18.000 vụ lấn chiếm đất đai, Chủ tịch Bình Định nói 'đã xử lý, chỉ còn gần 2.000 vụ'
18.000 vụ lấn chiếm đất đai, Chủ tịch Bình Định nói 'đã xử lý, chỉ còn gần 2.000 vụ'
Dũ Tuấn
Thứ bảy, ngày 14/12/2024 07:28 AM (GMT+7)
Khi máy xúc, máy khoan đến phá dỡ nhà cựu lãnh đạo, đảng viên vi phạm thì lời hứa "không có vùng cấm, xử lý lãnh đạo, cán bộ, đảng viên vi phạm trước, làm gương cho dân" của Chủ tịch Bình Định Phạm Anh Tuấn, đã được thực thi. 18.000 vụ lấn chiếm đất đai, ông Tuấn nói đã xử lý, đến nay chỉ còn gần 2.000 vụ.
Khi câu chuyện lấn chiếm đất đai, xây dựng trái phép bắt đầu đăng tải "nóng bỏng" trên các mặt báo, trong đó có báo Dân Việt, từ tháng 6/2023, UBND tỉnh Bình Định đã tổ chức Hội nghị chống lấn chiếm đất đai, xây dựng trái phép. Ngay sau đó, tỉnh Bình Định đã ban hành kế hoạch, với giải pháp mạnh mẽ để xử lý.
Năm 2024, lần đầu tiên Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định có kế hoạch giao chỉ tiêu cụ thể, cho từng địa phương xử lý lấn chiếm đất đai, xây dựng trái phép.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tự Công Hoàng, trong quá trình xử lý, tỉnh yêu cầu phải chặt chẽ các trình tự, thủ tục, "không có vùng cấm, không bao che, không dung túng" cho bất cứ trường hợp nào cả.
"Nếu ai bao che, dung túng, sẽ bị xử lý nghiêm theo đúng quy định pháp luật. Trên thực tế, các địa phương đã vào cuộc quyết liệt, tích cực", ông Hoàng nói.
Đánh giá cao việc tỉnh giao chỉ tiêu cho từng địa phương xử lý lấn chiếm đất đai, xây dựng trái phép, Bí thư Thị uỷ Hoài Nhơn Phạm Trương nói rằng, năm nay, thị xã mạnh dạn đề xuất xử lý 1.983 vụ, nhưng từ sự nỗ lực, quyết tâm đã giải quyết vượt kế hoạch ban đầu với kết quả đạt 2.024 vụ, tổng tiền thu về ngân sách gần 30 tỷ đồng.
"Việc này đã làm ổn định tình hình về đất đai, với động thái quyết liệt đồng bộ của chính quyền, các cá nhân, doanh nghiệp không dám tái vi phạm. Tôi cho rằng, hành động lập lại trật tự kỷ cương trong lĩnh vực đất đai lần này, là điều rất quan trọng", ông Phạm Trương nêu.
Máy xúc, máy khoan phá dỡ nhà cựu lãnh đạo, đảng viên vi phạm, và lời hứa "xử lý không vùng cấm" đã thực thi
Tại địa bàn thành phố Quy Nhơn, nơi "nóng" nhất Bình Định để xảy ra tình trạng lấn chiếm đất đai, xây dựng trái phép, trong đó có sự tham gia của cựu lãnh đạo tỉnh, đảng viên.
Đúng với tinh thần "xử lý không vùng cấm, không bao che", trên thực tế, năm qua, việc xử lý của chính quyền Quy Nhơn rất quyết liệt, chiếc máy xúc, máy khoan tháo dỡ công trình trái phép đã đến nhà đảng viên, cựu lãnh đạo xây trái phép và hàng nghìn trường hợp khác bị "tuýt còi".
Bí thư Thành uỷ Quy Nhơn Nguyễn Văn Dũng nói, năm nay thành phố đã xử lý tình trạng lấn chiếm đất đai, xây dựng trái phép 1.811 trường hợp, trong khi chỉ tiêu tỉnh giao là 1.715 trường hợp.
"Việc tỉnh đưa chỉ tiêu xử lý lấn chiếm đất đai về tận địa phương là điểm mới, từ đó Đảng và chính quyền đều có trách nhiệm tập trung chỉ đạo, góp phần chỉnh trang đô thị, giải quyết bức xúc của người dân về nhu cầu đất ở, nhà ở", ông Dũng nhìn nhận.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn cho biết, tại Hội nghị chống lấn, chiếm đất đai, xây dựng trái phép tổ chức giữa năm 2023, theo thống kê sơ bộ cả tỉnh có 18.000 vụ, sau 1,5 năm quyết tâm thực hiện và trực tiếp Bí thư Tỉnh uỷ Hồ Quốc Dũng chỉ đạo đôn đốc, thì đến lúc này, đã xử lý chỉ còn gần 2.000 vụ.
Ông Tuấn nói rằng, khi khảo sát thực tế, nhận thấy có rất nhiều trường hợp, hoàn cảnh rất khó khăn, có lý do và yếu tố lịch sử, lâu dài. Người có hoàn cảnh khó khăn, neo đơn không có nhà ở, những trường hợp này mang tính an sinh xã hội, phải có biện pháp bố trí, tháo gỡ phù hợp.
Việc xử lý sẽ "động" đến con người, nên không thể làm gấp gáp mà phải có thời gian, thực sự khéo léo, từ từ, nhưng chính quyền đã có động thái làm thật.
"Lúc đầu giao nhiệm vụ, ai cũng lo không làm được vì việc khó, nhưng quyết tâm thì cuối cùng đã làm được. Tới đây, chúng tôi sẽ tập trung chỉ đạo làm nốt các công việc còn lại, trường hợp nào hợp pháp được thì sẽ cho hợp pháp, còn lấn chiếm sai thực sự, kiên quyết cưỡng chế", ông Tuấn cho hay.
Xử lý lấn chiếm, xây dựng trái phép khó, vậy sao Bình Định làm được?
Vấn đề lấn chiếm đất đai, xây dựng trái tại Bình Định từng gây ra nỗi bức xúc rất lớn. Sự lơi lỏng, du di cho sai phạm trong một thời gian dài, ở góc độ vĩ mô, những sai phạm này phá vỡ quy hoạch tổng thể, ảnh hưởng đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng khi thực hiện những dự án lớn.
Nguy hiểm hơn, vi phạm kiểu "mạnh ai nấy chiếm" xảy ra ở quy mô lớn làm xói mòn nền tảng pháp quyền, nơi mọi công dân đều phải tuân thủ quy định pháp luật. Thay vào đó mọi người cùng nhau sai phạm theo hiệu ứng domino, lây lan tiêu cực.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định nêu, quan điểm của lãnh đạo tỉnh, trong xử lý vi phạm phải có tình, có lý. Với những người dân xây nhà từ lâu, nhưng không biết thủ tục pháp lý về đất đai nên chưa làm hồ sơ, kê khai thì cần hướng dẫn. Trường hợp là hộ nghèo, phải tính phương án để cấp đất cho bà con, có chỗ ở ổn định.
"Còn lại tất cả trường hợp vi phạm phải xử lý nghiêm, đúng theo Luật Đất đai qua từng thời kỳ", ông Tuấn khẳng định và nói rõ nguyên tắc, đầu tiên phải xử lý trước lãnh đạo, cán bộ, đảng viên vi phạm để làm gương, có như vậy người dân mới chấp hành theo.
Xử lý lấn chiếm đất đai và xây dựng trái phép không hề dễ dàng, đặc biệt là những hậu quả do vi phạm trong thời gian dài, có "yếu tố lịch sử". Nhưng, Bình Định đã thành công khi áp dụng hai điều, một là không có vùng cấm, hai là tính nhân văn khi thực thi pháp luật. Chính điều này, đảm bảo cho một xã hội lành mạnh, thượng tôn pháp quyền, thay vì "mạnh ai nấy chiếm, mạnh ai nấy làm".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.