Hệ thống Vincommerce được định giá 2,5 tỷ USD, rồi sao nữa?
Về tay tỷ phú Nguyễn Đăng Quang, hệ thống Vincommerce được định giá 2,5 tỷ USD, rồi sao nữa?
Hồng Phúc
Thứ tư, ngày 07/04/2021 10:30 AM (GMT+7)
Sau khi chia tay Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng và về chung nhà Masan, Vincommerce được định giá 2,5 tỷ USD. Tỷ phú Nguyễn Đăng Quang đang đặt nhiều kỳ vọng cho mảng bán lẻ.
Công ty CP Tập đoàn Masan của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang vừa công bố về việc ký kết thỏa thuận với SK Group (Hàn Quốc) về việc SK Group mua lại 16,26% cổ phần của Vincommerce tại Masan với tổng giá trị tiền mặt là 410 triệu USD.
Như vậy, với giao dịch này, Vincommerce được định giá 2,5 tỷ USD cho 100% vốn chủ sở hữu.
SK Group là một trong những tập đoàn thương mại lớn nhất tại Hàn Quốc, được thành lập từ năm 1953. SK Group hoạt động trong các lĩnh vực như năng lượng, viễn thông, linh kiện công nghệ, logistics và dịch vụ. Hiện tập đoàn có hơn 80 công ty con, hoạt động tại 40 quốc gia với doanh thu khoảng 141 tỷ USD, tính đến cuối năm 2017.
Năm 2018, SK Group đã chi 11.000 tỷ đồng, tương đương 470 triệu USD để mua 110 triệu cổ phiếu của Masan Group. Sau giao dịch này, SK Group trở thành cổ đông nước ngoài lớn nhất của Masan. Điều này đồng nghĩa, thương vụ mua lại 16,26% cổ phần của Vincommerce được thực hiện bởi "người quen" của Masan.
Ông Woncheol Park, Giám đốc Đại diện của SK South East Asia Investment - công ty thành viên của SK Group, cho biết: "Chúng tôi vô cùng tin tưởng vào tiềm năng to lớn của ngành bán lẻ tích hợp online - offline (O2O) tại Việt Nam và kỳ vọng Vincommerce sẽ là một thành tố quan trọng thúc đẩy hiện đại hóa ngành bán lẻ".
Đại diện từ SK Group cũng tiết lộ thêm thỏa thuận đầu tư của tập đoàn vào Vincommerce là một phần trong chiến lược đầu tư của SK vào các lĩnh vực đang tăng trưởng nhanh của Việt Nam.
Masan thông tin có kế hoạch sử dụng một phần khoản đầu tư, khoảng 225 triệu USD để củng cố bảng cân đối kế toán và tăng vốn cho các sáng kiến thúc đẩy tăng trưởng trong tương lai.
Với thương vụ này, cả SK và Masan đều đặt nhiều kỳ vọng vào kênh thương mại hiện đại (MT). Kênh này dự kiến sẽ chiếm 50% toàn ngành bán lẻ thay vì chỉ ở mức 8% như hiện nay, đưa Việt Nam trở thành thị trường thương mại hiện đại phát triển nhanh nhất ở khu vực châu Á trong thập kỷ tới.
Vincommerce được định giá 2,5 tỷ USD, rồi sao nữa?
Ông Trương Công Thắng - Tổng giám đốc Vincommerce cho rằng thỏa thuận đầu tư từ SK Group đã khẳng định tính hiệu quả của các sáng kiến chuyển đổi Vincommerce trong hơn 1 năm tiếp nhận Vincommerce từ Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng.
Vincommerce là công ty sở hữu chuỗi siêu thị VinMart và cửa hàng tiện lợi VinMart+. Tháng 12/2019, Vingroup chuyển nhượng Vincommerce cho Tập đoàn Masan và tuyên bố chia tay mảng bán lẻ.
Với hệ thống điểm bán dẫn đầu thị trường, không thể phủ nhận sức ảnh hưởng của hệ thống VinMart, VinMart+ đến ngành bán lẻ. Tuy nhiên, Vincommerce dưới thời của tỷ phú Phạm Nhật Vượng vẫn chưa đạt điểm hòa vốn, mỗi năm "ôm" lỗ vài nghìn tỷ đồng.
Tại báo cáo thường niên gửi cổ đông, ông Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch HĐQT Masan tiết lộ: "Masan đã tiếp nhận khoản lỗ hơn 100 triệu USD từ Vincommerce, trong khi chưa có nhiều kinh nghiệm vận hành trong lĩnh vực bán lẻ". Ông cũng cho biết thương vụ này vấp phải nhiều phản ứng trái chiều.
Năm 2020, Masan đã mạnh tay khai tử hơn 750 điểm bán kém hiệu quả. Tính đến cuối năm 2020, hệ thống bán lẻ này còn 123 siêu thị VinMart và 2.231 cửa hàng VinMart+.
Kết quả, sau 1 năm về tay Masan, doanh thu thuần của Vincommerce tăng 14%, từ mức 27.130 tỷ đồng vào năm 2019 lên 30.978 tỷ đồng vào năm 2020. Đáng chú ý, Vincommerce đạt EBITDA (thu nhập trước lãi vay, thuế và khấu hao) hòa vốn trong quý IV/2020 và đạt EBITDA dương trong quý I/2021.
Theo kế hoạch, ngay trong năm nay, ít nhất 50% cửa hàng trở thành các điểm kết hợp cung cấp dịch vụ tài chính, bao gồm dịch vụ ngân hàng truyền thống và cổng thanh toán kỹ thuật số. Đối tác cung cấp các dịch vụ tài chính cho cho hệ thống này chính là Techcombank.
Giai đoạn 5 năm tới, Masan kỳ vọng sẽ có 10.000 cửa hàng do công ty tự vận hành và 20.000 cửa hàng nhượng quyền bằng cách hợp tác với những tiệm tạp hóa. Kênh bán lẻ hiện đại này sẽ phục vụ 30-50 triệu người tiêu dùng.
"Khi chuyển đổi sang nền tảng bán lẻ hiện tại, Masan sẽ xây dựng một doanh nghiệp có quy mô doanh thu 7-10 tỷ USD và lợi nhuận gộp gia tăng hai con số vào 2025 cho lĩnh vực bán lẻ", tỷ phú Nguyễn Đăng Quang đặt mục tiêu.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.