Việc Giám đốc CDC Bình Phước "trả lại quà", xem xét ở góc độ pháp lý thế nào?
Việc Giám đốc CDC Bình Phước "trả lại quà", xem xét ở góc độ pháp lý thế nào?
Việt Sáng
Thứ hai, ngày 03/01/2022 08:15 AM (GMT+7)
Theo luật sư, cần xác định rõ đây là quà gì, giá trị bao nhiêu? Trong việc mua kit test của Công ty Việt Á có vụ lợi hay lợi ích để xác định có dấu hiệu phạm tội hay không?
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng văn phòng LS Chính Pháp đã có những phân tích xung quanh việc ông Nguyễn Văn Sáu - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Phước (CDC) thừa nhận có nhận quà của Công ty Việt Á và sẽ mang trả lại số quà này.
Theo ông Cường, cơ quan điều tra cần vào cuộc xác minh, làm rõ các gói thầu tại Bình Phước mà Công ty Việt Á đã trúng thầu.
"Lực lượng chức năng cần xác định được ngoài Công ty Việt Á, còn đơn vị nào khác trúng thầu ở địa phương này hay không? Việc nhận quà là quà gì, trị giá bao nhiêu và giao dịch giữa các bên như thế nào?
Từ đó mới có thể kết luận Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Phước có sai phạm trong đấu thầu, cán bộ có vi phạm pháp luật hay không, có đến mức xử lý hình sự như cán bộ của nhiều tỉnh thành khác không?
Trong trường hợp, kết quả điều tra của cơ quan điều tra Bộ công an cho thấy tại Bình Phước hoạt động đấu thầu không đúng quy định pháp luật, có hành vi vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng thì sẽ khởi tố theo điều 222 Bộ luật hình sự năm 2015 đồng thời xem xét trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định pháp luật", ông Cường nói.
Xác định yếu tố vụ lợi
Theo vị luật sư, xác định được yếu tố vụ lợi trong vụ việc này đóng vai trò quan trọng, có hành vi đưa và nhận hối lộ hay không để xử lý theo quy định của pháp luật.
"Ông Nguyễn Văn Sáu đã thừa nhận là có nhận quà của Công ty Việt Á. Vấn đề này cần phải làm rõ đây là quà gì, trị giá bao nhiêu tiền, hai bên có thỏa thuận về số tiền này hay không?
Trong trường hợp có căn cứ cho thấy vị lãnh đạo này đã có thỏa thuận dù trực tiếp hay gián tiếp với Công ty Việt Á để cho công ty này trùng thầu, bán vật tư y tế cho địa phương thì đây là hành vi đưa và nhận hối lộ, hành vi này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 354 và điều 364 Bộ luật hình sự năm 2015", vị luật sư cho biết.
"Điều 354, Bộ luật hình sự 2015 quy định về tội nhận hối lộ như sau:
1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào sau đây cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm: a) Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 2 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về một trong các tội quy định tại mục 1 Chương này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; b) Lợi ích phi vật chất.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm: a) Có tổ chức; b) Lạm dụng chức vụ, quyền hạn; c) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng; d) Gây thiệt hại về tài sản từ 1 tỷ đồng đến dưới 3 tỷ đồng; đ) Phạm tội 2 lần trở lên; e) Biết rõ của hối lộ là tài sản của Nhà nước; g) Đòi hối lộ, sách nhiễu hoặc dùng thủ đoạn xảo quyệt.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm: a) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 500 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng; b) Gây thiệt hại về tài sản từ 3 tỷ đồng đến dưới 5 tỷ đồng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình: a) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1 tỷ đồng trở lên; b) Gây thiệt hại về tài sản 5 tỷ đồng trở lên.
5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1 năm đến 5 năm, có thể bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
6. Người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước mà nhận hối lộ, thì bị xử lý theo quy định tại điều này."
Ông Cường cho rằng, trong vụ việc này, việc nhận quà là có, cơ quan điều tra sẽ làm rõ việc nhận quà đó có phải để thực hiện một công việc vì lợi ích của bên đưa qùa hay không?
Theo quy định của bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 thì việc nhận quà, nhận tiền hoặc lợi ích phi vật chất khác có thể là nhận trước hoặc nhận sau khi đã thực hiện công việc vì lợi ích của người đưa quà, có thể nhận trực tiếp hoặc nhận gián tiếp thông qua bên thứ ba.
Bởi vậy nếu kết quả điều tra của cơ quan điều tra cho thấy số quà này có liên quan đến lợi ích của doanh nghiệp, nhận quà để thực hiện công việc theo yêu cầu của doanh nghiệp thì cơ quan điều tra sẽ xử lý hình sự.
"Cơ quan điều tra cần phải làm rõ nguyên nhân tại sao lại tặng quà, giá trị của gói quà đó như thế nào, việc tặng quà đó có liên quan gì đến hoạt động đấu thầu hay không, hoạt động đấu thầu có tuân thủ quy định của pháp luật hay không, giá cả của gói thầu đó như thế nào trên cơ sở đó sẽ xác định có vi phạm pháp luật hay không?
Cơ quan điều tra sẽ thu thập đầy đủ các chứng cứ, xâu chuỗi các vấn đề của sự việc để có kết luận đúng đắn, làm căn cứ giải quyết theo quy định của pháp luật. Trường hợp kết quả điều tra xác minh cho thấy tại Bình Phước đã mua được những vật tư y tế giá cả phù hợp với giá thị trường, thậm chí thấp hơn giá thị trường. Việc doanh nghiệp tặng quà là tự phát, không có thoả thuận từ trước và lãnh đạo này cũng không nhận, đã có sự trình báo sự việc với cơ quan chức năng phải có lập biên bản và không có dấu hiệu nhận quà trái quy định thì sẽ không xử lý đối với vị cán bộ lãnh đạo này.
Còn trường hợp lãnh đạo trung tâm kiểm soát bệnh tật này đã nhận quà của doanh nghiệp trước đó, khi cán bộ, nhân viên của doanh nghiệp khai ra, cơ quan chức năng vào cuộc thì lãnh đạo này mới thừa nhận thì rõ ràng việc nhận quà này là trái quy định, cần phải xử lý kỷ luật.
Đồng thời cơ quan chức năng sẽ làm rõ việc nhận quà này có liên quan gì đến các gói thầu nêu trên hay không?
Trường hợp có căn cứ cho thấy có sự thỏa thuận ngầm, dù không trực tiếp nhưng hai bên đều hiểu rằng khi giao dịch thành công sẽ có quà, thì đó là căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đưa hối lộ theo điều 364 và tội nhận hối lộ theo điều 354 Bộ luật hình sự năm 2015 nêu trên", luật sư Đặng Văn Cường thông tin.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.