Trong khi nhiều người dân sinh sống ở Hà Nội đang chật vật, mưu sinh để kiếm tiền mua nhà ở thì nhiều nhà tái định cư lại đang dư thừa, thậm chí có hàng ngàn căn đang bị bỏ hoang, gây lãng phí cho ngân sách thành phố. Từ thực tế này, nhiều ý kiến cho rằng, các dự án tái định cư cần điều chỉnh ngay các điểm bất hợp lý, đặc biệt phải phù hợp với nhu cầu thực tế của người dân.
Chủ trương về xây dựng nhà tái định cư cho người dân trong diện bị thu hồi đất, nhà phục vụ việc tái thiết Thủ đô là hoàn toàn đúng đắn. Song việc thực hiện lại có nhiều bất cập, khiến nhiều tòa nhà tái định cư xây xong không có người đến ở, xuống cấp sau nhiều năm bỏ hoang, gây lãng phí nhiều cho ngân sách Nhà nước.
Ghi nhận của PV Dân Việt thời gian gần đây, nhiều nhà tái định cư được xây dựng trên địa bàn các quận như Cầu Giấy, Hoàng Mai, Long Biên… đang trong tình trạng không người ở. Việc xây dựng xong nhưng không được sử dụng đang khiến các tòa nhà tái định cư này xuống cấp, gây nhếch nhác cảnh quan đô thị thị chung.
Nằm tại vị trí "vàng" trên đường Tân Mai (cành đai 2.5), 3 tòa nhà tái định cư thuộc phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai) đã xây dựng hơn 3 năm nay nhưng đến giờ vẫn để trống. Tại lối vào và cửa ra của các tòa nhà tái định cư này đều được bịt kín bằng tôn, rác ùn ứ chất thành đống. Đáng chú ý, phần tường, móng đã bị nứt nẻ…
Cũng trên địa bàn quận Hoàng Mai, hàng loạt nhà tái định cư khác cũng được đầu tư xây dựng xong nhưng lại bỏ trống. Đơn cử như, 2 tòa nhà tái định cư (cao 9 và 15 tầng) tại Dự án xây dựng nhà tái định cư tại phường Trần Phú đã xây dựng xong từ năm 2019 nhưng tới nay vẫn không có người về ở. Người dân xung quanh dự án này đang tận dụng khoảng đất được quy hoạch để làm vườn hoa để chăn thả gia cầm.
Được biết, dự án xây dựng nhà tái định cư tại phường Trần Phú được UBND TP Hà Nội chấp thuận chủ trương đầu tư từ năm 2010 nhằm phục vụ giải phóng mặt bằng Công viên Tuổi trẻ Thủ đô. Theo phê duyệt phê duyệt chủ trương đầu tư thời điểm năm 2010, dự án có tổng kinh phí 761 tỷ đồng với dự kiến xây dựng 4 cụm nhà chung cư cao tầng (từ 9 đến 15 tầng) có chức năng là nhà ở với hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hoàn chỉnh.
Các đó không xa, 2 tòa tái định cư trên đường Khuyến Lương thuộc phường Trần Phú, quận Hoàng Mai) đã hoàn thành thô nhiều năm nay nhưng cho đến nay vẫn trong tình trạng "đắp chiếu". Hay, tòa nhà tái định cư A1, A2 nằm trong ngõ 13 Lĩnh Nam thuộc quận Hoàng Mai đã hoàn thiện hơn 10 năm nhưng đến nay phần lớn các căn hộ vẫn cửa đóng then cài.
Cũng rơi vào cảnh bỏ trống như nhiều tòa nhà tái định cư trên địa bàn quận Hoàng Mai, dự án nhà ở tái định cư 15 tầng N01-D17 Duy Tân sở hữu một vị trí "vàng" tại quận Cầu Giấy nhưng 10 năm vẫn phải chịu cảnh bỏ hoang. Theo ghi nhận, qua nhiều năm, hàng rào bằng tôn bao quanh dự án bị viết, dán chằng chịt những thông tin quảng cáo. Ở bên trong, dây leo, cỏ dại mọc bám theo chân tường, cây cối cao quá đầu người che kín lối đi…
Bên cạnh thực trạng nhiều nhà tái định cư xây dựng xong không có người ở, chất lượng công trình các tòa nhà tái định cư trên địa bàn TP Hà Nội nhanh xuống cấp nghiêm trọng dù mới đưa vào sử dụng không lâu. Đây cũng là nguyên nhân khiến người trong diện được đền bù giải phóng mặt bằng "quay lưng" lại với nhà tái định cư.
Ghi nhận khu tái định cư Đồng Tàu (phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai), dù được đưa vào sử dụng cách đây hơn 10 năm, nhưng khoảng 5 năm trở lại đây, khu đô thị này xuống cấp nghiêm trọng. Bà Trần Thị Phượng (cư dân tòa nhà N5) cho biết, tình trạng xuống cấp tại các tòa nhà tái định cư Đồng Tàu đã xảy ra từ nhiều năm nay. Trong đó, nền xung quanh tòa nhà cũng nứt lún khắp nơi, đường ống nước thải thường xuyên bị nghẽn khiến nước dềnh lên nhiều ngày không được khắc phục.
Cách đó không xa, nhiều hạng mục xây dựng tại khu tái định cư Đền Lừ (quận Hoàng Mai) cũng đang xuống cấp nghiêm trọng sau 15 năm đi vào sử dụng. Nền gạch, bê tông nứt toác từng mảng, những vết nứt lớn xuất hiện chung quanh tòa nhà. Thậm chí, tầng 1 vốn là khu vực kinh doanh của tòa nhà phải quây tôn bao quanh vì mất an toàn.
Đáng chú ý, dọc mặt tiền khu vực đường Tân Mai, một số tòa nhà tái định cư Đền Lừ đang phải quây tôn như nhà hoang, bên ngách trở thành nơi đổ rác thải, mùi xú uế bốc lên khó chịu. Tại tòa A1, hàng chục "chuồng cọp" được cơi nới, xây dựng không biết từ bao giờ khiến tòa nhà không khác gì những khu tập thể xây dựng từ 50 - 60 năm trước.
Thực trạng nhà tái định cư bị hư hỏng, xuống cấp kéo dài mà không được sửa chữa đang xảy ra ở nhiều nơi như: khu tái định cư Trung Hòa-Nhân Chính (quận Thanh Xuân), mà diễn ra ở hầu khắp các khu tái định cư trên địa bàn thành phố như Đồng Tầu, Đền Lừ, Linh Đàm (quận Hoàng Mai), Khu tái định cư Thành phố giao lưu (quận Bắc Từ Liêm), Sài Đồng (quận Long Biên)… Cá biệt như, tại khu tái định cư Nam Trung Yên (quận Cầu Giấy), 18 tòa tái định cư đây sau 15 năm đưa vào vận hành nhưng chưa được sửa chữa, bảo trì, đến nay đều xuống cấp nghiêm trọng, đặc biệt là hệ thống thang máy.
Nhà tái định cư xây xong… lại xin đập bỏ
3 tòa nhà tái định cư cao 6 tầng với 150 căn hộ ở khu đô thị mới Sài Đồng (quận Long Biên) do Công ty CP xây dựng số 3 Hà Nội (Hanco3) làm chủ đầu tư. 3 tòa nhà tái định cư này được xây dựng từ năm 2001 - 2006 dùng để tái định cư tại chỗ khi thực hiện dự án giải phóng mặt bằng mở rộng tuyến phố Sài Đồng nằm trong khu đô thị Sài Đồng. Do xảy ra tình trạng khiếu kiện, người dân không nhận nhà nên toàn bộ quỹ nhà này đã bị bỏ hoang từ khi xây dựng đến nay.
Sau 10 năm hoàn thành nhưng không có người ở, năm 2017, Hanco3 đã đề xuất TP Hà Nội cho phép phá bỏ toàn bộ 3 tòa nhà để xây dựng nhà thương mại phục vụ tái định cư theo đặt hàng của thành phố đáp ứng nhu cầu mới của người dân hiện nay. Thế nhưng, sau nhiều năm đề xuất, 3 tòa nhà trên vẫn "phơi sương".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.