Bộ quy tắc phòng chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc có gì mới?

Thùy Anh Thứ sáu, ngày 16/09/2022 12:24 PM (GMT+7)
Bộ LĐTBXH đã lấy ý kiến xong về Bộ quy tắc phòng chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc (sửa đổi). Dự kiến từ giờ tới cuối năm sẽ trình Ủy ban quan hệ lao động quốc gia phê duyệt.
Bình luận 0

Phòng chống quấy rối tình dục nơi làm việc góp phần nâng cao năng suất lao động

Sáng nay (16/9), trong khuôn khổ của buổi Hội thảo Tập huấn báo chí về chủ đề phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc ông Nguyễn Văn Bình - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ LĐTBXH) đã chia sẻ một số thông tin liên quan tới Dự thảo Bộ quy tắc phòng chống, quấy rối tình dục tại nơi làm việc.

Ông Bình cho biết, năm 2012 Luật lao động có đề cập tới vấn đề phòng chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc nhưng chưa nhiều. Sau đó, đến năm 2015, Bộ LĐTBXH đã xây dựng ban hành Bộ quy tắc phòng chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Đến năm 2019 Bộ Luật lao động có đưa vấn đề này vào và tiếp đó, Chính phủ có ban hành Nghị định 145 quy định cụ thể định nghĩa về quấy rối tình dục; xác định trách nhiệm các bên; quy định phải xây dựng tổ chức giải pháp phòng chống quấy rối tình dục nơi làm việc...

Tuy nhiên vì tính chất đặc thù của vấn đề nên nhiều nội dung không thể cụ thể hóa trong các văn bản pháp luật (Ví dụ như: Khái niệm "nơi làm việc"; khái niệm hành vi quấy rối...) vì thế không thực hiện được.

quấy rối tình dục nơi làm việc

Nhiều hành vi quấy rối tình dục nơi làm việc chưa được cụ thể, khó khăn cho việc xét xử. Ảnh:M.H

Cũng theo ông Bình có nhiều hành vi quấy rối tình dục không thể mô tả bằng lời, không thể diễn đạt: Như nháy mắt, nhìn gợi tình... bị người đối diện cảm thấy khó chịu, bởi vậy cần phải có một quy tắc để cụ thể hóa những hành vi quấy rối cụ thể. Bộ Quy tắc sẽ giúp doanh nghiệp nhận diện rõ các hành vi quấy rối, xác định rõ "môi trường làm việc" quy trình xử lý...

"Triển khai bộ quy tắc này còn có ý nghĩa quan trọng, không chỉ tạo ra một môi trường làm việc an toàn cho người lao động, góp phần nâng cao năng suất lao động cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp phát triển mà con giúp Việt Nam thực hiện các cam kết quốc tế", ông Bình nói.

Ông Bình cũng cho rằng, bộ quy tắc là cơ sở để các doanh nghiệp, người sử dụng lao động không phân biệt, đối xử giới. Trong khuôn khổ hợp tác của các chuỗi cung ứng quốc tế hoặc các công ước quốc tế có quy định rất chặt chẽ về vấn đề này.

Ông Phillip - Giám đốc dự án NIRF Văn phòng Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) Việt Nam nhấn mạnh, quấy rối tình dục là mối nguy khiến cho quyền con người không được đảm bảo. Vì vậy, đại diện ILO khuyến nghị Việt Nam nên đưa bộ quy tắc này vào ứng dụng càng sớm, càng tốt.

"Tất cả mọi người trong xã hội đều có vai trò quan trọng trong việc phòng chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc", ông Phillip nói.

Khó xét xử các vụ án liên quan quấy rối tình cục nơi làm việc

Ông Đoàn Xuân Trường - Đại học Luật Hà Nội chia sẻ thực tế, các vụ quấy rối tình dục tại nơi làm việc diễn ra khá nhiều nhưng lại khó có thể mang ra xét xử. Nhiều vụ việc khi được phơi ra ánh sáng thì việc xét xử cũng gặp nhiều khó khăn do không có chứng cứ pháp lý rõ ràng.

"Hiện nay dù vấn đề được đề cập trong Luật và nghị định nhưng luật lại chưa quy định rõ ràng được các hành vi cụ thể về quấy rối tình dục tại nơi làm việc vì thế khó cho việc xét xử. Còn nếu chỉ dựa trên bộ quy tắc không phải văn bản quy phạm pháp luật chỉ mang tính chất khuyến nghị", ông Trường nói.

Mặc dù vậy, ông Trường vẫn cho rằng Dự thảo bộ quy tắc phòng chống quấy rối tình dục nơi công sở sửa đổi rất quan trọng và cần ban hành sớm. Bởi vì nó là cơ sở để người sử dụng lao động tham khảo xây dựng quy định về phòng chống quấy rối tình dục nơi làm việc.

quấy rối tình dục nơi làm việc

Làm tốt công tác phòng chống quấy rối tình dục nơi làm việc sẽ góp phần tạo môi trường làm việc an toàn, nâng cao năng suất lao động. Ảnh: M.H

Theo ông Trường, vì đây là chủ đề nhạy cảm, nên các văn bản pháp luật chỉ đưa ra cách thức nhận diện chung, trách nhiệm của doanh nghiệp là phải cụ thể hóa các hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc, biện pháp xử lý, cách thức bảo vệ nạn nhân...

"Bộ quy tắc cũng sẽ góp phần nâng cao thương hiệu, năng suất lao động, tạo sự phát triển. Quan trọng hơn nó sẽ làm thay đổi nhận thức của người lao động và doanh nghiệp trong việc phòng chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc", ông Trường nói.

Hiện nay, khoản 9 điều 3 Bộ Luật lao động năm 2019 và khoản 1 điều 84 Nghị định 145/2020/NĐ-CP có quy định về các hành vi có tính chất tình dục; ngụ ý tình dục, liên quan đến tình dục và quy định cả các hành vi gồm quấy rối tình dục trao đổi hoặc quấy rối tình dục không trao đổi. Các điều khoản này cũng xác định người thực hiện hành vi và nạn nhân của quấy rối tình dục.

Nạn nhân có thể người lao động; người học nghề; thử việc; khách hàng, đối tác; quản lý người đại diện doanh nghiệp... làm việc trong doanh nghiệp.

"Để xác định một hành vi có bị xem là quấy rối tình dục nơi làm việc hay không có thể xác định rõ dựa trên việc phân tích đúng các khái niệm: Quấy rối - tình dục -nơi làm việc. Ví dụ thế nào là hành vi quấy rối? thế nào là tình dục, ngụ ý tình dục? thế nào là nơi làm việc?", ông Trường nói.

Chỉ khi xác định được rõ 3 điều này thì mới có căn cứ để nhận diện hoặc xử lý các hành vi quấy rối tình dục nơi làm việc.

Hiện nay, Bộ LĐTBXH đã lấy ý kiến, dự thảo Quy tắc, phòng chống quấy rối tình dục đang được hoàn thiện. Khả năng từ giờ tới cuối năm, dự thảo sẽ được trình ra Uỷ ban Quan hệ lao động để phê duyệt.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem