Bây giờ chúng ta cho phép lấp Vịnh Hạ Long, sau này con cháu cũng sẽ lấp được!

Hà Tùng Long Thứ ba, ngày 14/11/2023 14:33 PM (GMT+7)
Đề cập đến vụ lấp Vịnh Hạ Long gây ồn ào ở Cẩm Phả, Quảng Ninh, GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, bây giờ chúng ta cho phép một vài tổ chức hoặc cá nhân lấp Vịnh, sau này con cháu chúng ta sẽ học theo, lấp được một chỗ rồi lấp nhiều chỗ.
Bình luận 0

Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) có nhiều quy định mới

Mới đây, Bộ VHTTDL đã tổ chức lấy ý kiến đóng góp xây dựng Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) lần thứ 3 để sớm hoàn thiện văn bản theo đúng tiến độ đề ra.

Tại sự kiện, bà Lê Thị Thu Hiền - Cục trưởng Cục Di sản văn hóa báo cáo tóm tắt nội dung Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Theo đó, Luật Di sản văn hóa gồm 10 chương, 154 điều với một số những nội dung mới và lần đầu tiên xuất hiện, trong đó có nội dung liên quan đến bảo vệ, phát huy giá trị di sản tư liệu; hợp tác quốc tế về di sản văn hóa...

Bây giờ chúng ta cho phép lấp Vịnh Hạ Long, sau này con cháu cũng sẽ lấp được! - Ảnh 1.

Toàn cảnh hội nghị lấy ý kiến đóng góp xây dựng Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Ảnh: Huấn Trần

Nhiều quy định mới được bổ sung như: Quy định biện pháp xử lý đối với các trường hợp di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam sau khi được đưa vào các danh sách của UNESCO không thực hiện đúng Chương trình hành động bảo vệ di sản đã cam kết với UNESCO; Bổ sung quy định liên quan đến loại hình Tập quán xã hội và tín ngưỡng; quy định cụ thể về loại hình Ngữ văn dân gian và Nghệ thuật trình diễn dân gian; Chính sách khuyến khích việc sưu tầm, biên soạn, dịch thuật, thống kê, phân loại và lưu giữ các tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học, ngữ văn truyền miệng; Quy định thực hiện chế độ báo cáo kiểm kê hàng năm; công bố Danh mục quốc gia di sản văn hóa phi vật thể; Chương trình hành động quốc gia, các báo cáo quốc gia, đề án bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể; Quy định Khu vực Đô thị mang những giá trị tiêu biểu đặc trưng về các khía cạnh lịch sử, văn hóa, nghệ thuật đối với dân cư địa phương, quốc gia, hoặc cộng đồng quốc tế...

Chia sẻ với Dân Việt, GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, theo như tờ trình của Bộ VHTTDL thì Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) có những thay đổi tích cực về mặt chính sách.

"Tôi cho rằng, việc điều chỉnh và cụ thể hóa một số quy định hiện hành để những người thực hành di sản và quản lý di sản có thể thực thi một cách thuận lợi là sự đổi mới. Trong dự thảo lần này có nói đến một khái niệm rất mới đó là Di sản tư liệu. Suốt thời gian vừa qua, Việt Nam chúng ta có 11 di sản được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới. Đây là những điểm rất mới của Luật. Trong quan điểm cá nhân, tôi cho là chúng ta nên tập trung vào di sản tư liệu thật là tốt nhưng có nên xếp nó là loại di sản thứ ba không. Chúng ta phải tính toán thật kỹ về điều này", GS Nguyễn Minh Thuyết bày tỏ.

Bây giờ chúng ta cho phép lấp Vịnh Hạ Long, sau này con cháu cũng sẽ lấp được! - Ảnh 2.

Bà Lê Thị Thu Hiền - Cục trưởng Cục Di sản văn hóa báo cáo tóm tắt nội dung Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Ảnh: Huấn Trần

Vụ lấp Vịnh Hạ Long dù với mục đích gì cũng không được phép

Phát biểu đóng góp tại hội nghị, ông Phạm Đình Huỳnh - Phó Trưởng Ban Quản lý Vịnh Hạ Long cho rằng, những quy định trong việc quản lý vùng đệm, vùng lõi, vùng lân cận của di sản tại Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) vẫn có nhiều điều bất cập. Theo ông Huỳnh, Điều 49, mục 1 quy định về hồ sơ dự án có sự xung đột với Điều 31 của Luật Đầu tư.

Bây giờ chúng ta cho phép lấp Vịnh Hạ Long, sau này con cháu cũng sẽ lấp được! - Ảnh 3.

Cận cảnh khu vực Vịnh Hạ Long bị lấp để xây dựng công trình biệt thự ven biển. Ảnh: TL

Cụ thể, Dự án đầu tư xây dựng công trình trực tiếp phục vụ việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích trong khu vực bảo vệ I và dự án đầu tư cải tạo, xây dựng công trình kinh tế - xã hội ở khu vực bảo vệ II của di tích chỉ được phê duyệt và triển khai thực hiện sau khi có ý kiến chấp thuận bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ VHTTDL đối với Di tích Quốc gia đặc biệt, Di tích Quốc gia; của Sở VHTTDL đối với di tích cấp tỉnh, di tích được kiểm kê. Ông Huỳnh đề nghị có sự thống nhất để khi triển khai dự án tại vùng lõi, vùng đệm của di sản có hướng dẫn cụ thể.

Phó Trưởng Ban Quản lý vịnh Hạ Long cũng góp ý Điều 47 "Bảo vệ yếu tố gốc cấu thành di tích, cảnh quan môi trường - sinh thái thuộc khu vực I, khu vực II của di tích và di sản thế giới". Theo ông, cần có điều khoản do Chính phủ quy định chi tiết về bảo vệ các yếu tố gốc cấu thành di sản, di tích, cảnh quan môi trường, sinh thái.

Ông Huỳnh lấy ví dụ: "Tại di sản Vịnh Hạ Long đã được UNESCO ghi danh bởi giá trị thẩm mỹ, tuy nhiên mọi đánh giá về tác động môi trường hay báo cáo khác không bao giờ đề cập đến; công nhận về giá trị địa chất cũng thế phải quy định rất rõ yếu tố gốc của di sản từ đó các yếu tố đánh giá tác động tới di sản phải thể hiện ra".

Bày tỏ về vấn đề này với Dân Việt, GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, việc "lấn biển" ở Vịnh Hạ Long thời gian qua dù là mục đích gì cũng đều không được phép. Theo GS Thuyết, Vịnh Hạ Long là một kỳ quan vô cùng quý và hiếm. Trên thế giới, không mấy đất nước có một kỳ quan như Vịnh Hạ Long. Vịnh Hạ Long có địa thế và cảnh quan sơn thủy hữu tình là nhờ hệ thống đảo nổi trên mặt nước, được phân bố một cách tự nhiên nhưng lại rất hợp lý. Bây giờ lấn biển, biến đảo thành núi trên cạn thì làm gì còn cảnh đẹp của kỳ quan nữa.

"Tôi nghĩ là không nên lấp biển để xây nhà như thế. Phần lớn các nước có bờ biển rộng họ để rất thoáng, thậm chí nhà cao tầng không cho xây. Tôi đi hàng chục kilomet chỉ thấy biển, rất đẹp. Quảng Ninh rất hạnh phúc khi có di sản vô cùng hiếm có như Vịnh Hạ Long. Và ít nhất, chính quyền lẫn người dân phải hiểu giá trị của di sản để có cách bảo vệ. Không nên vì mục tiêu trước mắt mà làm hỏng di sản mang giá trị nghìn đời. Tôi thấy việc lấn biển để xây nhà cao tầng như thế không cần thiết", GS Nguyễn Minh Thuyết nhấn mạnh.

Bây giờ chúng ta cho phép lấp Vịnh Hạ Long, sau này con cháu cũng sẽ lấp được! - Ảnh 4.

GS Nguyễn Minh Thuyết trao đổi với phóng viên bên lề hội nghị. Ảnh: TL

GS Nguyễn Minh Thuyết trao đổi thêm rằng, Vịnh Hạ Long đã được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới. Nếu bảo vệ di sản không khéo sẽ bị tổ chức này đánh giá lại, xa hơn là thu hồi danh hiệu. Việc này sẽ gây hệ lụy rất lớn.

"Tôi nghĩ việc khắc phục tình trạng lấp biển ở Vịnh Hạ Long hiện tại là rất tốn kém, nhưng vẫn phải khắc phục. Chứ không thể để tình trạng lấp Vịnh Hạ Long như hiện nay được. Bây giờ chúng ta cho phép một vài tổ chức hoặc cá nhân lấp Vịnh, sau này con cháu chúng ta sẽ học theo, lấp được một chỗ rồi lấp nhiều chỗ, lấp tới nửa Vịnh thì còn gì là di sản thiên nhiên thế giới nữa. Tôi nghĩ, người vi phạm phải là người đưa ra giải pháp trước nhất và phải sớm khắc phục khu vực đã lấp để tránh ảnh hưởng đến danh hiệu mà UNESCO đã trao cho Vịnh Hạ Long", GS. Nguyễn Minh Thuyết nêu quan điểm. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem