Cây mề gà còn có một cái tên mỹ miều hơn là cây mắt phượng. Đó là một loại cây gỗ lớn. Nó có thể cao hơn 6m. Lá của nó to bản và dài tới 30cm. Bộ lá rất rậm và sum suê. Đó là cây cho lá xanh quanh năm.
Tôi lên thăm Lạng Sơn, ngay giữa thành phố cũng có rất nhiều cây mắt phượng (mà bà con chỉ quen gọi là cây mề gà). Họ cho biết, chả có loại cây nào cho bóng mát bằng nó. Tán của nó rộng, lá dày và lại to bản nên cây che mát rất tốt. Bà con còn cho biết, cây này có quả rất to, trong đó có từ 1-5 hạt. Hạt nặng 25-30g. Đó là loại hạt ăn được. Nó chứa đủ các chất đường đạm và chất béo. Phần ăn được của nó lên tới 82%. Ta có thể coi nó như các loại hạt của mắc ca, của điều… Trong thực tế, hạt của mắt phượng đã được dùng để làm mứt, làm bánh bích quy, bánh ngọt hoặc rang lên, ăn như đậu, lạc. Ở bên Trung Quốc, nó còn được dùng để làm thuốc chữa bệnh.
Kỹ sư Hoàng Lê Minh – nguyên Giám đốc Công ty Giống lâm nghiệp vùng Đông Bắc cho tôi biết, cây này có thể trồng ở khắp nơi, suốt từ Bắc vào Nam.
Đặc biệt, nó có thể vẫn mọc tốt ngay trên các vùng núi đá vôi khô cằn. Nếu bà con trồng cây mề gà lên vùng núi đá vôi thì vừa giải quyết được vấn đề môi trường, vấn đề phủ xanh núi đá, lại vừa có được nguồn lương thực giàu dinh dưỡng. Kỹ sư Minh cho biết, các cây lớn có thể cho tới nửa tạ hạt/cây! Lá của nó còn làm thức ăn cho gia súc nữa. Vậy, sao ta không trồng mề gà!? Chúng ta còn rất nhiều vùng núi đang trơ ra toàn đá và cả các vùng đồi gò đã trụi hết cây xanh. Cần phải nghĩ tới việc phủ lại cho nó một lớp thực vật dày. Có lẽ, mề gà là “ứng cử viên” xứng đáng.
Mề gà rất dễ trồng. Ta có thể gieo hạt hoặc giâm cành. Cứ cắt thân chúng ra từng đoạn và cắm xuống đất là ít ngày sau đã mọc lên thành cây. Cây con lên rất nhanh. Nó có một bộ rễ khỏe, ăn sâu vào lòng đất, len lỏi giữa các khe đá để hút nước và chất dinh dưỡng. Ở Đồng Bành (Lạng Sơn) ta bắt gặp rất nhiều cây mề gà trên núi đá. Ngay cả ở những vách đá treo leo, nó vẫn mọc tốt và cho ra một bộ lá sum suê. Nếu ta chủ động trồng mề gà lên núi thì khác gì gieo ngô lên nương. Nó cũng là cây cho lương thực đấy!
Ta còn có thể trồng mề gà làm cây choái cho hồ tiêu. Ta chặt cây thành từng khúc dài và cắm vào hố. Nó sẽ mọc lên thành cây. Ta tỉa bớt cành và lá để cho cây mọc thẳng. Khi cây lên cao, ta có thể đưa tiêu vào trồng để nó leo lên thân cây mề gà.
Ở nông thôn, bà con nên lưu ý thêm về cây này. Nên trồng mề gà quanh nhà. Nó vừa làm bóng mát vừa cho ta thụ quả trong nhiều năm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.