Sau khi tốt nghiệp Trường Trung cấp kinh tế Đà Nẵng, anh Nguyễn Thành Trì làm kế toán cho một công ty ở thành phố. Khác với giới trẻ hiện nay chỉ mong muốn tìm được công việc ổn định, sau một thời gian, anh Trì lại muốn về quê “gieo” niềm hy vọng phát triển mô hình trồng cà phê, tiêu theo phương pháp hữu cơ vi sinh...
Chia sẻ về lý do rời phố trở về miền đất đỏ Bazan, anh Nguyễn Thành Trì tâm sự: “Đó là những lần mình sang nhà bác ruột chơi, thấy các cây trồng, cụ thể là cây tiêu của bác đều dùng thuốc trừ sâu sinh học. Vừa lạ mà hay, khi thấy bác dùng những loại thuốc được chế biến từ ớt, tỏi, riềng...không những kháng bệnh rất tốt trên cây cà phê, tiêu mà còn cho năng suất vượt trội nên mình thấy mê, rồi theo lúc nào không hay”.
Anh Trì (phải) đang trao đổi kinh nghiệm trồng tiêu theo phương pháp hữu cơ vi sinh với đối tác.
Không tiền bạc, không đất đai, anh Trì phải vay mượn gia đình, bạn bè và nguồn vốn vay thêm từ chính sách ưu đãi của ngân hàng. Khi đã có vốn, từ “nung nấu” ý tưởng, anh bắt tay ngay vào việc phát triển nông nghiệp hữu cơ vi sinh trên chính mảnh đất đỏ bazan quê hương. Bỏ lại sau lưng những lời đàm tiếu, chê bai anh vẫn quyết tâm dành tất cả tiền của vay được mua lại 3ha tiêu xen cà phê sắp chết để thực hiện những ý tưởng của mình. Thấy anh mua lại vườn tiêu còi cọc, sắp chết chỉ còn chờ ngày “trắng trụ”, nhiều người đã cho rằng anh là đồ dở hơi, người ta bán đi không được mình lại rước thêm “của nợ” về nhà.
Tuy nhiên, chính 3ha cà phê xen tiêu mà người dân xem là “của nợ” lại khiến anh trở thành tỷ phú sau 2 năm khởi nghiệp, thực hiện ý tưởng trồng cà phê, tiêu theo phương pháp an toàn sinh học...Hiện tại, người dân trong làng đang “phát sốt” với vườn cà phê xen tiêu sắp chết mà ngày nào anh Nguyễn Thành Trì "rước về". Vườn cà phê xen tiêu "của nợ" qua bàn tay chăm sóc và công sức, vốn đầu tư của anh Trì bỗng nhiên tốt tươi,“đính chi chít”quả từ gốc đến ngọn. Nếu nhìn vào vườn, người ta tuyệt không thấy một dấu hiệu bệnh tật nhờ bí quyết chăm sóc đặc biệt của anh. Những người gọi anh là đồ dở hơi ngày nào, giờ lại đến tận nhà anh để học hỏi kinh nghiệm.
"Để cây cà phê phát triển đạt năng suất cao thì người trồng phải bổ sung nhiều phân chuồng thì cây mới ra nhiều cành, trái mới to được..." anh Trì nói.
Những năm vừa qua, không ít vườn tiêu ở các huyện, thị “đua nhau” chết trắng, tuy nhiên vườn tiêu của anh Trì vẫn xanh tốt, không một dấu hiệu còi cọc, kém phát triển. Theo anh Trì, để tiêu phát triển tốt không sâu bệnh phải tránh xa các loại thuốc hóa học và tăng cường sử dụng các loại thuốc sinh học được chế biến từ tỏi, ớt, riềng... "Thói quen trồng và chăm sóc tiêu của người dân là mùa mưa mới điều trị và chỉ khi đã nhiễm bệnh mới điều trị. Lúc này sẽ không thể kịp vì tốc độ lây lan bệnh trên cây tiêu rất nhanh. Vậy nên, trước mùa mưa bà con nên xới bồn để không bị lớp váng bám trên bề mặt đất làm cây tiêu chậm phát triển...", anh Trì chia sẻ.
“Ngoài ra, mọi người cần lưu ý, khi trồng theo phương pháp hữu cơ vi sinh, phải đặc biệt ưu tiên phân chuồng quế để tăng độ mịn cho đất. Cải tạo đất tốt, thì cây trồng cà phê, cây tiêu phát triển, năng suất mới hiệu quả”, anh Trì nhấn mạnh.
Từ một người hiểu về nông nghiệp rất lơ mơ, nhờ niềm đam mê làm...nông dân, đến nay anh Trì đã nắm trong tay toàn bộ cách thức chăm sóc cũng như đặc tính của cây cà phê, cây tiêu, phương thức trồng cà phê xen tiêu theo con đường nông sản sạch. Khởi nghiệp gần như từ con số 0, không tiền bạc, không kinh nghiệm, không đất đai...nhưng chỉ sau 2 năm bôn ba, lăn lộn và chịu khó học hỏi, giờ đây trai kế toán Nguyễn Thành Trì đã sở 1 hữu trang trại rộng với 8ha đất. Trong đó, anh Trì trồng 5.000 cây cà phê, 1.500 gốc chanh dây và 2.500 trụ tiêu, mỗi năm anh thu về hơn 1 tỷ đồng, sau khi đã trừ chi phí.
Ngoài tiêu và cà phê anh Trì còn trồng thêm 1.500 gốc chanh dây và cũng canh tác theo tiêu chuẩn hữu cơ vi sinh.
Song song với việc "chân lấm tay bùn" từ niềm đam mê với nông nghiệp, trai kế toán Nguyễn Thành Trì đang gây dựng một doanh nghiệp chuyên cung cấp các sản phẩm sinh học cho bà con sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, anh Trì còn hướng dẫn cho bà con hạn chế dùng thuốc bảo vệ thực vật hóa học và làm quen với việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học chế biến từ chính những thực phẩm xung quanh nhà như tỏi, ớt, riềng...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.