Vì sao Liên Xô vượt Trung Quốc trong vụ đòi Nhật Bản bồi thường chiến tranh?

Xuân Tiến - ANTT, War SS Chủ nhật, ngày 17/05/2020 19:31 PM (GMT+7)
Việc Liên Xô tiếp quản 72 cơ sở công nghiệp và 150 cơ sở nông nghiệp phụ trợ, trong đó phần lớn là những xí nghiệp dân dụng nhưng tất cả được coi là “những nhà máy quân sự” của Nhật Bản tại vùng đông bắc Trung Quốc đã khiến nhiều nước Đồng minh bất bình.
Bình luận 0

Chiến tranh thế giới thứ II kết thúc, ngày 18/9/1945 chính phủ của Tưởng Giới Thạch kiến nghị với Mỹ và Liên Xô: Để bù đắp những mất mát hy sinh của nhân dân Trung Quốc đã phải gánh chịu trong một thời gian dài, toàn bộ các cơ sở công nghiệp, các loại tài sản, máy móc, thiết bị, đường sá, cũng như mọi khế ước lợi nhuận v.v... của Nhật Bản nằm trên lãnh thổ Trung Quốc cần phải giao trả lại cho Trung Quốc. Những vùng lãnh thổ của Trung Quốc có quân đội Đồng minh đóng quân, cần phải áp dụng những biện pháp khẩn cấp nhằm ngăn chặn kẻ địch phá hoại, cất giấu, di chuyển và chuyển nhượng tài sản máy móc. Việc phân chia các loại tài sản trong nước Nhật, Trung Quốc phải được một tỉ lệ ưu tiên.

Vì sao Liên Xô vượt Trung Quốc trong vụ đòi Nhật Bản bồi thường chiến tranh? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Trong công hàm trả lời, Ngoại trưởng Liên Xô Molotov cho biết: Liên Xô hết sức thông cảm với lập trường của Trung Quốc về vấn đề Nhật Bản bồi thường chiến tranh. Các biện pháp cụ thể sẽ do một Hội đồng quản chế của 4 nước bao gồm Trung Hoa dân quốc, Liên Xô, Mỹ và Anh bàn thảo quyết định. Hạ tuần tháng 8/1945, Tống Tử Văn đại diện của chính quyền Tưởng Giới Thạch sang thăm Mỹ. Trong buổi tiếp, Tổng thống Mỹ Truman nói: "Trung Quốc đã kháng chiến chống Nhật trong 8 năm, Liên Xô đánh Nhật chỉ có ít ngày, vì vậy vấn đề Nhật bồi thường chiến tranh, Trung Quốc phải được hưởng nhiều hơn...".

Nhưng khi ký kết Hiệp ước Yalta, Stalin yêu cầu: "Cần phải khôi phục toàn bộ đặc quyền của Liên Xô đối với vùng Đông Bắc Trung Quốc, nếu không sẽ không thể trả lời được câu hỏi của nhân dân Nga là tại sao Liên Xô lại đưa quân sang chiến đấu tại vùng này. Theo đó, Liên Xô sẽ được sử dụng toàn bộ tài sản của Nhật ở vùng này, tháo dỡ có chọn lọc các cơ sở công nghiệp, số còn lại sẽ cùng hợp tác kinh doanh.

Theo tinh thần của Stalin, ngay sau khi đập tan đội quân Quan Đông của Nhật ở vùng đông bắc, quân đội Liên Xô bắt ngay các quan chức quản lý kinh tế cao cấp của Nhật để khai thác tài liệu, tìm hiểu những nhà máy, xí nghiệp nào phục vụ cho đội quân Quan Đông và giá trị tài sản, vốn liếng của từng nhà máy là bao nhiêu. Cuối cùng, ngày 29/10/1945, 72 cơ sở công nghiệp và 150 cơ sở nông nghiệp phụ trợ, trong đó phần lớn là những xí nghiệp dân dụng nhưng tất cả được coi là "những nhà máy quân sự" đã được Viện Đại diện kinh tế của Chính phủ Nhật tại vùng đông bắc Trung Quốc ký văn bản bàn giao cho quân đội Liên Xô quản lý.

Ngay sau khi Nhật bàn giao các cơ sở nói trên, Liên Xô đã bắt tay ngay vào việc tiếp quản và xử lý có hiệu quả các cơ sở này.

Theo Malinnovsky - Tổng tư lệnh quân đội Liên Xô tại vùng đông bắc Trung Quốc: "Liên Xô làm như vậy là bảo đảm sự an ninh của Liên Xô. Từ nhiều năm qua, Stalin quan ngại rằng một hệ thống căn cứ công nghiệp và quân sự hùng hậu như vậy ở vùng đông bắc Trung Quốc là một sự đe dọa lớn đối với vùng Viễn Đông của Liên Xô. Đây là thời cơ tốt nhất để giải tỏa mối quan ngại này...".

Trước đó, tháng 2/1945 tại Hội nghị Yalta, 3 cường quốc là Mỹ, Liên Xô và Anh đã bàn tính: Đối với mọi tài sản thuộc sở hữu của Nhật ở nước ngoài, phải ưu tiên bồi thường cho những nước bị thiệt hại nặng nề nhất bởi cuộc chiến tranh do Nhật gây ra và những nước đóng góp lớn nhất trong quá trình đánh thắng Nhật. Vì thế việc làm của Liên Xô ở vùng đông bắc Trung Quốc dấy lên làn sóng phản đối của các nước Đồng minh và bị dư luận thế giới chỉ trích. Mỹ và Anh dự định sẽ bàn biện pháp tháo gỡ vấn đề này với Molotov tại Hội nghị hòa bình Paris nhưng vì sợ ảnh hưởng tới chương trình nghị sự của hội nghị, nên dự kiến đã không thành.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem