Vụ án Vạn Thịnh Phát: Cơ quan chức năng ở đâu khi Trương Mỹ Lan lộng hành?
Cơ quan chức năng ở đâu khi Trương Mỹ Lan lộng hành?
Xuân Ân
Thứ hai, ngày 04/03/2024 13:30 PM (GMT+7)
Luật quy định rất kỹ nhưng những người có trọng trách đã cố tình làm sai dẫn tới hậu quả rất nặng nề, đây là nhận xét không chỉ của cá nhân người viết khi đọc hồ sơ vụ án của Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan và 85 đồng phạm.
677.286 tỷ đồng là con số nhóm Trương Mỹ Lan gây thiệt hại cho SCB trong suốt 10 năm, từ năm 2012 - 2022. Câu hỏi đặt ra, các cơ quan quản lý Nhà nước tại sao trong nhiều năm không phát hiện ra vi phạm tràn lan với số tiền khổng lồ này?
Luật quy định rất kỹ nhưng những người có trọng trách đã cố tình làm sai dẫn tới hậu quả rất nặng nề, đây là nhận xét không chỉ của cá nhân người viết khi đọc hồ sơ vụ án của Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan và 85 đồng phạm.
Các sai phạm của bà Lan tại Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) trải dài hơn 10 năm, từ khi thâu tóm ngân hàng năm 2011 rồi sau đó rút tiền, cho chính mình hoặc người thân vay sai quy định, trong giai đoạn 2012 – 2022. Sai phạm kéo dài, trải rộng, hậu quả lớn nhưng không được phát hiện kịp thời, dù nhiều đoàn thanh tra được cử đi.
Năm 2017, một đoàn liên ngành của Ngân hàng Nhà nước, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia được cử đi tìm hiểu thực trạng tại SCB nhưng những cán bộ trong đoàn liên ngành liên ngành này bị Trương Mỹ Lan “bưng bít, mua chuộc”.
Việc này biến SCB từ một ngân hàng thương mại, kinh doanh hoạt động vay và cho vay thành kênh huy động vốn cho nhóm Trương Mỹ Lan. Để làm được việc đó, Trương Mỹ Lan đã vượt qua hàng loạt quy định của pháp luật, qua mặt tất cả cơ quan quản lý chuyên ngành.
“Mỗi cổ đông không được sở hữu quá 5% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng” là quy định của Luật Các tổ chức tín dụng, nhằm ngăn chặn sự thâu tóm, lợi dụng ngân hàng vào việc riêng để chiếm đoạt tiền gửi của người dân, khách hàng.
Trương Mỹ Lan đã lách qua khe cửa này bằng cách cho hàng loạt người thân tín của mình đứng tên cổ phần. Thực tế, bà ta sở hữu tới 91% cổ phần của SCB nhưng chỉ trực tiếp đứng tên hơn 4%. Từ khi SCB được thành lập năm 2012 đến khi vụ án được khởi tố, các cơ quan quản lý không phát hiện việc này hoặc có biết cũng không xử lý.
Quy định thứ 2 bị Trương Mỹ Lan bỏ qua là: “Không được tạo điều kiện để bản thân hoặc người có liên quan mình vay vốn, sử dụng các dịch vụ ngân hàng khác với những điều kiện ưu đãi, thuận lợi”.
Bà Lan dù trên giấy tờ cũng sở hữu gần 5% của SCB, lẽ ra phải thực hiện nghiêm quy định trên nhưng lại biến nhà băng này thành kênh huy động vốn cho bản thân.
Để làm được điều này, Trương Mỹ Lan bố trí những thân tín của mình vào vị trí quan trọng, từ Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, Ban tổng giám đốc… Thậm chí, bị can Bùi Anh Dũng được Trương Mỹ Lan bổ nhiệm Chủ tịch SCB chỉ vì “ít quậy phá, không mất lòng ai”.
Đưa người của mình lên nắm quyền, Trương Mỹ Lan đã “một tay che trời” và rút thành công hơn 1.066.608 tỷ đồng (hơn 1 triệu tỷ đồng) từ SCB. Cơ quan điều tra xác định bà Lan tham ô tới 304 nghìn tỷ đồng trong đó - con số cao hơn nhiều so với GDPR của nhiều tỉnh thành.
Nếu các bị can trong vụ án này không khắc phục được số thiệt hại trên, nhà nước sẽ phải đứng ra đảm bảo quyền lợi cho người dân, doanh nghiệp đã gửi tiền vào SCB. Hậu quả này đáng ra được ngăn chặn kịp thời nếu các cơ quan quản lý chuyên ngành sớm phát hiện khi có hàng loạt vi phạm về thẩm định hồ sơ, định giá, tài sản đảm bảo...
Để đối phó với đoàn liên ngành khi vào kiểm tra SCG, Trương Mỹ Lan chỉ cần chi ra “số tiền lẻ” để sửa báo cáo, cho SCB từ vỡ nợ thành bình thường. Phó Chánh thanh tra, Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II - Ngân hàng Nhà nước và nhiều cán bộ cấp dưới “nhận quà” rồi “làm mờ sai phạm” theo cách thể hiện nhẹ nhàng trong kết luận điều tra.
Nói “số tiền lẻ” bởi người nhận tiền nhiều nhất của Trương Mỹ Lan, nữ cựu Cục trưởng Đỗ Thị Nhàn cũng chỉ 5,2 triệu USD (tương đương hơn 118 tỷ đồng) còn ông Nguyễn Văn Hưng khi còn là Phó Chánh Thanh tra Ngân hàng Nhà nước nhận 8 tỷ đồng, những người khác nhận ít hơn, từ quà là quần áo, yến sào đến vài trăm triệu hay vài tỷ đồng.
Có thể thấy những con số quà tặng trên rõ là “hạt cát” khi so sánh với một triệu tỷ đồng mà Trương Mỹ Lan đã rút từ SCB. Còn số tiền thiệt hại trong vụ án này cũng bỏ xa tất cả các vụ án kinh tế, tham nhũng khác từ trước tới nay ở Việt Nam.
Một triệu tỷ đồng nếu quy ra USD cũng đã vượt GDP của nhiều quốc gia trên thế giới. Đáng chú ý, đây chỉ là con số thiệt hại trong giai đoạn một vụ án.
Các hành vi phạm tội như lừa đảo, rửa tiền… liên quan đến Trương Mỹ Lan vẫn đang được điều tra tiếp với nhiều quan chức, cán bộ đã bị khởi tố.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.