VĐV bản địa ngao ngán vì đội bóng rổ Campuchia "toàn Tây" tại SEA Games 32

Việt Phương (Theo ABS-CBN News) Thứ ba, ngày 09/05/2023 11:10 AM (GMT+7)
Quyết định của liên đoàn bóng rổ Campuchia đưa các cầu thủ nhập tịch thi đấu tại SEA Games 32 đã gây ra tranh cãi về tư cách của các vận động viên sinh ra ở nước ngoài lại đại diện cho một quốc gia.
Bình luận 0

Đại hội Thể thao Đông Nam Á (SEA Games) là một sự kiện rất được mong đợi trong khu vực, với sự góp mặt của các vận động viên đến từ 11 quốc gia tranh tài ở nhiều môn thể thao khác nhau. Bóng rổ là một trong những môn thể thao phổ biến nhất tại SEA Games. Năm nay, Campuchia dự kiến sẽ tham gia cả hai hình thức thi đấu nam và nữ.

Liên đoàn bóng rổ Campuchia đã thông báo rằng họ sẽ đưa các cầu thủ nhập tịch vào cả đội nam và nữ của họ, với mục tiêu nỗ lực tạo ra một đội tuyển đủ sức cạnh tranh tại SEA Games 32. Tuy nhiên, động thái này đã vấp phải sự chỉ trích từ một số người cho rằng những cầu thủ này không đủ tiêu chuẩn để trở thành công dân Campuchia. Từ đó, quyết định này đã gây ra tranh cãi về tư cách của các vận động viên sinh ra ở nước ngoài lại đại diện cho một quốc gia và các quy định về tư cách vận động viên của Đại hội thể thao Đông Nam Á (SEA) hiện tại có cần phải sửa đổi hay không. Trong khi đội ĐT bóng rổ nam 3x3 Campuchia giành HCV khi đánh bại ĐT bóng rổ nam 3x3 Philippines, thì đội nữ không có được thành công tương tự. Họ để thua Philippines ở bán kết và trước Indonesia trong trận tranh HCĐ.

Trước khi thể thức thi đấu 5x5 bắt đầu, việc Campuchia sử dụng những đội hình như vậy đã khiến nhiều người phải "nhướng mày". Nguyễn Horace Phúc Tâm, HLV đội bóng rổ nữ của Việt Nam, bày tỏ sự ngạc nhiên và nhận xét rằng tình trạng này phải được giải quyết và các quy tắc cần được đặt ra rõ ràng hơn cho SEA Games trong tương lai. Patrick Aquino, HLV của đội bóng rổ nữ Philippines, tuyên bố rằng, đội sẽ "toàn tâm, toàn ý" tập trung chuẩn bị tốt hơn cho nội dung thi đấu 5x5.

Vận động viên bản địa thất vọng vì đội bóng rổ Campuchia "toàn Tây" tại SEA Games 32 - Ảnh 1.

Đội tuyển bóng rổ 3x3 của Campuchia giành HCV tại SEA Games 32 với 3/4 VĐV nhập tịch từ Mỹ có chiều cao và thể hình ấn tượng. (Ảnh: IT).

Theo luật pháp Campuchia, những người sinh ra ở nước ngoài có thể trở thành công dân sau khi sống ở nước này 7 năm, nói tiếng Khmer và vượt qua bài kiểm tra quốc tịch. Chum Socheat, Tổng thư ký Ủy ban Olympic Quốc gia Campuchia, bảo vệ quyết định của liên đoàn bóng rổ, ông khẳng định các cầu thủ nhập tịch đã sống ở Campuchia vài năm và đã đáp ứng các tiêu chí về quyền công dân. Ông nhấn mạnh Campuchia là một quốc gia đa dạng, chào đón mọi người từ mọi thành phần, bao gồm cả các vận động viên muốn đại diện cho đất nước này.

Vận động viên bản địa thất vọng vì đội bóng rổ "toàn Tây" của Campuchia tại SEA Games 32

Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định việc đưa các cầu thủ nhập tịch đã ngăn cản các tài năng "cây nhà lá vườn" có cơ hội đại diện cho đất nước của họ. Họ cho rằng Liên đoàn bóng rổ Campuchia nên ưu tiên phát triển các cầu thủ trong nước thay vì phụ thuộc vào các vận động viên sinh ra ở nước ngoài.

Joshua Bo Noung, tuyển thủ bóng rổ tại Campuchia, bày tỏ sự thất vọng, nói rằng anh đã tập luyện chăm chỉ trong nhiều năm với hy vọng đại diện cho Campuchia thi đấu quốc tế. Anh bày tỏ cơ hội góp mặt trong đội của mình bị giảm đi khi có thêm các cầu thủ nhập tịch.

img
img
img

Đội tuyển bóng rổ nam 3x3 Việt Nam gặp khó khăn trước đội hình "nhập tịch" của Campuchia. (Ảnh: Cao Oanh).

Theo danh sách đăng ký của Campuchia cho bóng rổ nam 3x3 gồm 4 người: Darrin Dorsey 36 tuổi, cao 1m88, Brandon Peterson 33 tuổi, cao 2m03, Sayeed Pridgett 25 tuổi, cao 1m96 và Tep Chhorath 24 tuổi, cao 1m77 m. Trong đó, ba cầu thủ đầu tiên gốc Mỹ, có kinh nghiệm thi đấu từ châu Âu đến Mỹ. Họ được Campuchia nhập tịch để thi đấu tại SEA Games 32. Còn Chhorath là cầu thủ bản địa, hiếm khi xuất hiện trên sân do chỉ có ba người thi đấu cùng lúc.

Tuyển thủ người Campuchia Joshua Bo Noung, người trước đây đã chơi bóng rổ ở trường trung học thuộc bang Georgia và nhận được đề nghị chơi ở cấp độ NCAA Division 1 của Mỹ, đã bày tỏ sự thất vọng của mình trong một bài đăng dài trên mạng xã hội. Bo Noung đã cống hiến hết mình để huấn luyện thế hệ tài năng địa phương tiếp theo cho Campuchia nhưng đề nghị được góp mặt trong đội hình tham dự SEA Games 2023 của anh bị từ chối. Anh lập luận, những vận động viên nước ngoài nhập tịch không mối liên hệ máu mủ nào với Campuchia.

SEA Games chỉ có quy định hộ chiếu, bất kể nó được cấp khi nào, không giống như FIBA (Giải bóng rổ thế giới), chỉ cho phép một cầu thủ nhập tịch và cầu thủ địa phương phải có hộ chiếu trước 16 tuổi mới được tham gia thi đấu. Các quy tắc thoải mái của SEA Games khiến cho bộ môn bóng rổ tại giải đấu này xuất hiện nhiều ngôi sao nhập tịch, ví dụ như Chris Ross, Christian Standhardinger và Stanley Pringle từ Philippines, Antonio Price từ Thái Lan, Chris Dierker và Christian Juzang từ Việt Nam, Dame Diagne từ Indonesia.

Campuchia được cho là có kế hoạch tung ra nhiều cầu thủ nhập tịch hơn nữa trong các nội dung 5x5, bao gồm 6 người ở đội nam và 4 người ở đội nữ. Ngược lại, Philippines chỉ đấu với một cầu thủ nhập tịch - Justin Brownlee cho nội dung 5x5. Indonesia có cầu thủ nhập tịch Lester Prosper, người đã gắn bó với đội từ năm 2019 và Anthony Beane.

Bo Noung chỉ trích Campuchia không biết cách huấn luyện cầu thủ và chỉ biết tìm đến thành công tức thì nhờ các cầu thủ nhập tịch. Anh kêu gọi liên đoàn nước này cần phải hiểu niềm tự hào được đại diện cho người dân Campuchia để thi đấu trên đấu trường quốc tế. Nam tuyển thủ cho rằng, thua cuộc là một phần của việc học hỏi để trở nên tốt hơn và chiến thắng mà không có sự liêm chính không phải là chiến thắng.

Cuộc tranh luận về các vận động viên nhập tịch trong thể thao không phải là mới và nó có thể sẽ tiếp tục khi các quốc gia ngày càng tích cực tìm kiếm các vận động viên sinh ra ở nước ngoài để tăng cơ hội thành công trong các giải đấu quốc tế. Trong những năm gần đây, các quốc gia như Qatar và Bahrain đã nhập tịch các vận động viên từ các quốc gia khác để thi đấu trong các sự kiện quốc tế lớn, gây ra tranh cãi và tranh luận về tính hợp pháp của về tham gia của họ.

Chia sẻ về đội bóng rổ 3x3 Campuchia, HLV Lester Del Rosario của ĐT bóng rổ nam 3x3 Philippines ngao ngán: "Đội hình Campuchia có một cầu thủ bản địa, nhưng không thấy vào sân. Tôi biết quy định của SEA Games không cấm hạn chế các đội nhập tịch cầu thủ, nhưng đáng lẽ họ chỉ nên dùng một cầu thủ nhập tịch thôi. Ba cầu thủ nhập tịch của chủ nhà cao và giàu kỹ thuật hơn hẳn Philippines. Cầu thủ chúng tôi đã cố gắng cật lực, nhưng vẫn thua cách biệt nhiều điểm".

Mặc dù việc bao gồm các cầu thủ nhập tịch có thể giúp một quốc gia trở thành một đội có khả năng cạnh tranh huy chương hơn, nhưng điều quan trọng cần phải đảm bảo rằng tất cả các vận động viên đều có cơ hội bình đẳng để đại diện cho quốc gia của họ. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, chỉ cần các quy tắc về quyền công dân rõ ràng và minh bạch, các vận động viên nên được lựa chọn dựa trên thành tích, cũng như khả năng đóng góp cho đội của họ, bất kể họ đến từ quốc gia nào.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem