Uỷ viên Bộ Chính trị Trần Tuấn Anh nói gì về nhiệm kỳ là người đứng đầu ngành Công Thương?

Thanh Phong Thứ ba, ngày 23/02/2021 14:30 PM (GMT+7)
Trò chuyện với Dân Việt về nhiệm kỳ của mình, Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương kiêm Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết điều ông tiếc và day dứt nhất là việc hướng dẫn và hỗ trợ DN trong quá trình hội nhập.
Bình luận 0

Nhân ngày đầu làm việc năm Tân Sửu 2021, Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương kiêm Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã có cuộc trò chuyện với Dân Việt về nhiệm kỳ 5 năm trên cương vị là người đứng đầu ngành Công Thương. 

Kính thưa Bộ trưởng, trên cương vị Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, nhìn lại cả nhiệm kỳ vừa rồi, ông đánh giá những việc gì còn trăn trở, chưa hài lòng?

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Cá nhân tôi, cùng các đồng nghiệp tại Bộ Công Thương cũng như trong Chính phủ sẽ vẫn còn có điều chưa hài lòng. Một là, mặc dù chúng ta đã rất quyết liệt và tương đối đồng bộ nhưng vẫn chưa làm hết, chưa đáp ứng được hết các yêu cầu. Vẫn còn có những vấn đề trong sự phối hợp, sự đồng bộ giữa các cơ quan, nhất là giữa các bộ, ngành, các cơ quan chính phủ.

Hai là, tôi thấy đáng tiếc và day dứt câu chuyện về tổ chức, phổ biến pháp luật, tuyên truyền, hướng dẫn để hỗ trợ DN, để làm sao DN có thái độ tích cực và chủ động hơn trong bối cảnh của môi trường hội nhập.

Chúng ta đã có rất nhiều các FTA, thử hỏi trong cộng đồng DN, nhất là khối DN nhỏ và vừa có bao nhiêu DN thực sự hiểu rõ và sẵn sàng cho môi trường hội nhập?

Bao nhiêu DN hiểu thấu đáo và nắm được những thách thức, cơ hội từ những FTA để chủ động trong chiến lược và kế hoạch đầu tư sản xuất kinh doanh? Việc này còn rất hạn chế, chính vì vậy, chúng ta vẫn bị động… Nguyên nhân thì còn nhiều, nhưng Bộ Công Thương sẽ rút kinh nghiệm để làm tốt hơn nữa.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Tôi thấy đáng tiếc và day dứt về việc hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp - Ảnh 1.

Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh. (Ảnh: Nguyễn Chương)

Như ông đã nói ở trên, hiện tại, nhiều DN vẫn còn chưa hiểu rõ về các FTA. Minh chứng cụ thể là số vụ việc điều tra, phòng vệ thương mại (PVTM) các đối tác quốc tế áp dụng với DN Việt Nam tăng mạnh trong năm 2020. Trong năm tới đây, phía Bộ Công Thương sẽ làm gì để tránh tình trạng nêu trên?

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Cho tới nay, Việt Nam đã ký kết 15 FTA , thực thi 14 Hiệp định FTA, cả song phương và nhiều bên. Hiện tại, Việt Nam đã trở thành nền kinh tế có quy mô xuất khẩu đứng thứ 22 trên thế giới.

Quy mô xuất khẩu, nhập khẩu tăng nhiều lần cho thấy năng lực của nhiều ngành sản xuất, xuất khẩu của ta đã cao hơn, hàng hóa của ta đã thâm nhập được và cạnh tranh sòng phẳng trên nhiều thị trường xuất khẩu.

Tuy nhiên, việc gia tăng xuất khẩu có thể khiến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vướng vào các vụ kiện phòng vệ thương mại. Ngay cả khi các doanh nghiệp không có hành vi cạnh tranh không lành mạnh do các nước nhập khẩu cần bảo vệ ngành sản xuất nội địa của mình.

Tính tới hết năm 2020, đã có 201 vụ việc phòng vệ thương mại do nước ngoài khởi xướng điều tra đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Trong đó, số lượng vụ việc năm 2020 là 39 vụ, cao gấp hơn 2,5 lần tổng số vụ việc trong cả năm 2019.

Trong bối cảnh đó, nâng cao năng lực về phòng vệ thương mại (PVTM), đặc biệt cho cộng đồng doanh nghiệp là chủ trương nhất quán và xuyên suốt của Đảng và Chính phủ.

Trong năm 2020, việc triển khai công tác phòng vệ thương mại, bảo đảm lợi ích của Việt Nam trong hội nhập kinh tế quốc tế đã được Bộ Công Thương thực hiện một cách đồng bộ, toàn diện.

Cụ thể, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án Xây dựng và vận hành hiệu quả Hệ thống cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại. Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương đã triển khai xây dựng Hệ thống cảnh báo sớm nhằm theo dõi, cảnh báo và cung cấp thông tin kịp thời cho các bên liên quan, đặc biệt là doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu và các Hiệp hội ngành hàng.

Hoàn thiện và trình Chính phủ Đề án tăng cường cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức trong xử lý vụ việc phòng vệ thương mại và Đề án nâng cao năng lực phòng vệ thương mại trong bối cảnh tham gia các FTA thế hệ mới. Đây là các Đề án nền tảng, tạo khuôn khổ nâng cao năng lực thực thi chính sách phòng vệ thương mại trong bối cảnh hội nhập.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Tôi thấy đáng tiếc và day dứt về việc hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp - Ảnh 2.

Năm 2020, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam liên quan tới 39 vụ PVTM do nước ngoài khởi xướng điều tra, cao gấp hơn 2,5 lần tổng số vụ việc trong cả năm 2019.

Xin ông cho biết rõ hơn những điều DN cần quan tâm nhằm tránh các vụ việc phòng vệ thương mại?

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Về phía các doanh nghiệp, nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực từ các vụ kiện phòng vệ thương mại, các doanh nghiệp trước hết cần nhận thức rõ nguy cơ bị điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại cũng như có kế hoạch chủ động tham gia ứng phó.

Để thực hiện được việc này, các doanh nghiệp cần tìm hiểu, cập nhật quy định pháp luật, thực tiễn điều tra phòng vệ thương mại của các nước xuất, đặc biệt là đối với các thị trường mục tiêu.

Nhằm giảm thiểu nguy cơ bị kiện, các doanh nghiệp cần xem xét kế hoạch sản xuất, xuất khẩu phù hợp, tránh tăng trưởng xuất khẩu quá nóng vào một thị trường, đặc biệt là các thị trường thường xuyên sử dụng công cụ phòng vệ thương mại hoặc đã từng kiện hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Ngoài ra, để tăng cường xuất khẩu bền vững, các doanh nghiệp cũng cần chuyển dần từ chiến lược cạnh tranh bằng giá sang cạnh tranh bằng chất lượng và thương hiệu.

Khi bị vướng vào các vụ kiện phòng vệ thương mại ở nước ngoài, các doanh nghiệp cần phối hợp đầy đủ, toàn diện, cung cấp thông tin, tài liệu theo yêu cầu của cơ quan điều tra nước ngoài khi vụ điều tra phòng vệ thương mại diễn ra. Ngoài ra, cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương để được hướng dẫn, hỗ trợ kịp thời, tham gia góp phần bảo vệ quyền, lợi ích của chính mình và ngành sản xuất của Việt Nam.

Bên cạnh các biện pháp phòng vệ thương mại có tính "truyền thống", hiện nay có hiện tượng các nước nhập khẩu tăng cường áp dụng các biện pháp chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ.

Chủ trương của ta là kiên quyết ngăn chặn các hành vi giả mạo, gian lận xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp, xử lý nghiêm minh, triệt để và không có ngoại lệ nhằm nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là các cam kết trong WTO và các FTA. Tuy nhiên, để công tác quản lý đạt hiệu quả tốt nhất.

Các doanh nghiệp cần tích cực, chủ động tham gia, phối hợp như tuân thủ chặt chẽ các quy định về chứng nhận xuất xứ; không tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ, đồng thời phối hợp theo dõi sát thị trường để có thể kịp thời cung cấp thông tin cho các cơ quan quản lý khi thấy có dấu hiệu bất thường.

Qua đó, tránh để các ngành sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam bị liên đới và ảnh hưởng bởi các biện pháp phòng vệ thương mại và biện pháp chống lẩn tránh phòng vệ thương mại tại một số thị trường nhập khẩu.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Tôi thấy đáng tiếc và day dứt về việc hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp - Ảnh 3.

Năm 2020 là năm có số lượng FTA được ký kết, thực thi lớn nhất từ trước tới nay.

Như vậy, có thể thấy, việc phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp là rất quan trọng. Tuy nhiên, ông đã từng đánh giá đó là một trong những "nút thắt" khi hội nhập. Vậy, trong thời gian tới đây, "nút thắt" này cần được tháo gỡ thế nào?

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Với vấn đề hội nhập, quá trình tổng kết cho thấy, còn một số việc mà chúng ta cần tập trung để giải quyết cho được. Trước tiên là thông tin, đặc biệt là những thông tin cụ thể gắn với chiến lược, kế hoạch kinh doanh, đầu tư kinh doanh của DN từ những khung khổ hội nhập này chưa được cụ thể hóa, chưa được cung cấp một cách đầy đủ và kịp thời.

Vấn đề nữa là bản thân cộng đồng DN do hạn chế về quy mô, về tiềm lực, về nguồn lực, nhân lực nên cũng chưa có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, đầy đủ cho chiến lược hội nhập.

Cùng đó, sự phối hợp giữa các bộ, ngành cũng như cộng đồng doanh nghiệp còn chưa được bảo đảm, nhất là khâu tổ chức như hoàn thiện hệ thống luật, cơ sở pháp lý từ những cam kết hội nhập.

Vẫn còn chậm trễ và không được đồng bộ trong triển khai chính sách. Điều này làm cho cộng đồng doanh nghiệp và các chủ thể khác không khai thác được lợi thế và thậm chí trong nhiều trường hợp còn chịu những thiệt hại do cạnh tranh trong hội nhập.

Nhưng để khai thác được những điều kiện, cơ hội hội nhập này, quan trọng là nội lực của ta phải phát triển và phải dựa trên nền tảng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, của doanh nghiệp. Vì vậy cả ngành nông nghiệp, công nghiệp, kinh tế khác cần được sớm tái cơ cấu để đảm bảo quy mô của ngành sản xuất đó…

Đây là những nút thắt mới cần được giải quyết và rõ ràng, chỉ có sự vào cuộc một cách đồng bộ, nhất quán của tất cả các bộ, ngành từ trong xây dựng luật pháp, hoàn thiện thể chế cho đến thực thi các chỉ đạo, điều hành của Chính phủ. Đặc biệt là trong các chương trình hành động thực thi các hiệp định thương mại tự do mới giúp chúng ta giải quyết được những vấn đề này.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem