Từ cô gái đồng tính, trầm cảm vì bị xâm hại tình dục thành người truyền cảm hứng
Từ cô gái đồng tính, trầm cảm vì bị xâm hại trở thành người truyền cảm hứng
Châu Mỹ
Chủ nhật, ngày 08/05/2022 16:02 PM (GMT+7)
Bị cha mẹ bỏ rơi từ bé, bị xâm hại, Từ Thanh Thúy bỏ học, đi bụi từ rất sớm, trước khi trở thành sinh viên năm cuối đại học và hoạt động cộng đồng tích cực.
Trái ngọt của cô gái đồng tính từng bị xâm hại tình dục bởi chính người quen
Năm nay 30 tuổi, Từ Thanh Thúy mới chuẩn bị tốt nghiệp Học viên Cán bộ TP.HCM, chuyên ngành hoạt động xã hội. Ngoài tập trung làm luận văn, tham gia hoạt động cộng đồng thúc đẩy sự phát triển của trẻ tự kỷ, nhiều năm nay, Thúy làm shipper, vẽ tranh trên các túi vải canva để có thêm thu nhập.
Từ một cô gái lạc loài, "sống như trẻ mồ côi bụi đời" dù có đầy đủ cha mẹ, trải qua hành trình dài lang bạt, bị xâm hại, bóc lột, ức hiếp, phải tự điều trị trầm cảm... đến hiện tại, Thúy đã hạnh phúc trong một mái ấm mới với người mẹ nuôi. Thúy cũng được tài trợ làm răng sứ, thay cho hàm răng xỉn màu, bị sâu và yếu trước đây. Thúy của ngày hôm nay, ít ai biết, từng trải qua nhiều lần cắt tay tự tử bất thành, từng oán hận cuộc đời, từng, "sống như một thây ma"... vì cảm giác lạc lõng và tương lai mịt mùng.
"Tôi từng nghĩ tôi sẽ không thể nào học nổi qua đại cương. Nhưng tôi đã chinh phục nó thành công. Tôi đi thực tập chuyên ngành và chuẩn bị cho giai đoạn tốt nghiệp đại học. Tôi cũng đã tìm được nơi lý tưởng để bắt đầu cho quá trình chuẩn bị hồ sơ du học thạc sĩ. Có thể cho nó là ước mơ, nhưng hồ sơ tôi đang hoàn thiện dần", Thúy tâm sự.
Chỉ cách đây vài năm, có một bộ quần áo lành lặn, được ngủ trong chăn ấm, ăn những món ăn vỉa hè nóng hổi... là ước mơ, khao khát của cô bé tự kỷ tội nghiệp. Hiện tại, Thúy đã có thể đi ăn vặt vỉa hè những món mình thích, mua sắm những vật dụng giản dị... bằng chính đồng tiền tự tay mình làm ra.
Nhìn lại hành trình thoát khỏi tự kỷ để sống "đúng nghĩa như một con người, một phụ nữ"... Thúy cũng không thể tin động lực nào khiến bản thân vượt khỏi những cơn trầm cảm, hoàn thành việc học và hòa nhập vui vẻ với xã hội.
Quá khứ nhọc nhằn và hành trình vươn lên của cô gái bị xâm hại tình dục từ nhỏ
30 tuổi, nhưng Thúy có tới 2/3 quãng đời tuổi trẻ dằn vặt đấu tranh giữa tồn tại hay là chết. Cô gái thường xuyên cắt tay tự vẫn vì không thể thoát khỏi những ám ảnh của quá khứ đau thương, nhọc nhằn, đến mức, những vết cắt tay không làm cô đau bằng những nhát chém định mệnh vào số phận trẻ thơ của mình.
15 ngày tuổi, Thúy bị mẹ ruột bỏ rơi ngoài chợ. Cô là kết quả của mối tình xốc nổi giữa một thiếu nữ miền Tây 17 tuổi và chàng trai cùng làng. Ông nội Thúy nghe người ngoài chợ báo tin bèn đem cháu về nuôi. Thúy lớn lên cùng ông nội và gia đình người chú ruột. Cha cô thường xuyên đi làm ăn xa còn mẹ thì bỏ đi biệt xứ. Lớn lên, được đến trường như bao đứa trẻ khác nhưng cô bị kỳ thị, bị dè bỉu là "đồ con rơi". Ông nội già, yếu, hết khả năng lao động, chỉ có thể nuôi cháu bằng những đồng tiền làm thuê ít ỏi. Gánh nặng mưu sinh đè nặng lên vai người lớn khiến Thúy thấy mình lạc lõng trong chính gia đình. Cô phản kháng bằng cách thường xuyên gây hấn với những ai nói mình là "con rơi".
Lên THCS, Thúy bị người hàng xóm xâm hại tình dục. "Lúc đó, chú hàng xóm hay gọi tôi ra công viên gần nhà chơi, hỏi han, cho quà. Thấy có người quan tâm đến mình, tôi mở lòng tâm sự... Không ngờ, dần dần, tôi bị người đó ép quan hệ tình dục mà không biết mình đã bị xâm hại. Khi đó, không ai tin lời tôi, duy nhất một chị hàng xóm gần nhà tin và chị cũng là người dạy tôi cách vệ sinh, bảo vệ bản thân khi tôi dậy thì. Đó là một vết hằn quá khứ, mà tôi nghĩ sau này, nó khiến tôi ghê sợ đàn ông. Tôi thích phụ nữ hơn và nhận ra mình có xu hướng đồng tính luyến ái khi lớn lên", Thúy nhớ lại.
Lớn lên chút nữa, Thúy càng có xu hướng nổi loạn. Bị kỳ thị ở trường, cô bỏ học, hòa vào đám trẻ đường phố sống lang thang. Năm 16 tuổi, Thúy một mình rời quê lên Sài Gòn tìm mẹ. Nhưng mẹ cũng có gia đình mới, làm giúp việc mưu sinh, cô đành tiếp tục cuộc sống vỉa hè, làm thuê, làm mướn kiếm sống.
Trong những tháng ngày này, Thúy từng nhiều lần bán máu để có tiền ăn, sống và ngủ nhờ ở hành lang bệnh viện. Cũng có lần cô liều lĩnh bắt xe ra tận Hà Nội, tình nguyện hiến một bên thận và chăm sóc tự nguyện cho một nam bệnh nhân mồ côi không có người nhà chăm sóc.
Năm 2013, Thúy được tặng một chiếc xe đạp, cô có 100 ngàn đồng dắt lưng, đạp xe xuyên Việt suốt 3 tháng để kêu gọi ủng hộ trẻ tự kỷ và người đồng tính. Đi tới đâu, Thúy cũng được giúp đỡ cho ăn, ngủ đồng thời có thêm nhiều bạn mới, nhiều ân nhân.
Trở về sau chuyến đi này, Thúy quyết tâm làm lại cuộc đời. Cô xin đi học lớp bổ túc PTTH buổi tối, dành buổi ngày đi làm thêm. Vẫn ngủ nhờ trong hành lang bệnh viện, Thúy không bán máu nữa mà hiến máu tình nguyện, làm giúp việc, làm diễn viên quần chúng... làm đủ nghề chân tay như bưng bê, phục vụ, phát tờ rơi... để có tiền sống và học. Thời gian này, Thúy thi thoảng vẫn mắc chứng dùng dao lam tự cắt tay do vẫn còn di chứng trầm cảm, dù đã được một tổ chức thiện nguyện hỗ trợ điều trị.
Cuối cùng, vượt qua mọi kỳ thị tại một trung tâm giáo dục thường xuyên, Thúy thi đỗ vào Học viện Cán bộ TP.HCM khi đã 25 tuổi. Biết Thúy đỗ đại học, nhiều người tạo điều kiện chỗ ở và việc làm để Thúy có kinh phí trang trải. Nhà trường cũng giảm học phí với trường hợp đặc biệt như Thúy.
"Mấy năm đại học, điều khó khăn nhất với tôi là cân bằng giữa việc học và việc làm vì tôi ở một quận, đi làm một quận và trường học lại ở một quận khác, mỗi ngày đi lại rất vất vả. Đến giờ tôi cũng không hiểu sao mình có thể vượt qua bốn năm đại học. Sắp tốt nghiệp ra trường, tôi không ngán học nữa, mà mong muốn học lên cao, có học bổng đi du học để đem kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm bản thân giúp đỡ những người có hoàn cảnh như mình", Thúy chia sẻ về dự định tương lai.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.