Căng mình chống xuất nhập cảnh trái phép ở nơi khắc nghiệt nhất vùng biên Quảng Ninh

Ghi chép của Nguyễn Quý Thứ tư, ngày 12/08/2020 07:00 AM (GMT+7)
Con đường vành đai biên giới từ huyện Bình Liêu đến Móng Cái (Quảng Ninh) những ngày đầu tháng 8 đẫm nước. Mưa lắc rắc cả ngày trên những bản làng từ Phai Lầu, Phạt Chỉ (Bình Liêu) đến bản Mốc 13 (Hải Hà), Pò Hèn, Thán Phún, Lục Phủ (Móng Cái). Đây là những địa bàn thuận tiện nhất cho các đối tượng xuất nhập cảnh (XNC) trái phép.
Bình luận 0

Ở chốt chống dịch cao nhất Quảng Ninh

Từ đầu từ tháng 2/2020, chốt kiểm soát phòng, chống Covid-19 ở mốc 1302 (thuộc quản lý của Đồn Biên phòng cửa khẩu Hoành Mô, Bình Liêu, Quảng Ninh) được lập. Khu vực mốc 1302 ở độ cao hơn 1.000m so với mực nước biển. Chỗ dựng chốt là nơi có vị trí quan sát thuận lợi, nhưng cũng là nơi thời tiết khắc nghiệt nhất.

Những ngày "đỏ lửa" chống Covid 19 trên biên giới Quảng Ninh - Ảnh 1.

Khu vực bản Mốc 13, nơi biên giới chỉ là một con suối nhỏ, thuận tiện cho các đối tượng XNC trái phép.

Để có nước sinh hoạt, Thiếu tá Nguyễn Đắc Đạt, Đội trưởng Đội Vũ trang (Chốt trưởng chốt 1302) đã cùng anh em phải đi bộ 2km, xuống con suối để tắm giặt, xách nước về dùng. Nhưng có lẽ, người lính Biên phòng ấy sợ nhất là khi gió to, lều bạt bị thổi bay xuống vực. 2 lần chốt bị gió thổi bay chỉ còn trơ lại chăn màn sũng nước, những đôi tay sưng phồng vì hơ lửa sưởi trong giá lạnh là những kỷ niệm khó quên với người cán bộ Biên phòng này.

Ngày 20/3/2020, trong lúc tuần tra biên giới tại thôn Bắc Cương, xã Hoành Mô, các chiến sỹ Đồn biên phòng cửa khẩu Hoành Mô phát hiện 33 người lạ mặt có biểu hiện nhập cảnh trái phép, qua đường mòn từ Trung Quốc về Việt Nam. Khi bị bắt giữ, nhóm người này khai họ là những người xuất cảnh trái phép đi lao động tại Trung Quốc, họ bị lực lượng chức năng nước này đẩy về qua đường mòn lối mở. Thời gian dài họ đã sống trong hoang mang, lo sợ dịch bệnh, hoặc bị cướp bóc, bắt giữ bên Trung Quốc.

Những ngày "đỏ lửa" chống Covid 19 trên biên giới Quảng Ninh - Ảnh 2.

Cách cột mốc 1364 (xã Bắc Sơn, Móng Cái) chỉ vài chục mét là Trấn Na Lương, Khu Phòng Thành - Quảng Tây (Trung Quốc).

"Dù từ ngày 20/3/2020 đến nay, tại huyện Bình Liêu chưa phát hiện thêm vụ việc xuất nhập cảnh trái phép nào, nhưng những ngày này, số lượng người nhiễm virus chủng mới COVID - 19 tăng đột biến, khiến việc chống dịch trở nên căng thẳng quyết liệt hơn bao giờ hết, chúng tôi quyết không lơ là" – Thượng tá Vũ Hồng Sơn, Đồn trưởng Đồn biên phòng cửa khẩu Hoành Mô, bày tỏ.

Rời Hoành Mô, chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình trên đường vành đai biên giới. Con đường uốn lượn đi qua nhiều đoạn có mây trắng vờn trên đỉnh núi. Như bản Phạt Chỉ, xã Đồng Văn (Bình Liêu), ở đây mùa đông có băng tuyết. Điều đó cản trở bà con sản xuất và trao đổi hàng hoá.

Nơi biên giới chỉ là bước chân qua suối

Những ngày "đỏ lửa" chống Covid 19 trên biên giới Quảng Ninh - Ảnh 3.

Bến Ngọc (thôn Lục Phủ, xã Bắc Sơn), nơi người lao động thường xuyên nhập cảnh trái phép về Việt Nam.

Gần 40 cây số đường biên đã qua, cửa khẩu Bắc Phong Sinh (xã Quảng Đức, huyện Hải Hà) đã hiện ra trước mắt. Khung cảnh cửa khẩu ảm đạm chưa từng thấy. Đã sang tháng 8 nhưng hoạt động biên mậu từ đầu năm đến nay gần như bất động. Cửa khẩu là nơi bà con vùng biên có thêm việc làm, đời sống đỡ vất vả hơn, nhưng nay vẫn im lìm do ảnh hưởng của dịch COVID – 19.

Nằm sát cửa khẩu Bắc Phong Sinh, chỉ cách biên giới Trung Quốc một con suối, bản Mốc 13 (xã Quảng Đức, huyện Hải Hà) là địa điểm thuận lợi để các đối tượng xuất nhập cảnh trái phép hoạt động.

Theo chân CBCS Đồn Biên phòng Quảng Đức đi tuần tra, kiểm soát các chốt chặn đường mòn, lối mở ở bản Mốc 13, mới hiểu thêm sự vất vả, gian nan của những người lính ở tuyến đầu biên giới, vừa làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, vừa chủ động, tích cực tham gia phòng, chống dịch.

Những ngày "đỏ lửa" chống Covid 19 trên biên giới Quảng Ninh - Ảnh 4.

Nhân dân 2 bên biên giới thôn Pò Hèn (Móng Cái) và thôn Thán Sản (Trung Quốc) thường có quan hệ thân tộc gắn bó, nhưng nhận thức vẫn còn nhiều hạn chế.

Thời tiết những ngày đầu tháng 8 trên biên giới liên tục có mưa, khiến cuộc sống sinh hoạt tại các chốt gặp nhiều khó khăn, nhưng CBCS vẫn ngày đêm bám trụ, nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.

Trung tá Lương Ngọc Thung, cán bộ kiểm soát hành chính Đồn Biên phòng Quảng Đức, người tình nguyện xung phong cắm chốt, chia sẻ: Ở các chốt khác của đơn vị đã khó khăn, nhưng tại đây còn khó khăn hơn nhiều. Từ đơn vị lên đến điểm chốt hơn 20km, mỗi tháng có đến 20 ngày mưa, không điện, không nước, không sóng điện thoại, quanh năm sương mù ẩm ướt. Cứ 3 ngày, chúng tôi lại thay phiên nhau gác chốt để về tắm giặt. Xác định nhiệm vụ của người lính biên phòng, nên CBCS trong đơn vị khắc phục mọi khó khăn, luôn sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ.

Theo Trung tá Trần Xuân Khánh, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Quảng Đức, nếu không bám sát địa bàn, thì người nhập cảnh trái phép dễ dàng lội qua đoạn suối nhỏ từ bên Trung Quốc sang Việt Nam, trà trộn vào người bản địa rồi bắt xe xuôi về Quốc lộ 18A, rồi di chuyển đến địa phương khác.

Những ngày "đỏ lửa" chống Covid 19 trên biên giới Quảng Ninh - Ảnh 5.

Chiến sỹ Đồn Biên phòng Pò Hèn tuần tra dọc bờ sông biên giới.

Như trường hợp ngày 26/6, tại khu vực mốc 1342(2)+200, bờ sông biên giới, thuộc bản Mốc 13, xã Quảng Đức, huyện Hải Hà, tổ tuần tra kiểm soát của Đồn Biên phòng Quảng Đức phát hiện 4 người (2 người lớn, 2 trẻ em) đang lội qua sông biên giới từ Trung Quốc về Việt Nam, tổ tuần tra đã yêu cầu nhóm người trên dừng lại để kiểm tra. 4 người này là một gia đình, do không thể sống cuộc sống chui lủi tại Trung Quốc nên đã tìm cách vượt sông biên giới về Việt Nam. Gia đình trên ngay lập tức được đưa về khu cách ly tập trung của huyện Hải Hà.

Căng mắt, căng tai phòng chống dịch

Tiếp giáp với thôn Thán Sản, Trấn Na Lương, Khu Phòng Thành - Quảng Tây (Trung Quốc), Đồn Biên phòng Pò Hèn được giao quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới tại địa bàn xã Hải Sơn, TP.Móng Cái.

Những ngày "đỏ lửa" chống Covid 19 trên biên giới Quảng Ninh - Ảnh 6.

Chốt kiểm soát mới được Đồn Biên phòng Bắc Sơn lập, tái khởi động những ngày căng mình chống “giặc” dịch.

Một trong những khó khăn lớn nhất của Đồn Biên phòng Pò Hèn trong việc kiểm soát người XNC trái phép, đó là địa bàn quản lý có nhiều đường mòn, lối mở dân sinh; sông biên giới có nhiều đoạn nước cạn nên người XNC trái phép có thể lội qua dễ dàng; nhân dân 2 bên biên giới có quan hệ thân tộc gắn bó, nhận thức của nhân dân còn nhiều hạn chế; cơ sở vật chất thiếu thốn, địa hình hiểm trở, khí hậu thời tiết khắc nghiệt, các vị trí đặt chốt gác cách xa nguồn điện, nguồn nước, nên việc thực hiện nhiệm vụ của chiến sỹ gặp nhiều khó khăn...

Đêm ở lại Đồn Biên phòng Pò Hèn lịch sử, Trung tá Nguyễn Thành Lê - Đồn trưởng – thỉnh thoảng lại cất tiếng thở dài. Không phải anh than thở về sự vất vả của các chiến sỹ đang làm nhiệm vụ tại 6 chốt dọc bờ sông biên giới, mà nỗi lo về dịch bệnh đang ngày càng hiện hữu.

Những ngày "đỏ lửa" chống Covid 19 trên biên giới Quảng Ninh - Ảnh 7.

Chiến sỹ Đồn BP Quảng Đức “ăn lán, ngủ rừng” chống dịch COVID 19.

"Chiều nay (3/8 – PV) lại thêm 21 ca dương tính với COVID–19 nữa rồi, chẳng biết đến bao giờ những con số kia mới chịu dừng lại, chú nhỉ! Anh em tớ chẳng thể làm gì hơn, ngoài việc căng mắt, căng tai, ngăn chặn dịch từ nơi tuyến đầu biên giới" – Trung tá Lê đăm chiêu nhìn ra màn đêm tối sẫm, nói.

Không tĩnh lặng như các vùng biên giới Pò Hèn, Hoành Mô, những ngày này, hầu như ngày nào Đồn Biên phòng Bắc Sơn (xã Bắc Sơn, TP.Móng Cái) cũng bắt giữ được đối tượng XNC trái phép. Thời điểm chúng tôi vừa đặt chân tới Bắc Sơn, nhiều chốt kiểm soát đang được lập, hoặc gia cố.

Chỉ huy Đồn cho biết, hầu hết các vụ bắt giữ người nhập cảnh trái phép là do lực lượng chức năng Trung Quốc đẩy người lao động Việt Nam về nước. Những người này đi lao động "chui", sau đó bị bắt giam rồi bị đẩy về biên giới.

"Họ bị đẩy về từ nhiều ngả, nhưng trong phạm vi Đồn Bắc Sơn quản lý thì những người nhập cảnh trái phép chủ yếu bị đẩy đến bờ sông, sau đó lên đò qua bên này sông về khu vực bến Ngọc (thôn Lục Phủ, xã Bắc Sơn, TP.Móng Cái). Nếu không chốt chặt khu vực này, các nhóm người nhập cảnh trái phép sẽ tỏa đi nhiều hướng, rồi có thể lọt về xuôi" – Trung tá Nguyễn Mạnh Thắng, chính trị viên phó Đồn Biên phòng Bắc Sơn, cho biết.

Xác định rõ nhiệm vụ "Chống dịch như chống giặc", đơn vị đã thành lập 8 chốt cố định, 4 chốt tạm trên bộ, 4 chốt tạm trên sông biên giới và 1 tổ cơ động. Qua 7 tháng chống dịch, Đồn Biên phòng Bắc Sơn đã bắt giữ, xử lý 159 vụ/598 người (585 người Việt Nam và 13 người Trung Quốc).

Những con số kia là kết quả của những ngày đêm dài không ngủ, lặn lội tuần tra ở những con suối, bờ sông, thôn khe bản ít người, hay trên những vách núi, đồi hiểm trở... Nói như Trung úy Quyền, người dẫn tôi đi suốt dọc biên giới xã Bắc Sơn: "Những ngày đầu chống dịch cũng khá mệt, giờ thì anh em quen rồi, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ phòng tuyến số 1 trong chống dịch".

(Còn nữa)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem