Đi quanh những cánh đồng lúa, vườn cây ăn trái hay trên đường dẫn nước vào đồng ruộng ở ĐBSCL dễ dàng nhìn thấy rác thải VTNN. Anh Lê Tấn Lắm, ấp Bình An, phường Phước Thới, quận Ô Môn (Cần Thơ), làm 1 ha lúa cho biết: "Từ khi sạ cho đến thu hoạch tôi phải sử dụng từ 4 - 6 lần phun thuốc. Năm nào nhiều sâu bệnh phải tăng cữ phun lên 8-10 lần/vụ. Nói thiệt, mỗi lần phun xịt lúa xong là mệt nhoài, còn sức đâu mà gom vỏ chai. Nông dân chúng tôi sử dụng xong là vứt chai, vỏ bao thuốc lại ruộng".
Rác thải VTNN trên đồng ruộng gây ảnh hưởng sức khỏe con người.
ThS. Nguyễn Hữu An, Chi cục trưởng Chi cục BVTV An Giang cho biết, theo điều tra qua 3 vụ SX lúa trong năm 2010 có khoảng 5.693 tấn thuốc BVTV vứt bỏ trên đồng; trong đó vỏ bao bì 894,5 tấn, tương đương 14,64% lượng thuốc sử dụng.
"Vấn đề quan trọng nhất là nâng cao nhận thức cho người nông dân về việc sử dụng thuốc 4 đúng, ý thức gom bao, vỏ thuốc khi dùng. Để bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng, bà con cần phải tự giác nâng cao ý thức thu gom rác thải VTNN. Sau khi sử dụng xong nên phân loại rác thải và bỏ đúng nơi quy định...", ông An chia sẻ.
TS.Phạm Văn Toàn, Phó trưởng Bộ môn Kỹ thuật môi trường, Khoa Môi trường & tài nguyên thiên nhiên, ĐH Cần Thơ cho biết, ngày càng có nhiều loại thuốc BVTV, kích thích tăng trưởng được sử dụng trên đồng ruộng.
Nguồn gốc xuất xứ, thành phần hóa học phức tạp, trong đó có không ít loại có độ độc hại cao, khả năng lưu giữ trong môi trường lâu. "Sử dụng các loại hóa chất trên lâu dài sẽ làm cho đất, nước, nông sản bị ô nhiễm không bảo đảm sức khoẻ cho người sử dụng.
Hoá chất sử dụng ngày càng nhiều nhưng các biện pháp làm sạch môi trường đồng ruộng, diệt trừ mầm bệnh trước khi bước vào vụ SX lại ít được nông dân quan tâm thực hiện, do vậy lượng hoá chất BVTV còn đọng lại ở vỏ chai, bao bì làm ảnh hưởng đến môi trường rất lớn...", ông Toàn nói.
(Theo NNVN)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.