Bài dự thi "Ăn Tết thời Covid": Tết năm nay đò thưa, chợ vắng

Nguyễn Thị Thu Thủy Chủ nhật, ngày 21/02/2021 06:00 AM (GMT+7)
Tôi sinh ra và lớn lên ở một xã thuộc huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang. Nơi gia đình tôi sinh sống là vùng giáp ranh với tỉnh Bạc Liêu và tỉnh Hậu Giang. Và đây cũng là nơi dân gian có câu rằng "gà gáy ba tỉnh đều nghe".
Bình luận 0

Người dân quê tôi sống chủ yếu nhờ vào cây lúa. Có lẽ, cuộc sống quanh năm vất vả nên nhiều người cũng lần lượt rời quê lên thành phố tìm việc làm. Xóm tôi chỉ rộn ràng khi Tết đến Xuân về. Khi đó những người đi làm ăn xa mới có dịp về thăm nhà, thăm quê và tụ họp gia đình. Thế nhưng, Tết năm nay thì không khí khác hẳn mọi năm do dịch Covid-19. Thực hiện chủ trương ai ở đâu thì ăn Tết ở đó, nhiều người đã không thể cùng gia đình vui vầy, sum họp.

Tết năm nay đò thưa, bến vắng

Quê hương tôi có dòng sông Cái Lớn hiền hòa chảy ngang, những nhánh sông quê mang phù sa đến ruộng đồng cho cây lúa thêm tươi tốt và trái khóm thêm vị ngọt. Vì thế, nơi đây vẫn còn chuyến phà ngang qua lại mỗi ngày. Các năm trước, từ những ngày cận Tết đến sau Tết, lượng khách và các phương tiện qua lại tăng cao nên phà cũng được tăng cường lên hai chiếc hoạt động cùng lúc. Những chuyến phà ngày Tết không chỉ chở khách sang sông mà nó còn chở ân tình của những người con xa quê trở về.

Tết năm nay, phà vẫn hoạt động, vẫn đưa đón khách sang sông. Dù có tăng cường thêm một chiếc nhưng cũng chỉ neo bến và hoạt động một chiếc mà thôi. Trên bến phà, số lượng hành khách và phương tiện ít hẳn hơn mọi năm. Nhớ năm rồi, mặc dù có đến hai chiếc phà nhưng phương tiện vẫn nối nhau dài chờ phà tới.

img
img

Phà trên dòng sông Cái Lớn trước dịp Tết Nguyên Đán năm 2020 (ảnh trái) và năm 2021.

Hôm mùng ba Tết, tôi đi chúc Tết cùng chị gái. Trong lúc qua phà, chị nói: Năm nay qua phà khỏe he. Tết nhứt gì mà bến phà vắng quá.

Khi trở về đến nhà, má tôi lại bước ra và hỏi: Bữa nay Tết chắc kẹt phà lắm phải không?

Không má ơi, Tết năm nay Covid mà má. Tôi đáp.

Ngoài bến phà trên dòng Cái Lớn, từ nhà tôi để đi đến huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu thì phải qua chuyến đò ngang. Đò từ Kiên Giang qua huyện Hồng Dân nhỏ nên chở không được nhiều. Thêm vào đó, Tết đến nhiều người nên mất thời gian chờ đợi. Riêng năm nay, qua đò chẳng phải chờ lâu.

Chỉ có dịp sang những chuyến phà hay chuyến đò ngang mới thấy sự khác biệt của cái Tết thời Covid. Đó là cảnh đò thưa, bến vắng. Sự vắng vẻ, thưa thớt ấy một phần do người dân làm ăn xa không trở về quê ăn Tết, phần do những người đang sinh sống ở quê thì cũng hạn chế đi chúc Tết nhau. Thôi thì, năm nay phà, đò đành ngậm ngùi chờ khách sang sông và hoài niệm về Tết những cái Tết trong dĩ vãng.

Chợ quê cũng vắng hơn xưa

Tôi đang sống và làm việc ở một trường đại học cách xa nhà khoảng 50 km. Mỗi năm, khi được nghỉ Tết, tôi đều trở về nhà ngay. Vậy đó, nói là về sớm nhưng khi về đến nhà thì xuân cũng đã bước đến trước ngõ. Và vào những ngày cận Tết, tôi đều tranh thủ chở má đi chợ, sẵn để ngắm nhìn khung cảnh của chợ Tết quê mình. Đôi khi tôi tự hỏi: Tết là gì mà sao ai cũng mong chờ? Chỉ biết rằng, riêng tôi, mỗi năm đều mong chờ Tết vì tôi có hẹn với Tết quê.

Chợ quê tôi ngày 29 Tết.

Chợ quê tôi ngày 29 Tết.

Chợ quê tôi là chợ xã nhưng cũng khá sầm uất, tấp nập cảnh mua bán. Vào dịp Tết thì cảnh mua bán càng đông đúc hơn. Với tôi, chợ Tết có rất nhiều điều thú vị lắm. Đó còn là nơi để mình tìm lại ký ức xa xưa, nhất là thuở bé háo hức theo má đi chợ Tết.

Năm nay, tôi cũng chở má đi chợ Tết như mọi năm. Chợ Tết quê mình năm nay vẫn bán đủ thứ đặc trưng của Tết. Chợ vẫn nồng nàn hương vị ngày Xuân và đong đầy tình người mua bán. Chỉ có điều không còn cảnh chen lấn ở chợ. Ngoài ra, người dân vào chợ bắt buộc phải mang khẩu trang.

Nhiều tiểu thương chợ cho biết do ảnh hưởng của Covid nên họ cũng lấy hàng ít hơn mọi năm. Họ đã đoán không sai, năm nay sức mua giảm hẳn. Các năm trước, trên chuyến phà dòng Cái Lớn có rất nhiều xe tải vận chuyển nông sản, hoa tươi.... về các chợ quê. Còn năm nay thì thưa thớt những chuyến hàng.

Tết của năm nay, Tết của thời Covid sẽ là cái Tết đáng nhớ với mỗi người. Với riêng tôi, đó là hình ảnh phiên chợ ngày xuân với cái ngáp ngắn ngáp dài của những tiểu thương và niềm tiếc nuối của họ về mùa Tết năm cũ: "Giá mà được như năm ngoái", "Ước giờ không có dịch bà ơi..."

Thôi thì hy vọng dịch Covid sớm qua đi. Lòng tôi sẽ mong chờ về một mùa Xuân tiếp theo. Một mùa Xuân an lành không còn dịch bệnh. Hẹn Tết năm sau, tôi cũng vẫn đi chợ Tết cùng má để tìm lại không khí phiên chợ Tết quê đúng nghĩa trên quê hương yên bình.

Cơ cấu giải thưởng của cuộc thi "Ăn Tết thời Covid" gồm:

1 Giải Nhất trị giá 5 triệu đồng và Giấy chứng nhận.

2 Giải Nhì mỗi giải trị giá 3 triệu đồng và Giấy chứng nhận.

3 Giải Ba mỗi giải trị giá 2 triệu đồng và Giấy chứng nhận.

5 Giải Khuyến khích mỗi giải trị giá 1 triệu đồng và Giấy chứng nhận.

Thể thức cuộc thi viết:

- Các bài dự thi viết bằng tiếng Việt, chưa từng đăng trên ấn phẩm báo chí nào. Các bài viết gửi về tòa soạn báo điện tử Dân Việt theo địa chỉ email thoisu@danviet.vn (hoặc số điện thoại: 0903.222411 để hỏi thêm chi tiết) trong thời gian 10 ngày, từ ngày 10/2 (tức 29 Tết) tới hết ngày 20/2 (tức mồng 9 Tết Nguyên đán Tân Sửu). Các bài viết thuộc thể loại báo chí phản ánh, ghi chép, có độ dài tối thiểu 600 chữ, tối đa 1.500 chữ, kèm theo ít nhất 2 - 3 ảnh thực tế phản ánh trong bài viết, có chú thích rõ ràng.

- Các bài dự thi gửi về tòa soạn phải ghi rõ tiêu đề "Bài dự thi "Ăn Tết thời Covid" của báo Dân Việt", trong đó ghi rõ họ tên, tuổi, địa chỉ (rõ ràng để có thể liên hệ), số điện thoại và tài khoản ngân hàng (trong trường hợp tác phẩm được đăng tải, Tòa soạn có thể gửi nhuận bút cho các tác giả ở xa thuận lợi nhất).

- Ban Tổ chức sẽ lựa chọn những bài viết chất lượng nhất để đăng tải trên báo điện tử Dân Việt, sau đó tiến hành chấm giải với những bài được đăng và làm lễ trao giải.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem