Cả nước xảy ra 179 vụ cháy rừng, thiệt hại giảm 68%

Khương Lực Thứ bảy, ngày 19/12/2020 20:15 PM (GMT+7)
Số liệu cập nhật mới nhất từ Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT) cho thấy, tính đến 30/11/2020, cả nước đã xảy ra 179 vụ cháy rừng, giảm 92 vụ (giảm 35%) so với cùng kỳ năm 2019. Diện tích thiệt hại do cháy là 645 ha, giảm 1.331 ha (giảm 68%) so với cùng kỳ năm 2019.
Bình luận 0

Năm 2020, thời tiết nắng nóng, hanh khô, hạn hán kéo dài xảy ra ở nhiều khu vực trên toàn quốc, đặc biệt tại khu vực phía Bắc và miền Trung, Nam Bộ tình trạng nắng nóng bất thường kéo dài 15-20 ngày liên tục. Nhiệt độ có nơi trên 400C, gió Tây Nam cấp 5 – 6. Tuy nhiên, diện tích rừng bị thiệt hại do cháy rừng được giảm đến mức thấp nhất.

Nhiều áp lực để giữ rừng xanh

Tại Nghệ An, cùng với gió Lào, khí hậu khắc nghiệt nắng nóng cao độ kéo dài. Trong khi đó, đời sống kinh tế xã hội của đại bộ phận người dân sống gần rừng và ven rừng còn gặp nhiều khó khăn, thiếu công ăn việc làm ổn định. 

Thiếu đất canh tác nông nghiệp, vì vậy tạo nên những áp lực lớn cho công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng nói chung và công tác phòng cháy, chữa cháy rừng nói riêng.

Rừng thiệt hại do cháy năm 2020 là 645 ha, giảm 68% - Ảnh 1.

Bất lợi thời tiết khiến việc dập tắt hoàn toàn đám cháy thật sự khó khăn. Ảnh: Ngọc Thọ

Tỉnh Nghệ An có tổng diện tích tự nhiên 1.648.141,22 ha, trong đó diện tích đất lâm nghiệp chiếm 70%, diện tích đất có rừng: 965.056,87 ha (rừng tự nhiên 784.339,69 ha, rừng trồng 180.717,18 ha); đất chưa có rừng thuộc quy hoạch lâm nghiệp 270.901,59 ha (bao gồm 31.718,25 ha rừng trồng chưa thành rừng). 

Tỷ lệ che phủ rừng đạt 58,5%. Rừng phân bố trên địa bàn 376 xã thuộc 21 huyện, thành, thị.

Vùng rừng có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao tập trung 27.353 ha rừng trồng là loài cây có tinh dầu, dễ cháy bao gồm: rừng thông thuần loài (16.344 ha); rừng thông hỗn loài (3.809 ha); rừng hỗn giao bạch đàn (7.200 ha) và hơn 216 ngàn ha rừng nghèo kiệt, tre nứa tại các huyện miền núi tỉnh Nghệ An.

Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Nghệ An, trong năm 2020 cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương các cấp và các lực lượng chức năng đã có nhiều cố gắng, nỗ lực, quyết tâm trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng. 

Tuy nhiên, do là một tỉnh diện tích rừng lớn, khí hậu khắc nghiệt, nguy cơ cháy rừng thường xuyên báo động IV, cấp V cấp nguy hiểm và cực kỳ nguy hiểm, do đó trong năm toàn tỉnh vẫn xảy ra 48 vụ cháy rừng.

Trong đó, 21 vụ cháy thiệt hại đến rừng và 27 vụ cháy không gây thiệt hại đến rừng, đối tượng rừng bị cháy chủ yếu là rừng trồng thông nhựa và rừng tự nhiên tre nứa nghèo kiệt. Tổng diện tích bị cháy là 122,38 ha, diện tích rừng bị thiệt hại, không có khả năng phục hồi là 44,75 ha. Trong năm, các lực lượng chức năng đã điều động 10.149 lượt người tham gia chữa cháy.

Trong công tác phòng cháy chữa cháy rừng, tỉnh Nghệ An xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, trong đó lực lượng Kiểm lâm các cấp đóng vai trò nòng cốt tham mưu.

Rừng thiệt hại do cháy năm 2020 là 645 ha, giảm 68% - Ảnh 2.

Tỉnh Nghệ An xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, trong đó lực lượng Kiểm lâm các cấp đóng vai trò nòng cốt tham mưu. Ảnh Cảnh Thắng.

Đồng thời, chỉ đạo thực hiện tốt phương án phòng cháy chữa cháy rừng theo đúng phương châm 4 tại chỗ. Trong đó tập trung biện pháp canh phòng lửa rừng, kiểm soát người ra vào rừng; xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật phòng cháy chữa cháy rừng như: đường băng cản lửa; bảng biển nội quy sử dụng lửa, Biến báo, biển cấm lửa; thu dọn vật liệu cháy trong rừng và ven rừng…

Xây dựng hệ thống thông tin cảnh báo cháy rừng từ địa bàn cơ sở đến ban chỉ huy phòng cháy chữa cháy rừng các cấp, chủ rừng đảm bảo thông tin thông suốt, tiếp nhận và xử lý nhanh các tình huống cháy rừng xảy ra ngay tại tại địa bàn cơ sở; tổ chức lực lượng dập tắt các đám cháy khi đám cháy còn nhỏ.

Cùng với đó là việc quản lý chặt chẽ diện tích đất rừng sau khi bị cháy. Đối với diện tích rừng thông nhựa nếu bị cháy do đốt rừng cố ý, thì sau khi bị cháy không được khai thác gỗ và trồng các loại cây trồng khác, chỉ được trồng lại diện tích rừng thông, nhằm triệt tiêu mục đích việc đốt rừng.

Đối với các chủ rừng không làm tốt công tác phòng cháy chữa cháy rừng thì tham mưu thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sử dụng rừng. Đối với diện tích đất không có rừng, người dân có nhu cầu phát dọn để trồng rừng hoặc là đốt làm đồng cỏ chăn nuôi, đốt trồng cây rành thương mại, thì hướng dẫn người dân phát đốt, làm đường băng xử lý thực bì đảm bảo an toàn, không cháy lan vào rừng.

Đề xuất đề án phòng cháy, chữa cháy rừng

Để ứng phó và giảm thiểu tác hại do cháy rừng, trong năm 2020, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT) đã duy trì dự báo và thông tin cấp cháy; phối hợp với Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương hàng tuần cung cấp thông tin dự báo thời tiết 7 ngày cho các địa phương biết để có phương án phòng cháy, chữa cháy rừng.

Rừng thiệt hại do cháy năm 2020 là 645 ha, giảm 68% - Ảnh 3.

Các lực lượng tham gia diễn tập phòng cháy chữa cháy rừng tại Hòa Bình năm 2019. Ảnh Trần Quang.

Đồng thời, phối hợp với các cơ quan truyền thông phát bản tin cảnh báo nguy cơ cháy rừng và cập nhật, xử lý thông tin cảnh báo nguy cơ cháy rừng, điểm cháy từ vệ tinh lên trang Website của Cục Kiểm lâm để các địa phương chủ động theo dõi.

Khi có cháy rừng xảy ra, Cục Kiểm lâm cùng các địa phương đã tổ chức huy động hàng nghìn lượt người tham gia chữa cháy gồm các lực lượng: Kiểm lâm, Công an, Quân đội, Dân quân tự vệ, chủ rừng và người dân tại địa phương.

Tuy nhiên, theo Chi cục Kiểm lâm Nghệ An, các vụ cháy rừng có dấu hiệu do đốt rừng cố ý, thường đốt vào các thời điểm nhạy cảm vào buổi trưa, vào ban đêm, lúc thời tiết cực kỳ nắng nóng, gió phơn Tây Nam thổi mạnh, các điểm hình thành cháy rừng ở vị trí trên cao, che.

Đặc biệt, khi nắng nóng cao độ, trên địa bàn tỉnh Nghệ An cùng lúc xảy ra nhiều vụ cháy, do vậy lực lượng chữa cháy không đủ quân số, cũng như phương tiện để ứng cứu chữa cháy rừng. Việc huy động lực lượng tổ chức chữa cháy rừng gặp nhiều khó khăn do nguồn kinh phí để chi trả cho lực lượng này chưa được bố trí, phân bổ.

Để khắc phục những khó khăn trên, Tổng cục Lâm nghiệp đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo xây dựng và phê duyệt dự án nâng cao năng lực phòng cháy, chữa cháy rừng của địa phương. Đồng thời, đề nghị Bộ NNPTNT cho phép xây dựng và triển khai Đề án phòng cháy, chữa cháy rừng giai đoạn 2021 – 2025.

Với vai trò là lực lượng nòng cốt trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, trong mùa khô 2020-2021, Kiểm lâm sẽ tập trung chỉ đạo các chủ rừng xây dựng, rà soát phương án phòng cháy, chữa cháy rừng, rà soát các vùng trọng điểm cháy để có phương án xử lý kịp thời, tránh bị động.

Ứng dụng khoa học, công nghệ thông tin trong giám sát, phát hiện cảnh báo cháy rừng

Việc ứng dụng cảnh báo sớm các điểm cháy rừng các điểm cháy rừng thông qua Website: kiemlam.org.vn của Cục Kiểm lâm đã phát huy hiệu qua thực tế nó mang lại, giúp cho cơ quan chuyên môn phát hiện sớm các đám cháy qua đó chủ động được công tác huy động lực lượng, phương tiện chữa cháy rừng tại các vụ cháy, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra.

Đồng thời, việc ứng dụng lắp đặt camera quang học trên các chòi canh lửa tại một số địa bàn như: Nghi Lộc, Quỳnh Lưu, Diễn Châu đã giúp phát hiện sớm các điểm cháy rừng, giúp cho các lực lượng chữa cháy có thể dễ dàng kiểm tra, quan sát diện tích rừng trong phạm vi camera quan sát từ đó nâng cao hiệu quả trong công tác phòng cháy chữa cháy rừng. Chi cục Kiểm lâm Nghệ An.

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem