Từ vụ ngộ độc rượu trong đám tang: Những dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm cần biết

Gia Khiêm Thứ bảy, ngày 12/11/2022 07:15 AM (GMT+7)
TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết, ngộ độc methanol gây ra những tổn thương nặng nề lên nhiều bộ phận trên cơ thể, đặc biệt gây hoại tử não và thậm chí tử vong.
Bình luận 0

Nhiều vụ ngộ độc rượu sau khi dự đám hiếu, hỷ

Thời gian vừa qua, trên cả nước liên tiếp ghi nhận các trường hợp ngộ độc rượu, thậm chí có cả trường hợp tử vong. Nhiều ca ngộ độc rượu có liên quan đến các đám hiếu, đám hỷ khiến nhiều người nhập viện.

Gần đây nhất, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang đã tiếp nhận 14 bệnh nhân nhập viện cấp cứu, trong đó có 3 người nguy kịch phải hỗ trợ tim phổi nhân tạo. Những người này được chuyển lên từ Trung tâm Y tế huyện An Biên (Kiên Giang). Trước đó, các bệnh nhân này đều đến dự đám tang của một người đàn ông tạm trú trên địa bàn huyện An Biên tử vong do ngộ độc rượu.

Từ vụ ngộ độc rượu trong đám tang tử vong: Những dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm cần biết  - Ảnh 1.

Bệnh nhân cấp cứu do ngộ độc rượu tại Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: NVCC

Sau đám tang một ngày, nhiều người tham dự có triệu chứng chóng mặt, co giật, mờ mắt, đau ngực, khó thở được đưa tới Trung tâm Y tế huyện An Biên cấp cứu.

Sau 2 ngày điều trị tích cực, một số phục hồi, tuy nhiên có tới 14 trường hợp diễn biến nặng được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang cấp cứu. 14 bệnh nhân được chẩn đoán ngộ độc methanol - chất thường có trong rượu pha chế với cồn.

Đến chiều 9/11, thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang cho biết, có 2 bệnh nhân đã tử vong. Hiện tại cơ quan chức năng đang điều tra xem người dân mua rượu ở đâu.

Liên quan đến vấn đề này, theo TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), có hai dạng ngộ độc rượu là ngộ độc rượu thông thường và ngộ độc cồn công nghiệp methanol.

Mỗi kiểu ngộ độc rượu do một tác nhân gây nên. Do đó, sẽ có sự khác nhau về triệu chứng cũng như mức độ nguy hiểm với cơ thể. Cụ thể, ngộ độc rượu thông thường (ethanol) xảy ra khi uống quá nhiều rượu khiến cơ thể không kịp chuyển hóa, mất kiểm soát.

Theo bác sĩ Nguyên, khi ngộ độc rượu, bệnh nhân có thể xuất hiện các triệu chứng ban đầu như: mặt tái, nôn, đi loạng choạng không vững… Tình trạng nặng hơn sẽ dẫn đến các triệu chứng kích thích thần kinh, hạ đường huyết, hạ thân nhiệt, tụt huyết áp, thậm chí là hôn mê sâu.

Khác với ngộ độc rượu thông thường, ngộ độc cồn công nghiệp methanol thường xảy ra khi người dân uống phải rượu giả, rượu kém chất lượng được pha bằng cồn công nghiệp methanol (hóa chất thường dùng để pha xăng E5).

Giám đốc Trung tâm Chống độc cho rằng, những giờ đầu sau khi uống phải cồn methanol, bệnh nhân thường chỉ có cảm giác như say rượu. Phải sau 1-2 ngày, khi chất độc được chuyển hóa, bệnh nhân sẽ xuất hiện những tình trạng điển hình hơn như mờ mắt, thở nhanh, lơ mơ. Thậm chí là co giật, hôn mê.

"Ngộ độc methanol gây ra những tổn thương nặng nề lên nhiều bộ phận trên cơ thể, đặc biệt gây hoại tử não và mù mắt. Vì các trường hợp ngộ độc methanol thường được đưa đến bệnh viện muộn, nên tỉ lệ tử vong là rất cao", bác sĩ Nguyên cảnh báo.

Cách nào để sơ cứu khi bị ngộ độc rượu?

Sau khi uống rượu bia có những dấu hiệu ngộ độc dưới đây cần xử lý đúng cách, tránh gây nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng:

- Nếu ứ đọng đờm dãi, thở khò khè, bất tỉnh: nằm nghiêng sang một bên.

- Thở yếu, ngừng thở: hô hấp nhân tạo bằng các phương tiện và điều kiện có tại chỗ.

Nếu co giật:

-  Không để người bệnh ngã hoặc va đập vào các vật cứng, không cho các vật cứng vào miệng.

- Quan sát kỹ người bệnh, nếu thở yếu, ngừng thở hoặc tím tái thì hô hấp nhân tạo.

Các biểu hiện ngộ độc nặng, nguy hiểm:

- Bất tỉnh, gọi hỏi không biết.

- Co giật.

- Tê, yếu chân tay một bên chân tay hoặc một bên mặt, nói ngọng trong khi đã tỉnh táo.

- Thở khò khè, ứ đọng đờm dãi ở miệng họng, ho yếu. Thở yếu, nhịp thở không đều, thở chậm hoặc ngừng thở. Có thể hít sâu và nhịp thở nhanh.

-  Da, môi, móng tay tím tái hoặc nhợt, lạnh.

-   Tiểu ra quần, tiểu ít (lượng nước tiểu ít hơn bình thường)

-   Nhìn mờ, nhìn một vật thành hai.

-  Nôn nhiều, đau bụng, bụng chướng.

-  Mệt nhiều.

Nếu người bệnh có một trong các dấu hiệu nặng, nguy hiểm nêu trên thì gọi vận chuyển cấp cứu, nhân viên y tế gần nhất, người hỗ trợ và đưa tới cơ sở y tế.

Nếu tình trạng nhẹ hơn:

- Không tự đi lại một mình, không tự lái xe, không vận hành máy móc hay lao động khác.

- Ăn đủ: các chất tinh bột (cơm, cháo, mỳ,…), hoặc cho uống nước đường.

- Nằm ngủ: Tư thế nằm nghiêng đầu và vai cao hơn, giữ ấm có người theo dõi (đảm bảo thở đều, êm và hồng hào, gọi hỏi biết).

- Ủ ấm (nếu thời tiết lạnh), tránh lạnh.

Với ngộ độc methanol, các triệu chứng khi phát tác đã rất nặng. Bởi vậy, nếu xuất hiện dấu hiệu như đã nêu, "không còn cách nào khác" là ngay lập tức chuyển bệnh nhân đi cấp cứu.

Những người uống rượu cùng bệnh nhân ngộ độc methanol cũng cần tới bệnh viện kiểm tra ngay dù chưa có biểu hiện đặc biệt.

Bác sĩ khuyến cáo, người dân tốt nhất nên hạn chế uống rượu. Uống ít nhất có thể, giảm cả về số lần uống và số lượng rượu uống. Nếu muốn sử dụng rượu, nên uống sau giờ làm việc, không điều khiển phương tiện giao thông sau uống.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem