Bà Lê Thị Nga: Còn xảy ra các trường hợp bị oan trong giai đoạn khởi tố, điều tra, truy tố

PVCT Thứ năm, ngày 25/03/2021 10:23 AM (GMT+7)
Trình bày báo cáo thẩm tra, bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho biết, vẫn còn để xảy ra các trường hợp bị oan trong giai đoạn khởi tố, điều tra, truy tố có liên quan đến trách nhiệm của Viện KSND. Số vụ Tòa án trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung mà Viện kiểm sát chấp nhận còn khá lớn.
Bình luận 0

Sáng nay (25/3), Quốc hội nghe Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình báo cáo công tác của các tòa án trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV; Viện trưởng Viện KSND Tối cao Lê Minh Trí báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV của Viện trưởng Viện KSND Tối cao; bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội báo cáo thẩm tra về hai báo cáo trên.

Thu hồi hàng chục nghìn tỷ đồng từ các vụ án tham nhũng, kinh tế

Về báo cáo công tác của ngành Tòa án, điểm nổi bật việc xét xử các vụ án hình sự bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, trong nhiệm kỳ không để xảy ra trường hợp nào kết án oan người không có tội. Việc giải quyết, xét xử các vụ việc dân sự, vụ án hành chính đúng pháp luật.

Bà Lê Thị Nga: Còn xảy ra các trường hợp bị oan trong giai đoạn khởi tố, điều tra, truy tố - Ảnh 1.

Bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội (ảnh Trung tâm báo chí Quốc hội).

Việc tổ chức xét xử các vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế được Đảng, Nhà nước và nhân dân đánh giá cao, dư luận đồng tình, ủng hộ.

"Thực hiện chỉ đạo của Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng trung ương, các Tòa án đã đưa ra xét xử nghiêm 7.463 vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp với 14.540 bị cáo và áp dụng hình phạt tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội; nghiêm khắc đối với người chủ mưu, cầm đầu, lợi dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản của Nhà nước. Đã áp dụng các biện pháp thu giữ, tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản để thu hồi hàng chục nghìn tỷ đồng theo đúng quy định của pháp luật", Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết.

Theo báo cáo của Viện trưởng Viện KSND Tối cao, Viện trưởng Viện KSND Tối cao xác định chống oan, sai và chống bỏ lọt tội phạm là nhiệm vụ xuyên suốt, quan trọng hàng đầu của các đơn vị nghiệp vụ. Theo đó, trong các chỉ thị công tác hằng năm và các chỉ thị chuyên đề của Viện trưởng Viện KSND tối cao đều quán triệt, chỉ đạo toàn Ngành thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp cụ thể, bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ chống oan, sai và bỏ lọt tội phạm.

Tập trung chỉ đạo tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, kiểm soát chặt chẽ việc giải quyết các vụ án ngay từ giai đoạn giải quyết nguồn tin về tội phạm và trong suốt quá trình điều tra; thực hiện nhiều biện pháp như đào tạo, tập huấn, chọn và phân công Kiểm sát viên có kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa.

Phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, TAND Tối cao, Ban Nội chính Trung ương để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng do Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng chỉ đạo; tăng cường các biện pháp nhằm thu hồi tài sản bị chiếm đoạt trong các vụ án. Yêu cầu khẩn trương bồi thường, khắc phục hậu quả đối với các trường hợp bị oan thuộc trách nhiệm của Viện kiểm sát.

Còn trường hợp hủy án, sửa án do nguyên nhân chủ quan

Trình bày báo cáo thẩm tra đối với ngành Kiểm sát, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết: Viện KSND các cấp đã kiểm sát 100% các vụ án hình sự ngay từ khi khởi tố; kéo giảm tỷ lệ oan, sai trong giai đoạn điều tra.Tỷ lệ truy tố đúng thời hạn, truy tố đúng tội danh qua các năm đều đạt 99,9%, vượt chỉ tiêu của Quốc hội. 

Tuy nhiên, vẫn còn để xảy ra các trường hợp bị oan trong giai đoạn khởi tố, điều tra, truy tố có liên quan đến trách nhiệm của Viện KSND. Số vụ Tòa án trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung mà Viện kiểm sát chấp nhận còn khá lớn trong đó có nhiều trường hợp Tòa án trả hồ sơ cho Viện kiểm sát yêu cầu khởi tố tội phạm mới, người phạm tội mới, phản ánh chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra trong các vụ án này còn chưa đáp ứng yêu cầu.

Đối với ngành Tòa án, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp do bà Lê Thị Nga trình đã nêu rõ: Trong cả nhiệm kỳ, chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan người vô tội. Hình phạt mà Tòa án áp dụng cơ bản nghiêm minh, đúng pháp luật. Tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan đạt chỉ tiêu của Quốc hội (không quá 1,5%) và giảm dần qua các năm. Đã đưa ra xét xử nghiêm minh, kịp thời các vụ án tham nhũng, chú trọng áp dụng các biện pháp nhằm tăng tỷ lệ thu hồi tài sản.

Tuy nhiên, vẫn còn một số trường hợp phải hủy, sửa án do nguyên nhân chủ quan. Một số trường hợp áp dụng tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng, quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt, cho hưởng án treo chưa chính xác.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem