng Tây luôn giữ thái độ thiện chí trong việc thúc đẩy hợp tác với Việt Nam thông qua các địa phương biên giới. Trong bối cảnh mới, định hướng phát triển kinh tế cửa khẩu của Quảng Tây hướng tới tăng cường mạnh mẽ hợp tác, kết nối kinh tế với Việt Nam và các nước ASEAN. Đây là cơ hội của các tỉnh biên giới Việt Nam để trở thành một tiết điểm quan trọng trong vòng tuần hoàn bên ngoài của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem