Vụ Việt Á: Những người từng là cán bộ lãnh đạo có liên quan không bị xem xét trách nhiệm hình sự

Xuân Huy Thứ bảy, ngày 07/10/2023 06:31 AM (GMT+7)
Trong vụ án Việt Á một số người từng là cán bộ lãnh đạo có liên quan, tuy nhiên, cơ quan điều tra xác định họ không có động cơ cá nhân động cơ vụ lợi, không thông đồng, tác động...nên không xem xét trách nhiệm hình sự.
Bình luận 0

Theo cáo trạng của vụ đại án sai phạm mua sắm kit xét nghiệm Covid-19 của Công ty Việt Á, VKSND Tối cao đã truy tố 38 bị can. Có một số cá nhân, tổ chức liên quan đến vụ án. Tuy nhiên, những người này không có động cơ vụ lợi nên cơ quan điều tra không xem xét trách nhiệm hình sự.

Cụ thể, tại Bộ Khoa học và Công nghệ có 3 lãnh đạo và nguyên lãnh đạo có trách nhiệm liên quan trong việc quản lý, khen thưởng, thông tin tuyên truyền Đề tài nghiên cứu nhưng không được ai can thiệp, tác động; không can thiệp, tác động hoặc thông đồng, thỏa thuận với đơn vị, cá nhân nào, không được hưởng lợi, theo Viện KSND Tối cao, Cơ quan CSĐT Bộ Công an không xem xét trách nhiệm hình sự, kiến nghị xử lý theo quy định về Đảng, chính quyền đối với các trường hợp trên là phù hợp.

Với một số cá nhân tại Bộ Y tế, ông Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế đã ký 2 quyết định cấp số đăng ký lưu hành tạm thời và chính thức cho test xét nghiệm để Công ty Việt Á sản xuất, bán thương mại thu lời bất chính, gây thiệt hại ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, đây không phải lĩnh vực ông Sơn phụ trách, không thông đồng hoặc động cơ cá nhân khác, ông Sơn đã bị UBKTTW và Thủ tướng ra quyết định kỷ luật nên Cơ quan CSĐT Bộ Công an vận dụng các quy định của pháp luật, miễn trách nhiệm hình sự là có căn cứ.

Vụ Việt Á: Những cá nhân nào không bị xem xét trách nhiệm hình sự? - Ảnh 1.

Phan Quốc Việt, Chủ tịch HĐQT, TGĐ Công ty Việt Á và sản phẩm test xét nghiệm. Ảnh: Đ.X.

Ông Trương Quốc Cường, thời điểm là Thứ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Hội đồng cấp số đăng ký lưu hành đã thiếu kiểm tra trong việc cấp số đăng ký lưu hành, giá hiệp thương nhưng không thông đồng, không có động cơ vụ lợi, động cơ cá nhân, các sai phạm trên, trách nhiệm chính thuộc về ông Nguyễn Thanh Long (cựu Bộ trưởng Bộ Y tế) nên cơ quan điều tra không xem xét trách nhiệm với ông Cường là phù hợp.

Bà Đào Phương Linh, chuyên viên Vụ trang thiết bị và công trình y tế là người tham mưu trình Nguyễn Minh Tuấn (cựu Vụ trưởng vụ trang thiết bị & công trình y tế, Bộ Y tế) ký đề xuất cấp số đăng ký lưu hành tạm thời, chính thức cho Công ty Việt Á. Tuy nhiên, bà Linh làm theo chỉ đạo, không được hưởng lợi, tích cực làm rõ bản chất vụ án nên miễn trách nhiệm hình sự là phù hợp.

Với 6 thành viên tổ chuyên gia thẩm định hồ sơ đăng ký sinh phẩm chuẩn đoán, 12 thành viên Hội đồng tư vấn cấp số đăng ký sinh phẩm tạm thời và chính thức, 11 thành viên Đoàn kiểm tra giá hiệp thương, 3 cá nhân Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương, 2 cá nhân thuộc Viện kiểm định quốc gia vắc xin & sinh phẩm y tế có tham gia vào các quá trình tư vấn cấp số đăng ký lưu hành, kiểm tra giá hiệp thương, kiểm định test xét nghiệm nhưng không thông đồng, không hưởng lợi, làm việc trong bối cảnh dịch bệnh nên không xem xét trách nhiệm hình sự hoặc miễn trách nhiệm hình sự là có căn cứ.

Hai trường hợp thuộc Bộ Tài chính gồm: Ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn thời điểm làm Thứ trưởng và ông Nguyễn Anh Tuấn, thời điểm làm Cục trưởng Cục quản lý giá có liên quan đến hiệp thương giá, kiểm tra giá hiệp thương nhưng việc hiệp thương thành thuộc trách nhiệm của Bộ Y tế, khi kiểm tra hiệp thương đã đề nghị Trưởng đoàn kiểm tra chi phí, họ không thông đồng, không có động cơ vụ lợi, tích cực hợp tác làm rõ bản chất vụ án nên không xem xét trách nhiệm hình sự là phù hợp.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem