Yên Bái: Đưa cây dại táo mèo thành cây chủ lực, thu hàng chục tỷ đồng/năm

Hoàng Hữu Thứ ba, ngày 20/10/2020 18:58 PM (GMT+7)
Tỉnh Yên Bái hiện đang có hơn 3.820ha diện tích trồng cây táo mèo (cây sơn tra), trong đó hơn 980ha đang cho thu hoạch quả, sản lượng bình quân đạt từ 2.500 - 3.000 tấn quả/năm. Táo mèo đã được xác định là cây trồng chiến lược trong chương trình xóa đói giảm nghèo của đồng bào vùng cao nói chung và người Mông nói riêng.
Bình luận 0

Cây dại giúp giảm nghèo

Trước đây, đồng bào Mông ở Yên Bái chủ yếu thu hái táo mèo tự nhiên thì nay đã trồng, bảo vệ và phát triển cây trồng này, đem lại thu nhập cao. Táo mèo đã trở thành một trong những loại cây giúp xóa đói giảm nghèo cho nhiều hộ ở các huyện vùng cao phía tây Yên Bái.

Gia đình Ông Sùng A Sào (ở bản Hú Trù Lình, xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải) đã trồng táo mèo từ cách đây gần 10 năm với diện tích khoảng trên 12ha, hiện đã có hơn 9ha cho thu hoạch. Trước đây, khi cây táo mèo chưa được nhiều người biết đến, gia đình ông Sào vẫn thường hái về mang bán tại chợ địa phương. Nhưng những năm gần đây, giá trị của cây táo mèo ngày càng được nâng cao, tiêu thụ thuận lợi nên cuộc sống của gia đình ông Sào cũng đỡ vất vả. 

Riêng năm 2019, gia đình ông Sào thu được gần 500 triệu đồng từ bán táo mèo. Năm nay táo được mùa, gia đình ông Sào dự kiến phải thuê hơn 200 lượt nhân công để thu hoạch táo mèo.

Đưa cây dại táo mèo thành cây trồng chủ lực - Ảnh 1.

Táo mèo đã trở thành một trong những loại cây giúp xóa đói giảm nghèo cho nhiều hộ ở các huyện vùng cao phía tây Yên Bái.

Đưa cây dại táo mèo thành cây trồng chủ lực - Ảnh 2.

Đồng bào Mông ở bản Háng Gàng, Mù Cang Chải, thu hoạch táo mèo. Ảnh: H.H

Theo các nghiên cứu, quả táo mèo chứa các hoạt chất như vitamin C, protit, tanin, acid hữu cơ, hydrat cacbon và nhiều chất dinh dưỡng khác có tác dụng kháng khuẩn, chống rối loạn nhịp tim, hạ huyết áp, bảo vệ tế bào gan, tăng cường khả năng miễn dịch, trấn an tinh thần, điều chỉnh rối loạn lipid máu, xơ vữa động mạch, giảm mỡ máu và giảm nguy cơ béo phì, viêm cầu thận cấp và mãn tính, phòng đau thắt ngực. Ngoài ra, táo mèo còn có tác dụng làm đẹp da, mịn da...

Ông Giàng A Pao (bản Háng Gàng, xã Lao Chải) cho biết: "Gia đình tôi trồng được khoảng 7ha táo mèo, mỗi năm cho thu nhập từ 80 - 100 triệu đồng, nhưng do giá cả không ổn định nên việc bán loại quả này cũng thường gặp khó khăn. Bà con chúng tôi rất mong muốn được Nhà nước hỗ trợ, liên hệ với các công ty thu mua và tiêu thụ quả táo mèo với giá ổn định để yên tâm sản xuất".

Theo ông Nông Việt Yên - Bí thư Huyện ủy Mù Cang Chải, huyện đang thực hiện đề án về trồng và bảo vệ cây táo mèo, phát huy có hiệu quả chứng nhận chỉ dẫn địa lý về quả táo mèo trên địa bàn huyện. Đây là đề án đã tạo sự chuyển biến tích cực trong tư tưởng, nhận thức về tầm quan trọng, hiệu quả kinh tế từ cây táo mèo trong đồng bào các dân tộc; đồng thời góp phần quan trọng vào công tác bảo vệ và phát triển rừng.

Đầu tư cho chế biến sâu

Tính riêng năm 2018, người dân các xã ở huyện Mù Cang Chải đã trồng mới 200ha cây táo mèo xen vào những diện tích rừng tự nhiên nghèo kiệt. Năm 2019, toàn huyện tiếp tục trồng mới gần 260ha, trong đó tập trung nhiều ở các xã Nậm Khắt, Mồ Dề. Từ đầu năm 2020 đến nay, toàn huyện đã trồng được 150ha táo mèo.

Từ trồng và phát triển cây táo mèo, trung bình mỗi năm người dân Mù Cang Chải thu hái được hơn 2.000 tấn quả, doanh thu lên tới hàng chục tỷ đồng.

Đưa cây dại táo mèo thành cây trồng chủ lực - Ảnh 4.

Sản phẩm Trà Táo Mèo Shan Thịnh dạng bột hòa tan. Ảnh: H.H

Trước đây, mỗi vụ thu hoạch táo mèo, bà con thường bị tư thương ép giá, giá bán cũng bấp bênh. Tuy nhiên, từ khi có doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến tại địa phương thì quả táo mèo tiêu thụ thuận lợi hơn.

Chị Sùng Thị Mấy (bản Háng Gàng, xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải) cho biết: "Hiện nay, hơn chục ha táo mèo của nhà mình cho thu hoạch hàng chục tấn/năm. Trước đây thường bán táo mèo cho thương lái, khó lắm, giá rẻ nữa. Nay có công ty mua cho thì rất tốt, mình mong sẽ hợp đồng bán táo lâu dài với công ty".

Công ty TNHH Đông dược Thế Gia Văn Chấn đã thu mua và chế biến táo mèo thành sản phẩm Trà Táo Mèo Shan Thịnh dạng bột hòa tan, có tác dụng giải khát, bồi bổ cơ thể, an thần, tiêu hóa tốt. Hàng năm, dây chuyền sản xuất của công ty tiêu thụ hàng trăm tấn táo mèo tươi cho đồng bào dân tộc Mông ở huyện Mù Cang Chải và huyện Trạm Tấu. 

Hiện, Trà Táo Mèo Shan Thịnh cũng là một trong những sản phẩm của huyện Văn Chấn đăng ký tham gia Chương trình OCOP Yên Bái năm 2020. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem