Theo PGS.TS.BS Dương Đình Toàn, Phó Trưởng khoa Khám xương khớp Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, tỷ lệ mắc các bệnh lý về cơ xương khớp hiện nay ngày càng gia tăng và có xu hướng trẻ hóa.
Bên cạnh tuổi tác và sự thay đổi thời tiết, thói quen sinh hoạt sai cách thì nguyên nhân dưới đây dẫn đến nhiều bệnh lý về khớp như thoái hóa khớp, viêm khớp... Nếu không từ bỏ ngay những thói quen xấu này, bạn có nguy cơ cao đối mặt với các bệnh lý xương khớp ngay cả trong độ tuổi còn trẻ.
Thói quen xấu: Sử dụng điện thoại quá lâu
Sử dụng điện thoại lâu tạo ra các nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến khớp tay, cổ và lưng. Ảnh: eHealth Magazine
Sử dụng điện thoại liên tục trong một thời gian dài sẽ dẫn đến tình trạng căng cơ vùng cổ và lưng. Khi cúi đầu, các cơ ở vùng cổ phải chịu áp lực lớn dẫn đến co thắt và đau nhức. Tình trạng này có thể lan rộng đến vai gáy gây ra cảm giác mệt mỏi, khó chịu.
Bên cạnh đó, sử dụng điện thoại bằng ngón tay cái và ngón trỏ quá lâu cũng dẫn đến căng cơ cổ bàn tay. Khi các cơ bị căng, người dùng sẽ cảm thấy đau mỏi, tê bì, thậm chí là khó cử động.
Để phòng ngừa các bệnh lý về xương khớp mãn tính, cần thay đổi thói quen như giữ thiết bị ngang tầm mắt, không cầm điện thoại quá lâu, thực hiện các bài tập làm giãn cơ vùng cổ và vai, luôn có ý thức trong việc sử dụng điện thoại.
Chế độ dinh dưỡng không khoa học
Do công việc quá bận rộn cùng muôn vàn áp lực cuộc sống khiến giới trẻ ngày nay không còn nhiều thời gian để chăm sóc bản thân, đặc biệt là trong vấn đề ăn uống. Thay vì tự tay chế biến những món ăn đầy đủ dinh dưỡng, họ thường lựa chọn thực phẩm chế biến sẵn và thực phẩm đóng hộp. Tuy nhiên, đằng sau sự tiện lợi ấy là một thực tế đáng buồn: sự thiếu hụt trầm trọng về giá trị dinh dưỡng.
Đa phần những loại đồ ăn nhanh và thực phẩm chế biến sẵn có nhiều axit béo no, chất bảo quản gây ảnh hưởng đến xương khớp và có thể gây tăng cân, tạo áp lực cho hệ thống xương khớp. Bên cạnh đó, chế độ ăn thiếu dinh dưỡng cũng có thể tăng nguy cơ loãng xương.
"Cần áp dụng chế độ ăn uống cân bằng, giàu canxi, vitamin D và các dưỡng chất cần thiết khác tốt cho sức khỏe của xương, xem xét bổ sung canxi nếu cần thiết và hạn chế ăn thực phẩm có đường và chế biến sẵn", bác sĩ Toàn cho biết.
Thói quen xấu: Lười vận động
Một trong những nguyên nhân chủ yếu gây ra các bệnh lý xương khớp ở người trẻ chính là thói quen ít vận động, nhất là những người có công việc đòi hỏi ngồi nhiều như công nhân hay nhân viên văn phòng.
Ít vận động kéo theo nhiều hệ lụy đối với sức khỏe tổng thể, nhất là nguy cơ thừa cân, béo phì do ăn vào mà không tập luyện. Béo phì làm tăng tải trọng cho các khớp đặc biệt là khớp gối, làm tăng nguy cơ viêm, thoái hoá khớp. Khi ít tập thể dục, cơ bắp cũng trở nên yếu đi, mật độ xương giảm và từ đó tăng nguy cơ gãy xương.
Theo lời khuyên của chuyên gia, để duy trì sức khỏe tốt, điều quan trọng là cần kết hợp chế độ ăn uống cân bằng và tham gia các hoạt động thể chất thường xuyên. Đặt mục tiêu tập thể dục cho bản thân với cường độ vừa phải, ít nhất 20 phút mỗi ngày, bao gồm các hoạt động như đi bộ, chạy hoặc bơi lội.
Nâng, bê vật nặng không đúng cách
Giới trẻ ngày nay thường có xu hướng coi nhẹ sức khỏe, đặc biệt là trong việc nâng vật nặng. Việc bê vật nặng không đúng cách tưởng chừng đơn giản nhưng lại tiềm ẩn nguy cơ gây ra các căn bệnh xương khớp nghiêm trọng, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống sau này. Khi nâng, bê vật nặng không đúng cách dễ làm căng cơ, bong gân, đặc biệt là ảnh hưởng đến đĩa đệm cột sống.
Để bảo vệ sức khỏe bản thân cần áp dụng nguyên tắc an toàn khi bê vật nặng. Giữ đồ vật gần người, giữ thẳng lưng, nâng bằng chân, tránh vặn người khi nâng. Nhờ sự trợ giúp của người khác khi cần phải nâng đỡ vật nặng.
Giày dép không phù hợp
Nhiều bạn trẻ thường bị thu hút bởi những loại giày dép hợp mốt mà ít chú trọng đến đến việc lựa chọn loại phù hợp với bản thân. Việc đi giày dép không đúng size, kiểu dáng hoặc chất liệu có thể gây ra những hậu quả xấu cho bàn chân và mắt cá chân.
Giày cao gót vốn được phái đẹp ưa chuộng. Tuy nhiên khi mang giày cao gót, các cơ ở cột sống thắt lưng và bắp chân phải hoạt động liên tục để giữ thăng bằng, dẫn đến tình trạng căng giãn quá mức. Có nghiên cứu chỉ ra rằng độ cao của đế giày cứ tăng mỗi 2,5cm thì áp lực lên bàn chân trước tăng 22 - 25%. Do đó mang giày cao 7cm, áp lực xương bàn phải chịu là 175% mức bình thường.
Bởi vậy tránh mang giày cao gót quá lâu, khi chọn mua giày dép cần chọn đúng kích cỡ, phần mũi giày không nên ép các ngón chân quá chật, chất liệu da giày nên mềm mại và không gây kích ứng.
Thói quen ngủ sai tư thế
Ngủ sai tư thế là một trong những thói quen sinh hoạt sai cách làm tăng bệnh khớp. Ảnh: The New York Times
Giấc ngủ tưởng chừng đơn giản nhưng lại đóng vai trò quan trọng đối với sức khoẻ. Tuy nhiên, nhiều người thường có thói quen ngủ sai tư thế, vô tình biến giấc ngủ thành "kẻ thù thầm lặng" âm thầm gây hại cho lưng và cổ. Ngủ sai tư thế trong thời gian dài có thể dẫn đến co cơ, gây ra các cơn đau nhức dai dẳng ở lưng và cổ. Không chỉ vậy, nó còn có thể khiến cột sống bị cong vẹo, ảnh hưởng đến tư thế và ngoại hình.
Để thay đổi được thói quen này, bác sĩ Toàn khuyên bạn sử dụng nệm và gối hỗ trợ để duy trì sự liên kết tự nhiên của cột sống, tránh nằm sấp khi ngủ và thực hành các kỹ thuật thư giãn trước khi đi ngủ để có tư thế ngủ tốt hơn.
Chấn thương do tập luyện quá mức
Khi một bộ phận cơ thể bị căng thẳng quá mức, lặp đi lặp lại trong một thời gian dài có thể gây ra chấn thương. Các biểu hiện bao gồm sưng đau, căng cơ hoặc tổn thương mô mềm. Nặng hơn có thể dẫn đến viêm gân, gãy xương.
Cần kết hợp và đa dạng hoá các hoạt động thể chất, tập luyện tăng dần cường độ và thời lượng, khởi động kỹ trước khi tập và luôn lắng nghe cơ thể để tránh tập luyện quá sức.
PGS.TS.BS Dương Đình Toàn nhấn mạnh bệnh lý về cơ xương khớp ở giới trẻ gây ra những ảnh hưởng tiêu cực cho sức khoẻ, suy giảm sức lao động và làm giảm chất lượng cuộc sống.
Những bệnh khớp đến sớm ở người trung niên và trầm trọng ở người có tuổi thường là là hệ quả của những thói quen xấu lúc trẻ. Do vậy khi xuất hiện các dấu hiệu đau nhức ở các khớp, việc chủ động đi khám để phát hiện và điều trị kịp thời là vô cùng quan trọng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.