Hàng ngàn tấn cá tầm Trung Quốc "đổ bộ" bằng những con đường nào, rồi "lột xác" thành cá tầm Việt?

Thứ tư, ngày 16/12/2020 06:00 AM (GMT+7)
Thực trạng buôn lậu cá tầm từ Trung Quốc vẫn diễn ra dưới nhiều hình thức, tiếp tục trở thành nguy cơ “bóp chết” cá tầm Việt Nam.
Bình luận 0

Tại hội nghị tổng kết 15 năm nuôi cá nước lạnh ở Việt Nam mới đây, đa số các tham luận đều đưa vấn đề cá tầm Trung Quốc đổ bộ thị trường Việt Nam và xem đó là thách thức cực lớn với nền sản xuất cá tầm trong nước.

Hàng nghìn tấn cá tầm Trung Quốc "đổ bộ" bằng những con đường nào, "lột xác" thành cá tầm Việt tinh vi ra sao? - Ảnh 1.

Cá tầm Trung Quốc vẫn ồ ạt tràn vào Việt Nam. Ảnh: Hoàng Anh.

TS Lê Thanh Lựu - Hội Nghề cá Việt Nam cho biết, theo ước tính của nhóm chuyên gia, sản lượng cá tầm năm 2019 của Việt Nam ước tính đạt 2.500 tấn, trong đó miền núi phía Bắc đạt khoảng 500 tấn, Tây Nguyên đạt khoảng 2.000 tấn. Tuy nhiên, lượng cá tầm nhập khẩu từ Trung Quốc cùng thời điểm trên ước tính lên đến 4.500 tấn, chiếm khoảng 65% nhu cầu của thị trường. 

Điều đáng lo ngại là một số lượng lớn cá tầm Trung Quốc được nhập bằng con đường tiểu ngạch, dẫn đến giá cá tầm Trung Quốc trên thị trường tới người tiêu dùng chỉ đạt 140.000-160.000 đồng/kg, trong lúc đó cá tầm nuôi tại Việt Nam giá xuất từ trang trại đã đạt 150.000-170.000 đồng/kg.

“Cá tầm Trung Quốc hiện diện khắp mọi nơi tại các chợ, nhà hàng, siêu thị nhưng với nhãn hiệu cá tầm Việt Nam. Cá tầm Trung Quốc có chất lượng thấp, giá chỉ bằng 60-70% cá tầm nuôi tại Việt Nam là một thách thức lớn. Thông tin đại chúng cũng như dư luận xã hội đã nói nhiều về việc cá tầm Trung Quốc được nhập vào Việt Nam bằng con đường chính thức, có giấy phép nhập khẩu, hoặc bằng con đường tiểu ngạch, nhưng thiếu các biện pháp kiểm tra và giám sát, cũng như thiếu sự minh bạch của hệ thống phân phối. 

Sự cạnh tranh không lành mạnh kết hợp với tình hình sản xuất yếu kém của một số cơ sở nuôi đã dấy lên sự nghi ngờ về hiệu quả nuôi cá nước lạnh và cũng là tiền đề cho một số bài báo cảnh báo gần đây được đăng tải trên các Báo Nông nghiệp Việt Nam, Báo Lâm Đồng…”, TS Lê Thanh Lựu khẳng định.

Thực ra chuyện cá tầm Trung Quốc nhập lậu bán giá rẻ không mới. Từ những năm 2013, “vấn nạn” cấ tầm Trung Quốc nhập lậu tràn ngập thị trường Việt Nam đã được cảnh báo. Ước tính thời điểm đó, mỗi năm có đến 5.000-6.000 tấn cá tầm bằng cách này hay cách khác xâm nhập vào thị trường Việt Nam. 

Từ đường hàng không cho đến đường tiểu ngạch, cá tầm Trung Quốc sau khi vào Việt Nam đã được “tẩy” nguồn gốc, trà trộn với cá tầm Việt Nam khiến người tiêu dùng không thể nào phân biệt nổi. 

“Cơn bão” đó cũng đã khiến nhiều trang trại cá tầm trong nước không thể cạnh tranh nổi, phải phá sản hoặc chuyển sang nuôi trồng các loại thủy sản khác.

Mặc dù sau đó các cơ quan quản lý đã có những động thái siết chặt kiểm tra nguồn gốc cá tầm Trung Quốc, tuy nhiên thực trạng nhập lậu cá tầm Trung Quốc vào thị trường Việt Nam vẫn tiếp tục diễn ra. Chỉ riêng năm 2019, đã có hàng nghìn kg cá tầm nhập lậu qua khu vực biên giới tỉnh Lào Cai bị cơ quan chức năng bắt giữ và tiêu hủy, nhưng thực tế cho thấy, cá tầm Trung Quốc vẫn tiếp tục tràn ngập thị trường Việt Nam.

Hàng nghìn tấn cá tầm Trung Quốc "đổ bộ" bằng những con đường nào, "lột xác" thành cá tầm Việt tinh vi ra sao? - Ảnh 3.

Dùng nhiều thủ đoạn để đưa cá tầm Trung Quốc vào Việt Nam. Ảnh: Hoàng Anh.

Thủ đoạn tinh vi

Sau khi việc buôn lậu, vận chuyển cá tầm Trung Quốc qua đường tiểu ngạch phần nào bị siết chặt, nhiều doanh nghiệp trong nước đã chuyển đổi hình thức bằng việc nhập khẩu chính ngạch cá tầm Trung Quốc với nhiều ưu đãi về thuế, thủ tục thông quan. Thế nhưng, kể cả khi được tạo điều kiện như vậy thì cũng có không ít doanh nghiệp sử dụng các thủ đoạn để qua mặt cơ quan chức năng.

Theo tài liệu NNVN có được, Chi cục Hải quan Cửa khẩu Hữu Nghị (thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn) vừa phát hiện và bắt giữ lô hàng cá tầm Trung Quốc do công ty TNHH Đầu tư và xuất nhập khẩu An Hưng nhập về Việt Nam. Mặc dù hình thức nhập chính ngạch tuy nhiên doanh nghiệp này đã “biến tấu” không khác gì buôn lậu.

Quá trình kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện trị giá khai báo trên tờ hải quan nhập khẩu không đúng với số lượng cá tầm Trung Quốc nhập về, tang vật vi phạm được định giá lên đến 4.000 kg cá tầm Trung Quốc trị giá 413.947.200 đồng. 

Theo ông Nguyễn Hữu Minh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu Hữu Nghị, lợi dụng bộ hồ sơ được cấp phép, doanh nghiệp đã vượt khối lượng cá tầm khá lớn nhằm đưa vào thị trường Việt Nam. Cũng theo ông Minh, cơ quan chức năng đang chuyển hồ sơ sang Viện Kiểm sát Nhân dân nhằm xác định việc nâng số lượng như thế có phải là hành vi buôn lậu hay không.

Theo số liệu Tổng cục Hải quan cung cấp, số lượng cá tầm Trung Quốc nhập khẩu về Việt Nam trong các năm 2018 là 1.164 tấn, 2019 là 1.849 tấn, tạm tính trong năm 2020 nhập khẩu khoảng 1.000 tấn, chủ yếu đi qua Cửa khẩu Hữu Nghị (tỉnh Lạng Sơn). 

Danh mục tên hàng khai quan đều ghi: Cá tầm Xibêri sống dùng làm thực phẩm (tên khoa học: Acipenser baerii). Kích thước: 20-90cm; trọng lượng: 1,75 – 7,5 kg/con.

Hàng nghìn tấn cá tầm Trung Quốc "đổ bộ" bằng những con đường nào, "lột xác" thành cá tầm Việt tinh vi ra sao? - Ảnh 4.

Cận cảnh cá tầm Trung Quốc. Ảnh: Hoàng Anh.

Số liệu từ cơ quan chức năng Lạng Sơn thể hiện, có 6 doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực nhập khẩu cá tầm trên địa bàn gồm: Công ty Cổ phần XNK Thảo Nguyên (địa chỉ đăng ký: Số 66 Ngô Xuân Quảng, thị trấn Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội). Công ty TNHH Đầu tư Thủy sản Hải Yến (địa chỉ đăng ký: Số 17 Dãy 1 chợ Liên Phương, xã Liên Phương, huyện Thường Tín, TP Hà Nội). Công ty TNHH Đầu tư và Xuất nhập khẩu An Hưng (địa chỉ đăng ký: Số 4C, ngõ 230 Quan Nhân, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội). Công ty TNHH Thương mại XNK Nguyệt Vượng (địa chỉ đăng ký: số 859 Tam Trinh, phường Yên Sở, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội). Công ty TNHH Thủy sản Sỹ Hưng và Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thủy hải sản Thanh Tú cùng địa chỉ đăng ký ở số 1, ngõ 562 đường Lĩnh Nam, tổ 19, phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội.

Theo tìm hiểu của PV, Công ty TNHH Thủy sản Sỹ Hưng và Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thủy hải sản Thanh Tú đều do bà Nguyễn Thị Thư là người đại diện pháp luật. Bà Thư được biết đến là doanh nghiệp nhập khẩu cá tầm Trung Quốc về Việt Nam tiêu thụ lớn nhất hiện nay trong suốt nhiều năm qua.

Điều đáng nói, tại thời điểm đầu tháng 12/2020 khi phóng viên đi ghi nhận, 2 công ty của bà Nguyễn Thị Thư có địa chỉ ở số 1, ngõ 562 đường Lĩnh Nam, tổ 19, phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội đều đã đóng cửa. Một số người dân sống ở khu vực cho biết đây chỉ là nơi đăng ký cũ còn công ty đã chuyển đi nơi khác hoạt động nhiều tháng nay.

Một tiểu thương là khách nhập cá tầm Trung Quốc của bà Thư cho biết, bà Thư chỉ bán buôn cho các tiểu thương, thương lái lớn. Thông thường, một tuần công ty của bà Thư có khoảng 10-12 xe chở cá tầm với số lượng khoảng 40 – 50 tấn đưa đi tiêu thụ tại chợ đầu mối thủy sản Bình Điền (TP Hồ Chí Minh) và các tỉnh lân cận phía Nam. 

Tại thị trường miền Bắc, công ty này cung cấp chính cho chợ đầu mối thủy sản Yên Sở (Hà Nội) và xe chở cá tầm Trung Quốc đưa đi các tỉnh dọc miền Trung (Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh)… Theo ước tính thời điểm cuối năm, mỗi tuần công ty của bà Thư cung cấp ra thị trường cả nước khoảng 80 - 100 tấn cá tầm Trung Quốc.

Về giá, theo tờ khai hải quan, các doanh nghiệp nhập khẩu cá tầm Trung Quốc mua với giá 103.486 đồng/kg. Sau đó vận chuyển về bán cho các tiểu thương ở miền Bắc với giá 115.000 – 120.000 đồng/kg còn trong thị trường miền Nam sẽ bán với giá 130.000 – 140.000 đồng/kg do phải thêm phí vận chuyển.

“Bóp chết” cá tầm trong nước?

Theo báo cáo của các địa phương sản xuất cá nước lạnh có quy mô như Lâm Đồng, Lào Cai, Cao Bằng, Yên Bái... thách thức từ cá tầm Trung Quốc là đặc biệt lớn, nhiều ý kiến còn cho rằng, nguy cơ “bóp chết” cá tầm trong nước là hiện hữu.

Hàng nghìn tấn cá tầm Trung Quốc "đổ bộ" bằng những con đường nào, "lột xác" thành cá tầm Việt tinh vi ra sao? - Ảnh 5.

Nhiều địa phương, tổ chức kiến nghị kiểm soát chặt chẽ việc nhập cá tầm Trung Quốc. Ảnh: Hoàng Anh.

Trước hết là thách thức về chất lượng con giống cũng là vấn đề được xem là nghiêm trọng đối với nghề nuôi cá nước lạnh hiện nay. Vấn đề là ở chỗ, trứng cá nhập khẩu từ các nước Âu, Mỹ thường đảm bảo chất lượng cũng như kiểm dịch thú y rất chuẩn mực. Chất lượng trứng như vậy thường tương ứng với giá thành cao, nên con giống sản xuất ra cũng có giá cao. 

Sau nhiều cuộc hội nghị, hội thảo và khảo sát, được biết, Hiệp hội phát triển cá nước lạnh tỉnh Lâm Đồng và một số địa phương đang gửi ý kiến lên Bộ NN-PTNT kiến nghị phối hợp giám sát chặt chẽ việc nhập khẩu cá tầm Trung Quốc.

Trong lúc đó, các nhà cung cấp trứng, giống từ Trung Quốc gần kề luôn đưa ra giá thấp hơn 20-35%. Lẽ đương nhiên, phần lớn người nuôi nhỏ lẻ, thậm chí nhiều doanh nghiệp vì lợi ích ngắn hạn đã chấp nhận mua trứng, con giống từ Trung Quốc mà bỏ qua kiểm định chất lượng cũng như các tiêu chuẩn kiểm dịch. Điều này sẽ gây hậu quả cho người nuôi và rõ ràng là thách thức lớn đối với hiện tại và tương lai trong bối cảnh cạnh tranh giữa các nhà cung cấp.

Thách thức thứ hai là hiện nay cá tầm Việt Nam chất lượng cao giá cao đang phải cạnh tranh với cá tầm Trung Quốc chất lượng thấp, giá thấp. Thực tế, Trung Quốc xuất khẩu (bằng con đường tiểu ngạch) sang Việt Nam cá tầm có giá chỉ bằng 50-75% giá cá tại trang trại của Việt Nam. Trong sâu xa, chưa ai giải thích được vì sao giá cá tầm Trung Quốc lại thấp như vậy. Nhưng ai cũng nhận thấy chất lượng cá tầm Trung Quốc thấp (so sánh mùi vị, firmility…).

Ví dụ ở tỉnh Lào Cai, một số cơ sở đã nhập trứng về ấp nở, nhưng số lượng chưa nhiều mà chủ yếu nhập giống về ương nuôi. Tuy nhiên, chất lượng con giống khó kiểm soát về số lượng, chất lượng do các cơ sở nhập trứng từ các tỉnh khác giống nhập trôi nổi trên thị trường và một phẩm giống được nhập lậu từ Trung Quốc. Về cá tầm thương phẩm, theo cơ quan chuyên môn tỉnh này, khó cạnh trạnh với các sản phẩm cùng loại của Trung Quốc, có sự trà trộn giữa sản phẩm sản xuất trong nước nước và sản phẩm nhập lậu qua đường mòn, lối mở.

Hàng nghìn tấn cá tầm Trung Quốc "đổ bộ" bằng những con đường nào, "lột xác" thành cá tầm Việt tinh vi ra sao? - Ảnh 7.

Nguy cơ cá tầm Trung Quốc "bóp chết" cá tầm tỏng nước. Ảnh: Hoàng Anh.

Tương tự là Lâm Đồng, nơi có nghề nuôi cá nước lạnh vào loại sớm và là một trong những thủ phủ cá nước lạnh hiện nay ở Việt Nam.

Theo thống kê, diện tích nuôi cá nước lạnh của tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020 vẫn ổn định 50 ha, với 25 trang trại (15 doanh nghiệp), 35 hộ nuôi và 1 hồ, tập trung chủ yếu tại các huyện Lạc Dương, Đam Rông, Di Linh và Thành phố Đà Lạt. Hình thức nuôi phổ biến là xây bể xi măng, sử dụng bể composite, đào ao hồ lát bạt và khoảng 200 lồng ở Hồ KaLa – huyện Di Linh.

Hiện nay, sản lượng cá nước lạnh tỉnh Lâm Đồng ước đạt từ 1.200 - 1.400 tấn/năm và chủ yếu tiêu thụ tại thị trường Thành phố Hồ Chí Minh và tiêu thụ nội tỉnh.

Một trong những khó khăn hiện hữu với Lâm Đồng là giá cả và thị trường tiêu thụ cá nước lạnh không ổn định. Một số thời điểm cá tầm Trung Quốc vẫn được nhập vào Việt Nam và rất khó phân biệt với cá tầm Đà Lạt, làm ảnh hưởng đến thị trường, giá cả sản phẩm cá nước lạnh.


Hoàng Anh (nongnghiep.vn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem