Lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thuộc Bộ Chính trị tạo ra bước ngoặt lớn

Q. Nguyễn Chủ nhật, ngày 03/07/2022 12:22 PM (GMT+7)
Ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng (Ban Tổ chức Trung ương) đã có những chia sẻ với Báo điện tử Dân Việt/NTNN trước thềm hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022.
Bình luận 0

Ngày 30/6, Bộ Chính trị sẽ tổ chức hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022. Nhân dịp này, sáng 29/6, Báo điện tử Dân Việt/NTNN tổ chức Buổi tọa đàm có chủ đề "10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: Những bài học lớn".

Khắc phục việc "vừa đá bóng vừa thổi còi"

Tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Đức Hà cho biết, qua 10 năm, dưới sự chỉ đạo sâu sát, cụ thể của Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo, hoạt động của Ban Chỉ đạo có nhiều đổi mới, nền nếp, bài bản, khoa học, quyết liệt và hiệu quả. Vừa tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thiện thể chế, phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực; vừa quyết liệt chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực, với nhiều cơ chế, giải pháp, cách làm bài bản, hiệu quả và không chịu tác động không trong sáng của tổ chức, cá nhân nào; vừa chọn những khâu yếu, việc khó trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục.

10 năm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: Củng cố niềm tin của nhân dân - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng (Ban Tổ chức Trung ương). Ảnh: Viết Niệm

So sánh kết quả của công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong 10 năm vừa qua với thời gian trước đó, ông Hà khẳng định, tệ nạn tham nhũng, "giặc nội xâm" thì thời nào cũng có tham nhũng, quốc gia nào cũng có... vấn đề là mức độ khác nhau, nơi nào làm mạnh thì ít, nơi nào làm nhẹ thì nhiều.

"Tham nhũng là vấn đề tồn tại cùng lịch sử. Tại sao Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn nói cuộc đấu tranh chống tham nhũng là cuộc chiến đầy cam go, phức tạp vì công cuộc này gắn liền với quyền lực nhà nước, với những người có chức vụ, quyền hạn, thẩm quyền. Lòng "tham" thì nhiều người tham nhưng để "nhũng" thì không ai cũng có thể "nhũng" được mà phải gắn với chức vụ, quyền hạn cơ quan nhà nước", ông Hà nêu quan điểm và cho biết, trước đây chúng ta đã có Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng thuộc Chính phủ.

Tuy nhiên, có một thực tế đặt ra là tham nhũng gắn liền với quyền lực nhà nước mà cơ quan chỉ đạo lại là cơ quan quyền lực nhà nước, như vậy chẳng khác nào "vừa đá bóng vừa thổi còi".

Chính vì vậy, Hội nghị Trung ương 5 khóa XI bàn một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng. Trong đó xét thấy nếu để Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng thuộc Chính phủ thì hiệu quả không cao nên quyết định kiện toàn, thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng thuộc Bộ Chính trị, do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng ban chỉ đạo. Đó chính là sự khác biệt căn bản.

Vẫn theo ông Nguyễn Đức Hà, chống tham nhũng, tiêu cực là là công cuộc rất hệ trọng và khó khăn, như Bác Hồ nói là chống "giặc nội xâm".

Loại giặc này không có gươm giáo nhưng rất nguy hiểm, mưu mô thủ đoạn và có sức mạnh riêng. Thậm chí nguồn lực chống lại loại giặc này còn không nhiều và mạnh bằng những "con sâu mọt" đang đục khoét của nhân dân.

Củng cố niềm tin của nhân dân

Đánh giá cao sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của nhân dân và toàn xã hội, tạo ra sức mạnh tổng hợp trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, ông Nguyễn Đức Hà nhấn mạnh tới vai trò vô cùng quan trọng của người đứng đầu và các lãnh đạo chủ chốt, đặc biệt là của Tổng Bí thư, Trưởng ban Chỉ đạo, của nhân dân và báo chí, sự gương mẫu, quyết liệt "nói đi đôi với làm" và "làm đi đôi với nói" của Tổng Bí thư, Trưởng ban Chỉ đạo và các lãnh đạo chủ chốt.

Đây là chỗ dựa vững chắc, đảm bảo về mặt chính trị và tạo động lực to lớn - là nhân tố hàng đầu quyết định sự thành công của công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian vừa qua, ông Nguyễn Đức Hà khẳng định.

10 năm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: Củng cố niềm tin của nhân dân - Ảnh 2.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chủ trì cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo. Ảnh: TTXVN

Ông Nguyễn Đức Hà đánh giá, nếu không có quyết tâm, không có sự chỉ đạo quyết liệt của người đứng đầu, sự đồng lòng thống nhất cao, sự nêu gương của cả tập thể Ban Chỉ đạo thì chắc chắn cuộc chiến chống tham nhũng sẽ không đạt được kết quả như vừa qua.

Theo ông Nguyễn Đức Hà, đây là bài học rất quý mà chúng ta rút ra từ công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian vừa qua. Sự quyết tâm, quyết liệt của Ban Chỉ đạo thể hiện ở sự kiên trì, kiên quyết "không dừng, không nghỉ," "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai" và không chịu bất kỳ sức ép của cá nhân, tổ chức nào không trong sáng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo đúng tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo.

Nhìn lại chặng đường 10 năm thực hiện Kết luận Hội nghị Trung ương 5 khóa XI, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, toàn diện, bài bản, đi vào chiều sâu, với quyết tâm chính trị rất cao, đạt nhiều kết quả rõ rệt, đột phá, được nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao.

"Kết quả đạt được trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua đã khẳng định những mục tiêu, quan điểm, chủ trương, giải pháp của Đảng và Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo trực thuộc Bộ Chính trị do Tổng Bí thư làm Trưởng ban là hoàn toàn đúng đắn, kịp thời, phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Kết quả này cũng đã củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của đảng vào công cuộc phòng chống tham nhũng của Đảng", ông Nguyễn Đức Hà khẳng định.

Hơn 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng

Theo Ban Nội chính Trung ương, công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, thanh tra, kiểm toán của Nhà nước được tăng cường, phát hiện và xử lý nghiêm minh các sai phạm, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, góp phần đắc lực nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 2.700 tổ chức đảng, gần 168.000 đảng viên, trong đó có hơn 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng.

Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kỷ luật hơn 170 cán bộ cấp cao diện Trung ương quản lý, trong đó có 33 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, hơn 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang.

Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay, đã kỷ luật 50 cán bộ diện Trung ương quản lý gồm: 8 Ủy viên, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, 20 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang.

Qua thanh tra, kiểm toán đã kiến nghị xử lý trách nhiệm gần 44.700 tập thể, cá nhân sai phạm; kiến nghị thu hồi, xử lý tài chính hơn 975.000 tỷ đồng, gần 76.000 ha đất; chuyển cơ quan điều tra gần 1.200 vụ việc có dấu hiệu tội phạm để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật; kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ, thay thế hơn 2.000 văn bản pháp luật.

Đặc biệt, từ sau ngày 18/3/2021, khi Thường trực Ban Chỉ đạo ban hành cơ chế chỉ đạo phối hợp phát hiện, xử lý các sai phạm qua kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, các cơ quan chức năng đã chuyển đến cơ quan điều tra xem xét, xử lý hơn 330 vụ việc có dấu hiệu tội phạm trước khi ban hành kết luận kiểm tra, thanh tra (tăng hơn 3 lần so với các năm trước).

Toàn cảnh buổi Toạ đàm trực tuyến "10 năm công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực: Những bài học lớn" do báo điện tử Dân Việt tổ chức sáng 29/6/2022.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem