Vi phạm Quy hoạch hành lang thoát lũ sông Đáy (Bài 1): Nhà ở, nhà xưởng “nhảy dù” trong quy hoạch

Nhóm PV Thứ ba, ngày 14/12/2021 12:46 PM (GMT+7)
Nhiều người dân mua đất ở tổ 9 và một phần tổ 14 phường Yên Nghĩa, (quận Hà Đông, Hà Nội) để sinh sống. Thế nhưng, khi xin phép xây dựng họ mới "ngã ngửa" rằng, dù đất có sổ đỏ nhưng lại nằm trong quy hoạch hành lang thoát lũ sông Đáy và không được cấp phép để xây nhà ở.
Bình luận 0

Video: Hàng loạt nhà ở, nhà xưởng nằm trên hàng lang thoát lũ sông Đáy

Đất có sổ đỏ nằm trong quy hoạch đê điều

Năm 2015, gia đình anh V. mua một mảnh đất chừng 40m2, xây nhà trong ngõ nhỏ ở tổ 9, phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, Hà Nội. 5 năm sau, anh V. cũng trả hết khoản nợ vay mua đất.

Đầu năm 2020, anh V. bàn với vợ quyết định bán ngôi nhà đang ở để mua một thửa đất cũng ở tổ 9 nhưng ở mặt đường rộng hơn. Anh V. nghĩ rằng, ở đây sẽ tiện cho sinh hoạt gia đình, đi lại, làm ăn.

Mảnh đất mới gia đình anh V mua trị giá hơn 1,5 tỷ đồng, có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) do cơ quan quản lý nhà nước cấp. Anh V. cấp tốc đi thuê đơn vị thiết kế để chuẩn bị xây nhà.

Hệ lụy sau Quy hoạch hành lang thoát lũ sông Đáy (Bài 1): Ngôi nhà mơ ước trước nguy cơ "chôn vùi" dưới đáy sông - Ảnh 2.

Ngôi nhà này được người dân tổ 9, phường Yên Nghĩa cho biết được hoàn thiện năm 2020. Ảnh: Quang Minh

"Nhưng khi hoàn thiện hồ sơ gửi cơ quan chức năng xin cấp phép, chúng tôi mới ngã ngửa rằng mảnh đất mới mua của gia đình nằm trong hành lang thoát lũ sông Đáy nên không được cấp phép xây dựng", anh V. thất vọng nói.

Anh V. cho hay, trước khi mua mảnh đất trên, ở tổ 9 người dân vẫn xây dựng, mua bán nhà đất, hàng chục ngôi nhà liền kề được xây bán, thậm chí có cả nhà của lãnh đạo phường, nhà tổ trưởng tổ dân phố cũng mới xây dựng giữa năm 2020.

"Đến cuối tháng 7/2020, nhiều hộ dân ở tổ 9 vẫn được cấp phép xây dựng nên gia đình chúng tôi mới làm hồ sơ gửi Phòng Quản lý đô thị quận Hà Đông. 

Nhưng chúng tôi được đơn vị này trả lời là vị trí thửa đất xin phép xây dựng dự kiến nằm vào hành lang thoát lũ sông Đáy theo Quyết định số 1821/QĐ-TTg ngày 7/10/2014 của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch phòng, chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Đáy", anh V. kể.

Hệ lụy sau Quy hoạch hành lang thoát lũ sông Đáy (Bài 1): Ngôi nhà mơ ước trước nguy cơ "chôn vùi" dưới đáy sông - Ảnh 3.

Dù mốc chỉ giới thoát lũ đã được cắm và bàn giao từ năm 2019 nhưng anh V và nhiều hộ dân khác không có thông tin là khu vực nằm trong hành lang thoát lũ sông Đáy ở bên trái hay bên phải mốc. Ảnh: Quang Minh

Phòng Quản lý đô thị quận Hà Đông đã đề nghị gia đình anh V. liên hệ với Sở NNPTNT Hà Nội để xác định hành lang bảo vệ sông Đáy, trường hợp đủ điều kiện Phòng quản lý đô thị mới cấp phép xây dựng.

Theo Chi cục Phòng chống Thiên tai (Sở NNPTNT Hà Nội), cơ bản khu vực tổ 9 và một phần tổ 14 phường Yên Nghĩa thuộc quy hoạch hành lang thoát lũ sông Đáy theo Quyết định số 1821/QĐ-TTg ngày 7/10/2014 của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch phòng, chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Đáy.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên Dân Việt, sau khi Quy hoạch đê điều hệ thống sông Đáy được ban hành, UBND quận Hà Đông vẫn cấp phép xây dựng trên khu vực Tổ 9 phường Yên Nghĩa.

Chỉ đến nay, việc cấp phép xây dựng ở khu vực này mới được dừng lại. Không chỉ riêng gì gia đình anh V. mà nhiều gia đình khác trên địa bàn tổ 9 và một phần của tổ 14 phường Yên Nghĩa cũng trong tình trạng tương tự, mua đất xong không được cấp phép xây dựng vì "vướng" hành lang thoát lũ. 

Ngoài ra, nhiều hộ dân và nhà đầu tư cũng mua đất xong mới "ngã ngửa" ra việc không được cấp phép xây dựng.

Nhưng trên thực tế, theo ghi nhận của PV, nhiều nhà và nhà xưởng đã được xây dựng ở khu vực Tổ 9 phường Yên Nghĩa – nơi đã được quy hoạch hành lang thoát lũ. Theo phản ánh của người dân, việc xây dựng được diễn ra nhiều trong hai năm 2019 – 2020.

Hệ lụy sau Quy hoạch hành lang thoát lũ sông Đáy (Bài 1): Ngôi nhà mơ ước trước nguy cơ "chôn vùi" dưới đáy sông - Ảnh 4.

Không chỉ gia đình anh V. nhiều gia đình trẻ đã chọn tổ 9, phường Yên Nghĩa làm nơi an cư, lạc nghiệp để mua đất xây nhà, nhiều gia đình đã bỏ 1,5 đến 2 tỷ đồng mua mảnh đất rồi để đó vì không được cấp phép xây dựng. Ảnh: Quang Minh

Loạt công trình nhà xưởng "nhảy dù" xâm phạm hành lang đê điều

Không chỉ ở khu vực phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, việc lấn chiếm hành lang thoát lũ sông Đáy để đổ đất, xây dựng nhà xưởng có thể nhìn thấy rõ nhất là gần khu vực trạm bơm tiêu Yên Nghĩa thuộc địa phận xóm 3, xóm 4, xã Đông La, huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội.

Đứng từ Trạm bơm Yên Nghĩa có thấy rõ những nhà xưởng lợp mái tôn rộng hàng nghìn mét vuông nằm sát bờ sông.

Theo tìm hiểu của phóng viên Dân Việt, nhiều nhà xưởng ở đây được xây dựng trái phép, vi phạm hành lang thoát lũ sông Đáy đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo tiết lộ của một số chủ nhà xưởng, họ phải "chung chi" để được phép xây dựng, sau đó cho thuê với giá khoảng 40.000 - 50.000đồng/m2 tùy từng vị trí.

Sau khi tìm hiểu thông tin, nhóm phóng viên Dân Việt đã phản ánh thông tin với Chi cục phòng, chống thiên tai. Tiếp nhận thông tin, Chi cục Phòng, chống thiên tai đã chỉ đạo Hạt quản lý đê Hoài Đức - Hà Đông đến hiện trường kiểm tra, báo cáo sự việc.

Hệ lụy sau Quy hoạch hành lang thoát lũ sông Đáy (Bài 1): Nhà ở, nhà xường “nhảy dù” trong quy hoạch - Ảnh 6.

Hàng loạt nhà xưởng xây dựng ngay cửa thoát nước trạm bơm tiêu Yên Nghĩa thuộc địa phận xóm 3, xóm 4, xã Đông La, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Ảnh: Quang Minh

Ngày 22/10/2021 Hạt quản lý đê Hoài Đức - Hà Đông đã có báo số 52A/BC-HQLĐ về công tác quản lý đê điều tuyến đê tả Đáy thuộc xã Đông La, huyện Hoài Đức, trong đó có nội dung về tình trạng xây dựng công trình nhà xưởng trong hành lang thoát lũ sông Đáy tại xóm 3, xóm 4, xã Đông La.

Tiếp đó, ngày 1/11/2021 Chi cục Phòng, chống thiên tai đã có Văn bản số 1381/CCPCTT-QLĐĐ gửi UBND huyện Hoài Đức về việc kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn xóm 3, xóm 4, xã Đông La, huyện Hoài Đức.

Theo đó, qua kiểm tra hiện trường, hiện nay trên địa bàn xóm 3, xóm 4, xã Đông La đang xảy ra tình trạng xây dựng, lắp dựng nhà xưởng, công trình nhà ở phân lô quy mô lớn,…xây dựng không phép ở bãi sông và vi phạm hành lang thoát lũ sông Đáy, vi phạm pháp luật về đê điều, trật tự xây dựng, đất đai, ảnh hưởng đến khả năng thoát lũ của tuyến sông Đáy.

Trước đó, cũng tại huyện Hoài Đức, ở các xã An Thượng, Song Phương, Đông La, Yên Sở, Dương Liễu, hàng chục vi phạm liên quan đến tuyến đê cấp 1 Tả Đáy đã bị cơ quan chức năng lập biên bản, xử lý vi phạm.

Hệ lụy sau Quy hoạch hành lang thoát lũ sông Đáy (Bài 1): Nhà ở, nhà xường “nhảy dù” trong quy hoạch - Ảnh 7.

Nhà xưởng xây dựng vi phạm hành lang thoát lũ sông Đáy thuộc địa phận xã Đông La, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Ảnh: Quang Minh

Lãnh đạo xã chưa nắm được quy hoạch!

Trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Nguyễn Hữu Hải Như, Chủ tịch UBND xã Đông La cho biết: "Gần trạm bơm là xóm 4 họ xây dựng cách đây nhiều năm trên đất thổ cư. Đây là địa bàn cấp xã nên việc xây dựng không phải xin phép xây dựng theo Luật Xây dựng".

Khi phóng viên hỏi có đúng là các nhà dân ở xã không phải cấp phép không, ông Như nói "phải hỏi lại". Còn việc hành lang thoát lũ như thế nào ông Như không nắm được, thậm chí Quyết định phê duyệt quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ ông Như cũng chưa biết và chưa nghe bao giờ.

Ông Như lý giải do mới chuyển sang công tác hồi tháng 7/2021 nên chưa nắm rõ. Sau đó ông Như gọi bà Đinh Thị Hòa, cán bộ địa chính xã Đông La đến trao đổi với phóng viên.

Bà Hòa thông tin, từ khi bà về nhận nhiệm vụ năm 2020 đã có các công trình đó và các công trình đó xây trên đất thổ cư. Theo quy định về Luật xây dựng thì xây dựng nhà ở riêng lẻ tại nông thôn không phải cấp phép, đối với nhà xưởng theo bà Hòa cũng được xây dựng trên đất thổ cư. Dọc sông đó có nhiều loại đất như đất trồng cây hàng năm thì không được phép xây dựng.

Hệ lụy sau Quy hoạch hành lang thoát lũ sông Đáy (Bài 1): Nhà ở, nhà xường “nhảy dù” trong quy hoạch - Ảnh 8.

Sông Đáy đoạn qua xã Đông La, huyện Hoài Đức, Hà Nội đang bị lấn chiếm, xây dựng vi phạm Quy hoạch hành lang thoát lũ sông Đáy. Chi cục phòng, chống Thiên tai đã nhiều lần đề nghị UBND huyện Hoài Đức vào cuộc xử lý dứt điểm nhưng nhiều năm qua các nhà xưởng vẫn tiếp tục tồn tại. Ảnh: Quang Minh

"Về Quyết định phê duyệt hành lang thoát lũ sông Đáy chúng tôi không được bàn giao nên không biết. Đất thổ cư địa chính và thanh tra xây dựng xử lý, còn đất nông nghiệp tôi chưa nắm được, bên đê điều có đến phối hợp với lãnh đạo xã như thế nào tôi không biết. Hiện chưa có quyết định xử phạt công trình nhà ở, nhà xưởng nào" - bà Hòa nói.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, Điều 7 của Luật Đê Điều quy định không cho phép xây dựng công trình, nhà ở trong phạm vi bảo vệ đê điều, trừ công trình phục vụ phòng, chống lũ, lụt, bão, công trình phụ trợ và công trình đặc biệt là các công trình nằm trên hành lang thoát lũ.

Đầu tháng 10/2021, phóng viên Dân Việt đã đến UBND phường Yên Nghĩa và UBND quận Hà Đông đặt lịch làm việc, gửi nội dung câu hỏi làm rõ thắc mắc của người dân.

Khoảng 1 tháng sau, phóng viên nhận được trả lời bằng văn bản UBND quận Hà Đông: Yêu cầu các đơn vị trực thuộc là Phòng quản lý đô thị; Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị; UBND phường Yên Nghĩa thực hiện báo cáo những nội dung liên quan về UBND quận trước 30/10/2021.

Đến ngày 10/11/2021 phóng viên tiếp tục liên hệ với lãnh đạo Phường Yên Nghĩa. Lãnh đạo phường này cũng gửi văn bản trả lời ngắn gọn: báo cáo UBND quận Hà Đông với nội dung không có nhà xưởng xây dựng trên hành lang thoát lũ sông Đáy đoạn qua địa bàn tổ 9 và một phần tổ 14, phường Yên Nghĩa?!

Nhưng theo tài liệu và ghi nhận của phóng viên, có những công trình được xây dựng tại Tổ 9 phường Yên Nghĩa sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1821.

(Còn nữa...)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem