3 lý do gì để Masan biến VinCommerce từ lỗ nghìn tỷ đến hòa vốn chỉ sau 1 năm sáp nhập?

Ngọc Lê Thứ sáu, ngày 08/05/2020 16:06 PM (GMT+7)
Theo bản báo cáo kết quả kinh doanh quý 1 năm 2020 của Tập đoàn Masan (Masan Group) công bố mới đây, ông lớn này đã đặt mục tiêu biên lợi nhuận cho cả năm 2020 đối với Công ty Vincommerce (mới được sáp nhập từ Vingroup về từ tháng 12/2019) từ chỗ lỗ lũy kế lên tới 17.000 tỷ đồng sẽ về mức hòa vốn chỉ sau 1 năm.
Bình luận 0
3 lý do gì để Masan biến VinCommerce từ lỗ nghìn tỷ đến hòa vốn chỉ sau 1 năm sáp nhập? - Ảnh 1.

Sau khi sáp nhập về Masan, chỉ riêng quý 1/2020, doanh thu của VinCommerce đã đạt hơn 8.700 tỷ đồng, tăng 2.500 tỷ so với quý 1/2019.

Giảm một nửa mức lỗ và tăng 40,3% doanh thu

Theo bản báo cáo kết quả hợp nhất tài chính của Masan Group, doanh thu thuần hợp nhất quý 1/2020 của Masan đạt mức 17.632 tỷ đồng, tăng trưởng gấp hơn 2 lần so với mức 8.160 tỷ đồng vào Quý 1/2019. Đóng góp vào doanh thu trên, riêng VinCommerce (công ty vận hành hệ thống siêu thị Vinmart, Vinmart+) đã chiếm hơn 50% với tổng doanh thu riêng quý 1 đạt tới 8.709 tỷ đồng tăng 40,3% so với mức doanh thu 6.206 tỷ đồng của quý 1/2019; tức tăng về giá trị tuyệt đối tới hơn 2.500 tỷ đồng. Còn so với quý 4/2020, mức tăng trưởng đạt 17%.

Mức doanh thu của VinCommerce đã khiến ngay cả người đứng đầu Masan Group- Chủ tịch HĐQT, Nguyễn Đăng Quang cũng không nghĩ, có thể chuyển đổi nhanh như vậy. Trong bản báo cáo kinh doanh quý 1/2020, ông Quang đã dành khá nhận xét để đánh giá về VinCommerce. 

3 lý do gì để Masan biến VinCommerce từ lỗ nghìn tỷ đến hòa vốn chỉ sau 1 năm sáp nhập? - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Đăng Quang- Chủ tịch Masan Group khẳng định: "Với quy mô hoạt động và mối quan hệ hợp tác mật thiết với hàng trăm ngàn điểm bán lẻ truyền thống trên cả nước, Masan cùng các đối tác sẽ thúc đẩy xu hướng bán lẻ hiện đại nhằm mang đến những lợi ích tốt nhất và trải nghiệm vượt trội cho người tiêu dùng."

Theo ông Quang, mức lỗ của VinCommerce trong quý 1/2020 đã giảm một nửa và doanh thu tăng trưởng hơn 40% so với Quý 1/2019. "Nhiều ý kiến cho rằng, đây chỉ là kết quả ngắn hạn do tác động của COVID-19, nhưng tôi tin rằng khó khăn và thách thức luôn là động lực để kích hoạt sự đổi mới COVID-19 khiến lĩnh vực bán lẻ tại Việt Nam chuyển đổi cấu trúc nhanh chóng hơn theo hướng bán lẻ hiện đại để phù hợp với xu hướng tiêu dùng mới và tốc độ của quá trình này sẽ ngoài sức tưởng tượng của chúng ta"- ông Nguyễn Đăng Quang đánh giá. 

Đặc biệt, ông Quang khẳng định: "Với quy mô hoạt động và mối quan hệ hợp tác mật thiết với hàng trăm ngàn điểm bán lẻ truyền thống trên cả nước, Masan cùng các đối tác sẽ thúc đẩy xu hướng bán lẻ hiện đại nhằm mang đến những lợi ích tốt nhất và trải nghiệm vượt trội cho người tiêu dùng. Tôi muốn gửi lời cảm ơn đến đội ngũ lãnh đạo và toàn thể nhân viên Masan, đặc biệt là đội ngũ VinCommerce – những người đã tạo nên kỳ tích này".

Phân tích nguyên nhân khiến VinComerce đã có sự chuyển đổi nhanh chóng ngay sau khi sáp nhập về Masan, bản cáo cáo chỉ rõ các yếu tố, đó là: Tăng trưởng doanh số bán hàng cùng cửa hàng (SSSG) đạt mức hai chữ số tại Hà Nội, các thành phố cấp 1 và cấp 2;  Đóng góp doanh thu của 27 siêu thị VinMart (VM) và 1.192 siêu thị mini VinMart+ (VMP) mới mở cửa trong năm 2019; và Tăng trưởng doanh số mạnh mẽ bù đắp cho tốc độ mở rộng điểm bán chậm lại trong Quý 1/2020 nhằm tối ưu hóa mạng lưới điểm bán của VCM.

3 lý do gì để Masan biến VinCommerce từ lỗ nghìn tỷ đến hòa vốn chỉ sau 1 năm sáp nhập? - Ảnh 3.

Theo dự báo, mảng bán lẻ ở Việt Nam có rất nhiều tiềm năng và còn tiếp tục phát triển trong tương lai.

3 lý do để VinComerce hòa vốn ngay trong năm 2020

Trước kết quả kinh doanh khả quan, vượt ngoài mong đợi trong quý 1/2020, Masan đã mạnh dạn đưa ra dự báo kết quả kinh doanh cho cả năm 2020, đó là sẽ đưa mức lỗ của VinCommerce xuống mức -3% hoặc hòa vốn. Có thể nói, đây là kết quả mà nhiều người không dám nghĩ tới khi Masan quyết định sáp nhập VinComerce từ Vingroup vào đầu tháng 12/2019.

Trước khi sáp nhập vào Masan, kết quả kinh doanh của VinCommerce hết sức bết bát. Như năm 2018  lỗ hơn 5.100 tỷ đồng và 9 tháng đầu năm 2019 lỗ tới 3.461 tỷ đồng. Còn tính từ năm 2014 đến nay, tổng số lỗ lũy kế ở mảng bán lẻ của Vingroup đã vượt ngưỡng 17.000 tỷ đồng.  

Vậy cơ sở nào để Masan có thể cắt lỗ, thậm chí đưa kết quả kinh doanh của VinCommerce từ chỗ lỗ tới mấy nghìn tỷ mỗi năm về được điểm hòa vốn?.

Tại bản báo cáo kết quả kinh doanh quý 1 năm nay, Masan đã đưa ra 3 chiến lược để lý giải cho điều này, đó là: 

Thứ nhất, hợp lý hóa chi phí, cụ thể:

- Đối sánh các điều khoản thương mại với nhà cung cấp nhằm đạt mức ngang bằng thị trường, tập trung vào việc giảm chi phí phí hoạt động tại cửa hàng. Cụ thể liên quan đến chi phí vật tư tiêu hao, nâng cao hiệu suất nhân viên, đàm phán chi phí thuê tốt hơn, và tối ưu hóa chi phí hoạt động logistics.

- Tái cấu trúc nền tảng logistic để thúc đẩy hiệu quả hoạt động

- Tối ưu hóa mạng lưới cửa hàng với việc đóng cửa các cửa hàng không có khả năng đạt lợi nhuận.

Thứ hai, đổi mới danh mục sản phẩm: Phát triển danh mục hàng hóa chủ chốt, đảm bảo các sản phẩm trong danh mục này có mặt tại tất cả các cửa hàng, đồng thời bổ sung thêm danh mục sản phẩm phù hợp theo vùng miền và mùa vụ. Chuyển trọng tâm của VCM sang đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Thứ ba, chuyển đổi số: Số hóa toàn bộ nền tảng, quản lý theo thời gian thực và loại bỏ các quy trình thủ công nhằm giảm thiểu sai sót trong quá trình vận hành và cải thiện hiệu quả hoạt động.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem