Đám cháy rừng "chưa từng có" khiến kiểm lâm Nghệ An nghĩ đến vẫn rùng mình

Nhóm PV BMT Thứ năm, ngày 20/08/2020 07:30 AM (GMT+7)
Tháng 8, những cơn mưa đầu tiên xuất hiện trên địa bàn tỉnh Nghệ An chẳng khác nào những giọt nước “vàng” xua tan tâm lý căng thẳng của những cán bộ kiểm lâm. Trong ký ức của những người làm công tác bảo vệ rừng, đám cháy rừng khủng khiếp vào cuối tháng 6/2020 là “chưa từng có”…
Bình luận 0

Đối đầu với "giặc lửa"

Trong trí nhớ của ông Lê Minh Nguyên - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Diễn Châu (tỉnh Nghệ An), ngọn lửa khởi phát từ 13h30 phút ngày 26/6, ban đầu ở khu vực Rú Bạc (thuộc xã Sơn Thành, huyện Yên Thành) sau đó do gió phơn Tây Nam thổi mạnh đã lan cả sang diện tích rừng tại xã Diễn Lợi và xã Diễn Phú, huyện Diễn Châu (tỉnh Nghệ An).

Ngay sau đó cả nghìn lượt người gồm quân đội, công an, kiểm lâm, nhân dân đã lao lên rừng dập lửa.

Đêm trắng, đổ máu ngăn những cánh rừng cháy đỏ   - Ảnh 2.

Vụ cháy rừng ở xã Diễn Phú diễn ra từ ngày 26 đến 28/6 mới được khống chế.

"Bản thân tôi cũng cùng anh em túc trực 24/24h, không tắm gội luôn. Mình ở hiện trường dập lửa nhưng vợ con ở nhà cũng như ngồi trên đống lửa" - ông Nguyên nói.

Kiểm lâm Nghệ An và cuộc chiến giữ rừng - Ảnh 2.

Hơn 20ha rừng sau vụ cháy này đã không thể phục hồi được.

Ông Trần Minh Hạnh - Chủ tịch UBND xã Diễn Phú (huyện Diễn Châu) kể: "Đám cháy đầu tiên xuất phát từ địa bàn xã Sơn Thành rồi lan sang xã Diễn Lợi và Diễn Phú. Ngay sau khi xảy ra đám cháy, xã Diễn Phú đã phải huy động mọi nguồn nhân lực hiện có tiếp sức giúp xã Sơn Thành. Bản thân tôi cũng chưa từng thấy đám cháy nào lan nhanh như vậy, chẳng mấy chốc đã lan sang địa phận rừng xã Diễn Phú".

Đợi chờ ý thức người dân

Ông Lê Minh Nguyên kể tiếp: "Đám cháy vừa qua xảy ra trên khu vực Rú Bạc, đây là khu vực đồi núi cao, dốc thẳng đứng do đó nhân lực tiếp cận hiện trường đám cháy cực kỳ khó khăn. Quãng đường xa quá, nhiều người vừa leo lên tới khu vực cháy thì đã kiệt sức. Có thời điểm, chúng tôi đã phải uống cả phần nước trong can nhựa dùng để chữa cháy rừng để tạm thời cầm hơi dập lửa".

Video người trong cuộc kể lại vụ cháy rừng tại Yên Thành, Diễn Châu (tỉnh Nghệ An).

Trực tiếp có mặt tại hiện trường những ngày chữa cháy, ông Lê Mạnh Hiên - Phó Chủ tịch UBND huyện Diễn Châu cho biết: "Riêng thiệt hại do đám cháy rừng ở xã Diễn Lợi rất lớn, với hơn 70ha rừng thông 5 năm tuổi và rừng keo 3 tuổi bị cháy trụi. Có tới 20ha rừng thông bị cháy không có khả năng phục hồi. Huyện huy động hơn 1.500 người gồm nhiều lực lượng tham gia dập lửa mà mất tới mấy ngày".

Kiểm lâm Nghệ An và cuộc chiến giữ rừng - Ảnh 4.

Những thân cây thông to đã bị cháy đen.

Chủ rừng Đặng Khắc Phong (xóm 9, xã Diễn Phú) nhớ lại: "Từ bé tới lớn, tôi chưa từng thấy đám cháy nào khủng khiếp như vậy. Lúc đầu, tôi còn sang xã Diễn Lợi để phụ giúp dập lửa. Thế rồi khi chính quyền xã dự đoán khả năng đám cháy sẽ nhanh chóng lan sang xã Diễn Phú, chúng tôi lại kéo người về nhà. Đúng như dự đoán, đám cháy đã bén tận khu rừng của tôi được giao quản lý. Rất may, nhờ có khe nước nhỏ, tạo đường băng cản lửa mà thiệt hại do đám cháy gây ra cho rừng của tôi không nhiều. Qua vụ cháy đó, tôi rút ra nhiều bài học trong việc phòng chống cháy rừng".

"Có thể nói, khi mà nỗi lo phá rừng đã nguôi, thì tình trạng cháy rừng gây ra rất nhiều thiệt hại và hệ lụy lâu dài. Biện pháp hiệu quả nhất vẫn là huy động toàn xã hội, đặc biệt là người dân vào việc phòng chống cháy rừng. Khi ý thức của người dân được nâng cao thì sẽ hạn chế tối đa các nguyên nhân phát sinh cháy rừng..." - ông Nguyễn Mạnh Cường - Phó Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Nghệ An nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem