Bài dự thi "Ăn Tết thời Covid": Những nụ cười không thấy mặt người

Đinh Thành Trung Thứ năm, ngày 11/02/2021 14:00 PM (GMT+7)
Tôi là một công chức nhà nước, được nghỉ ăn Tết từ ngày 29 âm lịch. Tiếng là vậy nhưng năm nay tôi cũng như mọi người ở cơ quan đều có thêm nhiệm vụ "cùng nhau phòng chống dịch Covid-19.
Bình luận 0
Bài dự thi "Ăn Tết thời Covid": Những nụ cười không thấy mặt người - Ảnh 1.

Người công nhân vệ sinh có cảm xúc khó tả khi quét đi những cây đào, cây quất ngày Tết.

Tết gần đến, cảm thấy lo âu, sợ hãi. Những nỗi lo thường nhật, đến Tết lại lớn lên hơn bao giờ hết. Nào là vẫn phải trực trong mấy ngày Tết. Nào không về quê được nên có phần khó chịu và tiếc nuối.

Tâm trạng ấy theo chân tôi trên quãng đường về nhà. Gần Tết, sự đông đúc kém hơn các năm khác vì dịch bệnh. Nhìn sang hai bên đường, hàng bán đào, quất và các loại hoa vẫn mở ra nhưng lượng khách không nhiều. Tất cả các chủ hàng đều đeo khẩu trang, thực hiện nghiêm túc quy định phòng chống dịch. Nỗi lo lắng hiện rõ trên đôi mắt họ, những người vẫn mưu sinh cho đến giao thừa. Cạnh đó, một đôi mắt khác đang cặm cụi quét đường, dọn rác. Đôi mắt ánh lên sự kiên định và cả nụ cười.

Bài dự thi "Ăn Tết thời Covid": Những nụ cười không thấy mặt người - Ảnh 2.

Những người công nhân vệ sinh vẫn phải làm việc xuyên Tết, dù mưa, dù nắng và ngay cả trong dịch bệnh Covid-19.

Những người công nhân vệ sinh vẫn phải làm việc xuyên Tết, dù mưa, dù nắng và ngay cả trong dịch bệnh. Cạnh khu chợ hoa, rác rến chất đống trên hàng chục chiếc xe chuyên dụng. Trên đường, đào, quất vứt chỏng chơ, quả vàng nát bét. "Cảm xúc khi quét đi những cây đào, cây quất này khó tả lắm". Chị cũng chẳng biết diễn tả thế nào, bởi đây là nhiệm vụ rồi, dù sao cũng không được bỏ qua. Dịch bệnh thì vẫn có những đống rác trên đường, vẫn có người công nhân vệ sinh dọn dẹp.

Nghề dọn vệ sinh lúc nào cũng phải đeo khẩu trang kín mít vì độc hại. Dịch bệnh đến, họ không phải làm quen với chiếc khẩu trang che kín cảm xúc con người. Tết thời Covid với người công nhân vệ sinh cũng không khác gì bình thường, bởi luôn phải dọn một lượng rác thải gấp đôi ngày thường. Bất kể dịch bệnh, họ phải tăng cường thêm nhân lực, dù với họ Tết cũng cần mua sắm, chăm lo cho gia đình. Đặc thù của nghề công nhân vệ sinh là luôn phải làm xuyên Tết. Những người được nghỉ Tết thì cũng chỉ được nghỉ Mùng 1 mà thôi. Trong khi người dân nhà nhà chuẩn bị trang hoàng, mua nọ sắm kia đón tết thì các chị công nhân vệ sinh cũng chỉ biết lẩm nhẩm trong đầu các thứ cần mua, rồi nhờ vợ, chồng hoặc người thân mua giúp.

Bài dự thi "Ăn Tết thời Covid": Những nụ cười không thấy mặt người - Ảnh 3.

Năm nay, giao thừa giảm mạnh bắn pháo hoa, chắc sẽ ít rác hơn vì có dịch nhưng chị công nhân vệ sinh lại không cảm thấy vui.

Giao thừa năm ngoái, khi dịch bệnh Covid-19 chưa lây lan mạnh, người dân vẫn đổ ra đường xem pháo hoa rồi để lại đầy rác trên phố. Thứ rác từ đồ ăn nếu không xử lý ngay thì mùi hôi thối sẽ ảnh hưởng đến dân cư xung quanh. Năm nay, giao thừa giảm mạnh bắn pháo hoa, chắc sẽ ít rác hơn vì có dịch nhưng chị công nhân vệ sinh lại không cảm thấy vui. Chị nở một nụ cười buồn dưới lớp khẩu trang, tôi biết thế khi nhìn vào đôi mắt chị. "Không thể lấy lý do ít việc đặt lên trên sự an toàn của mọi người. Vất vả mà cả nước bình yên thì chị mới vui". Tự nhiên tôi cảm thấy ấm lòng. Và đấy chính là niềm vui đón Tết năm nay của người công nhân vệ sinh, một nghề vẫn còn bị coi nhẹ trong xã hội.

Thời buổi ăn Tết không bắt tay, thậm chỉ không dám chạm cùi chỏ vào nhau, một nụ cười nói lên tất cả sự chân thành và thương mến. Biến cố xảy ra, cuộc sống người dân thay đổi, thậm chí đảo lộn. Tết đến, truyền thống dân tộc vẫn được giữ vững, chỉ cắt bớt cho phù hợp với hoàn cảnh thực tế. Rác vẫn nhiều. Vẫn cần những con người đeo khẩu trang cả năm để dọn dẹp. Dưới mỗi khuôn mặt được che, chúng ta có thể không thấy biểu cảm của nhau. Nhưng từ mỗi hành động nhỏ bé, mỗi sự quyết tâm, tin tưởng và lòng yêu thương chân thành, tin rằng nước ta sẽ chiến thắng đại dịch, dù Tết này vất vả và kém vui hơn Tết trước.

Cơ cấu giải thưởng của cuộc thi "Ăn Tết thời Covid" gồm:

1 Giải Nhất trị giá 5 triệu đồng và Giấy chứng nhận.

2 Giải Nhì mỗi giải trị giá 3 triệu đồng và Giấy chứng nhận.

3 Giải Ba mỗi giải trị giá 2 triệu đồng và Giấy chứng nhận.

5 Giải Khuyến khích mỗi giải trị giá 1 triệu đồng và Giấy chứng nhận.

Thể thức cuộc thi viết:

- Các bài dự thi viết bằng tiếng Việt, chưa từng đăng trên ấn phẩm báo chí nào. Các bài viết gửi về tòa soạn báo điện tử Dân Việt theo địa chỉ email thoisu@danviet.vn (hoặc số điện thoại: 0903.222411 để hỏi thêm chi tiết) trong thời gian 10 ngày, từ ngày 10/2 (tức 29 Tết) tới hết ngày 20/2 (tức mồng 9 Tết Nguyên đán Tân Sửu). Các bài viết thuộc thể loại báo chí phản ánh, ghi chép, có độ dài tối thiểu 600 chữ, tối đa 1.500 chữ, kèm theo ít nhất 2 - 3 ảnh thực tế phản ánh trong bài viết, có chú thích rõ ràng.

- Các bài dự thi gửi về tòa soạn phải ghi rõ tiêu đề "Bài dự thi "Ăn Tết thời Covid" của báo Dân Việt", trong đó ghi rõ họ tên, tuổi, địa chỉ (rõ ràng để có thể liên hệ), số điện thoại và tài khoản ngân hàng (trong trường hợp tác phẩm được đăng tải, Tòa soạn có thể gửi nhuận bút cho các tác giả ở xa thuận lợi nhất).

- Ban Tổ chức sẽ lựa chọn những bài viết chất lượng nhất để đăng tải trên báo điện tử Dân Việt, sau đó tiến hành chấm giải với những bài được đăng và làm lễ trao giải sau Tết. Các bài đoạt giải sẽ được công bố trên báo điện tử Dân Việt.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem