Bình Định: Nuôi thứ gà đi lang thang, cứ bán 1 lứa thu 200 triệu, trừ 100 triệu chi phí còn bỏ túi 100 triệu

Thứ hai, ngày 14/09/2020 19:03 PM (GMT+7)
Phong trào nuôi gà ta thả vườn đồi ở huyện Hoài Ân (tỉnh Bình Định) đang phát triển khá mạnh. Nhiều hộ dân có thu nhập cao từ phương thức chăn nuôi gà ta thả vườn đồi này.
Bình luận 0

Chính quyền địa phương tỉnh Bình Định đang hỗ trợ người chăn nuôi đầu tư mở rộng quy mô nuôi gà ta thả vườn đồi gắn với an toàn dịch bệnh, nhằm nâng cao thu nhập, góp phần đảm bảo mục tiêu của tỉnh Bình Định đến năm 2025 đạt 100 triệu con gà.

Nuôi gà ta thả vườn đồi-Hiệu quả kinh tế cao

Trang trại của ông Đinh Quốc Hiệp, ở thôn Vĩnh Hòa, xã Ân Đức, huyện Hoài Ân (tỉnh Bình Định) nằm dưới chân một quả đồi với rất nhiều loại cây ăn quả, trong đó có khoảng 1 ha đã được ông Hiệp bao bằng lưới để nuôi gà ta thả vườn.

Dẫn chúng tôi tham quan trang trại, ông Hiệp kể: Năm 2014 tôi bắt đầu nuôi gà ta thả đồi. Ban đầu chỉ vài trăm con, sau thấy hiệu quả kinh tế cao nên mở rộng quy mô. Mỗi năm tôi nuôi 2 - 3 lứa gà thả đồi, mỗi lứa 2.000 con trong thời gian 4 tháng...".

Bình Định: Nuôi thứ gà đi lang thang, cứ bán 1 lứa thu 200 triệu, trừ 100 triệu chi phí còn bỏ túi 100 triệu - Ảnh 1.

Bà Vương Thị Ty, ở thôn An Thường 1, xã Ân Thạnh, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định chăm sóc đàn gà ta thả vườn đồi.

Theo ông Hiệp, so với gà nuôi nhốt chuồng, chi phí nuôi gà ta thả vườn đồi thấp hơn nhiều, vì chuồng trại khá đơn giản. Hơn nữa, phần lớn đàn gà tìm thức ăn ở các gò đất, gốc cây trong trang trại và chúng có thể ăn nhiều loại phụ phẩm nông nghiệp, nên giảm được một phần chi phí thức ăn. 

Gà ta vận động nhiều trong môi trường nhiều cây xanh, bóng mát, nên sức đề kháng tốt, ít phát sinh dịch bệnh. Vóc dáng gà thả đồi đẹp, thịt chắc và dai, nên người tiêu dùng rất thích.

"Sản phẩm gà ta thả vườn đồi được một cơ sở chuyên thu mua gia cầm ở TX Hoài Nhơn mua để bán cho các tỉnh miền Trung. Đầu năm 2020, tôi đã xuất 1 lứa gà, thu nhập hơn 200 triệu đồng, lãi ròng gần 100 triệu đồng. Lứa gà thứ 2 trong năm cũng gần đến tuổi xuất chuồng...", ông Hiệp chia sẻ.

Theo ông Lê Phước Tẩn, cán bộ thú y xã Ân Đức, ngoài gia đình ông Hiệp còn có 20 hộ dân khác ở địa phương cũng đã đầu tư nuôi gà thả vườn đồi với tổng đàn trên 60.000 con. 

Phần lớn người dân đều chọn gà giống tại những cơ sở chuyên sản xuất giống gà ta có uy tín ở huyện Tuy Phước, TX An Nhơn (tỉnh Bình Định) về thả nuôi. Người dân đầu tư chăm sóc chu đáo và tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống dịch bệnh.

 Cán bộ thú y xã cũng luôn giám sát hoạt động chăn nuôi gà, tư vấn, hướng dẫn người dân các biện pháp phòng chống dịch cho đàn gà, xử lý kịp thời các tình huống phát sinh, nên các hộ chăn nuôi gà ta đều có thu nhập cao.

Nhiều hộ chăn nuôi gà được hỗ trợ

Phương thức chăn nuôi gà ta thả đồi cũng đang được nhiều hộ dân ở xã Ân Thạnh, huyện Hoài Ân (tỉnh Bình Định) thực hiện hiệu quả. Từ thành công ban đầu, bà Vương Thị Ty, ở thôn An Thường 1 tiếp tục mở rộng quy mô chăn nuôi. 

“Trước đây tôi đầu tư nuôi heo, nhưng bị thua lỗ do dịch tả heo châu Phi, nên chuyển qua nuôi gà. Hiện tôi có 2 trang trại nuôi gà ta thả đồi, trong đó trang trại tại thôn An Thường 1 nuôi 500 con, trang trại tại thôn An Thường 2 thả nuôi 1.000 con. Gà ta thả đồi dễ nuôi, ít dịch bệnh, chi phí đầu vào thấp, nhưng lãi nhiều hơn nuôi heo”, bà Ty chia sẻ.

Cạnh trang trại nuôi gà ta của bà Ty là mô hình chăn nuôi 1.000 gà ta thả vườn đồi theo hướng đặc sản của ông Vương Ngọc Trinh. Tham gia mô hình này, ông Trinh được huyện Hoài Ân (tỉnh Bình Định) hỗ trợ chi phí mua con giống, thức ăn và chế phẩm sinh học, thuốc thú y. 

Cán bộ thú y huyện, xã hướng dẫn cụ thể quy trình kỹ thuật chăn nuôi gà ta. Ông Trinh cho biết: “Đàn gà là tài sản lớn, nên tôi chăm sóc rất chu đáo, áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Sau 3 tháng thả nuôi, đến nay bình quân mỗi con đạt trọng lượng khoảng 1,5 kg. Đàn gà ta phát triển đồng đều, màu sắc đẹp. Sau khi xuất chuồng lứa này, tôi sẽ tiếp tục đầu tư mua gà giống về nuôi”.

Theo ông Nguyễn Thanh Vương, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Hoài Ân (tỉnh Bình Định), trên địa bàn huyện hiện có nhiều hộ đầu tư nuôi gà thả vườn đồi, với khoảng 400 nghìn con, trong đó có 56 hộ chăn nuôi quy mô từ 1.000 con trở lên. 

Phần lớn các hộ nuôi gà ta đều có thu nhập cao và khá ổn định. Nhằm thúc đẩy phương thức chăn nuôi gà ta thả vườn đồi phát triển theo hướng bền vững, năm 2020, huyện Hoài Ân (tỉnh Bình Định)  đã hỗ trợ cho 30 hộ thực hiện mô hình nuôi gà ta thả vườn đồi, trong đó có 28 hộ được hỗ trợ 100% chi phí mua gà giống; 2 hộ khác được hỗ trợ 50% chi phí mua gà, 50% chi phí thức ăn và 50% chi phí mua chế phẩm sinh học, thuốc thú y.

Huyện Hoài Ân (tỉnh Bình Định) cũng đã quy hoạch và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng Trung tâm mua bán động vật tập trung trên địa bàn xã Ân Phong, góp phần ngăn ngừa dịch bệnh phát sinh. Bên cạnh đó, huyện còn tăng cường tìm kiếm thị trường hỗ trợ người dân tiêu thụ sản phẩm gà thả vườn đồi.

Phạm Tiến Sỹ (Báo Bình Định)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem