Từ vụ Bí thư Huyện ủy Cô Tô bị tố hiếp dâm: Quy trình xử lý công chức khi có tố cáo của công dân

Hạ Linh Thứ sáu, ngày 12/11/2021 19:27 PM (GMT+7)
Vụ việc Bí thư Huyện ủy Cô Tô (Quảng Ninh) bị tố cáo hiếp dâm nhân viên nữ đang thu hút sự chú ý của dư luận. Khi cán bộ, công chức bị đơn tố cáo của công dân, quy trình xử lý công chức khi có tố cáo như thế nào? Dân Việt đã trao đổi với luật sư để giải đáp thắc mắc của bạn đọc.
Bình luận 0

Bí thư Huyện ủy Cô Tô bị tố cáo hiếp dâm nhân viên nữ

Như Dân Việt thông tin, ông Lê Hùng Sơn - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Cô Tô bị đình chỉ công tác để điều tra vụ việc liên quan tới đơn tố cáo của công dân.

Theo nguồn tin của Dân Việt, Công an tỉnh Quảng Ninh đang thụ lý điều tra theo đơn tố cáo ông Lê Hùng Sơn hiếp dâm nữ nhân viên một cơ quan trên địa bàn huyện.

Sau khi nhận được đơn tố cáo của công dân đối với ông Lê Hùng Sơn - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Cô Tô, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh cũng đã xem xét báo cáo của Ban Thường vụ Huyện ủy Cô Tô và đề xuất của Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Tỉnh ủy Quảng Ninh.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh thống nhất chỉ đạo đình chỉ công tác đối với ông Lê Hùng Sơn - Bí thư Huyện ủy Cô Tô. 

Trước đó, ông Đ.D.A. – nguyên Phó Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư Thái Nguyên cũng bị nữ nhân viên tên T. tố có hành vi sàm sỡ tại phòng làm việc.

Quy trình xử lý công chức khi có tố cáo của công dân - Ảnh 1.

Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Cô Tô bị đình chỉ công tác để điều tra vụ việc liên quan tới đơn tố cáo của công dân. Ảnh minh họa.

Quy trình xử lý công chức khi có tố cáo của công dân

Trao đổi với Dân Việt về quy trình xử lý công chức khi có tố cáo của công dân luật sư Trần Thế Anh – Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết: "Khi phát hiện hành vi trái pháp luật của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân gây hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân thì công dân có quyền tố cáo hành vi vi phạm với cơ quan có thẩm quyền theo trình tự, thủ tục của Luật tố cáo 2018".

Cụ thể như sau:

Trình tự giải quyết khi có đơn tố cáo

Việc giải quyết tố cáo được thực hiện theo trình tự sau đây:

Tiếp nhận, xử lý thông tin tố cáo.

Xác minh nội dung tố cáo.

Kết luận nội dung tố cáo.

Xử lý tố cáo của người giải quyết tố cáo.

Công khai kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo.

Quy trình xử lý công chức khi có tố cáo của công dân - Ảnh 2.

Luật sư Trần Thế Anh.

Thẩm quyền tiếp nhận tố cáo

Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức do người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức, viên chức đó giải quyết.

Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức do người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức đó giải quyết.

Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý của nhiều cơ quan, tổ chức do người đứng đầu cơ quan, tổ chức trực tiếp quản lý cán bộ, công chức, viên chức bị tố cáo phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan giải quyết.

Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức có dấu hiệu tội phạm do cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự, bao gồm Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án.

Về hình thức tố cáo

Việc tố cáo được thực hiện bằng đơn tố cáo hoặc tố cáo trực tiếp:

Đối với tố cáo thực hiện bằng đơn: trong đơn phải ghi rõ ngày, tháng, năm tố cáo; họ, tên, địa chỉ của người tố cáo; nội dung tố cáo. Đơn tố cáo phải do người tố cáo ký tên hoặc điểm chỉ.

Đối với tố cáo trực tiếp: người tiếp nhận hướng dẫn người tố cáo viết đơn tố cáo hoặc người tiếp nhận ghi lại việc tố cáo bằng văn bản và yêu cầu người tố cáo ký tên hoặc điểm chỉ xác nhận vào văn bản.

Tiếp nhận, xử lý thông tin tố cáo

Khi nhận được tố cáo, người giải quyết tố cáo có trách nhiệm:

Đối với tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết: trong thời hạn 10 ngày phải kiểm tra, xác minh thông tin của người tố cáo và quyết định việc thụ lý hoặc không thụ lý giải quyết tố cáo, đồng thời thông báo cho người tố cáo biết lý do việc không thụ lý, nếu có yêu cầu; trường hợp phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm thì thời hạn kiểm tra, xác minh có thể dài hơn nhưng không quá 15 ngày;

Đối với tố cáo không thuộc thẩm quyền giải quyết: trong thời hạn 05 ngày làm việc, người tiếp nhận phải chuyển đơn tố cáo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết và thông báo cho người tố cáo, nếu có yêu cầu. Trường hợp người tố cáo đến tố cáo trực tiếp thì người tiếp nhận tố cáo hướng dẫn người tố cáo đến tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết.

Kết luận nội dung tố cáo

Căn cứ vào nội dung tố cáo, văn bản giải trình của người bị tố cáo, kết quả xác minh nội dung tố cáo, tài liệu, chứng cứ có liên quan, người giải quyết tố cáo phải kết luận bằng văn bản về nội dung tố cáo.

Thời hạn giải quyết tố cáo

Thời hạn giải quyết tố cáo là 60 ngày, kể từ ngày thụ lý giải quyết tố cáo; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết là 90 ngày, kể từ ngày thụ lý giải quyết tố cáo.

Trong trường hợp cần thiết, người có thẩm quyền giải quyết tố cáo có thể gia hạn thời hạn giải quyết một lần nhưng không quá 30 ngày; đối với vụ việc phức tạp thì không quá 60 ngày.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem