Xử cựu Chủ tịch tỉnh An Giang tiếp tay cát lậu: Lời khai của Chủ tịch công ty Trung Hậu 68 hé lộ điều gì?

Chinh Hoàng - Xuân Huy Thứ ba, ngày 25/03/2025 11:59 AM (GMT+7)
Tại phiên tòa xét xử vụ án khai thác cát lậu ở An Giang, ông Lê Quang Bình – Chủ tịch Công ty Trung Hậu 68 – thừa nhận hành vi phạm tội, hé lộ cách thức vận hành đường dây khai thác và mua bán cát trái phép với số tiền hàng trăm tỷ đồng.
Bình luận 0

Sáng 25/3, TAND TP.HCM tiếp tục xét xử vụ án liên quan đến hoạt động khai thác cát trái phép tại Công ty Cổ phần Đầu tư Trung Hậu 68, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang và một số đơn vị liên quan. 

Xét xử cựu chủ tịch An Giang: chủ tịch trung hậu 68 khai gì? - Ảnh 1.

Đại gia cát lậu Lê Quang Bình, Chủ tịch Công ty Trung Hậu 68, bị truy tố 3 tội Đưa hối lộ, Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên và Rửa tiền. Ảnh: XH

Phiên tòa bước vào phần xét hỏi, bị cáo Lê Quang Bình (Chủ tịch Công ty Trung Hậu 68) bị thẩm vấn đề tiên. Theo cáo trạng, bị cáo Bình bị truy tố về ba tội danh: Đưa hối lộ, vi phạm quy định về thăm dò, khai thác tài nguyên và rửa tiền. Tại tòa, bị cáo Bình thừa nhận toàn bộ hành vi theo cáo trạng.

Theo tài liệu điều tra, đầu năm 2021, UBND tỉnh An Giang cấp phép thăm dò khoáng sản cho Công ty Trung Hậu tại khu vực xã Mỹ Hiệp và xã Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới. Trong quá trình khai thác, doanh nghiệp này nhiều lần đề xuất điều chỉnh giấy phép và được tỉnh chấp thuận, nâng tổng trữ lượng khai thác lên 1,5 triệu m³ cát, thời gian khai thác kéo dài từ ngày 7/12/2021 đến 31/12/2023.

Xét xử cựu chủ tịch An Giang: chủ tịch trung hậu 68 khai gì? - Ảnh 2.

Trong vụ án này, ông Nguyễn Thanh Bình, cựu Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, ông Nguyễn Bảo Trung (cựu Chánh văn phòng UBND tỉnh An Giang) và 7 người khác bị truy tố về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Ảnh: XH

Cát khai thác theo giấy phép chỉ được phép cung cấp cho bốn dự án lớn, bao gồm: cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, tuyến nối quốc lộ 91 và tuyến tránh TP Long Xuyên, tuyến đường kênh Long Điền A-B, cùng với hai đoạn thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 (đoạn Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau).

Tuy nhiên, thay vì tuân thủ quy định, bị cáo Bình cùng các đồng phạm đã lén lút khai thác cát ngoài phạm vi được cấp phép để bán ra thị trường, trục lợi bất chính.

Xét xử cựu chủ tịch An Giang: chủ tịch trung hậu 68 khai gì? - Ảnh 3.

33 người khác bị truy tố về các tội Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên; In, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước. Ảnh: XH

Cụ thể, từ ngày 24/12/2021 đến 29/72023, Công ty Trung Hậu đã khai thác hơn 5 triệu m³ cát, trong đó chỉ có 1,37 triệu m³ được cung cấp đúng quy định cho các dự án đã được phê duyệt. Ngược lại, phần lớn số cát còn lại – khoảng 3,7 triệu m³, trị giá 293,8 tỷ đồng – đã bị khai thác trái phép và bán cho nhiều cá nhân, đơn vị không có trong danh sách được cấp phép.

Tại phiên tòa, bị cáo Lê Quang Bình khai rằng, Công ty Trung Hậu được thành lập vào năm 2014, chuyên kinh doanh khoáng sản với vốn điều lệ 366 tỷ đồng, trong đó ông nắm giữ 60% cổ phần. Ngoài ra, ông còn đứng sau ba công ty khác nhằm hợp thức hóa giao dịch mua bán cát, che giấu hóa đơn đầu vào.

Xét xử cựu chủ tịch An Giang: chủ tịch trung hậu 68 khai gì? - Ảnh 4.

Theo cáo trạng, Công ty Trung Hậu 68 khai thác trái phép 3,7 triệu m3 cát, gây thiệt hại gần 294 tỷ đồng cho Nhà nước. Ảnh: XH

Tuy nhiên, theo lời khai của bị cáo Bình, ông không có nguồn vốn cá nhân để thành lập doanh nghiệp mà phải vay mượn từ nhiều người, trong đó có ông Nguyễn Phước Phúc và Phạm Thanh Hải. Khoản tiền thu được từ việc bán cát ngoài luồng được sử dụng để trả nợ, trang trải chi phí vận hành công ty, chi tiêu cá nhân và mua sắm tài sản, bao gồm các dòng xe sang như Lexus LX570, Mercedes G63 và Toyota Camry. Hội đồng xét xử đã triệu tập ông Phúc để làm rõ các vấn đề liên quan trong phiên xử buổi chiều.

Về trách nhiệm quản lý hoạt động khai thác, bị cáo Bình khai rằng, ông giao hết công việc cho cấp dưới. Tuy nhiên, lời khai này bị ông Lê Trọng Hải (Phó tổng giám đốc kiêm Giám đốc chi nhánh Công ty Trung Hậu tại An Giang) phản bác. Ông Hải khẳng định, ông Bình là người trực tiếp chỉ đạo, giám sát quá trình khai thác và thường xuyên gọi điện điều hành. Theo ông Hải, toàn bộ khoản lợi nhuận 293 tỉ đồng từ khai thác trái phép đều do ông Bình nắm giữ.

Cáo trạng xác định ông Hải có vai trò phối hợp với Hoàng Hải Thụy trong việc điều hành khai thác, theo dõi khối lượng cát lấy từ mỏ và báo cáo cho ông Bình. Ông Hải cũng tham gia vào việc nhận tiền từ các giao dịch mua bán cát trái phép rồi chuyển lại cho ông Bình. Trong giai đoạn điều tra, cơ quan chức năng kết luận ông Hải giúp Công ty Trung Hậu khai thác trái phép 1,8 triệu m³ cát, thu về số tiền 145 tỷ đồng.

Ngoài ông Hải, các bị cáo khác cũng thừa nhận đã thực hiện hành vi như cáo trạng truy tố. Phiên tòa tiếp tục với phần xét hỏi để làm rõ vai trò của từng bị cáo trong vụ án.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem