Cần ít nhất 75.000 tỷ đồng để thực hiện mục tiêu giảm nghèo đến năm 2025

Hồng Ngọc - Thùy Anh Thứ tư, ngày 19/01/2022 15:24 PM (GMT+7)
Ngày 18/1, Thủ tướng chính phủ quyết định phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 với ngân sách tối thiểu 75.000 tỷ đồng
Bình luận 0

Cụ thể, trong quyết định vừa phê duyệt, mục tiêu tổng quát là giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống; hỗ trợ các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn.

Các chương trình, dự án cụ thể được kỳ vọng giúp công tác giảm nghèo giai đoạn tới đạt nhiều thành tựu, khắc phục hạn chế giai đoạn trước.

Các chương trình, dự án cụ thể được kỳ vọng giúp công tác giảm nghèo giai đoạn tới đạt nhiều thành tựu, khắc phục hạn chế giai đoạn trước. Ảnh minh họa: Dư Đông

Về mục tiêu cụ thể, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều duy trì mức giảm 1-1,5%/năm; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3%/năm; 30% huyện nghèo, 30% xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK) vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn. Giảm tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo từ 4-5%/năm.

Về kết quả và chỉ tiêu chủ yếu cần đạt được đến năm 2025 là phấn đấu giảm 1/2 số hộ nghèo và hộ cận nghèo so với đầu kỳ theo chuẩn nghèo đa chiều của quốc gia; 100% các huyện nghèo, xã ĐBKK vùng bãi ngang ven biển và hải đảo được hỗ trợ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội liên kết vùng.

Theo đó, tổng nguồn vốn thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 tối thiểu 75.000 tỉ đồng. Trong đó, vốn ngân sách trung ương là 48.000 tỷ đồng. Vốn ngân sách địa phương là gần 12.700 tỷ đồng, còn lại là huy động các nguồn lực hợp pháp khác.

Ước tính tại thời điểm tháng 01/2022, cả nước có khoảng 16,6% hộ dân cư có thu nhập dưới mức sống tối thiểu

Ước tính tại thời điểm tháng 01/2022, cả nước có khoảng 16,6% hộ dân cư có thu nhập dưới mức sống tối thiểu. Ảnh minh họa: Mùa Xuân

Ước tính tại thời điểm tháng 01/2022, cả nước có khoảng 16,6% hộ dân cư có thu nhập dưới mức sống tối thiểu, tương ứng với khoảng 4,473 triệu hộ; trong đó, tỷ lệ hộ nghèo là 10,83%, tỷ lệ hộ cận nghèo là 5,77%.

Một số nơi có tỷ lệ hộ nghèo còn trên 40% như huyện Mường Nhé (Điện Biên) là 59,97%, huyện Nậm Pồ (Điện Biên) là 51,74%, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) là 42,21%, huyện Đồng Văn (Hà Giang) là 41,96%. Kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững tại một số địa phương; tỷ lệ tái nghèo, tỷ lệ hộ nghèo phát sinh còn cao do thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh, ốm đau…

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan chủ trì quản lý Chương trình, có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan và địa phương tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương chỉ đạo, tổ chức thực hiện Chương trình theo quy định; phối hợp với các bộ, ngành liên quan và các địa phương trình Thủ tướng Chính phủ quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình.

Trước đó, ngày 9/12/2021, Thứ Trưởng Lê Văn Thanh đã kí tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.

Chương trình được đánh giá cấp bách, cần thiết trong giai đoạn hiện nay bởi kết quả giảm nghèo vẫn chưa thực hiện xong. Nhiều huyện nghèo, xã vùng bãi ngang ven biển và hải đảo chưa thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn. Phần lớn hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo sinh sống ở vùng nông thôn, có sinh kế, thu nhập không bền vững, thiếu kỹ năng nghề nghiệp.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem