Mang nợ vì buôn lậu
Cách đây hơn chục năm, vùng biên giới Đức Huệ nhắc tới tên Trần Văn Bàng, ai cũng biết. Anh Bàng sinh năm 1972, ngụ xã Mỹ Quý Đông, trước khi làm “nghề” buôn lậu từng có 2 năm làm công an cùng anh ruột là Trần Văn Luận. Đùng một cái, hai anh em Luận Bàng... bỏ nghề, đi buôn lậu. Buôn lậu chưa được 10 năm, Bàng bị Công an Tây Ninh phát lệnh truy nã toàn quốc do dính líu đến một đường dây buôn lậu lớn. Giữa năm 2006, trong một lần bỏ chạy khi thấy công an, Bàng bị bắn gãy chân, nằm bệnh viện điều trị 4 tháng mới đi lại được.
Anh Trần Văn Bàng và mô hình trồng bạch đàn.
Sau khi xuất viện, Công an Tây Ninh tạm giữ anh hết 9 ngày để điều tra, sau đó phạt hành chính vì chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. “Trốn chạy rồi bị bắn, mẹ tôi đã vay tiền khắp nơi để cứu cho tôi khỏi què quặt. Tôi đã suy nghĩ rất nhiều, mong tìm hướng đổi đời. Đến năm 2006, một đàn anh tên Lê Minh Phăng ở xã Bình Hòa Nam cùng huyện, khét tiếng trong giới buôn lậu thuốc lá sau khi bị kêu án đã giải nghệ, trở thành tỷ phú nông dân đã làm tôi nghĩ đến chuyện bám đất mà sống” – anh Bàng kể.
Chủ trang trại Lê Minh Phăng
Hàng chục đàn em dưới trướng của tui giờ giải nghệ hết rồi. Ai cũng lo làm ăn đang hoàng. Mà thiệt, làm nông dân thứ thiệt thì không lo bị đói.
Bắt chước tỷ phú chanh Lê Minh Phăng, anh Bàng cũng trồng 2 ha chanh. Có nhiều đất trống, anh trồng 15.000 cây mai vàng để “chờ thời”. Chỉ trong vòng 5 – 6 năm, với vốn quay vòng từ cây chanh, anh Bàng chuyển qua trồng dừa và bạch đàn trên diện tích khoảng 30 ha đất nhà. Trong thời gian này, thấy ai “chán” đất kêu bán là anh mua gom. Đến năm 2012, anh đã có trong tay 60 ha đất. Trồng chanh hiệu quả cao nhưng rất vất vả, không thể trồng trên diện tích lớn nên cuối năm 2011, anh Bàng thu hoạch lứa cuối cùng và chuyển hẳn đất đai theo mô hình trang trại nông lâm thủy sản. “Cây bạch đàn đầu tư nhẹ vốn, lại không cần chăm sóc gì, cứ cắm lên, tưới nước vài lần cho cây sống rồi bỏ đó. Sau 4 năm là thu hoạch lần đầu, sau đó cây mọc lại, cứ 3 năm là thu hoạch đợt kế tiếp. Hiện nay, cứ mỗi ha bạch đàn có lãi khoảng 100 triệu đồng/ đợt thu hoạch (3 năm thu hoạch 1 lần), tính ra là hơn làm lúa” – anh Bàng nói.
Không chỉ có trang trại rộng tới 60ha, anh Bàng còn mở đại lý vật tư nông nghiệp để cung ứng cho nông dân và các đại lý nhỏ trong vùng. “Hồi trước buôn lậu tôi phải trốn chui trốn nhủi, không biết tù tội ngày nào. Giờ làm nông dân, nuôi 4 con ăn học đàng hoàng, tôi mới thấm thía câu đất không phụ người. Chỉ cần mình chăm chỉ làm ăn thì cuộ sống chắc chắn phải thay đổi” – anh Bàng quả quyết.
Nhờ nghề nông làm lại cuộc đời
Tấm gương mà anh Bàng nhắc tới là anh Lê Minh Phăng (ngụ ấp 4, xã Bình Hòa Nam, huyện Đức Huệ), từng bị kêu án 6 năm tù vì buôn lậu và thường xuyên... đánh công an. Những năm 1990 của thế kỷ trước, vùng “tam giác sắt” (nơi tiếp giáp 3 tỉnh Long An, Tây Ninh của Việt Nam và tỉnh Svay Rieng của Campuchia) gần như là lãnh địa của giới buôn lậu khu vực biên giới Tây Nam. “Trùm Phăng” được coi là “có số” trong giới buôn lậu bởi khả năng “đánh hơi” và luồn lách rất giỏi nên lực lượng chống buôn lậu của huyện, thậm chí đặc nhiệm của tỉnh vẫn không bắt được. Nhanh nhẹn và sức khỏe hơn người, trùm Phăng nhiều lần chống lại lực lượng chức năng để giật lại tang vật, thậm chí dùng mái dầm tấn công công an. Hồ sơ về trùm Phăng càng lúc càng dày nhưng tay trùm này vẫn chưa bị bắt. Mãi đến cuối năm 1996, một đàn em của Phăng ra đầu thú và chỉ điểm nên Phăng bị bắt tại nhà, sau đó bị tuyên án 6 năm tù. Do hoàn cảnh khó khăn, anh được hoãn thi hành án.
Anh Lê Minh Phăng chuẩn bị đất trồng cỏ nuôi bò.
Chỉ có 2 công đất phèn, trồng mía không đủ sống, anh Phăng làm liều trồng chanh. Khi miếng đất 2 công chanh vẫn chưa thu hoạch thì cái hạn tạm hoãn thi hành án sắp hết. Nằm gác tay lên trán suy nghĩ nhiều đêm, cuối cùng anh lại làm cú liều thứ 2 khi trốn luôn vào bưng vỡ đất hoang để trồng chanh. Đội thi hành án lùng sục nhiều năm liền nhưng vẫn không bắt được.
Đầu năm 2005, khi thu hoạch từ cây chanh dư sức nuôi sống vợ con, Lê Minh Phăng ra trình diện công an. Nhờ cải tạo tốt, anh Phăng được làm Đội trưởng Đội trật tự trong trại giam. Với “uy tín” khét tiếng một thời, nhiều phạm nhân trong tù luôn xem Lê Minh Phăng như “anh cả”. Năm 2007 anh được đặc xá.
Từ đó đến nay, nhờ chí thú làm ăn nên vườn chanh nhà anh cũng rộng ra. Hiện anh Phăng đang làm đất trên diện tích 2 ha để trồng cỏ nuôi trâu, bò. Anh có 20 ha đất, trong đó 5ha trồng chanh xen lẫn đu đủ, mỗi năm thu lãi hơn 1 tỷ đồng.
Hữu Danh (Trang Trại Việt)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.