Xoá sổ 431ha nuôi trồng thuỷ sản ở Cồn Xanh, tỉnh Nam Định đi ngược chủ trương của Chính phủ? (Bài
Nam Định muốn xóa sổ khu nuôi trồng thủy sản 431ha Cồn Xanh: Tỉnh đi ngược lại chủ trương của Trung ương? (Bài 4)
Đỗ Lực- Nguyễn Tiến
Thứ sáu, ngày 01/04/2022 14:55 PM (GMT+7)
Trong khi, mới đây Chính phủ đã ban hành Đề án về phát triển nuôi trồng thuỷ sản ven biển theo hướng khuyến khích các tỉnh quy hoạch các vùng thuỷ sản tập trung, thì việc tỉnh Nam Định muốn xoá sổ 431ha thuỷ sản ở Cồn Xanh (huyện Nghĩa Hưng) là đi ngược lại với chủ trương của Trung ương.
Như Báo điện tử Dân Việt đã thông tin, thời gian gần đây hàng trăm hộ dân nuôi trồng thủy sản khu vực Cồn Xanh (huyện Nghĩa Hưng, Nam Định) đang sống trong tình cảnh thấp thỏm, lo âu, khi mới đây UBND tỉnh Nam Định ban hành chủ trương, quyết định thu hồi hơn 431ha đất nuôi trồng thủy sản và đất thủy lợi để bàn giao cho Công ty tập đoàn CP Xuân Thiện thực hiện dự án gang thép.
Nhiều hộ dân lo lắng là bởi số tiền đầu tư vào nuôi trồng thủy sản chưa kịp thu hồi thì Nam Định đã lấy đất để thực hiện dự án. Để làm rõ những vấn đề liên quan, PV Báo điện tử Dân Việt đã trao đổi với ông Nguyễn Văn Thắng- Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Nghĩa Hưng.
Trả lời câu hỏi của PV Dân Việt về việc, ngày 09/10/2021, UBND tỉnh Nam Định đã chấp thuận chủ trương cho Công ty CP tập đoàn Xuân Thiện đầu tư 3 dự án gồm: Dự án Nhà máy thép xanh Xuân Thiện Nghĩa Hưng, dự án Nhà máy thép xanh số 1 Xuân Thiện Nam Định và Dự án Nhà máy sản xuất cấu kiện bê tông đúc sẵn Xuân Thiện.
Theo đó, sẽ lấy hơn 431ha đất nuôi trồng thủy sản khu vực Cồn Xanh để bàn giao cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, đến nay đa phần người dân phản đối vì họ bị mất kế sinh nhai, phía UBND huyện Nghĩa Hưng có nắm được vấn đề này không, ông Nguyễn Văn Thắng cho rằng, việc người dân phản đối là có.
"Dân người ta không đồng ý việc lấy đất ra làm KCN nên người ta nhiều lần không đi họp. Chúng tôi mời theo khu vực sản xuất, mời theo khu vực cư trú, người ta cũng không đi. Sau đó mời đại diện người ta cũng không đi, chỉ đi có 5 người. Riêng khu Nghĩa Hải không nằm trong khu Cồn Xanh nên người ta đi 100% để người ta nghe"- ông Thắng nói.
Theo ông Thắng, ở khu vực Cồn Xanh hiện có 2 hợp đồng kinh tế khác nhau. Cụ thể, khu ngoài đê và triền sông Đáy, dân ký hợp đồng với xã để thuê đất nuôi trồng thủy sản còn hạn đến năm 2023, nên khi lấy đất ra sẽ được bồi thường theo đúng quy định của pháp luật.
Còn phần trong đê Cồn Xanh, nhiều hộ đã hết hạn hợp đồng năm 2020. Lúc này đã chuyển quy hoạch thành khu công nghiệp (KCN), nhưng huyện vẫn gia hạn cho bà con, nên có trường hợp nhiều hộ hợp đồng đến năm 2021, 2022.
CLIP: Người dân ở Cồn Xanh, Nghĩa Hưng, Nam Định đang rất lo lắng trước viễn cảnh bị thu hồi hết đất sẽ dẫn đến mất nghề, không biết sẽ sống ra sao trong thời gian tới. Nhiều hộ dân cho biết, những ao nuôi trồng thủy sản này đã giúp nuôi sống cho biết bao thế hệ gia đình của họ. Thực hiện: Nguyễn Tiến
Theo tìm hiểu của PV Dân Việt, các hộ dân nuôi trồng thủy sản khu Cồn Xanh cho biết, mới đây họ mới được nghe thông tin năm 2020 UBND tỉnh Nam Định thay đổi quy hoạch khu Cồn Xanh thành khu phát triển KCN. Tuy vậy, người dân lại không nắm được thông tin này, thậm chí đến cuối năm 2021, nhiều xã vẫn ký hợp đồng với người dân để tiếp tục nuôi trồng thủy sản.
Về vấn đề này, ông Thắng cho rằng: Các vấn đề trên đều có công khai cả, có điều bà con không chú ý nghe.
"Tôi ví dụ đơn giản bà con được gia hạn hợp đồng thêm 1 năm, nhưng trong thời gian gia hạn đấy 1 số hộ gia đình họ vẫn đầu tư xây dựng. Một số hộ chuyển sang nuôi tôm, nuôi tôm 3 tháng là bán được nên người ta xây chuồng trại nuôi tôm công nghệ cao.
Mình nhìn thấy ngay, mặc dù gia hạn chỉ 1 năm nên người ta có quan tâm gì đâu mà. Cho nên việc có công khai hay không công khai thì phải xem hồ sơ cơ. Chẳng qua người ta không nghe thấy thôi"- ông Nguyễn Văn Thắng cho biết.
"Mỗi năm chỉ góp cho ngân sách có 3,2 tỷ đồng là thấp"
Một trong những lý do ông Thắng nêu ra khi thu hồi khu đát 431ha nuôi trồng thủy sản ở Cồn Xanh là do số tiền hộ dân đóng góp vào ngân sách là ít, tức chỉ có 3,2 tỷ đồng mỗi năm. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của Dân Việt, giá trị của khu nuôi trồng thủy sản Cồn Xanh không phải chỉ là 3,2 tỷ đồng tiền thuế đóng góp, mà ở đây là vấn đề dân sinh, bảo đảm sinh kế, cuộc sống cho gần 10.000 hộ dân.
Ông Nguyễn Cao Cương- đại diện các hộ dân ở đây cho biết: Nhờ có khu Cồn Xanh này, không chỉ hơn 400 hộ dân có việc làm, mà cả những hộ đi biển cũng có thêm việc làm nhờ việc cung cấp nguồn cá cơm làm thức ăn cho các vùng. Chưa kể, còn các hộ làm nghề thu mua cá, các hộ chuyên cung cấp các dịch vụ nuôi trồng, chế biến thủy sản cho cả khiu vực".
Về việc người dân đã đổ không ít tiền bạc vào để đầu tư nuôi trồng thủy sản, tại sao khi có chủ trương thu hồi lại không hề hỗ trợ, đền bù cho dân mà bắt dân... cứ thế mà đi, ông Thắng cho rằng: "Đất công của nhà nước, bà con thuê để canh tác nên không có. Chính vì người ta nhìn thấy không có bồi thường nên người ta làm căng lên. Người ta phản đối ngay từ đầu, họ không ký bất cứ cái gì".
Riêng đối với việc khu vực Cồn Xanh được Bộ NNPTNT đầu tư về hạ tầng, chính quyền đã có văn bản báo cáo Bộ NNPTNT để xin ý kiến chưa, thì ông Thắng lại nói là chưa triển khai gì cả . "Chúng tôi chỉ thông báo thu hồi đất thôi. Còn khi triển khai việc đấy, làm với dân thì mới bắt đầu tính"- vẫn theo ông Thắng.
Một trong những điểm vô lý nữa là cách đó không xa là KCN Dệt may Rạng Đông rộng gần 600ha, khu này hiện đang chưa có doanh nghiệp đi vào hoạt động. Vì sao không đưa doanh nghiệp vào đó đầu tư, khi hết đất mình mới mở rộng ra. Trả lời câu hỏi này, ông Thắng thừa nhận vấn đề đặt ra là đúng, nhưng dưới huyện không có thẩm quyền, mà thẩm quyền là của UBND tỉnh.
Ông Thắng cũng cho biết : Hiện tỉnh Nam Định ngân sách rất ít, chỉ chi đủ cho giáo dục (mỗi năm Nam Định thu ngân sách chỉ đạt trên 4.000 tỉ đồng, còn ngân sách Trung ương vẫn phải điều tiết về thêm hơn 6.000 tỉ đồng- PV). Nếu nói về nuôi trồng thủy sản cả vùng đó cả năm đóng 3,2 tỷ đồng tiền thu sản. Về tưới tiêu thủy nông chi tiền là 2,5 tỷ đồng nên mỗi năm chỉ đóng dư 700 triệu.
"Đấy là tôi nói về phần thu của nhà nước, còn tất nhiên dân người ta có thu nhập. Nhưng thu nhập đấy nó chỉ gói gọn trong một số hộ dân, những người trực tiếp ở đó thôi, còn nếu chuyển sang mục đích công nghiệp thì lượng công nhân nhiều hơn, chứ không phải lượng dân nhỏ nuôi trồng thủy sản"- ông Thắng trả lời khi được phóng viên hỏi về vai trò của nông nghiệp, thủy sản với địa phương.
Lấy đất nuôi trồng thủy sản để làm dự án thép là đi ngược lại chủ trương của Nhà nước?
Không đồng tình với việc UBND tỉnh Nam Định chủ trương đưa dự án cán thép của Công ty CP tập đoàn Xuân Thiện về khu vực Cồn Xanh, các hộ dân đã đồng loạt làm đơn gửi các cơ quan chức năng đề nghị tỉnh Nam Định cần xem xét lại dự án này; đồng thời sớm có giải pháp ổn định nghề nuôi trồng thủy sản ở Cồn Xanh cho bà con nông dân.
Theo các hộ dân, việc tỉnh Nam Định ra thông báo thu hồi đất canh tác nuôi trồng thủy sản để phục vụ đầu tư dự án là đang đi ngược lại với các chính sách của Đảng và nhà nước trong thúc đẩy các hoạt động nuôi trồng, khai thác hải sản bền vững, tăng cường bảo vệ, tái sinh nguồn lợi hải sản, đặc biệt đã đi ngược lại với chủ trương tại Quyết định số 2896/QĐ-UBND do chính UBND tỉnh Nam Định phê duyệt quy hoạch phát triển kinh tế thuỷ sản và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản tỉnh Nam Định đến năm 2025 định hướng đến năm 2030. Theo đó, quy hoạch phát triển kinh tế thủy sản trở thành ngành kinh tế quan trọng, chiếm tỷ trọng cao trong ngành nông nghiệp.
Bên cạnh đó, việc phê duyệt các dự án xây dựng Nhà máy gang thép số 1 Xuân Thiện và Nhà máy cán thép Xuân Thiện Nghĩa Hưng không chỉ đi ngược lại với chủ trương quy hoạch phát triển ngành nuôi trồng thủy sản của tỉnh Nam Định, mà có thể gây ảnh hưởng rất lớn tới môi trường, hệ sinh thái cũng như đời sống kinh tế của người dân nơi đây! Bởi, ngành gang thép được coi là ngành công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm cao nhất ở nước ta hiện nay, thải ra 10.000m3 khí thải và 100kg bụi cùng nhiều khí thải độc hại khác cho mỗi tấn thép.
Chưa kể, từ hơn 20 năm nay, dự án "Trồng rừng ngập mặn – Giảm thiểu rủi ro, thảm họa" của Hội Chữ thập đỏ Nhật Bản và Hội Chữ thập đỏ Đan Mạch tài trợ được tiến hành liên tục đã đạt được mục tiêu phòng ngừa thảm hoạ do lũ, bão biển gây ra, đồng thời nâng cao năng lực cộng đồng cư dân ven biển về quản lý bảo vệ rừng ngập mặn, trong việc lập và thực thi kế hoạch Phòng ngừa ứng phó thảm họa. Trong tương lai, việc xây dựng nhà máy gang thép trên có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường vô vùng nặng nề.
Nói về việc, tháng 11/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1664 phê duyệt Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, ưu tiên phát triển ngành nuôi biển bền vững. Nghĩa Hưng có điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển nuôi trồng thủy sản, nhưng chỉ vì thiếu ngân sách mà lại xóa đi vùng nuôi biển tiềm năng như vậy, thì ông Thắng mời phóng viên lên tỉnh để... tranh luận.
"Cái món đó, chúng tôi ở dưới huyện không nắm được. Tất cả dự án đều là của tỉnh hết nên việc này các anh muốn trao đổi, tranh luận, cứ lên tỉnh. Bởi, từ khi xác định dự án đều là thẩm quyền của tỉnh hết. Huyện chỉ có việc giải phóng mặt bằng"- vị Phó Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hưng nói.
Sẽ mất thương hiệu cá bống bớp Nghĩa Hưng Nam Định
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Khương Văn Toàn- Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Nghĩa Hưng cho biết: "Cồn Xanh là vùng có tiềm năng nuôi trồng thủy sản nhưng mấy năm nay bà con làm ăn có gặp khó khăn do vấn đề thị trường, nhất là tác động của dịch Covid-19, nhưng nhìn chung bà con có thu nhập.
Riêng về thương hiệu cá bống bớp Nghĩa Hưng đã có sự phát triển mạnh, chúng tôi phải đăng ký mãi mới có được thương hiệu quốc gia "Cá bống bớp Nghĩa Hưng Nam Định".
Về việc tỉnh Nam Định có chủ trương thu hồi 431ha đất ở Cồn Xanh để làm dự án thép, ông Toàn cho biết: Đây là chủ trương lớn của tỉnh, chúng tôi ở bên dưới cũng không có ý kiến gì.
Trao đổi với lãnh đạo xã Nam Điền, những vị lãnh đạo ở đây đều đánh giá nuôi trồng thủy sản ở đây là có tiềm năng, nhưng thừa nhận mấy năm nay có gặp khó về mặt thị trường. Họ cũng bày tỏ việc nếu phải chuyển sang làm dự án gang thép theo chủ trương của tỉnh cũng có những tiếc nuối nhất định, nhưng dưới xã chỉ biết chấp hành chủ trương về thu hồi GPMB theo chỉ đạo của tỉnh.
Riêng ông Nguyễn Văn Thắng cũng thừa nhận:Thương hiệu cá bống bớp là của Nghĩa Hưng là đúng rồi. Không biết có phải chỉ có mỗi nghĩa Hưng nuôi được hay không tôi không nắm được. Cá bống bớp ven biển từ Nghệ An ra đều nuôi được cả.
Trao đổi với Dân Việt, một lãnh đạo trong ngành thủy sản cũng cho rằng, đang có hiện tượng "vênh" nhau giữa chủ trương của Trung ương và địa phương. Cụ thể, trong khi Nhà nước chủ trương phát triển nuôi trồng thủy sản, thì trong kế hoạch sử dụng đất, các địa phương lại làm ngược lại khi đưa nhiều dự án công nghiệp, thậm chí cả công nghiệp ô nhiễm về các vùng nuôi trồng thủy sản.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.