Bình Dương: Hiểu, chia sẻ và đồng hành cùng công nhân, người lao động

Trần Khánh Thứ sáu, ngày 11/08/2023 15:15 PM (GMT+7)
Với đặc thù phát triển công nghiệp, nhất là trong tình hình khó khăn còn kéo dài như hiện nay, Bình Dương coi tất cả các tháng trong năm đều là “Tháng công nhân” để đồng hành và chia sẻ khó khăn. Bởi vì công nhân, người lao động là tài sản quý của doanh nghiệp, là nguồn lực phát triển của tỉnh
Bình luận 0

Nhiều hoạt động giúp người lao động vượt qua khó khăn

Ông Nguyễn Liêm - Giám đốc Công ty CP Lâm Việt (TP.Tân Uyên) cho biết,  công ty luôn ý thức rõ người lao động là nguồn lực rất quan trọng. Nhất là trong giai đoạn khó khăn hiện nay, nhiều doanh nghiệp trong ngành phải giảm quy mô sản xuất do thiếu đơn hàng.

Công ty CP Lâm Việt vẫn đang cố gắng giữ chân người lao động bằng cách chia ca sản xuất luân phiên và duy trì thưởng cho người lao động tùy theo vị trí, theo năng suất. Phụ nữ có thai, có con nhỏ, đều có chính sách hỗ trợ.

Hiện công ty Lâm Việt tạo ra ứng dụng "Vui app" để anh em công nhân có thể ứng tiền bất cứ lúc nào, từ khoản tiền mà người lao động có thể tạo làm ra trong tháng, ông Liêm kể.

Người lao động trong ngành gỗ đang gặp nhiều khó khăn do doanh nghiệp giảm đơn hàng. Ảnh: Trần Khánh

Người lao động trong ngành gỗ đang gặp nhiều khó khăn do doanh nghiệp giảm đơn hàng. Ảnh: Trần Khánh

Công ty TNHH ASG Vina ở TP.Thuận An chuyên sản xuất ba lô túi xách xuất khẩu. Ông Nguyễn Lê Trí - Trưởng Phòng Quản lý nhân sự công ty cho biết, công ty thường xuyên tổ chức các hoạt động hỗ trợ vật chất đối với các công nhân gặp hoàn cảnh khó khăn.

Vừa qua, công ty đã thực hiện 2 lần hỗ trợ kinh phí, mỗi lần tương ứng 25% mức lương cơ bản. Công ty cũng chủ động điều chỉnh tăng lương để anh chị em công nhân với bớt phần nào những khó khăn trong cuộc sống.

Do thị trường châu Âu bị ảnh hưởng, đơn hàng xuất khẩu của công ty không còn dồi dào như trước. Nhờ nỗ lực tìm kiếm thị trường mới, đến nay, trong tổng số 1.150 công nhân, chưa có công nhân nào bị mất việc vì thiếu đơn hàng.

Tất nhiên công ty không còn tăng ca như ngày trước những vẫn nỗ lực tổ chức làm thêm giờ vào những ngày cuối tuần. "Đây là nỗ lực để giúp người lao động ổn định việc làm, thu nhập, yên tâm gắn bó cùng công ty vượt qua những tháng ngày khó khăn", ông Trí chia sẻ.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương thăm hỏi, tặng quà cho các công nhân có hoàn cảnh khó khăn trong Tháng công nhân. Ảnh: Trần Khánh

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương thăm hỏi, tặng quà cho các công nhân có hoàn cảnh khó khăn trong Tháng công nhân. Ảnh: Trần Khánh

Ông Lê Văn Hạnh (54 tuổi) đã làm việc tại Công ty TNHH Sản Xuất Bao Bì Alcamax (TP.Thuận An) được 16 năm. Năm 2014, ông Hạnh bị tai nạn lao động xe nâng, thương tật 62%.

Vợ của ông Hạnh đã qua đời trong đại dịch Covid-19 vừa qua. Ông Hạnh có 3 người con. Riêng người con út chưa đủ tuổi lao động nên ông phải tiếp tục chăm sóc.

Do tình hình khó khăn chung của kinh tế, công ty thiếu đơn hàng, công nhân không còn tăng ca nhiều như trước. Ông Hạnh đang hưởng mức lương cơ bản 5,7 triệu đồng/tháng, ngoài ra không còn thu nhập khác.

Ông Hạnh kể, tại công ty, ông được các cấp công đoàn quan tâm, bố trí công việc phù hợp với sức khỏe. Tháng 5 vừa qua, ông Hạnh là 1 trong nhiều công nhân được nhận quà hỗ trợ Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương.

"Nhận thêm được phần quà từ công đoàn tỉnh, tôi vui lắm. Những sự hỗ trợ kịp lúc như thế, giúp công nhân có thêm động lực vượt qua khó khăn thường nhật", ông Hạnh nói.

Chị Phạm Thị Thu Ba, công nhân Công ty TNHH Signal có chồng bị tai nạn lao động (do tổn thương não, đang điều trị). Cuộc sống gia đình chị gặp nhiều khó khăn do đồng lương hạn hẹp.

Hàng ngày chị Ba đến đại lý, lấy vé số về để chồng đi bán dạo. Chị cũng lấy thêm một phần vé số, vào công ty bán lại cho anh chị em đồng nghiệp.

Liên đoàn lao động tỉnh và HĐND tỉnh Bình Dương đến nhà trọ thăm hỏi, động viên công nhân có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: Trần Khánh

Liên đoàn lao động tỉnh và HĐND tỉnh Bình Dương đến nhà trọ thăm hỏi, động viên công nhân có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: Trần Khánh

Ở kế bên, chị Huỳnh Thị Yến Nhi cũng có hoàn cảnh khó khăn tương tự. Con của chị bị bệnh hở hàm ếch bẩm sinh. Cuộc sống công nhân khó khăn nên không có điều kiện đưa bé đi khám chữa.

Mới đây, chị Ba và chị Nhi là 2 trong nhiều trường hợp được lãnh đạo tỉnh đến trực tiếp nhà trọ thăm hỏi, tặng quà và các phiếu khám chữa bệnh.

Giải quyết hài hòa quan hệ lao động

Bà Nguyễn Kim Loan - Chủ tịch Liên đoàn lao động tỉnh cho biết, Bình Dương đang có trên 1,3 triệu công nhân lao động, tỷ lệ công nhân lao động/số người trong độ tuổi lao động đạt khoảng 77%.

Toàn tỉnh hiện có 4.124 công đoàn cơ sở, với 822.001 đoàn viên công đoàn/ 882.069 công nhân lao động (trong các đơn vị có tổ chức công đoàn).

Cùng với việc thực hiện tốt các chế độ chính sách liên quan đến đoàn viên, người lao động; các cấp công đoàn tỉnh tăng cường kết nối thông tin tuyển dụng ở các doanh nghiệp, tạo điều kiện để người lao động thất nghiệp sớm tìm được việc làm, ổn định thu nhập.

Các công đoàn cơ sở cũng đang phối hợp tốt cùng người sử dụng lao động, tổ chức và duy trì tổ chức đối thoại định kỳ với người lao động. Việc này nhằm đảm bảo các kiến nghị bức xúc của người lao động được kịp thời giải quyết. Vụ hơn 1.600 công nhân Công ty CP Green River Furniture (TP.Tân Uyên) ngừng việc tập thể đầu tháng 7 vừa qua là một ví dụ.

Công nhân của Công ty CP Green River Furniture (TP.Tân Uyên) đã trở lại làm việc sau khi cán bộ công đoàn đối thoại với doanh nghiệp và người lao động. Ảnh: T.L

Công nhân của Công ty CP Green River Furniture (TP.Tân Uyên) đã trở lại làm việc sau khi cán bộ công đoàn đối thoại với doanh nghiệp và người lao động. Ảnh: T.L

Trước đó, Công ty CP Green River Furniture bị giảm đơn hàng kéo dài. Doanh thu thua lỗ khiến công ty tính tới phương án cắt giảm 500 lao động, hoặc cắt thưởng tháng thứ 13.

Ngày 1/7, Ban giám đốc Công ty thông báo, năm 2023, công nhân chỉ nhận 50% lương tháng 13 và tiền thâm niên. Đến ngày 5/7, hơn 1.600 công nhân của công ty đã ngừng việc tập thể vì không đồng tình.

Các công nhân cho rằng, giá cả hàng hóa tăng cao, đời sống của người lao động khó khăn. Tiền thưởng tháng 13 là khoản thu nhập đáng kể, được công nhân người lao động mong chờ sau 1 năm làm việc.

Ngay khi xảy ra vụ việc, cán bộ Liên đoàn Lao động TP.Tân Uyên và Liên đoàn Lao động tỉnh đã trực tiếp xuống công ty cùng với công nhân đối thoại, thương thuyết với doanh nghiệp.

Ngày 7/7, công ty đã ra quyết định mới, giữ nguyên lương thưởng tháng 13 cho năm 2023. Sau đó các công nhân đã trở lại làm việc bình thường. Ban giám đốc Công ty tiếp tục nỗ lực tìm kiếm thêm đơn hàng, đảm bảo việc làm ổn định cho công nhân.

Ông Nguyễn Hoàng Thao – Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Bình Dương thăm và tặng quà công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn TP.Thuận An. Ảnh: Trần Khánh

Ông Nguyễn Hoàng Thao – Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Bình Dương thăm và tặng quà công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn TP.Thuận An. Ảnh: Trần Khánh

Ông Phạm Văn Tuyên - Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, Sở cũng thường xuyên triển khai các giải pháp kết nối cung cầu lao động. Trung tâm Dịch vụ việc làm (thuộc Sở) thu thập thông tin, kịp thời kết nối người lao động tiếp cận với các vị trí việc làm ngay trong ngày.

Sở cũng chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tăng cường tổ chức tiếp nhận, giải quyết hồ sơ thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp cho người lao động nhanh, đúng và kịp thời.

6 tháng qua, Bình Dương có hơn 29.600 người lao động có quyết định hưởng Bảo hiểm thất nghiệp với số tiền chi trả trợ cấp thất nghiệp 717.490 tỷ đồng. "Với mức hưởng bình quân Bảo hiểm thất nghiệp gần 4 triệu đồng/tháng, đây là nguồn tài chính góp phần ổn định cuộc sống của những lao động thất nghiệp, đang tìm kiếm việc làm mới", ông Tuyên cho biết.

Ông Nguyễn Hoàng Thao – Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Bình Dương cho biết, đội ngũ công nhân, người lao động ở Bình Dương đang đối diện nhiều khó khăn do biến động kinh tế thế giới.

Bình Dương xác định cộng đồng doanh nghiệp và người lao động trên địa bàn tỉnh là nguồn động lực rất quan trọng cho sự phát triển của tỉnh. Với công nhân, người lao động, ông Thao đề nghị: Trong nhà máy là công nhân, ngoài xã hội là công dân; ở vị trí nào cũng cố gắng làm tốt vai trò của mình. 

Trong nỗ lực của mình, ông Thao đề nghị chủ doanh nghiệp cần tính toán, đảm bảo hài hòa nhu cầu của người lao động.

"Ngoài mục tiêu nâng cao giá trị lợi nhuận thì ý nghĩa nhân văn của doanh nghiệp là tạo ra công ăn việc làm; ổn định, nâng cao chất lượng đời sống công nhân, người lao động. Tất cả cùng vì mục tiêu chung mà gắn bó và phát triển", Phó bí thư chia sẻ.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem