Biệt thự nơi phát sóng bản Tuyên ngôn độc lập sắp bị phá dỡ

Trọng Nghĩa Chủ nhật, ngày 22/12/2019 06:10 AM (GMT+7)
Là nơi phát sóng bản Tuyên ngôn độc lập nhưng tòa biệt thự sắp bị tháo dỡ để nhường mặt bằng xây dựng đường trên cao Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở (Hà Nội) khiến rất nhiều người dân Hà Nội tiếc nuối.
Bình luận 0

Clip: Nơi phát sóng bản Tuyên ngôn độc lập sắp bị tháo dỡ.

img

Thời gian qua, thông tin căn biệt thự số 128C Đại La - nơi phát đi Bản Tuyên ngôn độc lập ra toàn thế giới, sẽ bị đập bỏ để nhường chỗ cho dự án đường trên cao Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở khiến nhiều người tiếc nuối. 

img

Ngôi biệt thự số 128C Đại La (Hà Nội) chính là Sở Vô tuyến điện của chính quyền thực dân Pháp, là trạm phát sóng vô tuyến điện được người Pháp xây dựng vào tháng 10/1912. Sau đó, cũng chính nơi đây, bản Tuyên ngôn độc lập ra cả nước và thế giới vào trưa 7/9/1945 (sau khi Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội đúng 5 ngày).

img

Căn biệt thự dù đã hơn 100 tuổi nhưng vẫn còn lưu giữ được nhiều nét đẹp của thời kỳ phát triển rực rỡ trong kiến trúc Pháp ở Việt Nam.

img

 Bao trùm lên tòa biệt thự là vẻ rêu phong cổ kính với mái ngói đỏ, những ô cửa màu xanh, lối kiến trúc của Pháp...

img

 Qua thời gian, nhiều phần của căn biệt thự đã xuống cấp, các hàng rào sắt đã hoen gỉ.

img

Lối lên cầu thang của căn biệt thự cổ vẫn giữ được nét đặc trưng của kiến trúc Pháp, tuy nhiên các mảng tường cũng đã bong tróc.

img

Căn biệt thự được xây dựng kiên cố, tường nhà dày đến hơn 40cm.

img

Ông Nguyễn Viết Chung, người hiện đang sinh sống trên tầng 2 của ngôi biệt thự cho biết, bố ông - ông Nguyễn Văn Nhất và mẹ ông - bà Dương Thị Ngân chính là 2 phát thanh viên đầu tiên của Đài Tiếng nói Việt Nam.

img

"Mọi người chắc ai cũng biết câu "Đây là tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội, Thủ đô nước Việt Nam dân chủ cộng hòa", câu đó chính là do mẹ tôi xướng lên trong buổi phát thanh đầu tiên của Đài Tiếng nói Việt Nam, rồi ngay sau đó là giọng bố tôi xướng lại lần nữa", ông Chung bồi hồi kể lại.

img

Dưới tầng 1 là nơi ở của bà Khánh An (chủ biệt thự). Năm 1976, bà theo bố mẹ về sống trong ngôi biệt thự này từ đó cho đến nay. Không gian bên trong ngôi biệt thự cổ vẫn được giữ nguyên vẹn với những đồ đạc đã có tuổi đời cả trăm năm.

img

Chiếc lò sưởi điển hình của kiến trúc Pháp vẫn còn nguyên.

img

Nói về lệnh phá dỡ ngôi biệt thự, bà Khánh An chia sẻ, khi nghe tin bà cảm thấy rất buồn và tiếc nuối. "Đây là nơi diễn ra những sự kiện đánh dấu mốc quan trọng trong lịch sử Việt Nam. Với riêng tôi, nó cũng là nơi gắn với rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ bên gia đình. Vì vậy, tôi vẫn mong rằng thành phố sẽ tìm cách bảo tồn, tu tạo nơi này thay vì phá bỏ", bà An nói thêm. 

img

Ngôi biệt thự Pháp cổ này cũng chính là nơi phát thanh viên nữ đầu tiên của Việt Nam đọc Bản tin đặc biệt  "Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh (vào lúc 20h ngày 19/12/1946) với những âm hưởng hùng tráng một thời: “Đồng bào chú ý. Tiếng đại bác đã nổ. Cuộc kháng chiến bắt đầu. Mời đồng bào và chiến sĩ cả nước nghe mệnh lệnh chiến đấu...” - Một khoảnh khắc đặc biệt của lịch sử dân tộc. 

img

Mới đây, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ - TGĐ Đài TNVN đã ký Công văn gửi UBND TP. Hà Nội về việc phối hợp bảo tồn di tích lịch sử Trạm phát sóng Bạch Mai. Đài TNVN đề nghị TP. Hà Nội quan tâm, chỉ đạo các đơn vị chức năng thực hiện một số phương án bảo tồn như ý kiến của một số chuyên gia trong và ngoài nước để giữ lại tòa nhà hoặc di chuyển sang một vị trí khác, chỉnh trang thành di tích lịch sử.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem