Vì sao “hoàng hậu” mắc-ca lại đáng giá tỷ đô?

Thứ tư, ngày 16/07/2014 06:49 AM (GMT+7)
Được đánh giá là loại cây nông – nghiệp tỷ đô trên thế giới, đồng thời được trao “vương miện”… “hoàng hậu” của các loại quả khô, nhưng với nhiều người Việt Nam, mắc-ca chưa hẳn là cái tên phổ biến.
Bình luận 0

Mắc-ca, hay còn gọi là mác-ca, tên khoa học là Macadamia, là tên một chi cây thân gỗ có nguồn gốc từ châu Đại Dương, thuộc họ Proteaceae.

Một cây mắc-ca trưởng thành có thể cao tới 12m, ra rất nhiều hoa, màu sắc biến chuyển từ trắng tới hồng hoặc tím nhạt. Tuy nhiên, tỷ lệ đậu quả của mắc-ca là vô cùng thấp, chỉ khoảng từ 0,1-0,3%. Nếu điều kiện khí hậu không thuận lợi, tỷ lệ này sẽ là 0%.

Mắc-ca cũng được xét là loại cây khó tính. Nó chỉ thích hợp với thổ nhưỡng màu mỡ, thoát nước tốt, lượng mưa từ 1.000 – 2.000mm, nhiệt độ lý tưởng khoảng 25 độ C và không dưới 10 độ C.

Rễ cây mắc-ca tương đối nông nên nó dễ bị bật gốc nếu gặp bão lớn. Thời gian trồng tới lúc bắt đầu cho thu hoạch là khoảng từ 7-10 năm. Do vậy, mắc-ca đòi hỏi ở người trồng sự kiên nhẫn, kỹ thuật cao và trường vốn. Đổi lại, sức sinh sản của mắc-ca cũng rất bền bỉ (trên 100 năm).

Quả mắc-ca tương đối tròn, vỏ chuyển từ màu xanh sang màu nâu khi chin. Khi khô, vỏ sẽ tự nứt và rơi xuống đất, bên trong có hạt.

Hạt mắc-ca tròn như hạt nhãn, có lớp vỏ rất cứng và là một trong những loại hạt đắt nhất thế giới. Tại Việt Nam, giá của hạt mắc-ca đã bóc vỏ lên tới gần 1 triệu đồng/kg. Vì thế, mắc-ca cũng được mệnh danh là “hoàng hậu” của các loại quả khô.

So với các loại quả khô khác như hạnh nhân, lạc hay hạt điều, hạt mắc-ca có hàm lượng dầu cao hơn hẳn (78%). Dầu mắc-ca có chứa 87% axit béo không no, trong đó có cả những chất mà cơ thể con người không tự tổng hợp được.

Hạt mắc-ca cũng giàu vitamin: canxi, sắt, magie… tốt cho sức khỏe, đặc biệt là phụ nữ có thai. Ngoài ra nó còn chứa 9% protein, 9% carbohydrate và 2% chất xơ.

Mắc-ca được sử dụng tương đối rộng rãi trong các nhà hàng sang trọng, những buổi yến tiệc, đặc biệt ở châu Âu và châu Úc. Hạt mắc-ca giòn, bùi, thơm, ngậy rất hấp dẫn. Cách chế biến cũng rất phong phú, từ ăn sống tới trộn salad, xào, nấu, hầm, làm bánh, kem, mứt, nước uống…

Không chỉ được “trong dụng” trong các gian bếp, dầu mắc-ca còn được coi là “thần dược” đối với làn da phụ nữ, với vai trò làm dung môi trong ngành sản xuất mỹ phẩm.

Tại Việt Nam, mắc-ca mới chỉ được trồng từ cách đây khoảng 10 năm tại khu vực Tây Nguyên và Tây Bắc, và đang có chủ trương mở rộng diện tích, đem cơ hội làm giàu tới với những người nông dân.

Thu Thảo (Tổng hợp)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem