Vắc xin Covid-19 nước ngoài đưa vào sử dụng phải thử nghiệm 6 tháng - 1 năm
Vắc xin Covid-19 nước ngoài đưa vào sử dụng phải thử nghiệm 6 tháng - 1 năm
Diệu Linh
Thứ ba, ngày 18/08/2020 18:03 PM (GMT+7)
Đánh giá về việc Việt Nam đưa vắc xin Covid-19 của nước ngoài vào sử dụng, chuyên gia y tế đánh giá nếu mua được vắc xin, cũng phải thực hiện quy trình thử nghiệm trên người về tính an toàn, hiệu lực của vắc xin đó.
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 ngày 18/8, đánh giá về cơ hội sử dụng vắc xin Covid-19 mua từ nước ngoài, PGS.TS Trần Đắc Phu - Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho biết một loại vắc xin đã sử dụng ở nước ngoài, khi vào Việt Nam, dù không phải làm thí nghiệm trên động vật, nhưng để áp dụng trên người, cần phải thử nghiệm tính an toàn, hiệu lực (tính sinh miễn dịch) của vắc xin đó.
Thời gian thử nghiệm này phải mất từ 6 tháng - 1 năm, thậm chí một vài năm.
Theo PGS Phu, kỹ thuật sản xuất vắc xin phụ thuộc vào năng lực của các quốc gia và các nhà sản xuất. Các quy trình sản xuất vắc xin về cơ bản phải thực hiện trong phòng thí nghiệm, tiêm ở động vật, ra thực tiễn phải thí nghiệm lâm sàng trên người, từ nhóm nhỏ đến nhóm lớn.
Ngoài ra, PGS Phu nhận định việc đánh giá thử nghiệm lâm sàng trên người cũng phải qua nhiều giai đoạn. Ngoài tính an toàn, hiệu lực, phải đánh giá xem vắc xin đó có ứng dụng được trên thực tế hay không. Chưa kể, người bệnh ở châu lục này có thể khác người bệnh châu lục khác, chủng tộc khác cũng có sự khác biệt...
Trước đó, Bộ Y tế cho biết Bộ đang nỗ lực để có được vắc xin Covid-19 cho người dân Việt Nam. Ngoài việc chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương thực hiện các nghiên cứu để sản xuất vắc xin Covid-19 trong nước, Bộ Y tế cũng đã đăng ký mua vắc xin Covid-19 của Nga và Anh.
Tuy nhiên, việc cung cấp vắc xin phụ thuộc vào tiến độ thực hiện các thử nghiệm lâm sàng của nhà sản xuất. Bên cạnh đó, quy trình thử nghiệm vắc xin ở Việt Nam trước khi đưa vào sử dụng phải tuân thủ những quy định chặt chẽ và đòi hỏi thời gian, nên đây là một trong những thách thức lớn trong việc sớm đưa vắc xin tiếp cận với người dân.
Bộ Y tế Việt Nam sẽ quyết tâm, nỗ lực hết mình để có thể có được vắc xin phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian sớm nhất.
Còn về tình hình sản xuất vắc xin Covid-19 trong nước, Bộ Y tế cho biết, Công ty Vaccine và Sinh phẩm số 1 của Bộ Y tế (Vabiotech) đang phối hợp với Trường Đại học Briston của Anh nghiên cứu sản xuất vắc xin theo công nghệ vector virus. Đây là công nghệ tiên tiến được nhiều hãng sản xuất vắc xin lớn trên thế giới sử dụng trong phát triển vắc xin ngừa Covid-19.
Hiện, Viện Vaccine và sinh phẩm Y tế Nha Trang của Bộ Y tế (IVAC) đang phối hợp với tổ chức PATH của Mỹ để sản xuất vắc xin trên cơ sở quy trình sản xuất vắc xin cúm mùa và cúm đại dịch theo chương trình hợp tác quốc tế với các đối tác của Thái Lan, Ấn Độ, Brazil và Serbia. IVAC là một trong 14 nhà sản xuất vắc xin được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chọn để hợp tác sản xuất vắc xin cúm đại dịch.
Các đơn vị khác như Trung tâm Nghiên cứu Sản xuất Vaccine và Sinh phẩm Y tế POLYVAC và Công ty TNHH Công nghệ sinh học Dược NANOGEN cũng đang trong quá trình nghiên cứu, phát triển vắc xin Covid-19. Bước đầu cho thấy kết quả khả quan, cố gắng cuối năm 2020 thử nghiệm lâm sàng.
"Với diễn biến dịch như hiện nay, người dân phải thực hiện sống bình thường mới và tuân thủ các quy định của ngành y tế trong phòng, chống dịch. Ví dụ như cài Bluezone; Ncovid để dễ dàng và nhanh chóng phát hiện những trường hợp nghi ngờ. Đối với những trường hợp chuyên gia vào Việt Nam đang sống tại những nước có dịch, cần phải có những biện pháp cần thiết để theo dõi như: Đeo vòng định vị".
PGS.TS Trần Đắc Phu
Cách cài đặt Bluezone giúp cảnh báo người nghi nhiễm Covid-19
Bluezone là ứng dụng giúp cảnh báo sớm cho người dùng nếu họ chẳng may từng tiếp xúc với những người bị nhiễm Covid-19.Để nhận được các cảnh báo từ Bluezone, việc đầu tiên cần làm là tải về và cài đặt ứng dụng này.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.