Vụ đề xuất mặc áo dài ngũ thân khi họp Quốc hội: Nếu đẹp người ta đua nhau mặc, cần gì luật hóa!

Hà Tùng Long Thứ sáu, ngày 02/06/2023 09:41 AM (GMT+7)
Chia sẻ với Dân Việt, nhà văn Sương Nguyệt Minh và nhà nghiên cứu văn hóa Ngô Hương Giang cho rằng, luật hóa việc mặc áo dài ngũ thân truyền thống khi họp Quốc hội là thiếu tính thuyết phục. Nếu áo dài ngũ thân đẹp, người ta tự mặc, không cần phải luật hóa.
Bình luận 0

Chia sẻ với Dân Việt, nhà văn Sương Nguyệt Minh bày tỏ, cá nhân ông thấy áo dài ngũ thân như ĐBQH Nguyễn Văn Cảnh đề xuất mặc không đẹp và bất tiện trong sinh hoạt, công tác, học tập thời hiện đại. Loại áo này đã hết "vai trò lịch sử". Chính vì nó không đẹp, bất tiện và không phù hợp với môi trường công sở bận rộn nên hầu hết đàn ông ngày nay không mặc.

Vụ đề xuất mặc áo dài ngũ thân khi họp Quốc hội: Nếu  đẹp người ta đua nhau mặc, cần gì luật hóa! - Ảnh 1.

Nhà văn Sương Nguyệt Minh. Ảnh: NVCC.

"Tôi nghĩ rằng, cái gì hợp lý thì tồn tại. Bộ áo dài truyền thống của phụ nữ thì lại đẹp, đẹp nên chẳng cần "đề nghị", chẳng cần "quy định" phải mặc thì các bà, các cô vẫn mặc. Vả lại, chúng ta cũng đã thảo luận, đề xuất, bàn nhiều rồi mà cái áo dài ngũ thân vẫn chưa được đồng thuận, vẫn chưa được công nhận là quốc phục", nhà văn Sương Nguyệt Minh nhấn mạnh.

Theo nhà văn Sương Nguyệt Minh, Quốc hội không nên quy định tất cả nam đại biểu phải mặc đồng phục áo dài ngũ thân khi họp. Trừ khai mạc, bế mạc đã có quy định nam mặc comple, nữ mặc áo dài, còn các buổi họp bình thường ông Nguyễn Văn Cảnh hay đại biểu nào muốn mặc áo dài ngũ thân cứ mặc. Thực tế, cũng chẳng ai cấm, ông Cảnh vẫn mặc áo dài ngũ thân và phát biểu tại nghị trường. Đề xuất quy định các ĐBQH mặc áo dài ngũ thân là quyền ông Nguyễn Văn Cảnh hưng rõ ràng ý kiến ấy không thực tế và không thuyết phục.

"Nếu cái áo dài ngũ thân đẹp và tiện lợi thì chẳng phải vận động, thuyết phục, chẳng phải quy định, đàn ông chúng ta vẫn mặc. Những lễ hội truyền thống, nhiều lãnh đạo, ban tổ chức, hoặc cá nhân vẫn mặc áo dài ngũ thân để thực hiện nghi lễ bình thường từ trước đến nay, có ai ý kiến gì đâu. Nhưng áo dài ngũ thân thành đồng phục ở nghị trường thì phải cân nhắc. Ý kiến của tôi là không nên", nhà văn Sương Nguyệt Minh chia sẻ thêm.

Luật hóa việc mặc áo dài ngũ thân khi họp Quốc hội là thiếu thuyết phục

Trao đổi với Dân Việt, nhà nghiên cứu văn hóa Ngô Hương Giang cũng cho rằng, ý kiến của ĐBQH Nguyễn Văn Cảnh không mới. Trước đó, ông từng được nghe về đề xuất này của một số chuyên gia, nhà quản lý văn hóa. Cá nhân ông thấy rằng, nếu xét về mục đích của việc mặc áo dài ngũ thân nam nhằm giữ gìn bản sắc văn hóa Việt Nam như đại biểu Cảnh trao đổi thì điều quan trọng nhất vẫn là phải có bối cảnh văn hóa phù hợp. 

Vụ đề xuất mặc áo dài ngũ thân khi họp Quốc hội: Nếu  đẹp người ta đua nhau mặc, cần gì luật hóa! - Ảnh 2.

Nhà nghiên cứu văn hóa Ngô Hương Giang. Ảnh: NVCC.

Vì vậy, theo chuyên gia Ngô Hương Giang, chiếc áo dài ngũ thân truyền thống này chỉ nên xuất hiện ở những không gian văn hóa quan trọng như Tết cổ truyền hoặc Quốc lễ giỗ Tổ hay trong các buổi giao lưu văn hóa với các quốc gia khác. Còn với nghị trường quốc hội hay trong nghi thức vào viếng Lăng Bác như đại biểu Cảnh đề xuất, có lẽ không phù hợp. 

Bởi vì không gian ở những nơi đó là không gian tranh biện trí tuệ của những nhà làm luật cũng như là không gian của sự "trang nghiêm, kính cẩn" với lãnh tụ của đất nước, chứ không phải là không gian thực hành nghi lễ tín ngưỡng hay không gian trình diễn văn hóa. Với không gian nghị trường thì tính hiện đại, tiện nghi, tối giản là yếu tố cần có ở những nơi này.

"Việc phê chuẩn ý tưởng mặc đồng phục áo dài ngũ thân truyền thống đối với nam giới trong các kỳ họp quốc hội hay trong các nghi thức chào cờ tại Lăng Bác là không phù hợp, bởi vì nếu Quốc hội thông qua nghĩa là đã "luật hóa" một vấn đề "văn hóa", là sự bắt buộc chứ không còn là "nhận thức văn hóa" nữa. Chúng ta nên nhớ rằng, nhận thức văn hóa chỉ có thể có được khi nó xuất phát từ sự tự nguyện, sự tự hào và sự hiểu biết của công dân về một vấn đề văn hóa.

Việc mặc áo dài nam hay nữ là một nhận thức văn hóa hơn là một sự "luật hóa". Vì đã có luật hóa là phải có chế tài kèm theo để điều chỉnh hành vi. Chẳng ai có thể đi điều chỉnh hay có chế tài đối với một sự tự hào và trân trọng văn hóa từ tâm thức cả.

Một điểm nữa cũng cần phải đặt ra là áo dài nữ truyền thống Việt Nam đã được người dân tự hào mặc trong các sự kiện văn hóa lớn nhưng nó vẫn chỉ dừng lại như "một nét văn hóa" nằm trong tổng thể của văn hóa trang phục, thậm chí chưa được UNESCO ghi nhận là "di sản văn hóa".

Trong khi đó, áo dài ngũ thân nam mới chỉ được đề xuất gần đây "như một nét văn hóa cần quan tâm", chưa có đủ thời gian dài cũng như không gian văn hóa lớn để "trang phục" này được người dân yêu thích, sử dụng. Điều này phản ánh tính thiếu hữu ích của nó trong đời sống văn hóa. Vì vậy, Quốc hội nên cân nhắc thận trọng về nội dung này. Việc luật hóa đối với áo dài nam thì cũng sẽ phải luật hóa một số phục trang văn hóa truyền thống khác thì mới đồng bộ, trở thành hệ thống được", nhà nghiên cứu văn hóa Ngô Hương Giang nói thêm.

Sáng 31/5, tại phiên thảo luận của Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) đã dành một nửa thời gian trong bài phát biểu để nói về vấn đề trang phục truyền thống. Đại biểu Cảnh cho rằng, ở nước ngoài, tại các hội nghị lớn thường quy định khách mời mặc trang phục truyền thống hoặc comple.

Tuy nhiên, tại Việt Nam chưa quy định trang phục truyền thống trong ngoại giao, chỉ mặc áo vest có sẵn nên chưa đưa được bản sắc riêng đến bạn bè quốc tế. Từ đây, ông Cảnh đề nghị Quốc hội cho các nam đại biểu được mặc áo dài ngũ thân truyền thống tại các phiên họp, vào Lăng viếng Bác hay Lễ chào cờ.

Ông Cảnh nhấn mạnh việc cho phép mặc áo dài ngũ thân nam tại các hội nghị, các sự kiện sẽ giúp cho các cơ quan có trách nhiệm và người dân có cái nhìn thực tế, có thời gian để nhìn rõ hơn về giá trị truyền thống, sự phù hợp thực tiễn khi đưa áo dài ngũ thân về lại với đời sống người Việt.

Theo ông Cảnh, việc này cũng hướng đến xây dựng riêng một bộ lễ phục truyền thống cho người Việt tại các hội nghị văn hóa lớn, các sự kiện ngoại giao Nhà nước. Bộ lễ phục này sẽ giữ gìn nét truyền thống, phù hợp với sinh hoạt, công việc trong xã hội hiện đại và tương xứng với trang phục của người đồng cấp trong sự kiện ngoại giao, trong hoạt động giao lưu văn hóa quốc tế.

Ông Cảnh cho rằng, nếu quy định trong nghị quyết, Chính phủ và các địa phương sẽ không phải rà soát, sửa đổi, bổ sung quy định này trong các văn bản dưới luật về trang phục. Ông Cảnh cũng chia sẻ, bản thân đã mặc 3 bộ áo dài khác nhau trong kỳ họp thứ 5, mỗi áo phù hợp một số hoàn cảnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem