Yên Bái: Lục Yên hỗ trợ nông dân đưa sản phẩm OCOP, đặc sản lên sàn thương mại điện tử
Yên Bái: "Đất ngọc" Lục Yên hỗ trợ nông dân đưa sản phẩm OCOP, đặc sản lên sàn thương mại điện tử
Hoàng Hữu
Thứ hai, ngày 24/06/2024 18:45 PM (GMT+7)
Hiện nay huyện Lục Yên (tỉnh Yên Bái) đang tích cực hỗ trợ các hợp tác xã, hộ sản xuất, doanh nghiệp đưa các sản phẩm OCOP lên các sàn thương mại điện tử, mở rộng thị trường bán hàng.
Tính đến nay, huyện Lục Yên (tỉnh Yên Bái) đã có 25 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao. Nhiều sản phẩm được thị trường ưa chuộng như: Dầu lạc đỏ của HTX Thái Sơn, gạo nếp Lào Mu Khánh Thiện, măng mai Lâm Thượng, rượu nếp ủ Lập Nguyễn, cao gắm của Công ty TNHH thảo dược Kiên Minh, thiềm thừ đá phong thủy…
Sau một thời gian nỗ lực, cơ sở sản xuất Kiên Ngọc (thị trấn Yên Thế, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái) đã có 4 sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao gồm: Thịt trâu sấy, thịt lợn sấy, lạp sườn và thịt ba chỉ hun khói. Thời gian qua, cơ sở đã được ngành chức năng của huyện cùng chính quyền địa phương quan tâm, tạo điều kiện tham gia các chương trình hội chợ, ngày hội quảng bá sản phẩm, hội nghị...
Trung bình mỗi năm, cơ sở chế biến 5 tấn thịt tươi cho 4 sản phẩm OCOP, doanh thu đạt gần 1 tỷ đồng.
Chị Vũ Thị Ngọc, chủ cơ sở Kiên Ngọc cho biết: "Hiện nay gia đình tôi bán hàng chủ yếu qua Facebook. Chúng tôi cũng đang định hướng tìm hiểu để bán hàng qua các sàn thương mại điện tử khác như Vỏ Sò, Postmart, từ đó tiếp cận khách hàng và bán được nhiều hàng hơn".
Với lợi thế nằm giữa vùng rừng núi và có kinh nghiệm nuôi ong gần 20 năm, ông Nguyễn Văn Hiệp (thôn 6, xã Động Quan, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái) đã mạnh dạn đầu tư quy trình nuôi và lấy mật ong. Hiện với 85 tổ ong, mỗi năm ông Hiệp thu hoạch được khoảng 800 lít mật ong.
Với chất lượng mật thơm ngon và đủ tiêu chuẩn, tháng 4 vừa qua, mật ong của ông Nguyễn Văn Hiệp đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao.
"Khi được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao, gia đình tôi luôn cố gắng để phát triển, chăm sóc đàn ong, với mong muốn đạt được sản lượng cũng như chất lượng mật ong tốt nhất khi đến tay khách hàng, người tiêu dùng" - ông Nguyễn Văn Hiệp chia sẻ.
Bên cạnh việc cấp chứng nhận sản phẩm, các ngành chức năng huyện Lục Yên còn rất chú trọng hỗ trợ chủ thể OCOP quảng bá, giới thiệu, kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, hội chợ, các dịp lễ, tết…
Điển hình là trong những chương trình lớn của huyện, các điểm du lịch, điểm tiếp đón du khách đều được ưu tiên dành không gian để trưng bày, quảng bá các sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP…
Hiện nay, nhiều cơ sở, HTX, doanh nghiệp đã chuyển đổi từ sản xuất, chế biến thủ công sang sử dụng các máy móc, thiết bị hiện đại như: Máy hút chân không, tủ lạnh bảo quản, hệ thống sao sấy bằng điện,… Các chủ thể OCOP cũng dần năng động hơn, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số vào tiếp thị, bán hàng. Nhờ đó không chỉ giảm được một phần công sức khi làm việc mà còn là hiện đại hóa sản xuất, từng bước góp phần vào chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Hoan, Phó trưởng Phòng NNPTNT huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái cho biết, Phòng Nông nghiệp huyện đã phối hợp với các đơn vị chức năng như Phòng Văn hóa Thông tin, Bưu điện huyện để đưa các sản phẩm OCOP của huyện bán hàng trên các trang thương mại điện tử như Vỏ Sò, buudien.vn...
"Trong năm 2024, kế hoạch của huyện Lục Yên tiếp tục có thêm 9 sản phẩm OCOP đạt chuẩn 3 sao. Đến nay huyện đã có 2 sản phẩm đạt, còn 7 sản phẩm đang hoàn thiện thủ tục để Hội đồng thẩm định của huyện chấm, qua đó phấn đấu đến hết năm toàn huyện sẽ có 26 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao" - ông Nguyễn Văn Hoan nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.