Vụ Phó giáo sư bị tố "bán" nghiên cứu cho trường đại học khác: Có vi phạm liêm chính khoa học?

Tào Nga Thứ bảy, ngày 04/11/2023 10:58 AM (GMT+7)
Chia sẻ với PV báo Dân Việt, các chuyên gia có kinh nghiệm nhiều năm nghiên cứu khoa học đã nêu quan điểm trước vụ PGS.TS Đinh Công Hướng bị tố bán nghiên cứu khoa học cho trường khác.
Bình luận 0

Phó giáo sư bị tố "bán" nghiên cứu... vì "muốn kiếm thêm tiền"

Câu chuyện về PGS.TS Đinh Công Hướng, giảng viên Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM, thành viên Hội đồng ngành toán Quỹ Nafosted (Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia) bị tố vi phạm liêm chính khoa học, "bán" nhiều công trình đứng tên cho các trường đại học khác thăng hạng, đang trở thành đề tài tranh cãi mới đây.

Vụ Phó giáo sư bị tố "bán" nghiên cứu cho trường đại học khác: Có vi phạm liêm chính khoa học? - Ảnh 1.

Ông Hướng cho biết, bán bài nghiên cứu để kiếm thêm thu nhập. Ảnh: Hà Minh

Theo phản ánh, PGS.TS Đinh Công Hướng trước đây là giảng viên cơ hữu của Trường Đại học Quy Nhơn, nhưng thống kê từ MathSciNet (cơ sở dữ liệu thư mục trực tuyến ngành toán của Hiệp hội Toán học Hoa Kỳ), tác giả này có tất cả 42 công trình nghiên cứu khoa học. Trong đó, có 13 công trình đứng tên Trường Đại học Tôn Đức Thắng và 4 công trình đứng tên Trường Đại học Thủ Dầu Một. Phản ánh cũng liệt kê nhiều bài báo của tác giả Đinh Công Hướng đăng trên các tạp chí từ năm 2020 đến năm 2022 đều được ghi địa chỉ tại hai trường đại học này.

Nói về lý do, ông cho hay, mình là người miền núi, đời cha mẹ rất khổ, đời mình cũng lớn lên từ củ khoai, củ sắn. Vì thế, bên cạnh hạnh phúc được nghiên cứu khoa học, ông cũng mong muốn có thù lao, có thêm thu nhập, mong muốn đời con mình được cải thiện hơn. "Để kiếm tiền, cải thiện kinh tế, tôi cũng chỉ biết lấy từ năng lực, chất xám của mình. Tôi dùng chất xám của mình để kiếm thêm thu nhập, tạo dựng cuộc sống", PGS.TS Đinh Công Hướng giãi bày.

Hiện PGS Hướng xin rút tên khỏi danh sách Hội đồng ngành toán của Quỹ Nafosted. Đồng thời, ông gửi lời xin lỗi vì đã làm ảnh hưởng đến hội đồng.

Tranh cãi đúng - sai, liêm chính khoa học

Vụ việc PGS.TS Đinh Công Hướng bán nghiên cứu của mình nhận được nhiều bình luận trái chiều. Nhiều người cho biết ủng hộ ông vì "Luật không cấm thì được quyền làm. Có luật nào quy định một người chỉ được làm duy nhất một chỗ không làm thêm bất cứ chỗ nào khác không? Tôi ủng hộ chuyện bán công trình nghiên cứu. Còn trường nào nhắm đủ lực để ra quy định cấm thì cứ việc quy định, xem có giữ chân nổi những người tài hay không".

Tuy nhiên, cũng có ý kiến ngược lại: "Việc PGS Hướng công bố bài báo với danh nghĩa trường có khác nào là đang tiếp tay cho tình trạng chạy theo thành tích công bố quốc tế thông qua việc "đếm số lượng bài báo có ghi địa chỉ của trường".

Chia sẻ với báo Dân Việt, TS. Phạm Hiệp, Trưởng nhóm nghiên cứu Đổi mới Giáo dục, Trường Đại học Thành Đô cho hay: "Câu chuyện có 2 khía cạnh cần xem xét đó là tính pháp lý và đạo đức. Tuy nhiên, trong tình huống này, chúng ta không đủ thông tin để nhận định mà chỉ "người trong cuộc" mới hiểu rõ.

Về mặt pháp lý, trong hợp đồng lao động giữa PGS Hướng và trường có điều khoản nào bắt buộc không được làm thêm, nghiên cứu thêm ngoài không? Nếu muốn ký thì có phải xin phép trường hay không?... Nếu có điều khoản này mà thầy không thực hiện là thầy sai.

Vụ Phó giáo sư bị tố "bán" nghiên cứu cho trường đại học khác: Có vi phạm liêm chính khoa học? - Ảnh 2.

Nhiều chuyên gia cho biết, PGS Hướng không vi phạm nếu như không có điều khoản hợp đồng cũng như không sử dụng tài nguyên của nhà trường. Ảnh: Hà Minh

Trong trường hợp hợp đồng không có điều khoản này nhưng PGS Hướng lại dùng tài nguyên của trường như thư viện, thời gian, lấy danh nghĩa của trường để lấy kết quả các báo cáo khác cho mục đích nghiên cứu riêng, thì PGS Hướng cũng sai. Còn PGS. Hướng không mượn danh nghĩa trường, làm ngoài giờ ở quán cafe hay ở nhà thì không có gì là sai cả. 

Về mặt đạo đức cũng cần có quy chế văn bản. Ở đây không có văn bản nào thì khó nói là vi phạm đạo đức trên giấy tờ. Vi phạm đạo đức ngầm định thì mỗi người sẽ có ý kiến khác nhau".

"Đây là vùng xám với nhiều cách hiểu khác nhau, trong khi thông tin chưa rõ đã đưa lên báo, mạng xã hội thì tôi nghĩ không nên", TS. Phạm Hiệp nhấn mạnh. 

Nói về việc các nhà nghiên cứu khoa học phải làm thêm kiếm tiền, TS Hiệp cho rằng: "Nếu đặt tôi vào cấp quản lý như lãnh đạo Bộ, ngành, trường thì đây không còn câu chuyện của PGS Hướng mà cần trăn trở xem xét hiện thực chung vì năng lực của người làm khoa học không được sử dụng hết và công sức họ bỏ ra chưa đáp ứng đủ. Người làm khoa học cũng phải kiếm sống, tích lũy. Tại sao chúng ta không tạo cơ chế để họ được thoải mái với công việc? Họ làm thêm thì bị cho là có vấn đề về đạo đức. Nếu tình trạng này còn tiếp diễn thì chắc chắn người giỏi lại tìm cách sang trường tư, ra nước ngoài hoặc đi làm cho doanh nghiệp. Tại sao các thầy cô đi dạy thêm cho trường khác, làm thêm cho doanh nghiệp thì không bị gọi là vi phạm đạo đức?". 

Còn từ phía các trường mua các công trình nghiên cứu, TS Hiệp cho rằng việc tổ chức thế nào là do các trường vì mỗi trường sẽ có chiến lược phát triển riêng.

GS Trương Nguyện Thành có kinh nghiệm làm việc toàn thời gian và nghiên cứu ở một đại học Mỹ 30 năm nêu quan điểm: "Vi phạm hay không là quyền quyết định của trường đại học, nơi người đó đang công tác, có quy chế rõ ràng tạo hành lang pháp lý hay không. 

Ở các đại học Mỹ, ngày đầu tiên đến làm việc các giáo sư phải ký bản thỏa thuận là trong thời gian làm toàn thời gian ở đại học ấy thì tất cả kết quả nghiên cứu hay bài viết là tài sản trí tuệ của trường. Tuy nhiên, trường đại học Mỹ chỉ trả lương có 9 tháng/năm nên các trường cho phép các giáo sư đi tư vấn, công tác cho các đơn vị khác trong và ngoài nước để kiếm thêm thu nhập. Tổng thời gian này không được quá 3 tháng (tính theo giờ làm việc). 

Tùy theo cơ chế của quỹ nghiên cứu khoa học mà giáo sư có thể rút tiền ngân sách đề tài để trả lương cho mình. Đa số các quỹ có ngân sách từ thuế không cho phép rút quá 3 tháng lương, không cần biết là kinh phí cho tất cả các đề tài đó lớn bao nhiêu. Do đó khi giáo sư đi nghiên cứu hợp tác với đơn vị khác thì phải để địa chỉ trường của mình trước và địa chỉ của trường hay đơn vị mình cộng tác trên các bài báo nghiên cứu khoa học xuất bản trên các tạp chí khoa học. Quy chế đã có nếu ai làm sai thì vi phạm và có thể sẽ bị hủy hợp đồng lao động.

Trong trường hợp đang tranh cãi trên, nếu trường đại học không có bất cứ quy chế nào để bảo vệ tài sản trí tuệ thì việc điền tên một đơn vị khác trên bài báo khoa học là không có hành lang pháp lý để nói vi phạm. Nếu người đó ký hợp đồng với trường chỉ dạy các lớp và không có điều khoản về nghiên cứu khoa học và tài sản nghiên cứu khoa học thì hoàn toàn có quyền "đi làm thêm". 

Ở Việt Nam, các giáo sư còn đi giảng dạy ở các trường đại học khác để có thêm thu nhập. Nếu dựa trên quy chế của đại học Mỹ thì họ có thể vi phạm nếu ảnh hưởng đến chất lượng dạy học và làm việc ở trường như tổng số giờ dạy thêm quá 3 tháng/năm".

GS Thành chia sẻ thêm: "Đại học Mỹ không cấm giáo sư có công ty riêng ở ngoài, miễn là phải báo cáo xung đột lợi ích rõ ràng hàng năm, trong đó có mục thời gian tham gia vào hoạt động công ty và việc sử dụng tài nguyên bao gồm nghiên cứu sinh và phòng lab của trường. Khi có xung đột lợi ích thì giáo sư phải làm việc với hội đồng riêng của trường để đảm bảo quyền lợi các bên, trong đó có cả chia sẻ lợi ích. 

Các trường đại học sau này còn khuyến khích các giáo sư có công trình nghiên cứu có thể "spin-off" ra mở công ty và trường góp một phần trong việc cung cấp hạ tầng cơ sở như văn phòng, lab, kể cả nhân sự văn phòng dùng chung ở những khu vườn ươm hay công viên nghiên cứu khoa học".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem