Vua Đồng Trị có thực sự chết vì bệnh giang mai?

Chủ nhật, ngày 28/04/2019 08:04 AM (GMT+7)
Có không ít những câu chuyện, giai thoại kì dị về đời sống tình dục của các hoàng đế Trung Quốc. Nhưng đam mê sắc dục vì quan hệ “ngoài luồng” với gái lầu xanh đến mức… chết vì bệnh giang mai, thì chỉ có duy nhất 1 vị vua này mà thôi.
Bình luận 0

Thanh Mục Tông Đồng Trị Đế (sinh 27.4.1856 – mất 12.1.1875), Hãn hiệu Bố Luân Trát Tát Khắc Hãn là vị Hoàng đế thứ 10 của nhà Thanh trong lịch sử Trung Quốc. Ông trị vì từ năm 1861 đến năm 1875, khoảng 14 năm.

img

Vua Đồng Trị, ở ngôi 14 năm và băng hà khi chưa đầy 20 tuổi

14 năm, 2 niên hiệu của ông vua “bù nhìn”

Đồng Trị Đế tên đầy đủ là Ái Tân Giác La Tải Thuần. Ông là Hoàng Hoàng tử duy nhất của Hàm Phong Đế và Ý Quý phi Diệp Hách Na Lạp thị (chính là Từ Hi Thái Hậu sau này). Tháng 1861, Hàm Phong Đế băng hà, Thái tử Thuần đăng cơ trở thành Hoàng đế thứ 10 của nhà Thanh, đặt niên hiệu đầu tiên là Kỳ Tường.

Tháng 11.1861, Lưỡng cung Thái hậu, Từ An và Từ Hi, đề ra chính sách “Lưỡng cung thính chính” buông rèm nhiếp chính ở Dưỡng Tâm điện. Năm 1862, Kỳ Tường được cải niên hiệu là Đồng Trị, tức nghĩa "cùng nhau thống trị thiên hạ". Phải đến tháng 11.1873, Đồng Trị mới tự mình nhiếp chính.

img

Từ nhỏ cho tới lúc đã làm vua, Đồng Trị luôn rất sợ mẹ mình - Từ Hi Thái Hậu

Từ nhỏ, Đồng Trị nhận sự giáo dục nghiêm khắc của sư trưởng Miên Du và 4 sư phó nổi tiếng do đích thân Từ Hi tuyển chọn. Họ nhồi nhét Hoàng đế đủ loại kinh sách, từ bài học trị dân trị nước đến đạo làm người. Sức ép từ việc học cũng như kỳ vọng cao của mẹ khiến Đồng Trị trở nên chán nản và lười biếng.

Đồng Trị không phải là một vị vua có năng lực, lại bị lấn át bởi quyền lực của mẹ mình Từ Hi Thái Hậu, cộng thêm bối cảnh suy yếu của Trung Quốc thời Thanh Mạt nên ông càng thêm lơ là quốc sự. Đây là một trong những nguyên nhân khiến Đồng Trị chỉ biết tìm vui trong những trò chơi sắc dục.

Tìm tới gái lầu xanh vì bị mẹ ngăn cấm tình duyên

Năm 1872, Đồng Trị tròn 17 tuổi. Lưỡng cung Thái hậu tuyển chọn hậu phi. Trong số các tú nữ, 2 người có tư chất mẫu nghi thiên hạ nhất là A Lỗ Đặc thị, con gái của Hàn lâm viện Thị giảng Sùng Khởi và Phú Sát thị, con gái của Viên ngoại lang Phụng Tú.

Ông ngoại A Lỗ Đặc thị là Đoan Hoa, chết trong chính biến Tân Dậu, vì vậy Từ Hi sẵn có ác cảm, nên lấy cớ nàng là người Mông Cổ, từ thời Ung Chính Đế không có tiền lệ sắc phong nữ Mông Cổ làm Hậu. Từ Hi theo đó đã tiến cử Phú Sát thị cho ngôi vị Hoàng hậu.

Tuy nhiên, mẹ của A Lỗ Đặc thị, là biểu tỷ của Từ An Thái Hậu. Bà muốn cháu mình được phong Hậu nên đề bạt trước Đồng Trị. Từ nhỏ Đồng Trị vốn thân thiết với Từ An hơn mẹ đẻ Từ Hi và chàng sẵn cũng đã “vừa mắt” A Lỗ Đặc Thị hơn. Mặc cho Từ Hi phản đối, Đồng Trị phong A Lỗ Đặc thị làm Chính cung Hoàng hậu, còn Phú Sát thị làm Chính tam phẩm Huệ phi.

img

Ngay cả chuyện vợ chồng giữa Đồng Trị và Hoàng hậu A Lỗ Đặc thị cũng bị Từ Hi can thiệp, ngăn cấm

Đồng Trị chỉ sủng ái một mình Hoàng hậu và xa lánh Huệ phi vì nghĩ nàng là tai mắt của Thái hậu. Từ Hi thấy vận nên ra chỉ dụ yêu cầu Đồng Trị đối xử công bằng với thê thiếp trong cung, đồng thời sai thái giám theo dõi nhất cử nhất động của ông. Đồng Trị phớt lờ chỉ dụ nên Từ Hi nổi giận lôi đình, cấm 2 vợ chồng Đồng Trị được ở cùng nhau.

Cảm thấy thất bại và bất lực trong việc điều hành quốc gia theo ý mình lại thêm chuyện tình cảm vợ chồng bị mẹ ruột can thiệp thô bạo, Đồng Trị thường cùng với một vài hoạn quan trốn khỏi kinh thành ban đêm, đi chơi phố phường, nhiều lần về trễ không kịp buổi triều buổi sáng.

Qua đời vì… bệnh giang mai?

Dĩ nhiên, Đồng Trị không trốn đi chơi suông. Vì nơi ông đến đều là những thanh lâu (lầu xanh) nổi tiếng nhất, nơi đầy ắp những mỹ nữ xinh đẹp và kĩ thuật giường chiều điêu luyện. Có giai thoại kể rằng, mỗi đêm Đồng Trị thường mây mưa với không dưới 3-4 kĩ nữ, với đủ loại chiêu trò tình dục.

Tháng 12 năm Đồng Trị thứ 13 (1874), trên người Đồng Trị có dấu hiệu nổi nhiều đốm đỏ. Huyền sử cho rằng Hoàng đế đã mắc bệnh giang mai. Tuy nhiên, các thái y tuyên bố ông bị đậu mùa. Vài tuần sau khi lâm bệnh, Đồng Trị Đế băng hà ngày 13 tháng 1 năm Đồng Trị thứ 14 (1875).

Căn bệnh của Đồng Trị gây nhiều tranh cãi, nhưng dựa trên góc nhìn của y học hiện đại, bệnh giang mai không thể gây ra cái chết nhanh đến vậy. Do đó, các sử gia tin rằng Đồng Trị thực sự đã mất vì bệnh đậu mùa.

img

Bệnh giang mai không được điều trị đúng cách là 1 trong những nguyên nhân dẫn tới cái chết yểu của Đồng Trị

Tuy nhiên theo nhật ký của Ông Đồng Hòa, Đồng Trị đúng là có mắc bệnh giang mai thật. Và Đồng Trị chết sớm là do Từ Hi sai thái y chữ trị không đúng cách. Đồng Trị bị giang mai nhưng thái y nghe lệnh Thái hậu, cho uống thuốc trị bệnh đậu mùa. Đồng Trị hét lên trước mặt Từ Hi: "Trẫm không bị đậu mùa, người muốn hại Trẫm tới chỗ chết!".

Lúc đó 2 vị Thái hậu tổ chức nghi lễ cung phụng "Nữ thần đậu mùa". Từ Hy ra lệnh cho đón "Nữ thần đậu mùa" về Dưỡng Tâm điện trong vòng 3 ngày rồi tiễn khỏi Đại Thanh môn, ngụ ý xin "Nữ thần đậu mùa" mang căn bệnh quái ác ra khỏi hoàng cung. Trong 3 ngày này, 2 vị Thái hậu và hậu phi ngày đêm cầu khẩn cầu nhưng Hoàng đế vẫn bạc mệnh, băng hà khi chưa đầy 20 tuổi.

Cựu hoàng Phổ Nghi kể: Theo suy luận của mọi người, Đồng Trị chết vì mắc bệnh hoa liễu. Nhưng theo những gì tôi được biết, thì Đồng Trị mất vì bệnh đậu mùa. Tuy bệnh này không gây chết người, nhưng trong lúc bệnh, Đồng Trị lại bị khích động mạnh (Hoàng hậu A Lỗ Đặc đến thăm Đồng Trị rồi khóc lóc với ông, kể rằng bà thường bị Từ Hi trách mắng vô cớ. Từ Hi nghe trộm xông ra túm lấy tóc A Lỗ Đặc đánh túi bụi, rồi còn đòi dụng hình nữa, khiến Đồng Trị sợ đến hôn mê), dẫn tới biến chứng "đậu nội hàm" cùng với việc chữa trị không đúng cách, nên đã dẫn tới tử vong.
Tầm Hoan (SHTT/DocBao)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem